Bài mới

  • Bến Nôm mùa tảo xanh những hòn 'đảo chìm' lộ diện ảo diệu Bến Nôm là một lựa chọn lý tưởng cho ngày nghỉ lễ 2.9 bởi không xa TP.HCM. Và bởi sức hút của hình ảnh những "hòn đảo chìm ...
    Được đăng 21:45 20 thg 9, 2020 bởi Pham Hoai Nhan
  • Về Xuân Lộc thăm núi Chứa Chan 1.Tuổi nhỏ của tui ở Xuân Lộc, Long Khánh, tỉnh Long Khánh chớ không phải thành phố Long Khánh như bây giờ. Và quận Xuân Lộc bao gồm cả ...
    Được đăng 00:36 9 thg 2, 2020 bởi Pham Hoai Nhan
  • Hương đồng gió nội bay đi Vậy là Long Khánh đã chính thức lên thành phố từ ngày 1/6/2019.Thành phố Long Khánh 2019. Ảnh: Báo Đồng NaiNhớ ngày xưa, khi tôi sinh ...
    Được đăng 01:46 7 thg 7, 2019 bởi Pham Hoai Nhan
  • Mít tố nữ Long Khánh Từ hồi tui còn nhỏ xíu, tui đã nghe nói mít tố nữ là loại trái cây đặc sản của Long Khánh. Mít thì ở đâu cũng có, nhưng mít ...
    Được đăng 02:01 31 thg 10, 2018 bởi Pham Hoai Nhan
  • Trị An - mùa Điên Điển Ở phương Nam một năm chỉ có 2 mùa mưa nắng. Cứ vào khoảng độ tháng 7 âm lịch là bắt đầu bước vào mùa mưa với những cơn mưa ...
    Được đăng 06:57 11 thg 10, 2018 bởi Pham Hoai Nhan
Hiển thị bài đăng 1 - 5trong tổng số 49. Xem nội dung khác »

Bài trong mục này


Bến Nôm mùa tảo xanh những hòn 'đảo chìm' lộ diện ảo diệu

đăng 21:45 20 thg 9, 2020 bởi Pham Hoai Nhan

Bến Nôm là một lựa chọn lý tưởng cho ngày nghỉ lễ 2.9 bởi không xa TP.HCM. Và bởi sức hút của hình ảnh những "hòn đảo chìm" lộ diện ảo diệu trên một màu nước xanh ngắt nhờ... tảo. 


Bến Nôm (xã Phú Cường, H.Định Quán, tỉnh Đồng Nai), nằm trên QL 20, cách ngã tư Dầu Giây khoảng 20km về hướng đi Đà Lạt. Bến Nôm thuộc 1 nhánh của hồ thủy điện Trị An. Vào mùa nước cạn, nơi đây lộ ra những gò đất như những "đảo chìm" đã... nổi. 

Mùa hè cũng là mùa tảo xanh phát triển mạnh, vào thời điểm nước cạn một màu xanh mơn mởn trải dài khắp cả khu vực, tạo nên một bức tranh đẹp ngỡ ngàng. Và trên nền xanh đặc biệt ấy nổi bật hình ảnh những chiếc ghe đánh cá của ngư dân vốn cũng... đặc biệt. Bởi dải lưới được thiết kế nằm ở mũi ghe, từ trên cao nhìn xuống trông như một chiếc đuôi cá long lanh. 

Đến Bến Nôm lúc bình minh, nhiều người ngất ngây khi bắt được những khoảnh khắc tuyệt đẹp với màn sương sớm lung linh còn đọng trên những dải cỏ xanh mướt mới nhú lên khi nước cạn. Màu xanh của tảo còn thay đổi tùy theo ánh sáng mặt trời đổ xuống mặt nước. 














Độc Lập

Về Xuân Lộc thăm núi Chứa Chan

đăng 00:36 9 thg 2, 2020 bởi Pham Hoai Nhan

1.

Tuổi nhỏ của tui ở Xuân Lộc, Long Khánh, tỉnh Long Khánh chớ không phải thành phố Long Khánh như bây giờ. Và quận Xuân Lộc bao gồm cả Long Khánh và Xuân Lộc của ngày nay. Quê hương trong tui ngày thơ ấu như vậy đó.


Hồi nhỏ ham đọc sách, thấy người ta tả cảnh núi non hùng vĩ, dòng sông uốn quanh mà thích. Nhìn lại quê mình, không có con sông nào hết. Sông La Ngà ở Định Quán ngày đó cũng thuộc tỉnh Long Khánh nhưng đối với đứa nhỏ không được đi đâu xa như tui thì sông chỉ có trong tưởng tượng.


May thay, Xuân Lộc còn có núi, núi Chứa Chan. Núi Chứa Chan là thứ duy nhất trong sông núi hữu tình để tui tự hào và... làm thơ về quê hương của mình.


Hồi đó, trên đường tui đi học về mỗi ngày, núi Chứa Chan lững lờ mây trắng ở trước mặt. Đường về nhà là hướng từ bịnh viện (quốc lộ 1) về phía Tòa Hành chánh tỉnh. Thấy núi trước mắt thôi, chớ cũng cách xa tới 20 cây số. Nhưng nhiêu đó dủ để thằng nhóc mơ mộng làm thơ.



Điệp khúc những chuyến về


Chiều ta về, lang thang trong gió

Phố Khánh buồn, vắng lặng, bụi mờ xa

Cỏ đong đưa theo điệu buồn hiu quạnh

Ngọn Chứa Chan mây phủ chiều tà


Chiều ta về, bơ vơ trong nắng

Ngại ngùng sao, từng giọt vỡ òa

Sắc cây xanh tan theo màu nắng úa

Ngọn Chứa Chan mây phủ chiều tà


Chiều ta về, mưa bay lất phất

Khung trời thân quen bỗng nhạt nhòa

Bụi mưa buồn thấm hồn ta lành lạnh

Ngọn Chứa Chan mây phủ chiều tà


Chiều ta về, mây còn phiêu bạt

Để Chứa Chan lặng đứng trơ vơ

Gió vẫn bay, nắng vẫn còn lặng lẽ

Ơi, mưa ơi, ta muốn lạnh hồn thơ


Bài thơ này viết năm học lớp 10 (1974), đăng trên Đặc san Xuân của lớp, và ở đâu đó quên rồi, chỉ nhớ là người biên tập tự động đổi tựa bài thành: Mây phủ chiều tà....


2.

Mặc dù yêu quý núi Chứa Chan quê mình như vậy nhưng tui chưa từng lên núi Chứa Chan. Ngay cả sau này biết Chứa Chan là ngọn núi cao thứ nhì miền Nam (cao 837 m, chỉ sau núi Bà Đen ở Tây Ninh) và có rất nhiều huyền tích, tui chỉ có thể... viết blog kể lể chớ chưa có dịp lên trên núi.



Trên bước đường du lịch tui đã đến nhiều ngọn núi: núi Bà Đen (cả leo bộ và đi cáp treo); núi Tà Cú (một lần leo bộ và nhiều lần đi cáp treo); các ngọn núi thấp ở miền Tây như núi Sam, núi Cấm; những ngọn núi ở miền Trung như Bạch Mã, Bà Nà, Hòn Bà; miền Bắc như chập chùng núi ở Hà Giang... Nhưng núi Chứa Chan thì KHÔNG.


Dì Bảy của tui càng bi đát hơn, năm 1969 khi vừa 20 tuổi bà được phân công về dạy học ở trường Tiểu học Gia Ray, ở ngay chân núi Chứa Chan và công tác tại đó nhiều năm. Vậy mà suốt từ đó tới nay, 2019, đã nửa thế kỷ qua bà chưa có dịp lên ngọn núi đã từng ở ngay trước mặt mình. Các cậu của tui cũng vậy, nay đã bước qua tuổi cổ lai hy và sống ở Long Khánh mấy chục năm nay nhưng chưa từng lên núi Chứa Chan.


Tui và các dì, cậu của mình ngày càng già - trẻ nhất là tui thì cũng đã bước qua tuổi 60 - và biết chắc rằng mình không còn đủ sức khỏe để leo núi Chứa Chan. May thay, năm 2016 hệ thống cáp treo núi Chứa Chan đã hoàn thành, đáp ứng  nhu cầu lên núi của những ông già, bà già thiếu sức khỏe.



Vậy mà trù trừ mãi tới nay, khi đã đến những ngày cuối năm 2019, cậu - dì - cháu tui mới sắp xếp một chuyến đi cáp treo lên núi Chứa Chan, vừa đủ kịp kỷ niệm 50 năm ngày dì Bảy tui đặt chân mình đến chân núi Chứa Chan để dạy học. 


3.

Những cảm xúc của tui khi lên núi Chứa Chan (dù lên bằng cáp treo) khá nhiều và đa dạng, xin được kể lại vào một dịp khác. Ở đây chỉ xin ghi lại một số thông tin để ai chưa có dịp lên núi và đang muốn đi có dịp tham khảo.



Nếu còn đầy đủ sức khỏe và sung mãn, hãy chọn phương án lên xuống núi bằng cách leo bộ. Thời gian leo lên núi là từ 3 đến 4 tiếng. Leo xuống nhanh hơn nhưng đừng nghĩ là không mệt, vì rất dốc và nguy hiểm.


Nếu ít sức khỏe hơn, hãy mua vé cáp treo một chiều lên và xuống bằng cách leo bộ. Cáp treo sẽ đưa bạn đến vị trí chùa Bửu Quang (còn gọi là chùa Gia Lào) là địa điểm hành hương nổi tiếng trên núi, ở độ cao 660 met. Từ đó bạn có thể leo lên đỉnh ở độ cao 837 met hoặc loanh quanh nơi đó rồi đi xuống. Hành trình đi xuống bạn có dịp ngắm cảnh dọc đường đi và đặc biệt là tham quan cây da một ngọn ba gốc.


Nếu ít sức khỏe hơn nữa và thiếu thời gian, hãy mua vé cáp treo khứ hồi (như tụi tui). Chú ý rằng từ nhà ga cáp treo đến chùa Bửu Quang và tham quan quanh chùa cũng hơi mệt đối với người già, yếu.


Nếu ít sức khỏe hơn nữa, có thể chọn phương án là... ngồi ở nhà, coi hình. Cũng được và đỡ tốn tiền.


4.



Đến Khu Du lịch Núi Chứa Chan, dù có đi cáp treo hay không bạn vẫn phải tốn tiền vé vào cổng là 14.000 đ người.


Giá vé đi cáp treo (thời điểm tháng 12/2019):

  • Khứ hồi: 180.000 đ/người lớn, 90.000 đ/trẻ em.
  • Chiều lên: 110.000 đ/người lớn, 60.000 đ/trẻ em. 
  • Chiều xuống: 90.000 đ/người lớn, 50.000 đ/trẻ em.

Thông số kỹ thuật về cáp:


Số lượng trụ tháp: 10 trụ
Độ cao chênh lệch giữa 2 nhà ga: 255m
Tốc độ truyền động: 6m/s
Số lượng cabin thiết kế: 44 cabin
Sản xuất và lắp đặt: Doppelmayr Seilbahehmen (Áo)
Khoảng cách giữa 2 nhà ga: 1.265m
Công suất thiết kế: 2.400 người/giờ
Loại cabin: 8 người/cabin.


Phạm Hoài Nhân

Hương đồng gió nội bay đi

đăng 01:46 7 thg 7, 2019 bởi Pham Hoai Nhan

Vậy là Long Khánh đã chính thức lên thành phố từ ngày 1/6/2019.


Thành phố Long Khánh 2019. Ảnh: Báo Đồng Nai


Nhớ ngày xưa, khi tôi sinh ra và lớn lên nơi đây thì đây là một tỉnh: Tỉnh Long Khánh. Nơi tôi ở là quận Xuân Lộc, tỉnh lỵ của tỉnh Long Khánh


Thế rồi sau tháng 4/1975, vào năm 1976 cái tỉnh Long Khánh thân yêu của tuổi thơ tôi biến mất, nó nhập với Biên Hòa để thành tỉnh Đồng Nai. Chẳng những thế, cái tên Long Khánh cũng biến mất luôn. Người ta thay thế nó bằng tên huyện Xuân Lộc (quận đổi thành huyện). Phải đến 15 năm sau (1991), địa danh Long Khánh mới xuất hiện trở lại khi người ta tách huyện Xuân Lộc ra thành 2 huyện: Long Khánh và Xuân Lộc. Tréo ngoe thay, lúc bấy giờ huyện lỵ của Long Khánh lại là thị trấn Xuân Lộc. Thị trấn Xuân Lộc nhưng lại ở huyện Long Khánh chứ không phải huyện Xuân Lộc! Từ đó sinh ra bao nhiêu chuyện lầm lẫn buồn cười, như bệnh viện Xuân Lộc ở Long Khánh, nhà thờ Xuân Lộc ở Long Khánh... đi xe khách mà nói về Xuân Lộc thì phải hỏi lại là về đâu?


12 năm sau nữa (2003), cái sự lộn xộn này mới kết thúc khi một lần nữa người ta tách phần thuộc thị trấn Xuân Lộc nằm trong huyện Long Khánh ra để thành lập thị xã Long Khánh (phần còn lại tành lập huyện Cẩm Mỹ).


Và 16 năm sau - tháng 6/2019 - thị xã Long Khánh đã trở thành thành phố Long Khánh! Đi một vòng gần nửa thế ký, có lúc bị mất tên, tỉnh lỵ Long Khánh đã là thành phố Long Khánh.


Báo  chí và nhiều người đã bàn tán xôn xao về thông tin này (và rõ nhất là giá đất ở đây tăng lên vùn vụt), kỳ vọng về bước phát triển mới của thành phố Long Khánh. Là người sinh trưởng ở Long Khánh, tôi cũng cảm thấy vui trước thông tin này. Thế nhưng có chút gì đó xao xuyến trong lòng...


Xưa giờ người dân Long Khánh mỗi khi đi Sài Gòn, Biên Hòa đều nói là đi thành phố, nhưng bây Long Khánh đã là thành phố rồi, bước ra khỏi cửa là... đã tới thành phố. Vậy đi thành phố là bước ra khỏi nhà chớ có đi đâu xa?


Lại nói nào giờ mỗi khi về Long Khánh, tôi lại nói rằng mình về quê. Chữ quê ở đây ngoài ý nghĩa quê hương còn hàm ý rằng về miền thôn quê yên tĩnh. Nhưng bây giờ nghĩ như vậy đâu còn đúng nữa, bởi vì về Long Khánh là về thành phố kia mà!


Thị xã Long Khánh


Lại nghĩ xa hơn nữa trước 1975 Long Khánh là một tỉnh lẻ với những con đường đất đỏ, mưa bùn nắng bụi nhưng hết sức thân quen (bạn có nhớ bài Đêm buồn tỉnh lẻ không? nghe bài đó tôi lại nghĩ đến Long Khánh), bây giờ lại là thành phố.



Quận Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh. Ảnh sưu tập của Mạnh Hải


Rồi ngồi xem lại tấm thẻ học sinh của gần nửa thế kỷ trước, những dòng chữ "Trường Nam tiểu học Tỉnh lỵ", "Trường Tiểu học Cộng đồng Nam Tỉnh lỵ"... nó mới gần gũi thân thương làm sao! Bây giờ chắc nó sẽ là "Trường Cấp 1 Thành phố"... Rồi nhớ đến nhà văn Duyên Anh với bộ truyện Vẻ buồn tỉnh lỵ của ông, với những Thằng Vũ, Thằng Côn, Con Thúy... Ơi, đã qua rồi những tháng ngày xa, ai sẽ viết Vẻ buồn tỉnh lỵ Long Khánh nhỉ?




Quê mình ngày thêm đổi mới, phát triển là chuyện đáng mừng chứ, nhưng sao cứ bâng khuâng. Có lẽ tâm trạng này giống như Nguyễn Bính ngày nào bâng khuâng với cô gái Chân quê:


Hôm qua em đi tỉnh về 

Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều


Phạm Hoài Nhân

Mít tố nữ Long Khánh

đăng 02:01 31 thg 10, 2018 bởi Pham Hoai Nhan

Từ hồi tui còn nhỏ xíu, tui đã nghe nói mít tố nữ là loại trái cây đặc sản của Long Khánh. Mít thì ở đâu cũng có, nhưng mít tố nữ hiếm hơn, ngon hơn (tất nhiên là mắc tiền hơn) và Long Khánh là nơi có mít tố nữ nhiều nhứt, ngon nhứt. Là con nít mà, nghe quê mình có loại trái cây như vậy là sướng rồi. Đâu cần biết có chính xác không (có muốn biết cũng... chả có cách nào để biết), chỉ cần sướng là đủ!




Mà mít tố nữ ngon thiệt. Thơm lừng! Đúng như người ta nói thơm như múi mít. Điều tuyệt vời nữa là khi xẻ trái mít tố nữ ra, chỉ cần nắm cái cùi giở lên là ta có một chùm múi mít, chớ không phải ngồi gở từng múi mít ra như mít thường. Đó cũng là lý do tại sao người ta xẻ chớ không chặt trái mít tố nữ.



Cho đến giờ đa số thông tin trên báo chí, trên mạng Internet cũng vẫn cho rằng Long Khánh là quê hương của mít tố nữ, tuy nhiên thời buổi thông tin nhiều như hiện nay (và tui thì già rồi chớ không còn con nít nữa) có lẽ cần đắn đo một chút khi xác định lại điều đó.


Long Khánh vẫn là nơi trồng nhiều mít tố nữ, nhưng bên cạnh đó còn có những nơi khác nổi tiếng không kém như mít tố nữ Lái Thiêu (Bình Dương), mít tố nữ Long Thành, Nhơn Trạch (2 nơi này đều thuộc Đồng Nai)...


Long Khánh có phải là quê hương của mít tố nữ không? 



Wikipedia giảng giải rất "bài bản": Bản địa của mít tố nữ là vùng Đông Nam Á từ bán đảo Mã Lai sang đến Papua New Guinea. Ừa, chấp nhận, nhưng riêng ở Việt Nam thì mít tố nữ phát xuất từ đâu?


Trong bài Mít tố nữ Phú Hội (viết năm 2006), anh Bùi Thuận có nêu như sau:


Ông Hai Dội (Nguyễn Văn Dội) năm nay 82 tuổi, cũng như ông Sáu Tịch (Huỳnh Văn Tịch), 77 tuổi, là những lão nông tri điền ở xóm Hố đều có vẻ tự hào cho biết: Không biết là mít tố nữ có từ bao giờ. Nhưng lớp già chúng tôi biết là ở đất Phú Hội này ngày xưa chỉ có một cây mít tố nữ của ông Ba Tròn trồng ở hố bà Đại. Cây mít này to đến mức hai người choàng tay ôm mới hết gốc. Đến mùa trái mọc chi chít, những đám rễ nổi trên mặt đất cũng có trái. Từ cây mít tổ này, người ta mới gây giống ra trồng cả làng Phú Hội rồi qua cả Long Tân, Phú Thạnh, đến Phước An, Phước Nguyên bên huyện Long Thành. Nghe đâu người ta còn gầy giống mít tố nữ ở đây xuống miền Tây và vùng đất mới Long Khánh.


Nếu theo thông tin này thì cây mít tổ ở Phú Hội, Nhơn Trạch chớ không phải Long Khánh!


Do đâu mà có tên Tố nữ?


Vẫn biết rằng rất nhiều câu chuyện kể về xuất xứ tên trái cây, tên đất... là do người đời chế ra chớ không phải xuất xứ thật sự của những cái tên ấy, nhưng đa số câu chuyện đều có ý vị khiến người ta thích thú và lưu truyền mãi. Tuy nhiên câu chuyện kể về xuất xứ của cây mít tố nữ sau đây không biết do ai bịa ra mà cực kỳ vô duyên và lãng nhách:


Tương truyền từ xa xưa có nàng trinh nữ mang tên Tố Nữ đem lòng yêu chàng trai nghèo tên gọi Tố Nam nhưng tình yêu của họ bị chia lìa đôi ngã. Vì quá đau buồn nàng Tố Nữ qua đời và nơi nàng trinh nữ nằm xuống mọc lên một loại trái cây lạ. Dân làng đem nhân giống và đặt tên là Mít Tố Nữ.


Một câu chuyện bịa rất nghèo nàn về ý tưởng và dĩ nhiên chẳng có cơ sở hợp lý nào, vậy mà chẳng hiểu sao các trang web cứ dẫn lại như là truyền thuyết hay lắm vậy!


Tui thì nghĩ đơn giản như vầy: so với các giống mít khác thì trái mít tố nữ nhỏ nhắn hơn, thơm hơn, tức là có nữ tính hơn, giống nàng thiếu nữ mơn mởn hơn, cho nên người dân đặt cho nó cái tên mỹ miều là Tố Nữ. Có vậy thôi, không có ai yêu ai, tình yêu chia lìa cái quái gì hết!


Phạm Hoài Nhân

Trị An - mùa Điên Điển

đăng 06:57 11 thg 10, 2018 bởi Pham Hoai Nhan

Ở phương Nam một năm chỉ có 2 mùa mưa nắng. Cứ vào khoảng độ tháng 7 âm lịch là bắt đầu bước vào mùa mưa với những cơn mưa dai dẳng, nước lũ tràn về cũng là mùa bông Điên Điển khoe sắc. Xuất hiện đâu đó hình ảnh người phụ nữ chèo xuồng đi hái bông Điên Điển, đâu đó những rổ bông Điên Điển được bày bán vàng rực. 





Loài cây Điên Điển rất thích hợp mọc ở những nơi ven sông, hồ. Bông Điên Điển được xem như là món quà quý mà thiên nhiên ban tặng bởi đây là một thực phẩm “sạch” và giàu chất dinh dưỡng. Bông Điên Điển có thể chế biến được rất nhiều món ăn hương đồng gió nội như: Canh chua bông Điên Điển nấu với cá linh, bông Điên Điển làm gỏi hoặc xào với tép đồng, bông Điên Điển nhúng lẩu …



Ở Đồng Nai có một nơi mà khi mùa bông Điên Điển về cũng thi nhau trổ bông khoe sắc nhuộm một màu vàng rực, đó là hồ Trị An. Mùa này người dân Trị An chèo xuồng ven bờ hồ hái bông Điên Điển về để chế biến món ăn cho gia đình và đem ra chợ bán. 



Bông Điên Điển đã trở thành đặc sản trong các nhà hàng ở Biên Hòa nhờ việc bỏ mối loại rau này từ lòng hồ Trị An. Chèo thuyền quanh hồ hái một ít bông Điên Điển và thêm một ít tép hay cá ở hồ Trị An về chế biến và thưởng thức thì ngon không gì bằng.

Biên Hòa - Lung linh cầu ánh sao về đêm

đăng 06:56 11 thg 10, 2018 bởi Pham Hoai Nhan

Khoác lên mình những bộ đèn led lung linh, rực rỡ với những sắc màu của ánh đèn về đêm. Cầu Hóa An 2 thuộc địa phận xã Hóa An được ví như “cầu ánh sao” Biên Hòa. 


Cầu Hóa An 2 được khởi công xây dựng vào năm 2010 đến năm 2014 được đưa vào hoạt động. Với chiều dài 1.306m được trang hoàng những ánh đèn led hiện đại, đủ sắc màu rực rỡ, chuyển màu liên tục đang là điểm đến vào những dịp cuối tuần, thu hút bạn trẻ và những người yêu mến vùng đất Biên Hòa đến chiêm ngưỡng và check – in những góc ảnh đẹp cùng gia đình và bạn bè. 


Hai bên thành cầu là hệ thống các đèn trang trí tạo sắc màu đẹp mắt với thiết kế hiệu ứng đèn chiếu sáng nhiều màu tạo một không gian cảnh quan ấn tượng, nhìn từ trên cao giống như vườn sao nối mặt trăng và mặt trời trong sự lung linh sắc màu của nước. Hai bên hông cầu ánh sáng bảy màu liên tục thay đổi tạo cho người nhìn có cảm giác như đang bước đi trên muôn ngàn những vì sao sáng giữa trời đêm. 


Thời khắc giao nhau giữa ngày và đêm là lúc Cầu Hóa An đẹp nhất với không gian được nhuộm vàng dưới ánh đèn đường. Nhìn từ khu vực Công viên Nguyễn Văn Trị, “cầu ánh sao” Hóa An mong manh như sợi chỉ, lúc xanh lúc hồng vắt trên mặt nước. 


Tuy không phải là một công trình quá bề thế nhưng sự tinh tế, hiện đại trong thiết kế đã làm cho cây cầu này trở thành điểm nhấn cảnh quan độc đáo cho TP. Biên Hòa. Nhìn từ xa, “cầu ánh sao” Hóa An như một dãy ngân hà uốn lượn trên sông Đồng Nai, tạo thành một khung cảnh vô cùng lãng mạn và lung linh. 

Thanh Xuân

Về quê thấy cơm nguội

đăng 20:51 29 thg 7, 2018 bởi Pham Hoai Nhan

1.

Về Long Khánh, đến nhà dì, thấy gần  nhà có bụi cây chi chít trái, màu trắng nõn, tròn tròn như viên bi nhỏ.




Những chùm trái này là một hình ảnh rất quen thuộc thuở nào, hồi mấy mươi năm trước còn đi rẩy ở Long Khánh. Nhưng mà không nhớ nổi nó tên là trái gì.


Hỏi cô em gái, cô trả lời ngay: Trái cơm nguội. Nó mọc hoang, hồi nhỏ tụi em đi học thường hái ăn.


Cái tên cơm nguội nghe không quen, nó không gợi lại một cái tên đã từng nghe từ ngày xưa. Nhưng mà nghe ngộ ngộ, hay hay. Có lẽ vì hình dáng từng chùm trắng của trái, lại ăn được giống như cơm nguội. Ừ, thì ăn thử đây. Vui miệng thôi chớ không ngon. Chắc tại vậy mà hồi xưa mình chẳng quan tâm tới nó.



2.

Về nhà, search Google tìm cây cơm nguội. Ông Google cho kết quả hầu hết là "cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ" ở Hà Nội. Có thêm một vài loại cây cơm nguội khác nữa, nhưng không hề có cây cơm nguội dạng bụi và có trái nhỏ, tròn, màu trắng như cây này. Hay là cái tên cơm nguội do mấy đứa nhỏ nó tự chế ra?


May quá, dì nhắn qua Facebook, rằng: Cây đó ngày xưa trong rẩy nhiều lắm, bà ngoại kêu là cây nổ, trái nổ.


A! Đúng rồi! Cái tên trái nổ gợi lại đúng chỗ trong ký ức rồi, ngày xưa đúng là mình kêu nó là trái nổ!


Cũng cùng lúc, bạn nhắn tin cho biết trái ấy ở quê bạn gọi là trái nổ, và mách nước thêm rằng nó còn có tên là bỏng nổ. Lên Google tìm bỏng nổ là sẽ ra ngay.


Đúng vậy á, nếu tìm "trái nổ" Google sẽ cho ra kết quả là loại trái khác (sao mà có nhiều loại trái trùng tên quá ta ơi!), chưa kể cho kết quả là trái chất nổ. Còn nếu chỉ tìm nổ thì nó cho ra...Nguyễn Tử Quảng BPhone!


Và đây là thông tin về cây bỏng nổ trên Wikipedia:


Bỏng nổ (tên khoa học Flueggea virosa) hay còn gọi là Quả nổ trắng, Cơm nguội, Mác ten (tên tiếng Tày), Co cáng (tên tiếng Thái) là một loài thực vật có hoa thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae). Là loài cây bụi, cao 2-3 mét, mọc rải rác ở ven rừng. Ở Việt Nam nó có mặt tại các vùng rừng núi trên khắp cả nước. Cây có lá mỏng, nguyên, thường có hình bầu dục, đầu lá tù hoặc thuôn và gốc nhọn hình nêm, với lá kèm hình tam giác. Cành già màu nâu sẫm. Cây có hoa đơn tính khác gốc (cây đực và cây cái riêng biệt), với hoa đực mọc thành cụm nhiều hoa trong khi hoa cái mọc riêng lẻ hoặc thành cụm chỉ 2-3 cái. Quả nang hình cầu, màu trắng nhạt, có 3 mảnh vỏ, khi chín ăn được. Hạt hình 3 cạnh, màu đỏ nâu. Cây ra hoa từ tháng 6 tới tháng 8 và kết quả từ tháng 9 đến tháng 11. Vỏ thân, rễ cây có vị chát, có độc.


Hình trái nổ đây, đúng là nó, không sai:



Bổ sung thêm một hình chụp cái cây ở Long Khánh cho nó "toàn cảnh"



Như thông tin ở trên cho thấy, cây này còn có tên là cơm nguội. Vậy gọi tên là cơm nguội cũng đúng, chớ không phải tên tự chế ra.


3.

Qua Facebook, một người bạn khác nhắc bài thơ Bông cơm nguội của nhà thơ Mường Mán.


hái bông cơm nguội bên thềm cũ

nhớ thuở quế trầm chưa mất nhau

loài hoa anh tặng em ngày ấy

giờ hết nguội rồi, bỗng biết đau.


Bài thơ dạt dào cảm xúc. Nhưng đọc rồi ngẫm nghĩ...


Bông cơm nguội ở đây là cơm nguội nào ta? Không phải cây cơm nguội ở Hà Nội rồi, vì Mường Mán sáng tác bài này ở trong Nam, và nếu ở ngoài Bắc thì phải là hoa cơm nguội chớ không phải bông cơm nguội. Nhưng có phải cây cơm nguội nói nãy giờ không, hay lại là cây khác? Và nếu đúng là nó thì bông của nó ra sao mà anh tặng em (những hình trên chỉ có lá và trái, không có bông, và tui chẳng nhớ nổi xưa kia mình thấy bông cây nổ ra sao nữa)?


Thôi, bỏ qua. Đọc thơ cảm thấy hay là được rồi, giờ mà đi tra cứu xem cơm nguội gì, hoa ra sao nữa thì mệt quá!


Phạm Hoài Nhân

Mùa hoa Thành Ngạnh

đăng 21:08 26 thg 5, 2018 bởi Pham Hoai Nhan

Đến Chiến khu D, tỉnh Đồng Nai vào những ngày tháng 5 rực lửa, hoa Thành Ngạnh nở sáng cả một cánh rừng. Khi những cơn mưa đầu mùa vừa tới cũng là mùa hoa Thành Ngạnh khoe sắc nơi này. Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và trong lành, du khách sẽ được hoà mình với thiên nhiên, tạm xa những ồn ào tất bật nơi phố thị. Ngoài ra du khách còn có thể thong thả đạp xe đạp trên tuyến đường một bên là cây lớn một bên là hoa giấy đủ màu dài 20 km tuyệt đẹp dẫn vào Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hoá Đồng Nai. 

Cùng ngắm những cánh hoa Thành Ngạnh chân phương khoe sắc nhé: 







Thu Trang

Tháng Tư, nhớ khổ qua rừng...

đăng 05:42 11 thg 4, 2018 bởi Pham Hoai Nhan   [ đã cập nhật 20:18 11 thg 4, 2018 ]

Không phải nhớ khổ qua rứng vì tháng Tư mới "tới mùa" khổ qua rừng đâu, mà vì chuyện khác...


Tháng Tư 1975, toàn dân (miền Nam) đồng lòng... bị ghẻ ngứa! Thôi miễn bàn cái câu hỏi "Ai đem ghẻ ngứa sang sông/Để cho ghẻ ngứa xổ lồng nó bay" đi nghen, chỉ nhắc lại câu hỏi "Làm sao trị ghẻ ngứa?"


Thời đó, sau chiến thắng vẻ vang, miền Nam làm gì có thuốc men để trị ghẻ ngứa, mà có đi nữa cũng chẳng có tiền để mua. Ở Long Khánh, người lớn tuổi biểu người nhỏ vô rẫy, vô rừng hái lá khổ qua rừng về nấu nước tắm. Khổ qua rừng mọc hoang dại đầy trong rẩy, tha hồ mà hái lá. Kể ra cũng công hiệu lắm, ông bà ta tài thiệt! Kể lại chuyện hồi xưa rằng người ta đi hái cả bao lá khổ qua rừng, đem về tắm trị ghẻ để thấy rằng nó chả có giá trị gì ráo, chả ai thèm ăn cả trái lẫn đọt.


Lẩu khổ qua rừng. Ảnh Doanh nhân SG


Bây giờ thì khác! Khổ qua rừng đã thành món đặc sản có giá ở nhà hàng, là món chính đãi tiệc đám cưới. Ở Biên Hòa đã có đến 2 quán ăn mang tên Khổ qua rừng. (Đừng nghĩ khổ qua rừng là thứ mọc dại, là đồ bỏ nên món ăn này rẻ rề nghe. Lầm chết!).



Quán Khổ qua rừng ở Biên Hòa


Người ta dùng cả trái lẫn đọt khổ qua rừng để làm thức ăn. Trái thì có khổ qua dồn thịt (khác khổ qua thường nghen, vì trái khổ qua rừng có chút ét hà), khổ qua rừng làm chua ngọt,... Ngọn khổ qua rừng chỉ nhúng qua nước lẩu (chớ không phải nấu chung). Thường là lẩu cá thát lát hoặc sườn non. Cũng có khi người ta làm món ngọn khổ qua rừng xào tỏi.


Khổ qua rừng dồn thịt. Ảnh:Doanh nhân  SG


Khổ qua rừng chua ngọt. Ảnh: PHN


Đặc trưng của khổ qua rừng là vị đắng. Tuy nhiên ở các quán khổ qua rừng tại Biên Hòa, món này lại không đắng như mong muốn.  Có thể do nhà hàng đã cố ý chế biến cho giảm vị đắng đi để phù hợp khẩu vị đa số khách ăn thành phố. Cũng có thể là vì... không phải khổ qua rừng!


Ngọn (đọt) khổ qua để nhúng lẩu


Mới đây tui về ăn đám cưới ở Long Khánh, nhà hàng đãi món lẩu khổ qua rừng. Lẩu đọt khổ qua rừng ăn ở Long Khánh thì đúng điệu rồi, khỏi chê. Nhưng bạn tui (dân Long Khánh) nói: đây không phải khổ qua rừng đâu, khổ qua trồng đó! Ảnh cho biết là bây giờ khổ qua rừng có giá, dây mọc tự nhiên không còn đủ cung cấp nên người ta trồng trong vườn để dễ thu hoạch. Mà trồng trong vườn thì... có phun thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng...


Khổ qua rừng trong một đám cưới ở Long Khánh. Ảnh: PHN


Hic, khổ qua rừng mà không mọc dại ở trong rừng thì sao kêu là... khổ qua rừng? Khổ qua rừng ở Long Khánh mà còn như vậy thì khổ qua rừng ở Biên Hòa, Sài Gòn sao ta?


Phạm Hoài Nhân

Bưng Mua

đăng 20:38 11 thg 1, 2018 bởi Pham Hoai Nhan   [ đã cập nhật 19:43 20 thg 2, 2021 ]

1.
Theo tự điển phương ngữ Nam bộ của Nam Chi Bùi Thanh Kiên, bưng là từ tiếng Khmer péang, có nghĩa là: Vùng đất trũng thấp, nước đọng nhưng không quá sâu. Nơi đây, có nhiều tôm cá và mọc lên những loại cây thấp như sậy, đế, đưng, năn, lác. Người ta phải phát sạch để trồng lúa.


Ngoài ra, người ta còn hiểu bưng như là vùng hoang vu, căn cứ kháng chiến (thí dụ như: đi vô bưng, bưng biền...).


Mua là tên một loại hoa màu tím, khá giống với hoa sim. Một người ít gặp 2 loại hoa này như tui thì khó phân biệt được, mặc dù cùng với hoa sim thì hoa mua cũng được nhắc đến trong rất nhiều bài thơ, bài hát. 


Ngược thuyền về với tuổi thơ 

Bến sông vẫn tím đôi bờ hoa mua 

"Hoa mua ai bán mà mua" 

Để tôi vớt lá tìm mùa thu xa?

(Thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn)


Hoa mua. Ảnh: Góc Quảng Trị


2.

Ở Đồng Nai có con đường mang tên Bưng Mua. Mới nghe qua thì tên đường này nhuốm mùi trần tục, nếu hiểu bưng  bưng bê  mua  mua bán. Nhưng không phải! Bưng  Mua trong tên này được hiểu theo nghĩa nêu ở trên. Đây là vùng đất thấp, có nhiều cây hoa mua, nên được gọi là Bưng Mua. Tên Bưng Mua trở nên mộc mạc và đáng mến biết chừng nào!


Đường Bưng Mua bắt đầu từ tỉnh lộ 768, chạy dài vào khu vực xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu. Anh Hà Duy Đức kể rằng đúng là ngày xưa khu vực này là vùng đất thấp có nhiều cây mua. Tên Bưng Mua không biết có từ bao giờ, nhưng chắc là do tên gọi quen thuộc của người dân từ xưa rồi trở thành địa danh hành chánh.


Tiếc thay, bây giờ nơi đây không còn cây mua nào hết, dù rằng vẫn tên là Bưng Mua.


3.

Chạy dọc theo con đường Bưng Mua, có thể thấy nhiều bảng "Bán đất" được cắm lên, nhiều chỗ đang được đổ đất, san nền. Không sớm thì muộn, nơi này sẽ trở thành khu dân cư đông đúc.



Nhưng ngay bây giờ, tới đây bạn vẫn thấy được nét yên ắng, hoang sơ và thanh bình. Không biết ai đã đặt tên cho khu vực này là Đà Lạt 2. Những con đường cong cong và dốc, với hàng cây xanh xanh như ngủ yên hai bên. Tiết trời se se lạnh. Thiên nhiên hiền hòa.


Ở cuối đường Bưng Mua là một quán cà phê màu tím, tím như hoa mua. Nơi ấy, bạn có thể ngồi trò chuyện hay thả hồn mình trong tĩnh lặng, ngắm những nhành lan, những cành hoa e ấp... Đó là quán cà phê Tím của nhà văn Nguyễn Một.




Phạm Hoài Nhân

1-10 of 49

Comments