Chiến khu Đ‎ > ‎

13. Sau khi đánh chiếm được một địa bàn quan trọng của Chiến khu Đ, Pháp đã hành động ra sao? Ta đối phó lại chúng như thế nào?

Ngày 6-3-1946, thực hiện chủ trương “hoà để tiến”, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà ký với Pháp Hiệp ước sơ bộ. Theo Hiệp ước, quân đội của hai phe ngừng bắn và ở nguyên vị trí chờ đợi thực hiện các điều khoản được ký kết. Tuy ký, nhưng thực dân Pháp cố tình không thực hiện Hiệp ước. Tướng NyÔ lên thay Vanluy làm tư lệnh quân viễn chinh Pháp tại miền Nam ra lệnh tăng cường hành quân bình định…

Ngày 15-3, chưa đầy 10 ngày sau lễ ký kết, quân Pháp tổ chức cuộc càn lớn vào vùng rừng căn cứ 5 xã: Tân Hòa, Tân Tịch, Mỹ Lộc, Thường Lang, Lạc An. Hơn 5.000 quân có tàu chiến và máy bay yểm trợ hình thành nhiều mũi tiến công ào ạt vào chiến khu; thực hiện đốt sạch, phá sạch, giết sạch những nơi chúng đến. Các đơn vị vũ trang đã anh dũng chiến đấu nhưng không ngăn được bước chân quân giặc. Vùng chiến khu bị tàn phá nặng nề.

Thái độ lật lọng của thực dân Pháp bị dư luận lên án mạnh mẽ. Chúng thấy bất lợi nên cho tướng NyÔ ngỏ ý muốn tiếp xúc với Bộ chỉ huy Khu 7.

Biết rõ “tim đen” của giặc, nhưng cần tranh thủ thời cơ hoà hoãn để củng cố và phát triển lực lượng, đồng thời đánh một đòn chính trị, vạch mặt kẻ thù, ta đồng ý thương thuyết.

Ngày 10-4, tại miếu Bà Cô (Vĩnh Cửu-Biên Hoà)-một cửa ngõ quan trọng vào chiến khu bên bờ sông Đồng Nai, đại diện quân Pháp và Bộ chỉ huy Khu 7 tiến hành cuộc đàm phán. Phía Pháp do Pâylơ làm trưởng đoàn. Phái đoàn Khu 7 có các đồng chí Phạm Thiều, Huỳnh Văn Nghệ, Võ Bá Nhạc, Lê Đình Chi…

Do bất đồng quan điểm (phía Pháp trịnh thượng và đưa ra những yêu cầu vô lý ngang ngược), ngày 16-4, cuộc đàm phán chấm dứt trong tình trạng bế tắc.

Không khuất phục được ta trong đàm phán, Pháp tổ chức tiến công qui mô lần thứ ba vào Chiến khu Đ. Chúng huy động quân từ Buôn Mê Thuột và các vùng xung quanh về hợp với lực lượng tại chỗ thành một đội quân đông tới 8.000 tên, do tướng Lơ Cléc chỉ huy. Cuộc hành quân lớn này của địch nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não và lực lượng kháng chiến ở miền Đông Nam Bộ để giành thắng lợi quyết định, tạo điều kiện thuận lợi cho giải pháp chính trị chúng đang tiến hành ở Nam Bộ.

Đoán được mưu đồ của quân Pháp, chiến khu đã tích cực triển khai đánh địch, sơ tán các cơ sở hậu cần vào các khu rừng hẻo lánh, bố trí các lực lượng bảo vệ các khu vực xung yếu như Lạc An, Giáp Lạc, Xóm Sình, Mỹ Lộc…

3 giờ sáng ngày 19-4, quân Pháp chia làm nhiều mũi ồ ạt tiến công vào vùng chiến khu. Các đơn vị vũ trang linh hoạt cơ động đánh tiêu hao địch ở khắp nơi, diệt hàng trăm tên, bắn bị thương 1 máy bay. Ở suối Voi, ta dùng cả trọng liên 12 ly 7 tập kích quân Pháp đang nghỉ ngơi ăn uống, diệt 80 tên, phá huỷ nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng.

Quân Pháp không tìm diệt được cơ quan đầu não và các đơn vị bộ đội tập trung của Khu 7, trong khi quân số ngày càng tiêu hao. Tuy vậy, lực lượng của chúng còn rất đông và hầu như đã làm chủ được toàn bộ vùng căn cứ đứng chân của ta. Trước tình thế đó, Bộ chỉ huy Khu 7 và Ban chỉ huy Vệ quốc đoàn Biên Hoà quyết định phá vòng vây vượt ra ngoài. 9 giờ đêm 22-4, toàn cơ quan khu bộ, các đơn vị bộ đội, các cơ quan kháng chiến, cơ sở hậu cần ở chiến khu gần 2.000 người bí mật rời khỏi xóm Sình và các địa điểm ẩn náu trong khu căn cứ, rút ra ngoài vòng vây của địch an toàn.
Comments