Chiến khu Đ‎ > ‎

14. Xin cho biết tình hình ở Chiến khu Đ trong vòng vây phong toả của địch?

Trong chiến tranh, có khi lực lượng ta phải lùi, nhưng “lùi để tiến”, đó là phương thức bảo toàn lực lượng phòng ngự để tiến công.

Do Chiến khu Đ bị địch tiến công bao vây thường xuyên, tháng 5-1946, cơ quan khu bộ Khu 7 rút về Vườn Thơm (Bình Chánh) sau đó về Đức Hoà (Long An) lập căn cứ mới gọi là Quân khu Đông Thành. Một số đơn vị hậu cần được phân công ở lại Chiến khu Đ, do Ban chỉ huy Vệ quốc đoàn Biên Hoà trực tiếp quản lý.

Mặc khác, chấp hành nghị quyết hội nghị Xóm Đèn (5-1946), các cơ quan dân chính Đảng của tỉnh, huyện chuyển sâu vào Chiến khu Đ, tiếp tục xây dựng phát triển căn cứ, tạo nơi đứng chân vững chắc.

Trong hoàn cảnh rất khó khăn, Chiến khu Đ vẫn được tăng cường lực lượng. Vệ quốc đoàn Biên Hoà biên chế thành 5 phân đội. Công tác xây dựng lán trại, kho tàng được triển khai. Ban chỉ huy Vệ quốc đoàn thành lập ban sanh sản-địa hình, do đồng chí Chín Quỳ phụ trách làm nhiệm vụ sản xuất lương thực và đảm trách các khu vực theo từng phương án chiến đấu. Các đội trinh sát, tình báo, liên lạc được thành lập làm nhiệm vụ theo dõi tình hình địch, liên lạc giữa Chiến khu Đ với Quân khu Đông Thành và các khu vực bên ngoài. Tất cả cán bộ, chiến sĩ đều xác định tư tưởng trụ lại chiến khu để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp.

Lực lượng vũ trang ngày càng phát triển, nhưng vấn đề lương thực thực phẩm rất khó khăn. Ban chỉ huy Vệ quốc đoàn tổ chức ra 9 “quận quân sự” trong tỉnh, vừa làm nhiệm vụ dìu dắt dân quân du kích xã vừa làm nhiệm vụ thu thuế, vận động nhân dân ủng hộ đóng góp tiếp tế cho bộ đội.

Do yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu, tháng 6-1946, Bộ chỉ huy Khu 7 thống nhất các lực lượng vũ trang toàn khu, tổ chức bộ đội trên địa bàn từng tỉnh thành các chi đội.

Theo chủ trương trên, Vệ quốc đoàn Biên Hoà (gồm bộ đội Huỳnh Văn Nghệ và bộ đội Châu Thanh) và Vệ quốc đoàn Long Thành được thống nhất lại, tổ chức thành chi đội, lấy phiên hiệu là Chi đội 10. Đồng chí Huỳnh Văn Nghệ làm chi đội trưởng. Lực lượng của chi đội có 1.100 người trang bị 380 súng trường, 13 súng máy, 25 tiểu liên, 1 súng cối; hoạt động ở vùng hữu ngạn sông Đồng Nai thuộc qun Tân Uyên.

Sự thành lập Chi đội 10 đã đánh dấu một bước phát triển mới của lực lượng vũ trang tỉnh Biên Hoà nói riêng và Chiến khu Đ nói chung. Các đại đội Vệ quốc đoàn Chi đội 10 phân tán thành từng đơn vị nhỏ xuống đứng chân và hoạt động tại các xóm ấp, do dân tiếp tế nuôi dưỡng. Về tổ chức, tỉnh chuyển các “quận quân sự” thành các “Ban công tác liên thôn”; dưới ban công tác liên thôn là “Ban công tác xã”. Các cơ quan quân sự địa phương này giúp cho uỷ ban hành chính quận xã thực hiện nhiệm vụ quân sự trên địa bàn của mình do chi đội thống nhất chỉ huy.

Đến lúc này, trong chiến khu xuất hiện 3 hình thức tổ chức vũ trang: bội đội địa phương, du kích tập trung và du kích xã. Đây là cơ sở để xây dựng và phát triển lực lượng 3 thứ quân trong thời gian đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở Chiến khu Đ.

Như vậy, trong vòng vây ráo riết của quân thù, Chiến khu Đ vẫn hoạt động và phát triển nhiều mặt, tự khẳng định khả năng phòng vệ của mình để vươn lên lập những kỳ tích chiến công trong cuộc chiến tranh giải phóng.
Comments