đăng 20:41 27 thg 1, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
Bảo tàng Đồng Nai hiện đang lưu giữ trên 21 ngàn hiện vật. Trong số này có những hiện vật quý có tuổi đời thuộc dạng cổ, xưa, độc bản.
Tượng tê tê (hay con gọi là con trút) bằng đồng, kích thước: cao 7,5cm, rộng 9,5cm, dài 37,3cm với trọng lượng 2,65kg đang được trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai. ảnh: V.Truyên
Tượng tê tê có một không haiNổi bật và được xem là hiện vật duy nhất trong cả nước hiện nay đang được Bảo tàng Đồng Nai lưu giữ là tượng tê tê (hay con gọi là con trút) bằng đồng cao 7,5cm, rộng 9,5cm, dài 37,3cm với trọng lượng 2,65kg. Thời gian chế tác được các chuyên gia xác định là từ thế kỷ thứ 3 trước công nguyên đến thế kỷ thứ 2 sau công nguyên.
Bảo tàng Đồng Nai hiện còn lưu giữ bộ sưu tập vàng Rạch Đông với 5 mảnh vàng còn nguyên vẹn được dát mỏng, trên bề mặt có trang trí hình bông hoa, hình con rùa, hình con ốc, hình nam thần được tìm thấy tại xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) cũng được đánh giá cao. Hay lá vàng dát mỏng hình thoi, một mặt lõm, mặt lồi được tìm thấy tại xã Long Phước, huyện Long Thành vào năm 1989 cũng nằm trong danh sách những hiện vật, bộ sưu tập hiện vật được Bảo tàng Đồng Nai đề nghị công nhận là bảo vật quốc gia.Theo ông Trịnh Văn Lý, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Đồng Nai, người từng trực tiếp đưa hiện vật này về Bảo tàng Đồng Nai, đơn vị nhận bàn giao hiện vật này từ lãnh đạo Nông trường cao su Cẩm Mỹ vào năm 1990. Lúc đến tiếp nhận, có thông tin từ người dân và đơn vị chuyển giao là vào năm 1985, trong lúc làm vườn tại Đồi 57 (nay thuộc xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ) người dân đào được cặp tượng tê tê gồm 1 con đực và 1 con cái. Trong đó, tượng con cái có điểm khác là trên lưng có thêm chi tiết cõng tê tê con. Nhưng không hiểu sao sau đó tượng tê tê cái biến mất bí ẩn và đến nay vẫn chưa tìm lại được.Thời gian sau đó ông Trịnh Văn Lý cùng một số cán bộ của Bảo tàng Đồng Nai đã tìm về Long Giao để xác minh, tìm kiếm thông tin về tượng tê tê cái. “Lần đầu, từ tin báo của bà con chúng tôi tìm đến nhà một người dân trong vùng được cho là đang giữ tượng tê tê cái. Nhưng khi tìm đến thì gia đình đã chuyển đi nơi khác sinh sống. Trong lần thứ 2 trở lại thì được tin người này đã chết. Từ đó đến nay không có bất cứ thông tin gì về tượng tê tê cái đang thất lạc” - ông Lý nói.Đã 28 năm trôi qua, tung tích về tượng tê tê cái vẫn là ẩn số đối với những nhà sưu tầm cổ vật. Độ nổi tiếng của hiện vật này khiến nó từng xuất hiện trên rất nhiều bài báo trong nước suốt một thời gian dài. Đặc biệt, cách đây 8 năm tượng tê tê đực đã có chuyến xuất ngoại sang Mỹ để trưng bày giới thiệu đến công chúng quốc tế.Đồ đá độc đáoNgoài tượng tê tê đồng, Bảo tàng Đồng Nai còn có bộ qua đồng (một loại vũ khí bằng đồng) Long Giao gồm 15 hiện vật có niên đại khoảng từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 2 sau công nguyên. Ở thời điểm phát hiện vào năm 1982, bộ qua đồng này đã giúp giới khảo cổ học Việt Nam lần đầu biết đến trình độ kỹ thuật chế tác, tạo hình trang trí của người xưa. điểm đáng chú ý là số qua đồng này được người dân tìm thấy cùng một địa điểm với nơi tìm ra tượng tê tê đồng. Từ sau phát hiện này, một số lượng lớn qua đồng tiếp tục được người dân tìm thấy trong thời gian dài, nhưng người dân lại bán cho các nhà sưu tầm cổ vật thay vì trao tặng cho bảo tàng như trước đây. Nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Văn Phẩm (ngụ TP. Hồ Chí Minh) hiện đang sở hữu rất nhiều qua đồng Long Giao trong bộ sưu tập cổ vật của mình, đánh giá qua đồng Long Giao được chế tác tinh xảo, đẹp và đa dạng về hình dáng, kích thước.Bên cạnh những hiện vật, bộ sưu tập hiện vật bằng đồng thì hiện vật bằng đá tại Bảo tàng Đồng Nai cũng rất nổi bật và vô cùng phong phú. Trong số đó phải kể đến bộ đàn đá Bình Đa. Theo ông Lưu Văn Du, Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai, bộ đàn đá gồm có 5 thanh còn nguyên vẹn cùng 31 đoạn bị gãy. Số hiện vật này được phát hiện trong 2 đợt khai quật: lần 1 vào năm 1979 và lần 2 vào năm 1993 tại phường Bình Đa (TP. Biên Hòa). Theo các chuyên gia, bộ đàn đá Bình Đa được chế tác cách đây khoảng 3 ngàn năm. Phát hiện này đã giúp làm sáng tỏ việc chế tạo, sử dụng đàn đá ở miền Nam có lịch sử lâu đời.Đặc biệt, bảo tàng còn có 2 tượng đá được giới chuyên môn đánh giá cao, đó là: tượng thần Vishnu và tượng Nam thần. Trong đó, tượng Nam thần bằng đá, cao 114 cm tạc với tư thế đứng, được tìm thấy năm 1988 tại địa điểm nay thuộc xã Long Hưng, TP. Biên Hòa. Hiện vật được chế tác trong khoảng thế kỷ 7. Còn tượng thần Vishnu được người dân tìm thấy năm 1977 trong quá trình khai thác cát trên sông Đồng Nai đoạn qua xã Hóa An (TP. Biên Hòa). Pho tượng còn khá nguyên vẹn với tư thế đứng thẳng và kích thước như người thật với chiều cao 167,4cm.Võ Tuyên |
đăng 01:23 11 thg 10, 2020 bởi Pham Hoai Nhan
Vườn cao su đầu tiên do người Pháp trồng thử nghiệm ở Việt Nam đã bước sang tuổi 112 và đang được giữ gìn, bảo tồn. Nhiều "cụ" cây có đường kính 1-3 mét, cao hàng chục mét.
Vườn cao su bảo tồn có diện tích 8 ha nằm ở xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất, Đồng Nai). Đây là vườn cao su đầu tiên do người Pháp trồng, còn sót lại ở Việt Nam cho đến ngày nay. Vườn đang được Nông trường cao su Dầu Giây trực tiếp quản lý, bảo tồn.
Một cán bộ Nông trường cao su Dầu Giây nói rằng, năm 1906, người Pháp nhận thấy vùng đất ở Dầu Giây màu mỡ nên đã lập khu vườn này để trồng thử nghiệm 1.000 cây cao su giống. Về sau, cây phát triển mạnh, cho năng suất mủ cao nên họ phát triển đồn điền khắp các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Đến năm 1975, vườn cây được chuyển giao cho Nông trường cao su Dầu Giây quản lý. Năm 1980, nông trường quyết định ngưng việc khai thác mủ ở vườn này để bảo tồn, giữ cây để phục vụ nghiên cứu, giáo dục lịch sử, truyền thống cho thế hệ trẻ.
Ở khu vườn, căn nhà từng là nơi sinh sống của các phu cao su thời Pháp vẫn được giữ gìn, bảo tồn. Ông Hoàng Minh Sang, nguyên Phó giám đốc Nông trường cao su Đồng Nai nói rằng, ngày còn bé, ông theo cha mẹ đến khu vườn để xem phu cao su làm việc.
Ông Sang kể: "Ngày đó, phu cạo mủ sống cuộc sống khổ cực và luôn bị cai vườn người Pháp đánh đập. Tôi từng thấy có người cạo mủ phạm vào cây và bị đánh chết tại chỗ. Ngày cuối tuần, những phu cao su tập trung ở sân và cởi áo may từ bao bố nhúng vào nồi nước sôi để diệt rận".
Theo ông Sang, vườn cây đã bước sang tuổi 112 và chất chứa trong đó cả thời kỳ phát triển của ngành cao su Việt Nam. Ông chia sẻ: "Mỗi lần về thăm vườn, cảm xúc trong tôi lại dâng trào vì hình ảnh những ngày cơ cực ùa về". Trong ảnh, sau một thế kỷ, vết sẹo từ khai thác mủ trên thân cây vẫn còn.
Ông Lê Văn Phúc, cán bộ Nông trường cao su Dầu Giây cho biết, sau 112 năm, hàng trăm cây ở vườn chết vì mối mọt, sâu bệnh hoặc mưa bão quật ngã. "Vườn hiện còn hơn 300 cây nhưng sâu bệnh đang diễn ra nghiêm trọng", vị cán bộ buồn bã.
Gốc cao su có đường kính 1,5 m bị mối mọt. Trên thân cây xuất hiện nhiều lỗ thủng trong khi ruột bị mục rỗng.
Cán bộ nông trường cho biết tình trạng mối mọt diễn ra trên những thân cây hơn trăm tuổi nhưng nông trường không có biện pháp ngăn chặn, xử lý.
Nhiều "cụ" cây có đường kính từ 1-3 m, cao hàng chục mét ở vườn đã bị gió xô ngã.
Một người dân vào vườn cây 112 năm tuổi nhặt nhạnh những cành cao su gãy mang về làm củi.
Một "cụ" cây cao su xanh tốt nằm ngoài hàng rào của nông trường. Ông Nguyễn Hữu Tam, Giám đốc Nông trường cao su Dầu Giây nói rằng người trong ngành rất tự hào về vườn cây cổ. Mỗi dịp kỷ niệm ngành, nhiều người đến vườn tham quan, tìm hiểu. Trước tình trạng cây đổ gãy, nông trường và các cơ quan chức năng đang nỗ lực tìm cách bảo tồn.
Vườn cây 112 năm tuổi nằm ở xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất, Đồng Nai). Ảnh: Google
Ngọc An |
đăng 06:40 19 thg 8, 2020 bởi Pham Hoai Nhan
Đinh Tiến Luyện là nhà văn rất quen thuộc với tuổi mới lớn trước 1975, cùng thời và cũng là người cộng tác thân thiết với nhà văn Duyên Anh. Thuở ông đang làm say mê tuổi mới lớn thì tui thuộc tuổi chưa lớn và mê đọc truyện con nít của Duyên Anh nên không có dịp đọc truyện của ông. Nhiều năm sau 1975, truyện của ông được in trở lại thì tui lại thuộc tuổi quá lớn nên... cũng không đọc. Mặc dù vậy tui vẫn biết nhiều đến tên tuổi của ông và hâm mộ, quý mến. Đặc biệt, từ 1975 đến 2010 ông sống tại Biên Hòa (trước tui 8 năm).
Bài viết sau đây của nhà báo Bùi Thuận viết về ông gợi nhớ về kỷ niệm của những người ở tuổi mới lớn thời điểm trước 75, nhất là những người yêu quý tờ Tuổi ngọc, tui xin được phép trích đăng lại. Bài viết được đăng trong sách Rạng rỡ tài danh đất Đồng Nai - Tập 2.

Tác phẩm của Đinh Tiến Luyện
Đinh Tiến Luyện - Nỗi ám ảnh về “Một loài chim bé nhỏ”
Đầu năm 2019, nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ TP.HCM lập ra tủ sách Thiên đường không tuổi, kỳ thực là nhắm vào đối tượng bạn đọc thuộc lứa tuổi mới lớn hay còn gọi… “tuổi ô mai – tuổi của những tháng năm đẹp nhất đời người” và trước mắt đã chọn tái bản sáu cuốn sách của sáu tác giả “ăn khách” một thời ở miền Nam trên tuần báo Tuổi ngọc, như: Từ Kế Tường với Tình yêu có màu gì, Hoàng Ngọc Tuấn với Ở một nơi ai cũng quen nhau, Mường Mán với Cạn chén tình, Nguyễn Thị Minh Ngọc với Tuổi ngọc ngày chưa xưa, Đoàn Thạch Biền với Đâu phải cái gì cũng mong manh, thì Đinh Tiến Luyện lại có Anh Chi yêu dấu.
Nhà báo Lê Minh Quốc cho biết: “Với Đinh Tiến Luyện, ngoài việc vẽ bìa cho sáu tập sách này, anh đã chọn Anh Chi yêu dấu – một truyện dài đã từng in nhiều kỳ trên Tuổi ngọc, cũng là tác phẩm làm nên tên tuổi của anh. Ngoài những gì đã viết, nay anh còn thêm Anh Chi ngoại truyện – như một cách tâm tình về ngày tháng làm báo và quá trình viết quyển sách này”.
Một thời… tuổi ngọc Nhân sự kiện này, đang định cư ở Houston, Texas (Hoa Kỳ), nhà văn Đinh Tiến Luyện năm nay đã 72 tuổi xúc động bày tỏ: “Chẳng tiếc gì khi một thời mình đã sống trọn. Tuổi ngọc một thời là góc kỷ niệm của chung chúng ta. Lật lại những trang báo cũ đã quên thật trong tôi tự rất lâu, tất cả mọi số báo, từng góc trang một, tôi vẫn chẳng quên được, vì nó đều qua tay tôi sắp xếp… Như người đầu bếp, thế thôi… Giờ thì bàn tiệc tuổi mộng mơ đã tàn tự lâu lắm rồi, chỉ còn thoáng hương vị quyện trong khói tàn lại làm tôi nhớ khi khéo léo trộn lại hình ảnh những ấn phẩm mới và cũ để nhận ra Tuổi ngọc”.

Bìa tuần báo Tuổi ngọc do Đinh Tiến Luyện thực hiện Cũng theo Lê Minh Quốc thì: “Có lần gặp nhau tại Biên Hòa, nhà văn Đinh Tiến Luyện từng giữ chức Thư ký tòa soạn tờ này (Tuổi ngọc) cho biết, ngay từ thời đó đã tạo ra “một dòng văn thơ Tuổi ngọc. Thơ mộng nhẹ nhàng. Không quấn gai, không đeo đá… trên lưng mà chỉ thiết tha tình người”. Có thể nói, đây là tờ báo sáng giá nhất dành cho lứa tuổi mới lớn, có số lượng in nhiều nhất, trình bày đẹp, văn chương câu cú gảy gọn và nhất là không… sai lỗi chính tả! Thời trung học hầu như thế hệ chúng tôi rất mê đọc thơ văn của họ khi in trên Tuổi ngọc…
Đúng như Lê Minh Quốc nói, trong Anh Chi ngoại truyện, Đinh Tiến Luyện đã “tự sự” chuyện vào nghề của mình một cách khá chân thật: “Tôi bước vào nghề báo bằng sự quen mặt. Quen mặt đặt tên. Tôi cứ phụ việc cho tòa soạn hoài trong suốt năm đầu bước vào đại học, họ cần gì cũng có tôi, nhất là minh họa, chỉ cần bữa trước bữa sau là có liền. Có thể không xuất sắc gì, nhưng làm báo là phải kịp thời, nhà in không đợi và phát hành phải đúng kỳ đúng hạn, (không thôi lỡ chuyến phải lưu kho, báo có hay cách mấy thì cũng chỉ phát hành cho… người nhúng mực cân ký). Tôi dễ dàng được chấp nhận. Thoạt đầu là đứng tên chung và sau đó được giao phụ trách trang riêng rồi có lương hằng tuần”.

Bìa một tờ Tuổi ngọc tiêu biểu Đinh Tiến Luyện còn cho biết thêm: “Dạo đó ngu ngơ lắm, bay bổng lắm, tôi ưa vẽ vời những hình ảnh dể thương theo trí tưởng của mình, có khi bằng màu vẽ, có khi bằng ngòi viết. Một cô bé mắt to có mái tóc bay bay và trên môi ngậm hờ một cọng cỏ non (thêm con chuồn chuồn màu cam đậu trên tóc, là tấm hình bìa cho tập nhạc Hoan ca của nhạc sĩ Phạm Duy sau này). Vẫn hình ảnh ấy trong những minh họa khi tôi làm báo Tuổi ngọc, có khi với con nai cũng mắt to ngơ ngác, với chiếc khăn choàng rộng theo gió bay bay, có khi thêm chú chim nhỏ hoặc những chùm lá non xen lẫn đâu đó…
Ngây thơ và dễ thương, độc giả bảo thế, bởi có đẹp hay không thì tôi cũng chỉ là tay ngang, có bao giờ học vẽ, nên tôi vẫn thích thú vẽ tiếp mãi với một bài bản như thế (Khi có yêu cầu cho những tờ báo khác, phải vẽ hình ảnh những cô gái lớn, tôi đã cố gắng lắm nhưng sao nhân vật của tôi vẫn chẳng sao lớn được, cứ vậy, đôi mắt thủy tinh long lanh, uống mọi cảnh vật xung quanh).

Chân dung Đinh Tiến Luyện Anh Duyên Anh, chủ nhiệm, người Anh Cả, cũng là người bạn vong niên đã cùng tôi một thời làm báo, đến với báo nào cũng có nhau, một lần giới thiệu tôi là họa sĩ, người ta hỏi theo trường phái nào, tôi lúng túng chẳng biết mình đang đứng đâu trong cái thế giới hội họa muôn thuở vĩ đại này. Chủ nhiệm của tôi có tài đùa, ứng đáp liền: Trường phái mắt to. Tôi không biết ngành hoạt họa Manga có tự bao giờ, cho đến nay thì các họa sĩ Nhật Bản đã ép tôi phải phá sản hoàn toàn, những đôi mắt trong các nhân vật truyện tranh hay truyền hình dù nam hay nữ của họ đều to sáng hơn những đôi mắt trong "trường phái" của tôi rất nhiều.
Như thế đấy, tôi vẽ lên một nhân vật dễ thương để nó theo tôi và tôi theo nó mãi cho đến tận bây giờ, dù đã gần bốn mươi năm trời qua”.
Loài chim mang tên… Anh Chi Cũng trong Anh Chi ngoại truyện được viết tại Biên Hòa vào tháng 9 năm 2009, Đinh Tiến Luyện đã kể chuyện hình thành tác phẩm làm nên tên tuổi của ông như sau: “Năm học lớp Đệ Tam hay Đệ Nhị ngày đó (khoảng cuối thập niên 60, lớp 10 hay 11 bây giờ), tôi viết truyện ngắn Một loài chim bé nhỏ đăng trên báo Đôi Mươi, là một giai phẩm xuân hằng năm của Trường Trung học Võ Trường Toản, ngôi trường tôi đang theo học.
Nhân vật Anh Chi của tôi ra đời từ đó… Tôi bắt đầu viết truyện dài thiếu nhi đăng từng kỳ trên trang nhật báo mình phụ trách. Kỳ truyện cuối cùng vừa dứt thì nhà xuất bản Đời Mới đề nghị cho in thành sách.
Cuốn truyện đầu tay Suối đá mây của tôi phát hành năm 1968. Chẳng thừa thắng thì tôi cũng xông lên, viết tiếp. Hai năm sau là cuốn Một loài chim bé nhỏ, cũng tựa ấy và nhân vật ấy thời trung học, đời sống của cô bé Anh Chi bước ra thảm cỏ thênh thang hơn trong một truyện dài”.

Bìa sách Anh Chi mới Sau khi cùng Duyên Anh ra Búp Bê – “tờ báo dành cho lứa tuổi từ 7 đến 77” chưa được chục kỳ, bị đồng nghiệp chê là “trẻ con chẳng ra trẻ con, người lớn không ra người lớn”; trong khi tờ Teenage đang ăn khách ở nước ngoài có khổ nhỏ, in màu nhiều hình ảnh và kèm theo cả truyện tranh rất đẹp. Do vậy, nhà văn Duyên Anh lại chạy giấy phép xin ra Tuổi ngọc. Nhà văn Đinh Tiến Luyện nhớ lại: “Anh Duyên Anh giao nhiệm vụ cho tôi làm ma-két một tuần báo khổ nhỏ, ngoài thơ văn là thế mạnh còn có thêm nhiều chuyên mục và truyện tranh nhiều kỳ. (Phải có truyện tranh, vì lứa tuổi học trò dù lớn vẫn thích thú với truyện tranh, đó là điều dễ nhận thấy ở mọi nơi mọi lúc). Tuổi ngọc, tuần báo của những tháng năm đẹp nhất đời người ra đời. Tôi vẽ đủ bốn bìa để in ốp-sét, vi-nhét đủ chuyên mục cùng nắn nót một truyện dài đăng tiếp nhiều kỳ: Một loài chim bé nhỏ. Cô bé Anh Chi bước vào thế giới thơ mộng cùng những phiêu lưu tình cảm riêng tôi cũng bắt đầu từ đây”.

Anh Chi yêu dấu qua 2 bản in đầu và mới nhất Chuyện là kỳ truyện đầu tiên chưa kịp ra mắt, Đinh Tiến Luyện cùng lúc được gọi nhập ngũ và phải tiễn biệt cô bạn gái "Khoai Hường" đi Anh du học. Nhà văn tự sự: “Kỳ lạ, khi có nhiều thứ chia tay một lượt mình lại cảm thấy thanh thản, nhẹ nhõm. Hai mươi hai tuổi, ngửa mặt lên tôi thấy bầu trời rộng mở, thênh thang nhiều đón đợi. Chia tay, tặng cô bạn gái "nhỏ như cái kẹo” của tôi cái tên Anh Chi (khi câu chuyện mới chỉ là khởi đầu tung tăng, chưa có phần kết thúc), sau này tôi biết, cũng vừa vặn đủ để một cô gái nhỏ nhận chút ấm áp cho những sớm mai chờ đợi nắng lên nơi xứ người, cảm nhận chút xót xa cũng với nắng ấy, đốt những giọt sương làm lấm tấm thâm đen bao cánh hồng mỏng manh trong vườn nhà. Anh Chi, một cái tên thân thương cho một quan hệ thân thương, nối nhau nửa vòng trái đất là đầu tuần thư, cuối tuần thư, tình cảm khi ảo khi thực như khoảng cách như những hạt chữ long lanh giọt nước". Đinh Tiến Luyện tâm sự tiếp: “Vẫn là tôi, ngày ấy, nhân vật Anh Chi ngây thơ theo tôi trên các bải tập”, “để hằng đêm về tôi viết từng kỳ truyện trên chiếc rương kê đầu giường rồi gửi tới hằng tuần cho báo”; nhưng khi Đinh Tiến Luyện viết đến đoạn kết thì Tuổi ngọc tự đình bản do hết tiền, mà nợ nần chồng chất. Thế nên, Đinh Tiến Luyện quyết định tự mình xuất bản.
Anh vẽ bìa cho cuốn Một loài chim bé nhỏ là một bức tranh xé giấy có cô bé chu môi với chiếc khăn đỏ choàng vai bay bay theo gió, in ốp-sét trên giấy láng để bọc ngoài cho một bìa cứng chữ mạ bạc phía trong.
In 5.000 cuốn với giá thành ghi cuối sách khá cao; nhưng giao cho phát hành rồi; tác giả tính ra chỉ còn lời được một chai Black and White cho một chầu nhậu mừng ra mắt sách ở Chợ Lớn, “song cái tên Anh Chi thì hình như vẫn còn… nhập vào tôi cho đến tận bây giờ”.
Và Đinh Tiến Luyện lại cho biết tiếp: “Vài năm sau khi cuốn Một loài chim bé nhỏ tự xuất bản, chúng tôi họp nhau lại vực dậy tờ báo Tuổi ngọc. Lần này khổ nhỏ hơn và nhắm đặc biệt đối tượng ham đọc ham viết là tuổi mới lớn, tuổi chớm yêu”… “Được giao nhiệm vụ đầu bếp cho Tuổi ngọc, tôi lo cả hình thức lẩn nội dung. Từ trình bày bìa đến vẽ hình bên trong. Từ viết bài, chọn bài, chuyên mục đến trám bài và tổng kết ma-két. Chỉ với một tiêu chí tự đặt ra, phải sao cho thật dể thương. Tuổi ngọc phải như một cô bé thật dễ thương mà ai cũng muốn gần”.
Đinh Tiến Luyện kể là: Thời đó “những người viết trẻ đông vô số kể, ai cũng muốn mình có “nhà": nhà văn, nhà thơ... Cái nhà ấy tôi biết chẳng có ai cấp cho mình, ngoại trừ độc giả. Có nhà thì vui, không có nhà thì ở trọ cũng vẫn vui. Tôi có may mắn sự thúc bách viết không phải để sở hữu chút gì đó cho cuộc sống... Tôi cũng thiếu cái ham để có được một cái “nhà" nên bạn bè ra sách ào ào, còn mình thì dăm ba năm mới in được vài ba cuốn sách, lại là những truyện dài viết từng kỳ đã in trên báo tuần. Sau cuốn Nhật ký của Quỳnh do Nguyễn Đình Vượng xuất bản, tôi không biết viết gì để đăng iếp trên Tuổi Ngọc, cô Tuấn quản lý nhà in gợi ý: Ông viết tiếp câu chuyện Một loài chim bé nhỏ đi, tôi thích nhân vật ấy lắm". Thế là “dưới chân tôi bắt đầu lao xao cuội đá của một thời con trai hai mươi lăm, đa đoan việc, đa đoan tình. Lúc này đây, như người ta thường bảo, đương thời “tinh anh phát tiết”...Tôi không cảm nhận rõ nét điều gì nơi mình, nhưng nỗi cô đơn thì hình như có thật và bắt đầu loang dần, xâm chiếm. Lúc này đây, người con gái “nhỏ bé như cái kẹo” mang cái tên chim Anh Chi tôi tặng vẫn xa vời nửa vòng trái đất.”...Và rồi "một thảm cỏ xanh non mát rượi được trải ra, tôi mời nhân vật nhỏ bé của mình một thời tung tăng nhảy nhót tiếp trong Anh Chi yêu dấu”. 
Chân dung Đinh Tiến Luyện
Đinh Tiến Luyện còn kể là: “Một câu mà các độc giả thường hỏi người viết: Truyện ấy có thật không? Như thế đấy, ngay khi bắt đầu dắt Anh Chi vào thế giới mộng tưởng, tôi cũng không hề biết là sẽ dẫn em tới đâu. Viết Anh Chi yêu dấu đăng từng kỳ trên tuần báo, gần một năm sau thấy chừng đã dài, nhưng tôi lúng túng mãi không biết dắt nhân vật của mình khỏi thế giới của câu chuyện ra sao. Tôi chỉ quen với những đoạn kết “lơ lửng con cá vàng”, khi mà các nhân vật chưa được định hình rõ ràng, hoặc chỉ có “vấn đề” nho nhỏ nào đó dành cho độc giả tự kết theo suy nghĩ riêng của mỗi người. Cuối cùng, tôi mới nghĩ đến cái tựa truyện đã đặt. Muốn Anh Chi trở thành yêu dấu thì phải biến mất. Tôi cho nhân vật của mình biến mất một cách hoang đường. Là chim, Anh Chi phải về trời. Tôi không có chút cảm nhận nào về sự “linh ứng” cho số phận nhân vật của mình khi quyết định như vậy…
Có người trách tôi, sao để kết cục thảm vậy, ông không thấy hối hận sao? Không, một đoạn kết cổ điển là thế. Như thế là hơn. Muốn lưu mãi một hình ảnh đẹp thì nó phải vượt khỏi trí tưởng tượng của ta. Trả lời cho ai đó như vậy và không nghĩ rằng tôi cũng trả lời cho chính mối tình đầu của tôi thời gian tiếp đến sau đó.
Tặng cô sinh viên du học London về quê nghỉ hè cuốn sách mới in, chúng tôi cảm thấy xa lạ khi gặp lại nhau. Như sợi chỉ mỏng manh nối từ những tờ thư cùng nỗi nhớ đến cái nắm tay giáp mặt, sao giữa chúng tôi vẩn thấy lãng đãng sương khói. Không gọi em như chính tên em, sao cứ gọi cái tên Anh Chi để thấy… nhạt môi mãi thế. Em cứ mãi là em mơ hồ một khoảng cách từ huyền thoại cho nhau đến thực tại nhìn nhau, dù chúng tôi cố gắng làm cho đầy những ngày hè nắng ngày hè mưa bằng các cuộc gặp gỡ hầu như liên tục…
Tôi linh cảm rồi chuyện hai đứa cũng chẳng đi tới đâu, đã chia tay rồi giờ có chia xa hơn nữa thì cũng thế thôi. Tôi biết nói lời như thế chẳng ai vui được. Gom hết tháng lương của một công việc, tôi đến Interflora, một cửa hàng hoa quốc tế, gửi em lời dỗ dành cùng những đóa hoa muộn màng.
Những lá thư thưa dần rồi chấm dứt. Thời cuộc đã chôn cất gọn gàng giùm tôi mối tình đầu sau đó. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn mất dấu người con gái nhỏ mang cái tên Anh Chi một thuở”.
Nhà văn - Họa sĩ của tuổi ô mai 
Tuổi ô mai qua nét vẽ của Đinh Tiến Luyện Sinh năm 1947 tại Kiến Xương (Thái Bình), theo gia đình di cư vào Nam từ năm 1954 và đã tập tành viết văn vào năm 18 tuổi. Mê truyện dài Lứa tuổi thích ô mai của Duyên Anh (1935- 1997) và xem nhà văn là “người anh cả” trong sự nghiệp cầm bút của mình, Đinh Tiến Luyện vào nghề bằng những sáng tác viết cho "tuổi ô mai” là lứa tuổi mới lớn có rất nhiều mộng mơ. Khởi đầu, Đinh Tiến Luyện cùng Từ Kế Tường cộng tác trang Tuổi Ngọc trên báo Công Luận. Và năm 1968, truyện dài Suối đá mây - tâc phẩm đầu tay của nhà văn trẻ viết về tuổi mới lớn ra mắt bạn đọc. Tiếp đó là Giọt nuớc mắt hồng (1969). Năm 1970 lại ra liên tiếp hai cuốn truyện dài: Quê hương mật ong và Một loài chim bé nhỏ. Năm 1971, Đinh Tiến Luyện được nhà văn Duyên Anh mời làm thư ký tòa soạn tuần san Tuổi Ngọc do ông làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Tuổi Ngọc - "tuần báo của yêu thuơng" dành cho lứa tuối ô mai ra ngày thứ năm hàng tuần trở thành món quà mong dợi của nam nữ học sinh các cấp và cái bút danh Anh Chi của thư kỳ tòa soạn Đinh Tiến Luyện trở nên hết sức thân thiện với lửa tuổi "teen" vào những năm từ 1971 đến 1975 ở miền Nam. Làm công tác tòa soạn, viết bài, vẽ tranh minh họa. Đinh Tiến Luyện vẫn đều đều cho ra mất những cuốn truyện giàu sức thu hút người đọc Anh em Kiến vàng (1971), Dũng sĩ Kiến Nâu, Những đám mây hồng. Trang nhật ký của Quỳnh (1972), Vuông cỏ hẹn (1973), Anh Chi yêu dấu, Chủ nhật uyên ương, Thời nhỏ của nàng (1974). 
Chân dung Đinh Tiến Luyện Sau ngày đất nước thống nhất, Đinh Tiến Luyện lai tham gia làm báo Mực Tím, tuyến tập thơ văn Áo Trắng và tiếp tục viết văn, vẽ tranh. Năm 1991, hai truyện dài Chùm hoa trắng rụng xuống sân tình yêu và Bầy chim trắng trong sân trường xuất hiện cùng tập truyện ngân Gửi về những ngày xưa thân ái. Năm 2002 với truyện dài Sân cỏ ước mơ. Năm 2003 thì có Bài học yêu, Bốn anh em là Kiến Gió. Đặc biệt, ngoài truyện dài Anh Chi yêu dấu được tái bán đến lần thứ 7. Đình Tiến Luyên còn viết thêm Anh Chi ngoại truyện. Nhiều bạn đọc yêu thích Đinh Tiến Luyện. Trong số đó, fan Thụy Vi ở Hầm Nắng, Michigan (Hoa Kỳ) cho biết: "Anh Đinh Tiến Luyện viết văn thật cảm động, những truyện ngắn kiểu mộng mơ như những trang bia anh vẽ cho lửa tuổi con gái thích ô mai". Một fan khác, ông Nguyễn Phục Hưng ở Houston, Texas thì cho rằng Đinh Tiến Luyện là “nhà văn và họa sĩ của tuổi ô mai trong thập niên 1970" và "Đinh Tiến Luyện còn được biết nhiều hơn qua những bức tranh vẽ thiếu nữ với cặp mất tròn xoe đăng trong Tuổi Ngọc. Văn của Đinh Tiến Luyện cũng nhẹ nhàng, dễ thương và trong sáng như nét vẽ của ông. Ngày 1/2/2017, trong bài viết Tưởng nhớ người anh cả (nhà văn Duyên Anh), nhà văn họa sĩ Đinh Tiến Luyện tự sự: "Tôi vốn tâm niệm không ôm quá khứ, không hoài niệm và cũng không núp bóng quá khứ dù nó có đẹp tới đâu chăng nữa. Ích gi, nếu nó không giúp ta sống tốt hơn trong hiện tại. Lại thêm tôi vốn xem nhẹ chuyện văn chương viết lách của mình chẳng chuyên chở được gì, chẳng qua là một thời bay bóng rồi qua. Qua rồi thôi. Hãy làm chuyện khác. Tôi không có được cốt cách của một nghệ sĩ thực sự, phóng mình trong nghệ thuật, tôi biết minh chỉ tẩm tầm thế thôi khi thỏa thuận với sự chừng mực trong đời sống, thỏa thuận với hạnh phúc bình dị chung quanh. Song đến bây giờ, có lẽ tôi bắt đầu ngồi nhiều hơn xê dịch. Ngói chờ rong rêu phủ và dùng những key word tìm lại đôi ba vụn vặt, những mảnh vỡ của mình còn vương vãi đâu đó, nhặt nhạnh lại trên net, có khi lóng lánh thấy vui”. Đã là con dân của Đồng Nai 
Chân dung Đinh Tiến Luyện Đầu năm Kỷ Hợi (2019), khi có người nhắc nhở về Đồng Nai - nơi nhà văn đã sống ở Tam Hòa (thành phố Biên Hòa) từ năm 1975 đến năm 2010 mới sang Mỹ định cư, ông bồi hồi cho biết: "Không sinh trưởng ở Đồng Nai, nhưng khi nhìn lại tôi nhận ra mình đã là con dân ở đây từ bao giờ rồi. 35 năm ở một nơi chốn đã trở thành quê hương, là khoảng thời gian định hình rõ nét cho một đời người. Quan trọng hơn là chính nơi đây tôi đã xây dựng gia đình và các con tôi đều sinh ra và trải qua thời thơ ấu ở đây. Nếu quê hương là nơi chốn để hướng về và trở lại, thì Đồng Nai là hình ảnh đậm nét trong ký ức của gia đình chúng tôi. Vì nơi đây còn có những người thân yêu, những bạn bè, những dòng sông bồi đất thành những cù lao, những con đường đất đỏ bò quanh đèo núi cheo leo... Hơn cả những điều để kế, để nhắc tới là miền đất đã thắm những hạt mồ hôi, đã lau khô những hạt nước mắt và ban phát cho ta những hân hoan để trở thành hạnh phúc, dù là đầy rẫy những nhọc nhằn. Để bây giờ xa rôi, có người gợi lại, tôi nhận ra mình đã là con dân của Đồng Nai. Và tôi hãnh diện về điều đó". Rang rỡ tài danh đất Đồng Nai - Tập 2 |
đăng 04:40 4 thg 7, 2020 bởi Pham Hoai Nhan
[
đã cập nhật 05:20 4 thg 7, 2020
]
Khu lăng mộ danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức (1765-1825, tác giả của bộ Gia Định thành thông chí, quan đại thần dưới triều vua Gia Long và Minh Mạng) nằm ở KP.3, P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa) được xây dựng cùng năm ông mất đến nay đã khoảng 195 năm. Lăng mộ được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Người có công gìn giữ và chăm sóc lăng mộ danh nhân Trịnh Hoài Đức suốt hơn 22 năm qua là cựu chiến binh Nguyễn Đức Thùy (80 tuổi, ngụ P.Trung Dũng, thường gọi là ông Ba). 
Ông Nguyễn Đức Thùy giới thiệu về tiểu sử danh nhân Trịnh Hoài Đức được khắc trong lăng mộ. Ảnh: Đăng Tùng Chia sẻ về lý do gắn bó với công việc này, ông Ba cho biết, với ông công việc này không đơn thuần để mưu sinh mà còn thể hiện sự trân trọng, ngưỡng vọng hướng về bậc tiền nhân có công với vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
* Tấm lòng tri ân với danh nhân Nằm sâu trong hẻm 152 (đường 30-4, KP. 3, P. Trung Dũng, TP. Biên Hòa), dưới những tán cổ thụ mát rượi là nơi yên nghỉ của danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức và phu nhân. Khu lăng mộ này do Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao TP. Biên Hòa quản lý và trung tâm này thuê ông Ba là người trực tiếp chăm sóc.
Hằng ngày, cứ 5 giờ 30, ông Ba lại mở cổng lăng, vào quét dọn; tỉ mẩn, cẩn trọng lau chùi bia, bình phong trong lăng mộ rồi dâng hương. Ông Ba tâm sự, dù quê tận tỉnh Hưng Yên nhưng ông lại rất có “duyên” và mang ơn vùng đất Biên Hòa, nơi ông công tác và an cư lạc nghiệp từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông Ba kể lại, đầu tháng 5-1975, ông (khi đó là cán bộ kỹ thuật Trung đoàn 935) đã cùng đồng đội vào tiếp quản sân bay Biên Hòa và công tác tại sân bay đến khi về hưu vào năm 1985. Do muốn gắn bó với mảnh đất Biên Hòa nên ông quyết định không về quê mà cùng gia đình sinh sống tại ngôi nhà nhỏ, gần khu lăng mộ danh nhân Trịnh Hoài Đức.
“Lúc đó, thỉnh thoảng tôi vẫn vào lăng mộ để dâng hương bày tỏ lòng tri ân và mong muốn cụ Trịnh Hoài Đức phù hộ cho gia đình tôi an cư lạc nghiệp. Đến năm 1998, sau khi về hưu một thời gian, tôi mới chính thức ký hợp đồng với cơ quan chức năng để chăm sóc lăng mộ này và được trả công 1,5 triệu đồng/tháng. Từ đó, ngày nào tôi cũng mở cửa vào dâng hương, quét dọn sân và giới thiệu tiểu sử của danh nhân Trịnh Hoài Đức mỗi khi có các đoàn khách đến thăm viếng” - ông Ba tâm sự.
Ông Ba cho biết, ông làm công việc chăm sóc lăng mộ danh nhân Trịnh Hoài Đức chủ yếu bởi tấm lòng tri ân với bậc tiền nhân. Lăng mộ của danh nhân Trịnh Hoài Đức và phu nhân đã có từ lâu đời, xung quanh nhiều cây cối nên vào mùa mưa, sân phủ rêu rất trơn trượt. Để quét dọn, lau chùi lăng mộ mỗi sáng sớm đối với người cao tuổi như ông cũng rất khó khăn, phải làm cẩn thận, chậm rãi để tránh té ngã. Vào mùa mưa, lá cây rụng nhiều nên sáng hôm sau ông phải tốn thời gian hơn để quét, gom lại.
Với bản tính kỹ lưỡng, ông gìn giữ khu lăng mộ rất cẩn thận. Thậm chí, mỗi khi có khách đến viếng thăm lăng mộ, ông đều lưu ý họ giữ trật tự và không được đụng mạnh vào các hoa văn trên mộ.
“Người thân nhiều lần khuyên tôi nên nghỉ vì tuổi đã cao nhưng tôi nghĩ bản thân là một người lính, thời chiến góp sức bảo vệ đất nước, thời bình được đóng góp xây dựng đất nước, nay về già được trông coi lăng mộ của tiền nhân vừa là một cách tri ân với người có công với đất nước, vừa tìm niềm vui tuổi già nên đến giờ tôi vẫn làm” - ông Ba bộc bạch.
* Gìn giữ khu lăng mộ kỹ lưỡng
Trông coi, gắn bó với lăng mộ danh nhân Trịnh Hoài Đức và phu nhân bao nhiêu năm thì cũng bấy nhiêu năm ông Ba đọc đi đọc lại và thuộc nằm lòng những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời vị đại thần nhà Nguyễn. Ông Ba cũng đã tìm đọc bộ Gia Định thành thông chí do danh nhân Trịnh Hoài Đức viết về địa lý, lịch sử, văn hóa của miền đất Gia Định xưa, do các NXB hiện nay phát hành.

Các cấp lãnh đạo UBND P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa) dâng hương viếng lăng mộ danh nhân Trịnh Hoài Đức. Ảnh: Đăng Tùng Ông Ba tâm niệm: “Để có thêm kiến thức giới thiệu về danh nhân Trịnh Hoài Đức cho bà con, khách tham quan, tôi đã tự phải tìm đọc bộ Gia Định thành thông chí và tìm hiểu thêm các bài viết về vị danh nhân này. Tôi cũng mong khu lăng mộ sẽ tiếp tục được trùng tu tốt hơn, được giới thiệu rộng rãi hơn để nhiều người biết đến, ghé tham quan, học tập, nghiên cứu. Vì đây không chỉ là nơi yên nghỉ của vị danh nhân tài ba mà còn là khu lăng mộ có lối kiến trúc rất độc đáo, đạt đến trình độ mỹ thuật cao”.
Lăng mộ Trịnh Hoài Đứa gồm 2 mộ cổ của danh nhân và phu nhân được bảo tồn nguyên vẹn. Đây là 2 ngôi mộ có kiến trúc “Voi phục” rất độc đáo được xây bằng đá ong và hợp chất. Bình phong trước 2 ngôi mộ được tôn tạo nhiều lần trong nhiều năm, đặc biệt năm 2015, Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh (nay thuộc Bảo tàng tỉnh) đã thực hiện bảng tiểu sử bằng đá để khách tham quan, người dân đến viếng có thể đọc và hiểu được cuộc đời, sự nghiệp danh nhân Trịnh Hoài Đức.
Từ sự chăm sóc chu đáo của ông Ba nên khu lăng mộ của danh nhân Trịnh Hoài Đức luôn được giữ gìn sạch sẽ. Mọi người dân xung quanh cũng ý thức giữ gìn vệ sinh quanh lăng và thường vào dâng hương, dọn dẹp lăng mộ phụ ông Ba.
Bà Lưu Kim Phụng (ngụ KP.3, P. Trung Dũng) bày tỏ: “Ông Ba chăm sóc lăng mộ danh nhân Trịnh Hoài Đức rất có tâm, không quản nắng mưa, hầu như ngày nào cũng mở cửa quét lá, lau bàn thờ, dâng hương cho ấm cúng. Bà con ở đây thấy vậy nên đi tập thể dục sớm cũng thỉnh thoảng vào dâng hương khi thấy ông mở cửa, để khu vực lăng thêm ấm cúng. Tôi nhà gần đây cũng nói ông làm cho 1 chìa khóa vào khu lăng mộ, để phòng khi có khách đến tham quan bất ngờ nhưng ông có việc đi vắng thì tôi cũng mở cửa giúp”.
Ông Nguyễn Văn Tình, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao TP. Biên Hòa nhận xét, suốt 22 năm qua, ông Ba luôn cần mẫn trong việc chăm sóc lăng mộ danh nhân Trịnh Hoài Đức. Nhờ có ông Ba mà khu vực lăng mộ luôn được dọn dẹp sạch sẽ, tôn nghiêm, hương khói ấm cúng hằng ngày, thể hiện sự tri ân của nhân dân địa phương với danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức.
Lăng mộ danh nhân Trịnh Hoài Đức được xếp hạng di tích lịch sử theo Quyết định số 1539/QĐ của Bộ VH-TTDL ngày 27-12-1990. Đến ngày 6-9-2007, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 2854/QĐ-UBND lấy tên danh nhân Trịnh Hoài Đức đặt cho con đường ven công viên Biên Hùng (thuộc P.Trung Dũng) - con đường cách lăng mộ ông chỉ 30m. |
|
đăng 03:19 30 thg 12, 2019 bởi Pham Hoai Nhan
Cây thông khổng lồ 3 tầng, cao gần 30m được làm từ 2.100 nón lá, đèn điện lung linh thu hút hàng ngàn bạn trẻ đến check in mỗi đêm thời gian gần đây.

Cây thông khổng lồ được làm từ 2.100 nón lá, cao 29m là một trong những điểm đến ưa thích của các bạn trẻ trong dịp lễ Giáng sinh 2019 - Ảnh: A LỘC Đồng Nai với hơn 1 triệu giáo dân, sinh hoạt tại 272 giáo xứ và 15 cơ sở chờ lên giáo xứ, là địa phương đông giáo dân nhất cả nước.
Mỗi mùa lễ Giáng sinh, các giáo xứ trên địa bàn trang trí bằng hàng ngàn bóng đèn điện, đèn LED, mô hình hang động… rực rỡ, thu hút đông đảo đồng bào Công giáo đến dự lễ, cầu nguyện một mùa Giáng sinh an lành, hạnh phúc.
Trong không khí lễ Giáng sinh 2019, hàng ngàn người dân Đồng Nai ùn ùn kéo đến giáo họ Hà Phát (phường Tân Biên, TP Biên Hòa) chiêm ngưỡng, "check in" với cây thông khổng lồ vươn cao giữa trung tâm thành phố.

Mái vòm rộng gần 10m, được trang trí các dây đèn rực rỡ bắt mắt - Ảnh: A LỘC Để dựng lên cây thông độc đáo này, bà con giáo dân huy động người mua nón lá từ nhiều nơi trong hơn 2 tháng, sơn phết chất liệu bảo quản, đấu nối bóng đèn rồi dùng cẩu nâng lên ghép lại.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp giáo họ Hà Phát xây dựng mô hình cây thông từ nón lá. Mỗi đêm, địa điểm này thu hút hơn 5.000 người đến thăm quan, vui chơi và chụp ảnh lưu niệm.
Trong khi đó, con đường chạy dọc khu Hố Nai (TP Biên Hòa) dài chừng 5km có đến hàng chục giáo xứ, nhà thờ lớn nhỏ được xem là nơi nơi có tỉ lệ giáo dân đông nhất Đồng Nai. Không chỉ các giáo xứ mà các cửa hàng, trung tâm thương mại, nhà dân, ngỏ hẻm cũng được thắp sáng, trang trí lung linh màu sắc.

Giáo xứ Trung Nghĩa là một trong những nơi trang trí đơn giản mà đẹp mắt - Ảnh: A LỘC So với các năm trước, mặc dù không khí đón Giáng sinh vẫn náo nhiệt nhưng qua ghi nhận, việc tổ chức trang hoàng của các nhà thờ, giáo xứ trên địa bàn có phần nhẹ nhàng, ít tốn kém hơn.
"Mấy hôm nay em đã đi nhiều nơi, so với mọi năm tuy số lượng đèn hoa ít hơn, em thấy một số giáo xứ trang hoàng rất cầu kỳ, đẹp mắt và chất lượng hơn hẳn so với năm trước, thu hút rất đông bạn trẻ đến chiêm ngưỡng, vui chơi", Thủy Tiên (ngụ TP Biên Hòa) chia sẻ.

Mỗi đêm, địa điểm này thu hút hàng ngàn bạn trẻ đến check in, vui chơi - Ảnh: A LỘC

Con đường dẫn vào giáo xứ Lộ Đức (TP Biên Hòa) ngập tràn ánh đèn - Ảnh: A LỘC

Mô hình hang động được trang trí tinh tế - Ảnh: A LỘC

Đồng bào Công giáo đọc kinh trước một mô hình hang động cầu kỳ đầy màu sắc - Ảnh: A LỘC

Một số mô hình đẹp như tranh bên trong một giáo xứ - Ảnh: A LỘC

Giáo xứ Hà Nội với nhiều tiết mục văn nghệ hoành tráng được chuẩn bị công phu để phục vụ đồng bào Công giáo dịp lễ Giáng sinh - Ảnh: A LỘC

“Ông già Noel” phát bánh kẹo cho các em thiếu nhi đi chơi lễ - Ảnh: A LỘC

Nhóm bạn trẻ vui vẻ chụp ảnh lưu niệm trong dịp lễ Giáng sinh - Ảnh: A LỘC

Lễ Giáng sinh ở Việt Nam là một dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Trong đêm Giáng sinh, trẻ em háo hức chờ sự xuất hiện của ông già Noel, gia đình bè bạn rủ nhau hội hè, yến tiệc, hát karaoke... và cầu chúc nhau an lành, hạnh phúc - Ảnh: A LỘC
A LỘC |
đăng 01:06 10 thg 12, 2019 bởi Pham Hoai Nhan
[
đã cập nhật 04:42 25 thg 12, 2019
]
Phật tử, du khách ngày nay có thể đến viếng thăm ngôi Tổ đình Quốc Ân Kim Cang - một ngôi chùa đã từng được khai sơn hơn 300 năm trước - tại huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Tuy nhiên đó là ngôi chùa mới được xây dựng lại cách đây 10 năm trên nền chùa cũ, vốn đã bị phá hủy hoàn toàn từ năm 1946. Di tích quan trọng nhất ở đây chính là ngôi tháp mộ của Tổ sư Nguyên Thiều, vị Tổ truyền phái Lâm Tế vào Miền Trung Việt Nam đầu tiên, và đã đóng góp nhiều công đức trong việc phục hưng và phát triển Phật giáo ở Đàng Trong.

Tháp mộ Tổ sư Nguyên Thiều
Xưa kia ngôi chùa này gọi là Chùa Kim Cang hay Chùa Tháp ở Đồng Nai, tọa lạc tại ấp Bình Thảo, xã Bình Phước, huyện Phước Long, dinh Trấn Biên. Ngày nay chùa thuộc ấp Bình Lục, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Theo lời kể của trụ trì chùa Cửu Thiên – Thủ Đức (là đệ tử của vị trụ trì Tổ đình Quốc Ân Kim Cang thời điểm 1946) và các bô lão ở địa phương ấp Bình Thảo kể lại thì người dân nơi đây vẫn thường gọi đây là “Chùa Tháp” vì chùa này có ngôi tháp cổ của vị Tổ Sư khai sơn Tổ đình Quốc Ân Kim Cang. Chính nhờ ngôi tháp này mà sau nhiều năm quên lãng, người ta mới xác định lại được vị trí ngôi Tổ đình. Hiện nay chùa xưa chỉ còn lưu dấu nền Tổ đình và hai tháp cổ. Thông tin về 2 ngôi tháp cổ như sau (ghi lại theo bài viết của Pháp Tuệ, trên báo Giác Ngộ online ngày 14/11/2008):
1. Bảo tháp của Tổ Sư Nguyên Thiều húy Siêu Bạch: Theo năm tháng bảo tháp tuy bị xuống cấp nhưng vẫn còn dáng vẻ uy nghi và đồ sộ với:
Mộ bia: bằng đá xanh. Trên mặt bia có khắc 3 hàng chữ Nho, phiên âm như sau: - Hàng chính giữa: Quốc Ân Kim Cang đường thượng, tam thập tam thế, húy Siêu Bạch Quán Bích Hòa thượng Tổ sư chi tháp
- Hai hàng hai bên: - Phổ Quang tự Yết ma Chủ hương; - Hội Khánh tự Giáo thọ Thiền chủ lập thạch; - Sắc tứ Từ Ân tự Hòa thượng Pháp sư; Chứng minh lịnh - Long Thạnh tự Hòa thượng; - Đức Sơn tự Hòa thượng; - Hưng Long tự Hòa thượng; Chư sơn đồng tạo.
Tháp Tổ: hình lục giác cao ba tầng, chiều cao từ mặt đất lên đến đỉnh tháp là 5,2m. Tháp dựng trên nền xây đá xanh hình chữ nhật, ngang 3m, dài 4m, cao 0,8m… Mặt trước là bia tháp: khắc nổi trên ô dước với 3 hàng chữ Nho, gồm: dòng giữa ghi: Quốc Ân Kim Cang đường thượng, tam thập tam thế, húy Siêu Bạch Quán Bích Tổ sư chi tháp; dòng bên mặt ghi: Tuế tại Kỷ Dậu niên, mạnh Thu, cát nhựt, hiệp chư sơn thiền đức đồng tái tạo; dòng bên trái ghi: Thập ngoạt, thập cửu nhựt viên tịch. 2. Tháp Phổ Đồng: Tương truyền đây là tháp của công chúa Ngọc Vạn, con của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, bà là vợ vua Chân Lạp Chey Chetta II, là người có công hộ trì Phật pháp và ủng hộ việc xây dựng Tổ đình Quốc Ân Kim Cang lúc bấy giờ.
Hình ảnh tháp Tổ sư Nguyên Thiều. Ảnh: Phạm Hoài Nhân, click vào ảnh để xem phóng to. 


Phần tường bao xung quanh tháp có khắc bài minh của Chúa Nguyễn Phúc Chu (Hiển Tông hoàng đế) để ca ngợi công đức của Tổ sư. Phần chữ quốc ngữ khắc khá vụng về làm giảm phần nào giá trị của di tích. Hình ảnh tháp Phổ Đồng. Ảnh: Phạm Hoài Nhân, click vào ảnh để xem phóng to. 


Có vẻ như tháp đã được xây lại quá nhiều, không còn hình dung ra tháp ban đầu như thế nào. Các mặt bên của tháp có ghi tiểu sử công nữ Ngọc Vạn, các bài thơ của người thời nay ca tụng công đức của bà và cả ca ngợi công đức của công nữ Ngọc Khoa nữa! Theo ghi chép của Hòa thượng Thích Giác Quang trước khi tháp được tân trang (đặng trên website Linh Sơn Phật giáo) thì: Hình dạng Tháp là một bầu hồ lô tròn, đắp bằng một khối ô dước, cao 2 mét, đáy hình tròn, kính 2 mét.Bầu hồ lô dựng trên một nền vuông xây gạch thẻ nung, phía ngoài tô ô dước. Trên có khắc hoa văn. Tháp bị hư sập, chỉ còn phần dưới bầu hồ lô và nền tháp. Điều đáng chú ý là trên bia tưởng niệm ở mặt bên của tháp ghi là Tháp mộ của Công chúa Ngọc Vạn. Bỏ qua chuyện lẫn lộn giữa công nữ và công chúa vì trong dân gian vẫn thường gọi lẫn lộn như vậy, thì chi tiết Tháp mộ không được các nhà nghiên cứu đồng tình. Theo các dữ kiện lịch sử thì không thể có việc mộ của công nữ Ngọc Vạn nằm tại đây. Do vậy, đây có thể là một tháp thờ hay tháp tưởng niệm công nữ Ngọc Vạn vì bà là một người có công lớn và đóng góp nhiều cho việc phát triển Phật giáo ở vùng đất này. Nguồn gốc và ý nghĩa của ngôi tháp này vẫn còn là điều bí ẩn. |
đăng 01:04 4 thg 12, 2019 bởi Pham Hoai Nhan
Thiền sư Nguyên Thiều (1648-1728) là một thiền sư người Trung Quốc, thuộc phái Lâm Tế đời thứ 33, sang Việt Nam truyền đạo vào nửa cuối thế kỷ 17. Ngài là vị Tổ truyền phái Lâm Tế vào miền Trung Việt Nam đầu tiên, và đã đóng góp nhiều công đức trong việc phục hưng và phát triển Phật giáo ở Đàng Trong. Sau vài thập kỷ hoằng hóa ở Bình Định và Thuận Hóa, Ngài cùng một số đệ tử vượt núi băng ngàn vào phương Nam, dừng chân tại vùng đất Đồng Nai. Tại đây, vào cuối thế kỷ 17, Ngài cùng các đệ tử là Ngài Minh Vật Nhất Tri kiến lập ngôi tổ đình Quốc Ân Kim Cang, Ngài Thành Nhạc khai sơn chùa Long Thiền, Ngài Thành Đẳng khai sơn chùa Đại Giác, Ngài Thành Ý khai sơn chùa Bửu Phong. Ngày nay, các ngôi Long Thiền, Đại Giác, Bửu Phong vẫn tồn tại ở Biên Hòa, Đồng Nai và là những ngôi cổ tự danh tiếng. Thế nhưng ngôi Tổ đình Kim Cang ở đâu? Tổ đình Quốc Ân Kim Cang hiện ở xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, cách trung tâm TP Biên Hòa khoảng 12 km. Đây là ngôi Tổ đình: 

Chánh điện của ngôi tổ đình là đây: 
Sao nhìn dáng vẻ và kiểu cách kiến trúc ngôi chùa có vẻ mới quá, không giống một ngôi chùa cổ như giới thiệu ở trên? Đúng rồi, vì chùa mới được xây dựng khoảng 10 năm thôi mà! Sao kỳ vậy? Sao bảo là chùa xây dựng đã hơn 300 năm? Chuyện thì dài lắm, xin được kể nghen. Người ta ước định ngôi Tổ đình Kim Cang được khai sơn vào khoảng thời điểm thành lập đất Biên Hòa (1698), tức cách đây hơn 300 năm. Cùng thời điểm đó, những người Hoa nơi đây cũng lập nên một ngôi đền Thanh Long để thờ Quan Công, gọi là chùa Ông, cách Tổ đình Kim Cang chưa đến 1 cây số. Cuối 1946, do chiến tranh, cả tổ đình Kim Cang lẫn đền Thanh Long đều bị thiêu hủy hoàn toàn. Hơn 20 năm sau, năm 1968, khu đất nơi tọa lạc Tổ đình Kim Cang vẫn nằm trong khu vực mất an ninh, không được xây cất. Tín đồ Phật giáo và hương chức địa phương đứng ra xây dựng trên nền cũ của đền Thanh Long một cảnh chùa đơn sơ nhỏ hẹp để có nơi thờ phụng Tam Bảo và Quan Công (họ đã bán một số cây gỗ giáng hương trên phần đất của tổ đình Kim Cang và những huê lợi thu được từ những thửa ruộng, vườn hương hỏa của hai di tích để làm chi phí tái thiết). Chùa được ghép tên của hai di tích cổ lại thành Kim Long Cổ Tự. Sau 1975, việc mất an ninh ở khu đất tọa lạc Tổ đình Kim Cang không còn nữa, nhưng thời ấy Phật giáo, chùa chiền không được coi trọng, vả lại người ta đã có một ngôi chùa là Kim Long cổ tự để thay thế cho ngôi Tổ đình Kim Cang rồi. Thế là ngôi Tổ đình bị quên lãng dần theo thời gian... 
Chân dung Tổ sư Nguyên Thiều, theo hình ảnh lưu tại các chùa 20 năm sau, năm 1988, người dân khai hoang báo tin phát hiện một ngôi tháp cổ ở cách Kim Long cổ tự không xa. Hòa thượng Thích Minh Lượng, trụ trì Kim Long cổ tự, cùng chư tăng đến dọn dẹp, cạo mối, chùi rửa và cùng các nhà nghiên cứu giúp đọc văn bia, mới phát hiện là đó là bảo tháp của Tổ sư Nguyên Thiều, ở nền cũ của ngôi Kim Cang Quốc Ân. Ngay tại thời điểm đó, cố Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành, Phó Pháp chủ, nguyên Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai, làm lễ chứng minh, nguyện hương cho công cuộc trùng tu ngôi bảo tháp của Tổ sư và xây dựng lại ngôi tổ đình. Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản... Phần tài sản (ruộng đất) hương hỏa của tổ đình, một phần chính quyền địa phương trưng dụng, một phần dân chúng trong vùng chiếm canh chiếm cư chưa được trả lại. 20 năm sau nữa, năm 2008, Hòa thượng Thích Minh Chánh, thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai, trụ trì chùa Giác Minh mới đủ túc duyên phát nguyện xây dựng và trùng tu ngôi Tổ đình. Hòa thượng Trưởng ban và Ban Kiến thiết Tổ đình xin tán thán công đức của chư tôn giáo phẩm, chính quyền địa phương đã tận tình giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện đền bù, cấp phép xây dựng trùng tu và hai Phật tử Tâm Lộc và Diệu Hương đã phát tâm cúng dường tài thí số tiền hơn 1,1 tỷ đồng để đền bù giải tỏa trên khuôn viên chùa có được 4.609 m2. Ngày 19/10 Mậu Tý (16/11/2008), tại bảo tháp Tổ sư và trên nền chùa xưa diễn ra lễ đặt viên đá trùng tu Tổ đình Quốc Ân Kim Cang… 
Hòa thượng Thích Minh Chánh bên cạnh bảo tháp Tổ sư Nguyên Thiều (đã trùng tu). Ảnh: báo Giác Ngộ Như vậy tiếng là ta đến viếng ngôi chùa cổ Quốc Ân Kim Cang, nhưng thật ra ngôi chùa là... mới tinh, chỉ có ngôi bảo tháp là cổ, và là tháp mộ của một vị danh tăng có công lớn trong việc hoằng hóa Phật pháp nước Việt. Ngoài ra, nơi đây còn một ngôi tháp nữa, gần như cùng thời với bảo tháp Tổ sư. Câu chuyện về 2 ngôi tháp này sẽ kể trong một bài viết khác nhé. |
đăng 07:13 9 thg 10, 2019 bởi Pham Hoai Nhan
[
đã cập nhật 07:17 9 thg 10, 2019
]
Từ đường Nhà thờ họ Triệu tại Triệu Gia Trang (ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) vinh dự được Tổng Thư ký Liên hiệp UNESCO Thế giới và Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam công nhận và trao bằng bảo trợ di tích lịch sử, văn hóa. Đây được xem là phần thưởng nhằm khích lệ Triệu Gia Trang góp phần vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc. Triệu Gia Trang cũng là đơn vị tư nhân đầu tiên được nhận bằng bảo trợ này.
Từ đường “Triệu Gia Trang”
Tọa lạc tại hương lộ 9, ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, Triệu Gia Trang mang đặc trưng của lối kiến trúc Phật giáo. Khách đến Triệu Gia Trang có thể lầm tưởng đây là một ngôi chùa, bởi sự bề thế, khang trang của nơi thờ tự này (toàn bộ Triệu Gia Trang tọa lạc trên diện tích 5 ha). Tuy nhiên, đây chỉ là nơi thờ tự mang tính tư nhân của ông Trịnh Hữu Hòa, chủ nhân Triệu Gia Trang. Nơi thờ tự này được ông đặt cho tên gọi là Nam Minh Ðiện.

Ông Trịnh Hữu Hòa bên bức tượng Quan Âm Bồ Tát bằng ngọc bích lớn nhất thế giới Tên gọi “Triệu Gia Trang” hẳn cũng gây không ít tò mò cho nhiều người. Triệu Gia Trang nguyên là tên gọi của Từ đường họ Triệu ở thôn Trí An, xã Nam Hoa, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Ðịnh. Năm 2000, ông Hòa chuyển vào Nam sinh sống. Nhận thấy con cháu họ Triệu ở phía Nam rất đông, trong đó nhiều người sinh sống ở Ðồng Nai, được bạn bè giới thiệu, ông đã mua đất ở ấp Vĩnh Hiệp và lập nên Triệu Gia Trang phía Nam.
Ông Hòa tâm sự: “Gốc của tôi là họ Triệu. Tuy nhiên, thời kháng chiến, khi cha tôi tham gia cách mạng đã phải đổi tên để đảm bảo bí mật, lúc đó ông lấy họ Trịnh. Vì vậy, con cháu trong gia đình chúng tôi hiện nay đều mang họ Trịnh cả. Tôi mong muốn Triệu Gia Trang không chỉ là nhà của con cháu trong dòng họ chúng tôi mà những ai mang họ Triệu đều có thể về đây để tưởng nhớ tổ tiên mình. Hằng năm, vào ngày 24 tháng Giêng, chúng tôi đều tổ chức ngày giỗ tổ của họ Triệu. Lễ giỗ này nhằm nhắc nhở con cháu nhớ đến nguồn gốc của tổ tiên. Ðặc biệt, chúng tôi muốn con cháu noi gương tổ tiên để làm nhiều việc tốt cho xã hội”.
Nơi gợi nhắc giá trị văn hóa truyền thống…
Có lối kiến trúc mang đậm nét Phật giáo, tuy nhiên Nam Minh Ðiện không đơn thuần chỉ là nơi thờ Phật mà chủ nhân của ngôi Ðiện thờ này còn thờ phụng nhiều bậc thánh nhân, tiên tổ, những người có công với đất nước theo tín ngưỡng dân gian của người Việt. Vào ngày mùng 10-3 hằng năm, Triệu Gia Trang đều tổ chức lễ Giỗ tổ Hùng Vương.
Ông Trịnh Hữu Hòa giải thích: “Tôi lập nên nơi thờ tự này trước hết là để giáo dục cho con cháu trong gia đình về ý thức gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Sau nữa, tôi cũng mong muốn tinh thần này lan tỏa trong cộng đồng. Tín ngưỡng mà tôi đang thờ ở đây là tín ngưỡng của người Việt Nam, là tinh thần “uống nước nhớ nguồn”: con cái sinh ra phải nhớ ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên; xa hơn nữa là nhớ ơn các bậc thánh nhân, các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước”.

Kiến trúc của Triệu Gia Trang mang đậm nét Phật giáo nhưng chỉ là cơ sở tín ngưỡng gia đình Ðược biết, việc thờ cúng của Triệu Gia Trang đều tổ chức theo nghi lễ truyền thống. Nếu là những lễ giỗ của gia đình thì do người trong gia đình ông Hòa thực hiện. Với những lễ khác thì những người làm lễ thường là chủ tế ở các Ðình được mời về. Ðặc biệt, một trong những nghi lễ thường được thể hiện ở Nam Minh Ðiện là hình thức hát Chầu Văn. Ðây là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam, là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Ðạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Ðức Thánh Trần (Ðức Thánh Vương Trần Hưng Ðạo), một tín ngưỡng dân gian Việt Nam… Ông Hòa cho biết: “Ðoàn hát Chầu Văn thường được mời từ ngoài Bắc vào, có khi nghi thức này đoàn hát Chầu Văn ở huyện Ðịnh Quán đảm nhiệm”.
Nơi nắm giữ nhiều kỷ lục
Tính đến thời điểm hiện nay, Triệu Gia Trang là nơi thờ tự tư nhân đầu tiên ở nước ta được nhận bằng bảo trợ của Tổng Thư ký Liên hiệp UNESCO Thế giới và Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam. Chủ nhân của Triệu Gia Trang cũng là người hiện đang nắm giữ nhiều kỷ lục.
Tháng 4-2015, Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam đã công nhận kỷ lục Việt Nam đối với 3 bộ tượng bằng ngọc bích được thờ tại Nam Minh Ðiện, gồm: Tượng Ðức Thánh Trần Hưng Ðạo bằng ngọc bích lớn nhất Việt Nam, ba pho tượng Tam tòa Thánh Mẫu bằng ngọc bích lớn nhất Việt Nam và Ấn Rồng bằng ngọc bích lớn nhất Việt Nam.
Trước đó, tháng 11-2012, Hiệp hội kỷ lục thế giới đã trao giấy chứng nhận bức tượng Phật Quan Thế Âm bằng ngọc bích lớn nhất thế giới cho ông Trịnh Hữu Hòa. Toàn bộ những công trình bằng ngọc bích đã được xác lập kỷ lục này được làm từ một khối ngọc bích nặng 11,5 tấn, có nguồn gốc từ Canada.
Ðược tin Tổng Thư ký Liên hiệp UNESCO Thế giới và Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam trao Bằng Bảo trợ Di tích lịch sử, văn hóa cho Từ đường Nhà thờ tổ họ Triệu tại Triệu Gia Trang, ông Hòa rất vui mừng vì: “Với việc trao bằng bảo trợ này, Liên hiệp các Hội UNESCO đã công nhận cơ sở thờ tự của chúng tôi là cơ sở tín ngưỡng có giá trị lịch sử, văn hóa và giáo dục truyền thống của người Việt Nam. Tôi hy vọng đây không chỉ là niềm vinh hạnh riêng cho gia đình, dòng họ chúng tôi mà còn là niềm vui chung của tất cả mọi người. Từ đây, Liên hiệp các Hội UNESCO sẽ có trách nhiệm tuyên truyền để nhân dân được biết về những giá trị văn hóa truyền thống này”.
Hải Yến - Thành Nhân |
đăng 04:35 9 thg 10, 2019 bởi Pham Hoai Nhan
Từ khối ngọc bích thô nặng 11,5 tấn được phát hiện tại Canada, trong hơn 1 năm các nghệ nhân Việt Nam đã chế tác thành công bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát nặng 6,8 tấn với chiều cao 1,98m.

Bức tượng trên đang được an vị tại Nam Minh điện, thuộc ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Nơi thờ bức tượng là một khu lầu hình bát giác được dựng giữa một hồ sen thơm ngát.


Bức tượng có chiều cao 1,98m, rộng 1,53m, dày 1,08m, nặng 6,8 tấn, được tạc từ khối ngọc bích thô nặng 11,5 tấn.

Vào ngày 5/12/2012 bức tượng đã được Hiệp hội Kỷ lục Thế giới ghi nhận là “Bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát bằng ngọc bích lớn nhất thế giới”.

Bức tượng được chế tác trong hơn 1 năm bởi những người thợ Việt Nam với những đường nét hoàn hảo.

Tòa sen phía dưới được tạc bằng đá Saphia nặng 6 tấn.

Bệ đỡ bằng đá thạch anh trắng nặng 23 tấn được chạm nổi 9 con rồng. Tính cả bệ, bức tượng có chiều cao 4,3m.



Bức tượng đã nhận Giấy chứng nhận của Hiệp hội Kỷ lục Thế giới.
Nguyễn Cường |
đăng 04:02 9 thg 10, 2019 bởi Pham Hoai Nhan
[
đã cập nhật 04:06 9 thg 10, 2019
]
Mới đây, nghệ nhân Nguyễn Văn Minh (xã Phước Tân, TP. Biên Hòa) đã được Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam trao bằng chứng nhận, phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú vì đã có công truyền dạy và bảo tồn nghề tiểu thủ công nghiệp điêu khắc đá. Anh chính là người điêu khắc nên bức tượng Quan Âm Bồ Tát bằng ngọc bích lớn nhất thế giới, hiện đặt tại Nam Minh Điện, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu. Người có duyên tạc tượng Phật
Những ai đã có dịp được chiêm ngưỡng bức tượng Quan Âm Bồ Tát bằng ngọc bích lớn nhất thế giới do nghệ nhân Nguyễn Văn Minh điêu khắc sẽ không khỏi trầm trồ, ngưỡng mộ. Bức tượng không chỉ tinh xảo đến từng chi tiết mà còn rất có hồn, khiến cho người chiêm ngưỡng có cảm giác thân thiết đến kỳ lạ. Đó là điều mà không phải người thợ điêu khắc nào cũng làm được…
Chủ sở hữu bức tượng Quan Âm nổi tiếng nói trên là ông Trịnh Hữu Hòa, một Phật tử mộ đạo. Sau khi tìm mua được một khối ngọc bích nặng khoảng 11,5 tấn từ Canada, ông Hòa đã đi nhiều nước để tìm thợ chế tác. Ông đã đến “xứ sở” của những pho tượng Phật là Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc để tìm thợ. Tuy nhiên, việc tìm thợ chế tác tượng là rất khó khăn. Ông kể: “Tôi đã đến xưởng chế tác Phật ngọc của công ty chế tác Jade Thongtawee ở Thái Lan, đây là nơi chế tác tượng Phật ngọc nổi tiếng Vì Hòa bình Thế giới. Tuy nhiên, công ty cho biết là họ cũng chưa tạc tượng Phật Bà Quan Âm bao giờ. Họ yêu cầu khối ngọc phải được vận chuyển và mang đến xưởng của họ. Nếu tạc thì mất ít nhất 2 năm và mỗi tuần tôi phải sang nghiệm thu 1 lần”.
Tưởng như bế tắc, ông được người quen giới thiệu anh Nguyễn Văn Minh, chủ nhân của xưởng điêu khắc đá Lưu Sơn (xã Phước Tân, TP. Biên Hòa). Anh Minh là người đã từng tạc nhiều tượng Phật cho các chùa và khá nổi tiếng trong lĩnh vực này. Như có nhân duyên, ông Hòa tin tưởng giao phó “sinh mệnh” của khối ngọc quý cho nhóm thợ của anh Minh.

Anh Nguyễn Văn Minh bên pho tượng Quan Âm đang được thờ tại Nam Minh Điện Anh Nguyễn Văn Minh chia sẻ: “Được tạc bức tượng Quan Âm bằng ngọc bích chính là một cơ duyên của tôi. Tôi có rất nhiều cảm xúc khi nhận được công trình này. Vui có, lo lắng có. Tôi cảm thấy trách nhiệm của mình rất lớn, không chỉ bởi vì giá trị vật chất của khối ngọc mà còn vì sự tin tưởng của anh Hòa đối với tôi”.
Khi bắt tay thực hiện công việc, anh Minh gặp phải rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất chính là về mặt kỹ thuật. Loại ngọc bích này có cấu tạo rất cứng nên rất khó khăn trong việc tạc tượng. Hơn nữa, trong quá trình khoan cắt khối ngọc, chỉ cần vài giây không có nước thì tại điểm tiếp xúc sẽ bị nổ do nhiệt độ tăng lên. Áp lực lớn nhất của anh chính là “không được phép sai sót”, bởi chỉ cần 1 sơ suất nhỏ thì mọi công sức, tiền của trở thành con số không.
Nghệ nhân tài hoa
Khi khối ngọc thô 11,5 tấn về đến Việt Nam, các chuyên gia đánh giá khả năng chỉ có thể tạc được một bức tượng với kích thước khoảng 1,7m. Tuy nhiên, những gì mà anh Minh cùng các cộng sự đã làm được là điều ngoài mong đợi và dự đoán của nhiều người.
Ngoài bức tượng Quan Âm cao 1m98, rộng 1,53m, dày 1,08m, nặng 6,8 tấn, anh còn tạc được thêm 6 bức tượng khác bao gồm: Phật Thích Ca, Phật A di đà, tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo và 3 bức tượng Tam tòa Thánh mẫu. Tất cả những bức tượng này hiện đang giữ kỷ lục là tượng ngọc bích lớn nhất Việt Nam. Riêng bức tượng Quan Âm, từ tháng 11-2012 đã được Hiệp hội kỷ lục thế giới công nhận là tượng Quan Âm bằng ngọc bích lớn nhất thế giới. Những khối ngọc nhỏ còn lại, anh tiếp tục làm những đồ thờ cúng khác. Theo tính toán, khối ngọc 11,5 tấn hầu như không bị hao hụt, lãng phí chút nào, ngoại trừ khoảng 5% hao hụt là bụi ngọc không thể tận dụng được.
Để làm được điều “không tưởng” này, anh đã mất 2 tháng trời ngồi ngắm nhìn khối ngọc để tìm ra phương hướng. Cái khó của người nghệ nhân sau khi đã tách khối, định hình được khối ngọc là phải tìm được nơi đẹp nhất của khối ngọc để làm phần trọng tâm. Anh chia sẻ kinh nghiệm: “Ngọc bao giờ cũng có chỗ bị tì vết nên nghệ nhân phải khéo léo đưa những vết này vào phần phụ, phần chính của bức tượng phải là phần ngọc đẹp nhất. Tôi rất hài lòng khi phần đẹp nhất ấy chính là gương mặt của Phật Bà”.
Sau 18 tháng miệt mài với công việc, anh cùng nhóm thợ đã hoàn thành 7 bức tượng ngọc nêu trên. Quá trình thực hiện, cả anh và ông Hòa đều không nghĩ đến việc lập kỷ lục. Khi công trình hoàn thiện, khách đến tham quan (trong đó có nhiều khách nước ngoài) đã gợi ý cho hai người về điều này. Vì vậy, ông Hòa đã gửi hồ sơ đến tổ chức kỷ lục thế giới để xác minh và công nhận kỷ lục này.
Anh Minh vui vẻ cho biết: “Tôi tự hào vì đã làm được điều mà trên thế giới không nghĩ là ở Việt Nam có thể làm được. Việt Nam chúng ta là nước đi sau về công nghệ chế tác ngọc nhưng chúng tôi đã làm được điều mà những nghệ nhân khác trên thế giới không làm được”.
Người thầy tốt bụng
Anh Nguyễn Văn Minh sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hà Nam. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, anh khăn gói đến Nam Định để học nghề điêu khắc, sau đó vào TP. HCM lập nghiệp. Năm 2008, anh về Biên Hòa mở xưởng điêu khắc đá.
Không chỉ giỏi nghề, anh nổi tiếng là người thầy tốt bụng. Xưởng của anh luôn có nhiều học viên đến xin học nghề . Không những không “giấu nghề”, anh còn dạy bảo rất tận tình cho các học trò. Ngoài ra, sau khi học nghề xong, các học trò còn được anh hỗ trợ công ăn việc làm cho đến khi nào “cứng nghề” mới thôi.
Học trò của anh đến từ nhiều vùng miền, nhưng chủ yếu là ở các tỉnh phía Bắc như: Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa… Anh Túng Văn Hải (quê Thanh Hóa) cho biết: “Ở những nơi khác, người học nghề như chúng tôi thường chỉ được làm chân phụ việc, người ta giao gì làm nấy và tranh thủ “liếc mắt” học lỏm. Riêng thầy Minh rất tận tình với học trò. Chúng tôi đến đây học nghề được thầy chỉ bảo từng chút một. Ngoài việc lo cho chỗ ăn ngủ, hằng tháng thầy còn bồi dưỡng cho chúng tôi ít tiền để tiêu vặt. Khi “ra trường” lại được thầy hỗ trợ công việc làm ăn nên tôi cảm thấy rất yên tâm”.
Thành An |
|