Cảm nhận‎ > ‎

Nhà thương điên Biên Hòa (Phay Van)

đăng 03:15 10 thg 9, 2011 bởi Pham Hoai Nhan

“Cho nó đi Biên Hòa” là một thành ngữ người ta thường gặp trong nhiều tiểu thuyết trước đây, để diễn tả một nhận xét cực đoan về một người bị cho là bất bình thường về tâm trí.

Nhà Thương Điên Biên Hòa được đổi tên nhiều lần: Dưỡng trí viện Nam Kỳ, Dưỡng trí đường Biên Hòa, Dưỡng trí viện bác sĩ Nguyễn Văn Hoài, Bệnh viện tâm trí Biên Hòa, Bệnh viện tâm thần Biên Hòa… Danh xưng hiện nay là Bệnh Viện Tâm Thần Trung Ương 2. Tuy nhiên, tôi thích cái tên “Dưỡng Trí Viện” hơn cả.

Người bệnh đã vào đây thường ở cả đời. Họ được thăm nuôi thưa dần, rồi bị quên lãng, ra khỏi tâm trí những người thân, và cuối cùng gởi xác thân lại nơi nghĩa trang của bệnh viện. Cũng có nhiều người không anh em họ hàng, hoặc người thân đã mất, tuy đã bình phục nhưng không ai đón về, cũng đành ở lại.

Một nét đặc biệt của bệnh viện này là nó có diện tích rất rộng. Các khu, trại bệnh cách biệt nhau bằng những lối đi rộng với hàng cây cao, những thảm cỏ mượt mà. Hồi xưa còn có cả vườn hoa, nay không thấy còn nữa.

Thời bé, khi lên lớp 6 tôi thôi học trường làng, và được… lên Nhà Thương Điên học. Xin các bác chớ có hiểu nhầm, cái được gọi là trường học ở kế Nhà Thương Điên thực ra là một dãy gồm có 4 phòng, sau lưng có dòng suối (dòng suối này chảy cắt ngang phần đất bệnh viện). Người ta kê bàn ghế cho đầy phòng rồi mướn giáo viên về dạy. Trường tổ chức dạy theo kiểu đi tiên phong mở lối, vừa dạy vừa thử nghiệm, như trẻ em bây giờ học SGK cải cách. Chúng tôi lên lớp nào thì trường có đến lớp ấy, nên được xem như thế hệ đàn anh của trường. Ngôi trường này nay không còn nữa, nó đã trở thành một trạm bán xăng dầu.

Thời gian 4 năm học cấp 2 ở đây thật thú vị và… hồi hộp xen lẫn sợ hãi. Nhưng cũng nhờ đó mà sau này tôi nhất môn… chạy nhanh. Đang ngồi học thì bị điên rượt, đang đi học cũng bị rượt, quăng cả tập sách, dép guốc mà chạy thoát thân. Sau này mới biết những người này thuộc khoa Phục hồi chức năng, chủ trương của bệnh viện thời ấy là cho họ ra ngoài để làm quen lại với môi trường của những người được coi là “tỉnh táo”.

Thực ra những bệnh nhân này rất hiền lành, họ chỉ muốn dọa bọn trẻ con tí thôi, có bắt đứa nào đâu. Họ hay lang thang ra ngoài đường, ngoài chợ, xin tiền hay cúi nhặt một mẩu thuốc lá cháy dở để… hút tiếp.

Tôi có một thằng em con cậu, ngày xưa chữa bệnh nội trú trong bệnh viện này. Sau này chết cháy vì bị bạn cùng phòng đốt lúc đang ngủ.

Một chút thông tin nhặt nhạnh:
1. Bệnh viện được đặt viên đá xây dựng đầu tiên vào ngày 17-3-1915 với tên gọi là “Nhà Thương Điên Biên Hòa”.

2. Nhà văn, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Ngu Í, nhà thơ Bùi Giáng, nhà văn Bình Nguyên Lộc cũng từng có thời gian sống chữa bệnh tại đây.

3. Nhà văn Bình Nguyên Lộc có người con trai là bác sĩ Tô Dương Hiệp làm giám đốc Bệnh viện Tâm Trí Biên Hoà những năm 1972-1973




Cổng bệnh viện

Lối đi vào, nhìn từ cổng chính

Một kiến trúc cũ trước 1975 còn sót lại, nay bỏ hoang

Mặt tiền: khu khám bệnh

Tượng đài Hippocrate, nơi đây trước kia là nền nhà bác sĩ Nguyễn Văn Hoài, giám đốc bệnh viện những năm 1945-1955

Những dòng chữ dưới chân tượng đài

Không gian thoáng mát

Những lối đi xanh

Một khu điều trị

Nhà bếp già nua cũ kỹ

Một bệnh nhân đang ăn trưa, người này tỉnh nên được ra ngoài sân

Lưới sắt
Cửa sắt


Nhìn ra thế giới bên ngoài

Những người này thích được chụp hình, họ hỏi chụp xong có phim không?



Dòng suối chảy ngang bệnh viện, mưa to cũng có nước tràn bờ

Comments