Tháng 7-1948, đại hội đại biểu Xứ Đảng bộ Nam Bộ lần thứ nhất họp tại bờ kênh Năm Ngàn giữa chiến khu Đồng Tháp Mười. Đồng chí Lê Duẩn được uỷ nhiệm thay mặt Thường vụ Trung ương Đảng chủ trì hội nghị. Đại hội đề ra chủ trương nhằm chống chiến lược của giặc, bảo vệ hậu phương của ta. Quán triệt nghị quyết của đại hội, Khu uỷ và Bộ chỉ huy Khu 7 đề ra các nhiệm vụ bức thiết:
Các trung đoàn phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương hoạt động mạnh trên các tuyến đường giao thông của địch, như phục kích các đoàn xe, phá cầu, đào đường. Các tuyến đường bị ta phá hư hại nhiều như Thủ Dầu Một-Dầu Tiếng, Dầu Tiếng-Minh Thạnh, Thủ Dầu Một-Lộc Ninh. Tính đến cuối năm 1948 sang năm 1949, chủ động đánh địch để bảo vệ căn cứ, lực lượng vũ trang Chiến khu Đ đã chiến đấu hàng chục trận, thu nhiều vũ khí và quân trang quân dụng của địch. Tác dụng của những đợt hoạt động với nhiều chiến thuật đã làm cho địch phải bị động đối phó liên miên trên các chiến trường, không tập trung được lực lượng lớn tấn công vào các vùng căn cứ của ta. Âm mưu khai thác, vơ vét, chuyên chở vật chất từ vùng chiến khu của địch gặp nhiều khó khăn trở ngại. Các huyện, xã tích cực xây dựng căn cứ du kích, căn cứ lõm như Bình Đa, Long Thành, Chứa Chan (Biên Hoà), Bình Chánh, Bình Thuận, An Hoà, An Điền, Long Nguyên… (Thủ Dầu Một), Long mỹ, Xuyên Mộc (Bà Rịa)… hình thành một hệ thống căn cứ ken dày xung quanh Chiến khu Đ, tạo nên thế xen kẽ và liên hoàn khắp các chiến trường, chống lại chủ trương chia cắt để dễ đánh phá, tảo thanh của địch. Với những cố gắng cao nhất trong giai đoạn này, Chiến khu Đ đã thự chiện được những chủ trương quan trọng của Xứ Đảng bộ Nam Bộ. |
Chiến khu Đ >