Các món ăn đặc sản và cây trái Đồng Nai

Bài mới

  • Côn trùng "xấu lạ" thành đặc sản, khách "đổ mồ hôi" thưởng thức ở Đồng Nai Từ món ăn dân dã của người bản địa, dế cơm trở thành đặc sản lạ miệng có vị giòn rụm, béo ngậy, thơm ngon, hút khách tìm mua. Vào ...
    Được đăng 22:18 1 thg 11, 2022 bởi Pham Hoai Nhan
  • Khó cưỡng với mỹ nhân chem chép 'cưới' điều non tơ Sao mà ngọt thế nhỉ, ngọt lịm cả người, cái ngọt thanh tao của điều non hòa lẫn ngọt man mác chem chép. Cắn miếng điều bùi tan tơi nâng ...
    Được đăng 02:39 22 thg 8, 2019 bởi Pham Hoai Nhan
  • Thơm ngon chè bưởi xứ Tân Triều Cách thành phố Biên Hòa 7km, làng bưởi Tân Triều nằm ở xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai nổi tiếng với khung cảnh vùng quê thanh bình ...
    Được đăng 00:32 16 thg 8, 2019 bởi Pham Hoai Nhan
Hiển thị bài đăng 1 - 3trong tổng số 17. Xem nội dung khác »


Côn trùng "xấu lạ" thành đặc sản, khách "đổ mồ hôi" thưởng thức ở Đồng Nai

đăng 06:20 1 thg 11, 2022 bởi Pham Hoai Nhan   [ đã cập nhật 22:18 1 thg 11, 2022 ]

Từ món ăn dân dã của người bản địa, dế cơm trở thành đặc sản lạ miệng có vị giòn rụm, béo ngậy, thơm ngon, hút khách tìm mua. Vào mùa, dế cơm có giá khoảng 3.000 - 5.000 đồng/con tùy kích cỡ.

Nhắc đến ẩm thực Đồng Nai, ngoài những đặc sản nổi tiếng như gỏi cá Biên Hòa, canh chua lá giang, gà hấp bưởi,... thì không thể không kể tới món dế cơm chiên nước mắm trứ danh. Món ăn này không chỉ được người bản địa yêu thích mà còn thu hút cả du khách thập phương tới thưởng thức.

Được biết, dế cơm được xem như thứ "của ngon vật lạ" hấp dẫn tại vùng đất Long Khánh (tỉnh Đồng Nai). Trước đây, loài côn trùng này ít được biết đến, chủ yếu chỉ có bà con địa phương bắt về làm thức ăn. Ngày nay, chúng trở thành món nhậu khoái khẩu của giới sành ăn, được bán với giá thành cao, khoảng 3.000 - 5.000 đồng/con, tùy kích cỡ và chất lượng.

Dế cơm là món ngon dân dã ở Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) được thực khách gần xa yêu thích (Ảnh: Trung Lê).

Anh Đạt - một người địa phương có nhiều năm kinh nghiệm trong việc "săn" dế cơm cho biết, thời điểm loài côn trùng này sinh sản nhiều nhất là vào khoảng tháng 9, tháng 10 hàng năm. Sau những cơn mưa, người dân lại tranh thủ vào rừng và nương rẫy, hoặc tới các đồn điền cao su để bắt dế cơm.

Anh Đạt cho biết, dế cơm sống trong hang sâu dưới lòng đất. Có những hang dế dễ nhận biết vì xuất hiện phần đất được đùn lên cao ở miệng hang. Tuy nhiên, có những hang rất kín hoặc bị nước mưa làm xói mòn nên phải người có kinh nghiệm mới phát hiện được.

"Trước hang dế thường có một lớp đất mỏng lấp miệng lại để chống những loài côn trùng khác tấn công. Đặc biệt, muốn bắt được nhiều dế thì không nên vào rừng cao su, nơi rậm rạp cây cối và thiếu nắng vì đặc tính của dế cơm là thích ở những vùng có ánh sáng và cỏ mọc um tùm", anh Đạt chia sẻ.

Người dân địa phương cho biết, việc "săn" dế cơm khá khó khăn. Người ta phải dùng cọng cỏ gạo, nhúng vào xô kiến nhọt rồi thả xuống hang dế (Ảnh: Nhi Phạm).

Người đàn ông này cũng cho hay, để "săn" dế cơm, đầu tiên phải dùng ngón tay moi đất lên cho thông miệng hang. Sau đó dùng cọng cỏ gạo (hay còn gọi cỏ lá tre) nhúng vào xô kiến nhọt. Khi kiến bám vào cọng cỏ thì nhanh tay thả vào hang rồi lấp đất kín miệng hang lại. Chờ khoảng 30 giây hoặc một vài phút, dế cơm bị kiến cắn sẽ lập tức bật nhảy ra ngoài. Lúc ấy, người ta nhanh tay bắt dế.

Theo anh Đạt, việc sử dụng kiến nhọt để "câu" dế cơm cũng đòi hỏi kinh nghiệm và sự khéo léo. Bởi đây là loài kiến hung dữ, cắn rất nhức và đau.

"Kiến nhọt bò rất nhanh, chỉ cần đưa xuống đất là chúng tỏa khắp nơi để tìm kiếm con mồi. Nếu thả kiến vào hang ít quá thì không bắt dế cơm được vì loài dế này cũng rất hung dữ và sẵn sàng dùng đôi càng đạp mạnh để chống trả, tránh bị kiến cắn. Ngược lại, nếu thả nhiều kiến nhọt thì chúng sẽ cắn chết dế ngay dưới hang. Vậy nên cần đưa kiến vào hang với số lượng vừa phải (khoảng 30-40 con) để chúng cắn dế đủ đau, khiến dế phải nhảy ra khỏi hang", anh Đạt tiết lộ thêm.

Sở dĩ, dế cơm được ưa chuộng hơn các loại dế khác như dế than, dế lửa, dế tiêu… bởi chúng ăn cỏ nên rất sạch, thân hình béo mập, to và có hương vị thơm ngon đặc trưng (Ảnh: Trung Lê).

Trung bình, mỗi ngày, anh Đạt bắt được 100-150 con dế. Ngày cao điểm, anh có thể bắt được gấp đôi. Anh cho hay, đầu mùa, dế cơm khá đắt, khoảng 4.000 - 5.000 đồng/con. Vào mùa, giá rẻ hơn, giảm còn một nửa.

Theo nhiều người có kinh nghiệm, ngoài việc "săn" dế cơm khá kỳ công thì quá trình chế biến loại côn trùng này cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Sau khi bắt về, dế cơm được đem rửa sạch, bẻ đuôi rút ruột, cắt gọn phần cánh và hai cẳng chân sau.

Vì dế cơm khá to nên người ta thường nhồi thêm hạt lạc (đậu phộng) vào bụng chúng. Ở một số nơi, việc chế biến cầu kỳ hơn, người dân sẽ xay nhuyễn thịt, tẩm ướp gia vị vừa ăn rồi bọc quanh hạt lạc rang trước khi nhồi vào bụng dế. Công đoạn này cũng cần có kinh nghiệm, tránh làm bụng dế cơm bị nứt, rách, ảnh hưởng đến chất lượng món ăn.

Dế cơm sống dưới lòng đất, rất khó nuôi nên giá thành cao và được giới sành ăn yêu thích (Ảnh: Nguyễn Thúy).

Dế cơm sau khi nhồi nhân lạc có thể chế biến thành nhiều món như chiên giòn, rang lá chanh, kho mặn,... nhưng ngon và được ưa chuộng nhất vẫn là dế cơm chiên nước mắm. Dế sơ chế sạch, tẩm ướp với nước mắm, thêm các nguyên liệu tỏi, ớt, hạt tiêu,... tùy thích. Chờ một lúc cho dế cơm ngấm đều các gia vị rồi đem chiên ngập dầu, đến khi chín vàng đều.

Dế chiên nước mắm có hương vị đậm đà, béo ngậy, ăn cùng cơm nóng rất hấp dẫn. Ngoài ra, món dế chiên giòn rụm hay rang lá chanh cũng được thực khách thập phương say mê.

Món dế cơm chiên giòn có màu vàng cánh gián, dậy mùi thơm nức mũi ăn kèm với lá lốt hoặc rau thơm, cà chua,... đều ngon (Ảnh: Út Loan).

Dế cơm có vị giòn rụm, béo ngậy đặc trưng nên được xem là món nhậu khoái khẩu của "cánh mày râu" (Ảnh: Trung Lê).

Món dế cơm chiên nước mắm được xem là ngon và hấp dẫn nhất, khiến cả người dân và thực khách thập phương đều say mê. Dế làm sạch, đem chiên trực tiếp trong dầu nóng rồi vớt ra, chuyển sang chảo khác để đảo cùng nước mắm, tỏi, ớt tùy thích. Món này ăn ngay khi nóng, thưởng thức cùng cơm trắng rất ngon.

Với nhiều người lần đầu thấy dế cơm thường có cảm giác "rùng mình", dè chừng, không dám nếm thử vì loài côn trùng này có vẻ ngoài xấu xí, kém hấp dẫn. Tuy nhiên, những ai từng thưởng thức đặc sản này lại thích thú bởi độ giòn rụm, vị đậm đà, béo ngậy của món ăn.

Dế cơm được sơ chế sạch, đóng gói vận chuyển tới nhiều tỉnh thành để phục vụ thực khách (Ảnh: Dat Le Van).

Từ món ăn dân dã của bà con địa phương, dế cơm giờ trở thành đặc sản được thực khách khắp các tỉnh thành săn đón. Không chỉ xuất hiện trong thực đơn của nhiều nhà hàng, quán ăn tại TP. Long Khánh, dế cơm còn được làm sạch, đóng gói để vận chuyển tới nhiều nơi, phục vụ giới sành ăn.

Thảo Trinh

Khó cưỡng với mỹ nhân chem chép 'cưới' điều non tơ

đăng 02:39 22 thg 8, 2019 bởi Pham Hoai Nhan

Sao mà ngọt thế nhỉ, ngọt lịm cả người, cái ngọt thanh tao của điều non hòa lẫn ngọt man mác chem chép. Cắn miếng điều bùi tan tơi nâng thêm dòn dai sần sật beo béo của chem chép, úi mèn ui, ai mà cầm lòng đậu.

Canh chem chép nấu điều non


Đồng Nai đất đỏ tươi rói rợp trời thướt tha mái tóc xanh mượt mà của giai nhân điều. Điều phải được bầu làm hoa hậu xứ bụi hồng mù trời này mới đúng.

Thường thiên hạ chỉ quý hột điều, quá lắm nhấm nháp chút chút trái điều cho đỡ khát khi buồn miệng. 

Thật ra phần khiêm tốn bị hất hủi vứt đi kia mới là nguồn cội bao món ăn hấp dẫn mê ly chẳng nơi nào có.

Qua tết, suốt tháng ba cho tới tháng sáu điều trổ bông kín cành, đơm trái lủng lẳng mọng nước. Khi ấy cũng vô mùa chem chép. 

Chem chép mình dài hơn nghêu, vỏ láng lẫy xanh rêu mướt vốn nổi danh khắp năm châu rồi, nhưng Phước An (Nhơn Trạch, Đồng Nai) từ lâu chính là cái nôi chem chép. 

Ghe chài sớm bốn năm giờ đã rộn ràng thúng mủng đầy vung chem chép mới bắt còn ướt nước sông, bùn sình lấm lem.

Mấy bà mấy chị xúm nhau lựa lẹ làng không kịp trả giá, mà giá cả gì nữa hàng tươi rói như vậy chậm chân hết sạch.

Chem chép tươi


Về nhà đầu tiên ngâm ngay vô ang nước vo gạo, rồi mới ra vườn hái điều. Điều nấu chem chép phải đúng điệu non tơ mới đậu cành cỡ bằng ngón tay út, láng lẫy màu đọt chuối, còn ngậm mủ bẻ nhẹ mủ ứa đầy tay y như sữa. 

Nhớn hơn tý thôi chẳng đặng mà nhỏ quá thì chưa có cơm cái đủ bề.

Lạ nhất điều non hái vô phải củi canh tưng bừng ngay, để lâu chừng hai ba tiếng lạt nhách lạt nhơ. 

Đun rơm rạ lửa phừng phừng, bắc nồi nước sôi ùng ục cho chem chép vô trước rồi mới rước mấy bé điều non tụ hội. 

Thấy cả chem chép lẫn điều nổi lên khiêu vũ xoay vòng vòng trên mặt nước là nhắc nồi xuống liền nêm xí nước mắm cốt, rắc ít tiêu sọ, rải nhúm hành hoa, ngò rí, rau răm.

Điều non


Đơn giản vậy thôi mà bát canh vừa bưng ra bàn, ôi chao mùi thơm nực nồng, thoang thoảng hương điều, nhè nhẹ như hơi đồng nội tràn ngập cả không gian. 

Nhìn thấy thèm liền, húp muỗng nhỏ nóng hôi hổi lập tức bao vị ngon lành ập trào dâng khắp tứ chi.

Sao mà ngọt thế nhỉ, ngọt lịm cả người, cái ngọt thanh tao của điều non hòa lẫn ngọt man mát chem chép. 

Cắn miếng điều bùi tan tơi nâng thêm dòn dai sần sật beo béo của chem chép, úi mèn ui, ai mà cầm lòng đậu.

Húp lia húp lịa phỏng lưởi phỏng miệng vẫn thấy ngon, hết sạch sành sành nồi ơ còn luyến tiếc chưa đã thèm. 

Chem chép nấu điều non phải ăn với bún mới ngon cơ. Bún quê cọng to đùng lành trớt lành trơ, lót tộ vài chú giá trắng bong bóc, muốn xí xọn thì lanh chanh đọt xoài, rau chóc xôm xốp, chuối bào lơ thơ mỏng mảnh.

Món quê dân dã vậy chớ chảnh chẹ lắm. Chén mắm ruốc, tương hột, tương ớt du côn nhào vô là hông được à nha. 

Chỉ duy nước mắm cốt le te dăm trái ớt cứt chuột cay xé lưỡi mới mong đình đám cùng nàng chem chép bé điều non.

Chem chép nấu điều non


Đôi nhà bày đặt thay điều non bằng điều già quả mọng đỏ vàng bắt mê, ấy vậy mà vừa nhập cuộc chưa đầy mấy giây xẹp lép, vô mùi vô vị liền. 

Âu món quái chiêu phải đúng thứ độc chiêu, điều non chát nhằn, đắng ngét nhưng qua nước sôi lửa bỏng lại thành bùi ngọt không nát không xìu ngộ hết chỗ nói.

Gặp bữa vắng chem chép, thay bằng tép bạc, tôm càng, cá út, cá lóc, sang hơn băm miếng thịt heo, thịt bò, xé gà giò lủ khủ bao bọc bé điều non. 

Cũng ngọt ngào thơm tho nhưng thua xa lúc điều non sánh đôi vừa lứa cùng mỹ nhân chem chép. Nước không trong không thanh, giống như Thanh Nga hát thiếu Thanh Sang, Lệ Thủy thiếu Minh Vương câu hò sàng xê kém phần mùi mẫn. 

Còn nàng chem chép thôi khỏi nói thiên hạ rước mời tấp nấp nào là nướng mỡ hành, phết phô mai, cháo chem chép, canh lá giang, canh bầu non… tùm lum tá lả. 

Nhưng có lẽ chỉ ai đã nếm qua chem chép nấu điều non mới nghiền mới thấm thía vị quê mùa chơn chất không sơn hào hải vị nào qua mặt nổi, dùng một lần thôi nhớ suốt đời.

Muốn ăn chem chép nấu điều non phải tới vườn điều, vì điều non lìa cành mà không được nhảy vô tô canh ngay sẽ chát ngắt. 

Âu nhược điểm của thứ kén bạn chọn mâm này sẽ lại là ưu thế quyến rũ khách phương xa tìm tới vương quốc điều bao la bát ngát, biết đâu ngày nào đó Phước An (Nhơn Trạch, Đồng Nai) sẽ được lừng lẫy cùng tên "xứ chem chép nấu điều non".

DƯƠNG VĂN MINH LỘC

Thơm ngon chè bưởi xứ Tân Triều

đăng 00:32 16 thg 8, 2019 bởi Pham Hoai Nhan

Cách thành phố Biên Hòa 7km, làng bưởi Tân Triều nằm ở xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai nổi tiếng với khung cảnh vùng quê thanh bình và những vườn bưởi sum suê trái như các loại bưởi: thanh trà, đường lá cam, bưởi xiêm, bưởi ổi, bưởi núm, bưởi thanh long, bưởi thanh dây, bưởi ổi…mỗi loại có một hương vị đặc trưng khác nhau. 


Đến Tân Triều mà chỉ ăn mỗi bưởi tươi Tân Triều thôi thì chưa tận hưởng hết vị ngon của nó. Bởi từ bưởi Tân Triều người ta chế biến ra rất nhiều món ăn ngon và độc đáo như gỏi bưởi, rượu bưởi, chè bưởi, nem bưởi, gà hấp bưởi… 


Chè bưởi được xem là đặc sản của làng bưởi Tân Triều, việc chế biến chè bưởi đòi hỏi phải kỳ công và sơ chế cẩn thận phần cơm bưởi. Vỏ bưởi sau khi được thái sẽ được ngâm nước muối khoảng 5 tiếng đồng hồ và xả qua nước lạnh cho thật sạch, vừa xả vừa bóp mạnh tay cho ráo để loại bỏ vị the đắng. Bắt sôi một nồi nước phèn chua, cho vỏ bưởi vào luộc trong vòng 10 phút. Dùng vợt lưới vớt ra rồi ngâm ngay vào nước lạnh để giữ cho vỏ bưởi được trắng và giòn. Chỉ cần chú ý làm kỹ khâu ngâm, xả và luộc vỏ qua nước phèn chua thì vỏ bưởi đã giảm được rất nhiều vị đắng. Nấu một nồi nước đường cùng với lá dứa, quấy bột năng với nước nguội. Chờ khi nước đường sôi thì tắt bếp, vớt bỏ lá dứa, rót bột năng vào từ từ, khuấy đều tạo độ sánh. Cho vỏ bưởi đã sên đường vào, đợi cho đến khi màu vỏ bưởi chuyển từ đục sang trong thì cho đậu xanh cà đã hấp chín vào. 


Ở những vùng khác, chè bưởi còn được thưởng thức lạnh bằng cách cho vào trong tủ lạnh hoặc cho đá vào để giải nhiệt vào mùa hè. Đậu xanh bùi bùi, vị béo của nước cốt dừa, miếng vỏ bưởi dai dai, giòn giòn, phát ra âm thanh sực sực mới chính là tính lôi cuốn, hấp dẫn của món chè bưởi. 


Nguyễn Yến

Trà hoa mai

đăng 06:03 2 thg 3, 2019 bởi Pham Hoai Nhan

Ngoài các loại trà làm bằng lá trà chính gốc, Việt Nam còn có nhiều loại trà thảo mộc khác, mà theo đông y đều là những vị thuốc. 


Có thể kể như trà hoa sim, trà hoa cúc, trà hoa lài, trà tim sen... Có một loại trà của một loài hoa mà chỉ dịp Tết Kỷ Hợi vừa qua lần đầu tôi được thưởng thức khi đến thăm thầy giáo cũ: trà hoa mai. Nước trà hoa mai vàng nhạt, mùi thơm thảo mộc nhẹ nhàng lâng lâng, vị hơi đắng một chút nơi đầu lưỡi nhưng ngọt lâu sau khi chiêu một ngụm dài. 

Thầy Nguyễn Xuân Kỳ là hiệu trưởng Trường trung học Ngô Quyền (Biên Hòa, Đồng Nai) những năm sau ngày thống nhất đất nước. Thầy hiền lành, nhân hậu, nên mãi sau những ngày thầy nghỉ hưu, học trò vẫn thường hay lui tới thăm viếng. 

Nhà thầy ở là ngôi nhà thờ tự rất xưa, chung quanh khoảng sân rộng với những gốc mai già có khi đến hàng trăm tuổi. Các kiểu mai nhà thầy, cắt làm bonsai không chê vào đâu được. Nhưng thầy chưa bao giờ đưa mai nhà thầy ra các điểm bán hoa kiểng. Nề nếp các nhà Biên Hòa xưa thường vẫn thế, gia sản thiên nhiên mấy đời ông bà để lại chỉ dành cho con cháu và khách đến chơi nhà ngắm nghía, tiêu dao. 

Đến thăm khách được mời tách trà nóng thơm phức, thầy khoe, đó là món trà hoa mai do chính tay thầy chế biến. Thầy cho biết, cách nay nhiều năm, tình cờ thầy đọc một tài liệu nói về các loại trà dược thảo, trong đó có trà hoa mai. Theo dược học cổ truyền, hoa mai vị ngọt hơi đắng, tính ấm, không độc; có công dụng giải thử sinh tân, khai vị tán uất, hóa đàm; thường được dùng để chữa các chứng bệnh như sốt cao, tức ngực, ho, hầu họng sưng đau, bỏng, lao hạch, chán ăn, chóng mặt... 

Học được bài thuốc, sẵn hoa rụng vàng rực sân vườn nhà mỗi mùa Tết đến, thầy bắt tay làm ngay món trà hoa mai. Thầy quét nhẹ sân nhà, gom hết hoa mai rụng, sàng sảy cho hết cát bụi, rửa hoa thật sạch, đem phơi vừa "dốt", xong "sao" lên (rang nhẹ xác hoa trên chảo nóng cho hoa khô lại và dậy mùi thơm). Chỉ đơn giản vậy thôi, rồi cho trà hoa mai vào nước sôi hãm lại chừng năm phút là uống được. 

Nghề chơi cũng lắm công phu, nên nói đơn giản vậy mà không phải vậy, những ấm trà đầu tiên thầy uống, thấy không thơm, chỉ có vị đắng ngòn ngọt. Mà nhìn tách trà cũng không đẹp, hoa mai chín rục không xòe nổi cánh. Thế là thầy lại mày mò thử pha trà hoa mai với nhiều cấp độ nóng khác nhau của nước sôi; và cả bình đựng trà, tách uống trà được làm bằng chất liệu gì thì trà hoa mai mới tỏa mùi thơm. 

Cho đến bây giờ, khi có được tách trà ngon trong tay, thầy đã rút ra được kinh nghiệm: trà hoa mai chỉ nên được pha với nước sôi 80 độ và phải hãm trà trong bình bằng sứ hoặc thuỷ tinh, tuyệt đối không được hãm trà trong bình nhôm như các quán cà phê bình dân hay làm. 

Với độ nóng đúng mực của nước sôi, hoa mai sao khô sẽ bung cánh nhẹ nhàng, những cánh mai vàng xoay xoay trong làn nước vừa nóng sẽ khiến người thưởng lãm thấy món trà ý vị hơn. Với chất liệu bình bằng sứ hoặc thuỷ tinh, nước trà hoa mai sẽ dậy mùi thơm đúng chất. Thầy hiệu trưởng của tôi lúc nào cũng là một nghệ sĩ như ngày xưa khi thầy điều hành, quản lý nhà trường một cách nhẹ nhàng điệu nghệ. Nay ngay đến món trà thầy chế biến cũng phải đạt đạo vừa đẹp lại vừa thơm.

BẠCH CÚC

Biên Hòa: Đặc sản ốc - Ẩm thực đêm hấp dẫn thực khách

đăng 02:58 17 thg 1, 2019 bởi Pham Hoai Nhan

Không phải ngẫu nhiên mà các món ăn được chế biến từ ốc được xem là những món ăn đặc sản, thu hút nhiều thực khách thưởng thức vào những ngày cuối tuần hay những buổi chiều tối đổi gió. 

Sau một ngày làm việc vất vả, trong buổi tối của khí trời se lạnh, không ít bạn trẻ lại thích rảo bước trên những con phố đã lên đèn, những quán cà phê với những điệu nhạc du dương hay những góc phố với các quán ăn vặt với những món ăn đa dạng, phong phú như níu chân du khách. 

Không cần chờ tới dịp ra biển, đến với Biên Hòa, du khách có thể lựa chọn cho mình và gia đình những quán ốc ngon hấp dẫn với giá cả bình dân. 

1. Quán ốc Hiếu Long 


Đây được xem là một trong những quán ốc ngon và nổi tiếng ở Biên Hòa. Quán tuy nằm trong hẻm, gần trường THPT Trấn Biên nhưng lại rất đông khách. Điều đặc biệt ở đây chính là cách chế biến và sự kết hợp nước chấm khá độc đáo, muối tiêu kèm với mỡ hành có thêm vị chanh giúp tăng khẩu vị cho thực khách. 

Quán Ốc Hiếu Long phục vụ đầy đủ các loại ốc như ốc len, ốc khế, ốc khế cho đến các món sò dương, sò lông nướng mỡ hành, ghẹ, cà na cháy tỏi, hào nướng phô mai, sò dẹo hấp xả, cháo hàu... 

Địa chỉ: số 109 Lý Văn Sâm, KP6, phường Tam Hiệp, TP. Biên Hòa, Đồng Nai
Giờ mở cửa: 17:00 - 23:00
Giá tham khảo: 50.000 đến 90.000 VNĐ 

2. Quán ốc 9 

Ngoài phục vụ các món ăn chuyên về hải sản, quán ốc 9 được xem là quán ốc ngon và nổi tiếng với món ghẹ rang muối. Cách chế biến cũng như nêm nếm của quán khá tốt, nên rất phù hợp với khẩu vị của nhiều thực khách. Bởi thế mỗi khi đêm xuống, quán ốc lúc nào cũng nhộn nhịp, tấp nập khách ra vào. 


Địa chỉ: 15/4A Hồ Văn Đại, P. Quang Vinh, TP. Biên Hòa, Đồng Nai
Giờ mở cửa: 16:00 - 22:00
Giá tham khảo: 50.000 đến 120.000 VNĐ 

3. Quán ốc 67 

Trước đây quán chỉ là sạp nhỏ bán ở ven đường gần Trường ĐH Lạc Hồng, hiện tại quán được xây dựng với không gian thoáng mát và rộng rãi hơn. Theo đánh giá của nhiều thực khách, ốc ở đây lúc nào cũng rất to và tươi, khi chế biến không hề bị bở như nhiều quán khác. Quán rất chú trọng đến chất lượng vệ sinh, nên các món ăn luôn được làm sạch sẽ, khi lên đĩa càng thêm hấp dẫn. 


Địa chỉ: Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, TP. Biên Hòa, Đồng Nai
Giờ mở cửa: 16:00 - 22:00
Giá tham khảo: 50.000 đến 80.000 VNĐ 

4. Quán Ốc Tô Bình Đa 


Quán Ốc Tô Bình Đa rất nổi tiếng và thu hút nhiều bạn trẻ đặc biệt là vào những dịp cuối tuần. Do quán nằm trên đường Võ Thị Sáu nên rất thuận tiện cho thực khách lên lịch hẹn với gia đình, bạn bè và cùng thưởng thức các món tươi ngon nơi đây. Ngoài những món cơ bản từ ốc, quán Ốc Tô Bình Đa còn có thêm nhiều món hấp dẫn khác như hến xào, sò dương, bắp xào, cút lộn xào me... 

Địa chỉ 1: số 32/5 Võ Thị Sáu, phường Thống Nhất, TP. Biên Hòa, Đồng Nai
Giờ mở cửa: 16:00 - 23:00
Giá tham khảo: 50.000 đến 100.000 VNĐ 

Ngoài những quán ốc nổi tiếng nêu trên, Biên Hòa còn rất nhiều quán ốc ngon và hấp dẫn thực khách như: các quán ốc ở chợ Tân Phong, quán ốc Hoa Tèo, quán ốc Thanh, quán ốc Phúc Lâm… đủ để thực khách chọn cho mình những địa chỉ lý tưởng vào dịp cuối tuần. 

Thanh Xuân

Mít tố nữ, đặc sản Long Khánh

đăng 02:41 15 thg 10, 2018 bởi Pham Hoai Nhan

Mít tố nữ là một giống mít đặc biệt, có tên gọi xuất phát từ tương truyền xa xưa, có nàng trinh nữ mang tên Tố Nữ đem lòng yêu chàng trai nghèo tên gọi Tố Nam. Giống mít được trồng nhiều nhất ở Thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Mít tố nữ là loại trái cây bản địa của vùng Đông Nam Á. Ngoài ra, mít tố nữ cũng được trồng ở Úc, Ấn Độ và Queensland. Ảnh lozi

 

Mít tố nữ có hình trứng dài, chiều dài từ 22cm - 50cm, bề ngang từ 10cm - 17cm, trọng lượng từ 1kg - 6kg nhưng thông thường dưới 2kg. Ảnh lozi

 

Mít tố nữ có múi màu vàng hoặc cam, bên trong có hạt lớn, mùi vị giống mít ướt pha với mùi sầu riêng, vỏ dày, dẻo với gai dẹp. Ảnh wp

 

Vì thế mà ngoài tên gọi mít tố nữ ra người ta còn gọi là mít sầu riêng. Ảnh muabannhanh.

 

Mít tố nữ bắt đầu cho ra trái từ 3 - 5 tuổi và có thể cho trái 2 lần mỗi năm. Mùa mít tố nữ chín kéo dài khoảng 6 tuần. Ảnh nuibavi

 

Mít tố nữ dễ trồng, dễ chăm sóc mà lại không kén đất, cho năng suất cao. Ảnh natureloc

 

Tên gọi mít tố nữ xuất phát từ tương truyền xa xưa, có nàng trinh nữ mang tên Tố Nữ đem lòng yêu chàng trai nghèo tên gọi Tố Nam nhưng tình yêu của họ bị chia lìa đôi ngả. Ảnh blogspot

 

Vì quá đau buồn nàng Tố Nữ qua đời và nơi nàng trinh nữ nằm xuống mọc lên một loại trái cây lạ, quả có vị rất thơm ngon, ngọt khác thường, dân làng đem nhân giống và đặt tên là mít tố nữ. Ảnh thitruongsi


Hà Nguyễn (TH)

Nem bưởi Tân Triều, quen mà lạ

đăng 20:13 25 thg 8, 2018 bởi Pham Hoai Nhan

Đến Tân Triều (Vĩnh Cửu, Đồng Nai), cùng với việc thưởng thức những múi bưởi ngọt lịm, mọng nước, du khách còn có cơ hội nếm nhiều món đặc sản được người dân nơi đây chế biến từ bưởi như: gỏi bưởi, mứt bưởi, gà hấp trái bưởi, rượu bưởi, chè bưởi… Và thật là thiếu xót nếu du khách có dịp đến làng bưởi Tân Triều mà chưa thưởng thức món nem bưởi quen mà lạ này.


Chỉ với vỏ bưởi, đu đủ, khế chua, ớt và lá vong nem… người dân xứ Tân Triều đã có thể chế biến món nem bưởi rất lạ vị. Có lẽ vì nguyên liệu chính từ vỏ bưởi nên món nem khi thành phẩm có vị chua chua, cay cay, một chút giòn giòn và ngọt nhẹ mà không phải món nem nào cũng có được. Đặc biệt, chỉ có nước khế chua mới làm vỏ bưởi bào mỏng tan thành bột và có độ chua cho ra đúng vị của nem bưởi mà thôi.


Chỉ cần cắn một miếng nem bưởi cũng đủ khiến du khách thích thú và cảm nhận sự khác biệt độc đáo, giòn tan đến tận lưỡi của món ăn đặc biệt này. Có thể nói đây là một món ăn dân dã được nhiều người ưa thích, nem bưởi có thể kèm với nhiều món ăn khai vị và chay mặn đều có thể dùng được.


Ngoài ra, nem bưởi Tân Triều không có sử dụng chất bảo quản, nên khi làm xong, đợi nem săn chắc lại thì bỏ vào ngăn mát tủ lạnh, bảo quản và sử dụng từ 8 đến 10 ngày.

Thu Trang

Thưởng thức bánh bèo chén Tân Mai

đăng 04:59 23 thg 7, 2018 bởi Pham Hoai Nhan

Nói đến món ăn vặt ở Biên Hòa thì không thể không nhắc tới bánh Bèo chén Tân Mai hẳn nếu ai đã từng thưởng thức một lần thì chắc chắn sẽ còn quay lại rất nhiều lần bởi hương vị đặc trưng riêng của bánh bèo nơi đây. Quán nằm ở gần nhà thờ Tân Mai - Biên Hòa, chỉ bán vào buổi chiều từ khoảng 15 giờ cho đến 20 giờ hoặc cho đến lúc hết bánh. Mỗi ngày quán đều rất đông khách ghé thăm và thưởng thức đến nỗi nhiều khi bánh không đủ để phục vụ khách. Chủ quán phục vụ rất vui vẻ và chu đáo, đồng thời quán cũng được vệ sinh sạch sẽ nên khách có thể yên tâm thưởng thức. 


Nguyên liệu để làm bánh bèo cũng khá đơn giản, gồm bột gạo, bột năng, tôm đất, tôm khô, thịt và các gia vị đi kèm. Để bánh được dai và mềm thì cần trộn bột khoảng 5-8 tiếng hoặc để qua đêm. Bánh được đổ trong những cái chén nhỏ rồi đem hấp trong xửng. Trước khi đổ bánh, gạn bớt phần nước trong bên trên bề mặt bột. Gạn đi bao nhiêu nước thì cho vào bấy nhiêu phần nước ấm và khuấy đều bột lên và quết một ít dầu ăn vào chén để bánh không bị dính. Nhân bánh thì dùng máy xay hoặc giã nhuyễn tôm đất và tôm khô và thịt rồi làm nóng chảo với một ít dầu ăn, phi thơm tỏi và cho tôm, thịt vào xào nhanh tay trên lửa nhỏ đến khi ráo nước là được.

Khi ăn thì cho nhân tôm thịt, bánh mì, đậu hũ, mỡ hành lên trên chén bánh, ăn với nước mắm theo đặc trưng riêng của người miền Nam. Bánh ngon và nhân ở trên rất hợp khẩu vị, để thưởng thức đậm đà hơn thì ta có thể thêm tí nước mắm nữa sẽ rất ngon và không bị ngán tí nào. Nước mắm được chế trong một hũ nhỏ nên khi ăn ta có cảm giác thích thú và rất dễ dùng. 

Một phần bánh Bèo 5 chén chỉ với 15 ngàn là ta đã có thể tận hưởng hết hương vị thơm ngon của bánh Bèo nơi đây, ai đã từng ăn một lần thì chắc chắn sẽ còn quay lại ăn thêm nhiều lần nữa.

DH

Lao xao mùa ngâu chín

đăng 01:20 24 thg 6, 2018 bởi Pham Hoai Nhan

Trong mâm ngũ quả chưng trên bàn thờ gia tiên ngày tết của nhiều người dân cố cựu ở Biên Hòa, Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai), Tân Uyên, Dĩ An (tỉnh Bình Dương) ngoài thứ không thể thiếu là bưởi Tân Triều, còn có một loại trái cây rất được ưa chuộng là ngâu. Cho đến giờ, trong cả nước không ghi nhận được nơi đâu có loại trái này.

Ngâu gần như là đặc sản chỉ có ở vùng Đại An (nay là xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu). Trái ngâu chín tỏa một mùi thơm đặc trưng và để được lâu ngày không thua kém gì bưởi. Mùi thơm của ngâu trong mâm ngũ quả kết hợp với mùi bông vạn thọ tạo thành hương sắc độc đáo cho cái Tết Nguyên đán của một thời chưa xa lắm trên vùng đất Biên Hòa.

Trái gì lạ quá!

Bà Nguyễn Thị Trung Hiếu, 43 tuổi, nhà ở phường Quang Vinh (TP. Biên Hòa) chuyên nghề bỏ mối bánh kẹo, có chồng người xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) 4 năm nay cũng tham gia vào việc bán trái ngâu tết. Bà mua ngâu tại nhà vườn ở Tân An, dú khí đá rồi chở lên Biên Hòa bán ngay bên lề đường trước nhà mẹ ruột. Bà Trung Hiếu cho biết, ngâu năm nay chín sớm và bán rất được giá (40-45 ngàn đồng/kg, năm rồi chỉ 30-35 ngàn đồng/kg).

Là người bán ngâu kém thâm niên nhất, không ít lần phải nghe những nam nữ thanh niên đi chơi ngang qua nhìn đống ngâu chất bên đường, ngừng xe lại hỏi: “Trái gì lạ quá vậy? Và ăn làm sao?”… Ấy vậy, bà Trung Hiếu cũng có khá đông khách hàng là mối quen đặt mua mỗi người 10kg để ngâm rượu, còn lại là khách đến mua ngâu chín đập vỏ ăn tại chỗ. Với số vỏ bỏ lại, bà cân bán cho người sành rượu ngâu với giá trên 200 ngàn đồng/kg, tùy theo việc thu được nhiều ít.

Chùm ngâu còn xanh trái trên cành.


Mấy năm bán ngâu mùa tết, bà Trung Hiếu có được một vị khách hàng rất đặc biệt với tuổi đời khoảng 70, mái tóc bạc phơ, mỗi ngày ông mua và ăn sống hết 3kg trái ngâu. Hôm nào không đi được, ông cho vợ đến mua và cho biết là ăn ngâu trị đau lưng, nhức mỏi tay chân rất công hiệu.Tôi cũng từng gặp ông Phước ”ruồi”, một thương lái lúa gạo ở Tân An, cho rằng ông khỏe mạnh là nhờ ăn trái ngâu và đã dứt được chứng đau bao tử đã giày vò ông nhiều năm.

Tôi đã quá tuổi lục tuần và cũng may là không dính mấy loại bệnh vừa nêu, mà lại rất thích ăn trái ngâu, kể cả ngâu còn sống nhớt nhớt có vị nhẫn nhẫn, hoặc trái ngâu nướng thơm phức mùi khoai lang lùi, nhưng mê nhất là uống rượu ngâu.

Cách chỗ bà Trung Hiếu bán ngâu chừng 100m, phía đầu phố đi bộ chợ đêm Biên Hùng có quán ngâu đã nổi tiếng đến vài mươi năm ỏ Biên Hòa với rượu ngâu pha sôđa đá, nặn tắc cùng chút xíu muối. Thứ cốc-tai ngâu này mà nhắm với món bò tả tơi, bù tọt chiên giòn... có thể nói là ngon thấu trời. Tôi đã từng đưa rất nhiều đồng nghiệp trong Nam ngoài Bắc đến quán này để thưởng thức những món ”lần đầu mới biết”, ai cũng khen và lần nào gặp lại nhau cũng còn nhắc.

Trái ngâu chín đập vỡ đôi.


Người có bí quyết ngâm rượu ngâu ngon không thua kém gì với các loại rượu ngoại danh tiếng, đến nỗi đem ra đãi nhiều dân nhậu khen nức nở là ông Phan Hùng, Bí thư Chi bộ ấp Bình Ý (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu), nguyên Trưởng đài Truyền thanh huyện. Suốt gần 30 năm công tác, gần như mỗi ngày ông đều đi ngang qua xã Tân An nên chỉ cần nhìn mấy hàng ngâu bên đường hoặc trong vườn nhà người quen là xác định trúng phóc ”bây giờ tháng mấy”.

Không những có kinh nghiệm ”xem ngâu thay lịch”, ông Phan Hùng còn biết cả vườn nhà ai có loại ngâu ngon nhất để chọn mua ngâm rượu. Theo ông, ngâu có đến mấy loại: ngâu sẻ: trái bằng nắm tay, vỏ mỏng, dẻo, ngon; ngâu trâu: trái bự hơn, vỏ dày và cứng. Ngon nhất và cũng hiếm nhất là ngâu giấy: vỏ mỏng, mềm, trái nhỏ và rất thơm.

Vỏ ngâu giấy chín vàng còn tươi đem ngâm cho ra loại rượu ngâu thượng hạng. Ông Phan Hùng còn cho biết, cách đây hơn 20 năm, thời ngành mía đường Vĩnh Cửu còn đang thịnh, đến mùa ngâu nhiều ông chủ lò đường mua ngâu giấy đem về bỏ vô chảo mật đường tạo ra một món ăn ”cực ngon” chỉ dùng đãi thượng khách.

Biết đâu nguồn cội

Về xuất xứ của cây ngâu cũng có nhiều luồng thông tin khác nhau. Tìm đến Đại An (nay là xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu), nơi duy nhất hiện nay có trồng loại cây này, qua sự giới thiệu của ông Tư Cò (Hồ Minh Quang, Chủ tịch Hội Nông dân xã), tôi gặp ông Lương Văn Năm có vợ là bà Lâm Thị Nữ (Hai Nữ) ở nhà số 463, ấp Bình Chánh là người trồng ngâu nhiều nhất và lâu đời nhất ở đây.

Bà Hai Nữ cho biết, bà ngoại của bà là cụ Năm Tú (Nguyễn Thị Bảy, sinh năm 1894, mất năm 1987) là người đầu tiên trồng ngâu ở Đại An. Bà Hai Nữ năm nay 77 tuổi còn quả quyết là ”hồi nhỏ xíu tôi đã biết cây ngâu do ngoại tôi trồng rồi, nhưng hổng biết là trồng lúc nào và kiếm giống ở đâu. Cây ngâu đầu tiên có cả trăm năm tuổi đó cao hơn 30m đã bị đổ ngã năm 2004”.

Có một chuyện cũng rất lạ là những cây ngâu con phát sinh từ rễ cây ngâu cổ thụ này cho trái mỏng vỏ, thơm nồng nàn; còn cũng chính trái ngâu của cây này lấy hạt đem gieo ươm lại cho trái ngâu vỏ dày, cứng ngắc, ruột nhiều xơ và có vị hơi đăng đắng. Do đó dân buôn bán trái cây chuyên nghiệp thường ”bắt mối” trước những nhà vườn có ngâu ngon; trong số đó có tiếng nhất là vườn bà Hai Nữ, ông Tám Tiên, bà Hai Báu, bé Bảnh, Tư Thẳng..

Lần đầu ăn thử ngâu trong ngày tết.


Trước đây, tôi có biết đến bà Chín Thọ (tên đầy đủ là Lê Thị Thọ, nhà ở Đại An, đã mất cách đây vài năm) với nửa thế kỷ chuyên nghề mua bán trái cây theo thời vụ, biết một cách rành rẻ ngâu nhà nào ngon, dở, trúng thất ra sao. Vào mỗi mùa tết, bà thu gom đến vài thiên (mỗi thiên: 1.200 trái) ngâu loại ngon đem lên Biên Hòa bỏ mối cho các tiệm thuốc Bắc và bán cho khách hàng quen. Ngoài thương lái mua mão, đến mùa ngâu chín, các nhà xứ ở vùng Hố Nai, mấy quán nhậu đặc sản còn đưa xe về tận vườn chọn mua ngâu ngon đem về ngâm rượu.

“Am hiểu về ngâu đến như vậy, thế nhưng khi hỏi về nguồn gốc cây ngâu ở Đại An, ông Phan Hùng cũng như nhiều lão nông tri điền khác ở huyện Vĩnh Cửu đều nói một cách khá mơ hồ: Nghe đâu mấy ông cha ở nhà thờ đem giống ở đâu đó về trồng!”.

Gặp chủ vườn Trần Văn Thạch, một ”thổ địa” đất Đại An, có vợ chuyên mua bán trái cây nên ông chẳng những thông thạo mọi ngóc ngách địa bàn, mà còn được cập nhật thường xuyên về giá cả nông sản. Ông Thạch cho biết: ”Ngâu năm nay chín sớm, do thời tiết có một số trái ngâu bị bệnh thúi đầu, nhưng không nhiều lắm. Ngâu năm nay trúng, phần lớn ngâu thu hoạch được đều ngon và bán được giá.

”Nghề” ngâu này cực nhất là khâu thu hoạch, do hầu hết cây ngâu ở Đại An đã già cỗi và cao, trái ngâu lại mọc ở đầu cành nhánh có gai nhọn và dài nên rất khó bẻ. Trước đây, dân bẻ ngâu thiện chiến lắm một ngày leo bẻ cũng không tới một thiên trái. Nay số người bẻ ngâu giỏi này không còn nữa. Khỏang 3 năm trước, đến mùa kiếm không ra người bẻ ngâu, chủ vườn mướn được người bẻ thì bán ngâu trả tiền công bẻ tính ra không đủ sở hụi.

Hai mùa ngâu gần đây nhờ ngâu có giá, thương lái đến vườn mua mão thường đưa theo người bẻ. Dân bẻ ngâu trẻ dùng lồng bẻ từng trái, chứ không dùng sào tre đập, giật như lớp đàn anh trước đây, tuy thu hoạch có chậm hơn, nhưng bảo đảm cho trái ngâu không bị bể, dập”.

Chiều 29 tết rảo một vòng từ Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) về Biên Hòa, tôi thấy bưởi, ngâu bày bán hai bên đường 768 khá nhiều. Hỏi giá, các điểm bán ngâu ở Bình Hòa, Bửu Long đều đòi 50 ngàn đồng/kg. Nghe tôi chê mắc, mấy bà bán ngâu liền nói: ”Về chợ Biên Hòa mua thử đi. Bữa nay họ bán một ký phải từ 62-65 ngàn đồng!”.

Mùng 6 tết vừa rồi, đến ấp Bình Ý tôi lại bất chợt nghe thoang thoảng mùi thơm của ngâu, khó lầm lẫn với bất cứ loại trái cây nào khác. Hỏi ra mới biết, ngoài Tân An, chỉ ở Bình Ý là có ngâu, nhưng chỉ còn một cây duy nhất trồng khoảng 20 năm ở vườn nhà ông Phó trưởng ban ấp Ngô Văn Dũng.

Bùi Thuận
Báo Đồng Nai Online - Trích lại trên Người Lao động online 16/02/2014

Về Nhơn Trạch thưởng thức rau chại

đăng 21:01 26 thg 5, 2018 bởi Pham Hoai Nhan

Rau (đọt) chại có nơi còn gọi là rau chạy hay rau choại là loại rau mọc tự nhiên và cũng chính vì vậy nên rất an toàn.


Người dân Nhơn Trạch quê tôi thường dùng để chế biến thành những món ăn dân dã như chính nơi loại cây này sinh sống đó là rừng ẩm hoặc ven sông. Bạn có thể luộc rau chấm mắm nêm, xào tỏi hoặc xào tép, ngoài ra rau choại còn được một số nhà hàng chế biến thành những món đặc sản như cháo cá lóc rau choại hoặc canh chua cá rô đồng đọt choại bởi vị thơm nhẹ rất riêng của nó.



Theo kinh nghiệm dân gian thì mùa mưa là mùa rau choại ngon nhất bởi lúc này rau non mơn mởn và không có vị chát nhẹ như rau mùa nắng. 


Ngày nay rau đọt choại rất được ưa chuộng trong các bữa cơm gia đình cũng như tại các nhà hàng vì ngoài việc là rau sạch thì đọt choại còn là loại rau tốt cho sức khỏe, là nguồn cung cấp chất sắt dồi dào và điều trị một số bệnh về da, hạ nhiệt và làm mát cơ thể cũng như duy trì tuổi thanh xuân.

Thu Trang

1-10 of 17

Comments