Trong các thời kỳ kháng chiến, các căn cứ, khu chiến đấu lần lượt ra đời nhằm bảo tồn lực lượng và tiến công tiêu diệt kẻ thù. Nhiều căn cứ mang chính tên địa danh sở tại, hoặc tên các anh hùng, danh nhân, tên các đồng chí lãnh đạo kiệt xuất, nhưng cũng có nhiều khu căn cứ mang tên ký hiệu bằng các ký tự A, B, C, D… (còn gọi là mật danh) để nguỵ trang, che mắt địch. Chiến khu Đ cũng là một vùng căn cứu mang ký tự như vậy. Ngày 20-3-1946 (năm thứ hai của cuộc kháng chiến chống Pháp), Khu bộ Khu 7 họp bất thường tại Lạc An (thuộc tỉnh Biên Hoà, nay thuộc tỉnh Bình Dương), tiến hành cải tổ lại cơ quan khu bộ, thảo luận những biện pháp xây dựng địa bàn đứng chân, qui định các khu vực doanh trại, bố trí hệ thống phòng thủ chiến đấu nhằm ngăn chặn, tiêu diệt giặc và bảo vệ an toàn căn cứ. Sau hội nghị, công tác xây dựng căn cứ bắt đầu được triển khai tương đối có hệ thống. Các cơ quan, đơn vị, công xưởng… phân chia đóng từng khu vực. Mỗi khu vực mang một mật danh A, B, C, D. Theo đồng chí Võ Bá Nhạc nguyên chánh văn phòng Khu bộ Khu 7 thì: A là căn cứ giao thông liên lạc đóng ở Giáp Lạc, B là căn cứ hậu cần đóng ở Thường Lang, C là khu vực bộ đội thường trực đóng ở sở Ông Đội, Đ là tổng hành dinh Khu 7 đóng ở Ngãi Hoang. Dần dần về sau, mật danh Đ được dùng để chỉ luôn cả vùng chiến khu rộng lớn ngày càng phát triển. Khu bộ lập một trung đội “bộ đội danh dự gương mẫu” làm nhiệm vụ nghi thức và lưu động tác chiến bảo vệ cơ quan trung khu. Từ đây căn cứ Tổng hành dinh Khu 7 thường được gọi là Chiến khu Đ. Về phía địch, thực hiện kế hoạch bình định, thực dân Pháp ra sức lôi kéo các phe nhóm tôn giáo phản động, lập các đảng phái và mặt trận quốc gia giả hiệu, các “khu quốc gia”, “khu an ninh” nhằm tạo thêm cơ sở xã hội cho chúng và chia rẽ hàng ngũ kháng chiến của ta. Tướng NyÔ tổ chức bố trí lại chiến trường, chia Nam Bộ thành 3 tiểu khu và đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn. Vùng Chiến khu Đ thuộc tiểu khu 3 gồm: Biên Hoà, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Thủ Đức. Tên Chiến khu Đ sinh ra như trên; tuy nhiên có nhiều người cho rằng chữ Đ ở đây mang ý nghĩa là “đỏ”, hàm ý là vùng chiến khu cách mạng kiên cường, tập trung những cơ quan đầu não kháng chiến quan trọng, một “địa chỉ đỏ” của cả nước. Hoặc chữ Đ là viết tắt địa danh Đất Cuốc, nơi bộ đội Huỳnh Văn Nghệ khởi cứ đầu tiên, tập hợp lực lượng. Hoặc chữ Đ là viết tắt chiến khu Đồng Nai, chiến khu miền Đông… Ngoài ra do Chiến khu Đ là vùng rừng hoang nước độc rất gian khổ, bệnh tật, nên nhiều người còn gọi đùa là “chiến khu đói”, “chiến khu đau”… Cũng cần nói thêm hai từ “chiến khu” ở đây, ta hiểu là có nhiều căn cứ hợp lại, trong đó có căn cứ lãnh đạo chỉ huy, nhưng cũng có nhiều căn cứ của các đơn vị chiến đấu hoặc chuyên môn phục vụ của các ngành quân, dân, chính, Đảng… |
Chiến khu Đ >