Chiến khu Đ‎ > ‎

15. Việc ký kết tạm ước 14-9-1946 ở Fontainebleau (Pháp) có tác động đến Chiến khu Đ như thế nào?

Việc Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ Việt Nam ký tạm ước với chính phủ Pháp là nhằm hoà để tiến, chứ không hề có sự thỏa hiệp với thực dân Pháp.

Được tin tạm ước ký kết, Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ họp hội nghị chủ trương triệt để lợi dụng hình thức công khai để tuyên truyền mạnh mẽ cho kháng chiến và Chính phủ, tích cực củng cố và phát triển các đoàn thể cứu quốc và các tổ chức chính quyền, đẩy mạnh hoạt động quân sự kết hợp với binh vận làm hoang mang tinh thần nguỵ binh.

Lúc này, hoạt động của địch ở vùng chiến khu giảm thiểu. Địch chỉ còn giữ lại ở Tân Uyên chi khu và các bót Tân Uyên, Cổng Xanh, Phước Hoà. Bên tả ngạn sông Đồng Nai chỉ còn chi khu Cây Đào và bót Rạch Đông. Phạm vi kiểm soát của địch ở Chiến khu Đ hẹp lại. Từ Đất Cuốc, Lạc An, ta mở đường liên lạc vận tải dễ dàng lên đường 13 ở phía bắc và qua sông Đồng Nai về Long Thành, Bà Rịa phía Nam.

Các cơ quan kháng chiến của tỉnh, huyện từ trong rừng sâu chuyển ra phía ngoài, đóng dọc Đất Cuốc, Tân Lợi, Mỹ Lộc, Tân Tịch, xây dựng lán trại khang trang.

Sở chỉ huy Chi đội 10 từ Bình Chánh chuyển về Tân Tịch. Các phân đội về bám ấp xóm hoạt động gây dựng, phát triển phong trào cách mạng ở địa phương. Bộ phận quân nhu do đồng chí Cao Văn Bổ phụ trách xây dựng mạng lưới bảo đảm hậu cần xung quanh căn cứ, tổ chức đường dây vận chuyển thuốc men, hóa chất từ nội thành về căn cứ.

Cơ sở quân giới do đồng chí Nguyễn Cao phụ trách được bổ sung thêm 2 đồng chí Bùi Cát Vũ, Đặng Sĩ Hùng và nhiều công nhân kỹ thuật giỏi, quân số lên tới hàng trăm người. Ngoài việc nhồi đạn (rờ sạc), sửa súng, làm lựu đạn, xưởng còn sáng chế được lựu đạn cầu, lựu đạn phóng, địa lôi bằng đầu đạn, bom lép của địch. Các công binh xưởng cũng chuyển dần phía ngoài, đời sống của cán bộ, công nhân được cải thiện một bước quan trọng.

Quân y viện do bác sĩ Võ Cương phụ trách được bổ sung dụng cụ y tế và một số y sĩ, y tá từ trong thành ra chiến khu. Quân y viện mở các lớp đào tạo y tá, cứu thương cung cấp cho các đơn vị; khắc phục mọi thiếu thốn tực hữa các bệnh sốt rét, ho, kiết lỵ, ghẻ lở… cho bộ đội và nhân dân trong chiến khu. Nhiều chiến sĩ bị thương, khi cưa cắt không có thuốc tê vẫn cố chịu đau và hát vang bài ca cách mạng.

Trong điều kiện hết sức thiếu thốn, khó khăn, các cơ quan kháng chiến và đơn vị vũ trang đã trụ lại Tân Uyên với quyết tâm xây dựng căn cứ cho cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ trên vùng đất Chiến khu Đ.
Comments