Như ta đã biết một chiến khu bao giờ cũng có điểm xuất phát, quá trình hình thành, xây dựng và phát triển. Nhưng giai đoạn ra đời hình thành có những hoàn cảnh rất đặc thù. Đối với Chiến khu Đ, giai đoạn ra đời kéo dài trong một bối cảnh đặc biệt của vùng đất là hậu phương của cuộc kháng chiến, nhưng lại là cửa ngõ của trung tâm bộ máy chiến tranh của bọn xâm lược và tay sai. Ngay từ tháng 10-1945, trong những tháng mở đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, bọn thực dân phá vòng vây của ta xung quanh Sài Gòn, muốn nống ra đánh chiếm các đô thị và vùng kinh tế, các đường giao thông… hòng tiêu diệt đầu não kháng chiến. Biên Hoà, Thủ Dầu Một là cửa ngõ quan trọng của Sài Gòn trở thành một trong những hướng đánh chiếm đầu tiên của địch. Do tương quan lực lượng không cân sức, các đơn vị kháng chiến dần dân rút ra vòng ngoài để bảo toàn, củng cố lực lượng. Tân Uyên (thuộc tỉnh Thủ Dầu Một) với ưu thế địa hình quân sự, trở thành hướng rút quân thuận lợi cho nhiều đơn vị võ trang từ các nơi. Đêm 22-10, một bộ phận gồm 40 người, trang bị 30 khẩu súng trường do đồng chí Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy, kéo về Tân Tịch, Đất Cuốc, dựa vào rừng làm căn cứ để xây dựng lực lượng chống Pháp. Nhiều lực lượng ở các nơi khác cũng lần lượt rút về Tân Uyên. Đầu tháng 11, đồng chí Nguyễn Bình được Trung ương Đảng cử vào phụ trách công tác quân sự ở Nam Bộ. Trong khi đi khảo sát địa hình, nhận rõ vị trí địa thế lợi hại của vùng rừng Tân Uyên, đã chọn khu Lạc An lập căn cứ địa cho an toàn khu. Ngày 10-2-1945, tại Đức Hoà (Chợ Lớn) hội nghị quân sự toàn Nam Bộ được triệu tập, quyết định chia Nam Bộ thành các chiến khu 7, 8, 9. Chiến khu 7, tổ chức hành chính quân sự được thành lập chính thức gồm các tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hoà, Tây Ninh, Gia Định, Chợ Lớn, Bà Rịa và Sài Gòn. Đồng chí Nguyễn Bình được chỉ định làm Khu trưởng và đồng chí Trần Xuân Độ làm Chính trị uỷ viên khu. Chấp hành nghị quyết của hội nghị Đức Hoà, ngày 17-12-1945, cơ quan khu bộ Khu 7 về đứng chân và xây dựng hệ thống phòng thủ Tân Uyên. Lạc An tên một xã trong vùng căn cứ thuộc Tân Uyên-nơi đứng chân của Vệ quốc đoàn Biên Hoà được chính thức xây dựng thành căn cứ địa kháng chiến của Chiến khu 7. Như vậy, sau hai tháng kể từ khi thực dân Pháp đánh lên Biên Hoà, Thủ Dầu Một, cùng với quá trình phân hóa tan rã của các sư đoàn Cộng hoà vệ binh (thành lập sau Cách mạng tháng Tám) và sự ra đời của lực lượng vũ trang cách mạng trong toàn khu, nhiều đơn vị vũ trang và cơ quan đầu não kháng chiến Khu 7 đã lần lượt rút về căn cứ Tân Uyên củng cố xây dựng lực lượng. Đầu năm 1946, giặc Pháp đánh lan ra. Căn cứ Tân Uyên trở thành mục tiêu tấn công đầu tiên của chúng. Trong năm 1946, cùng với cuộc kháng chiến của quân và dân cả nước, Chiến khu 7 phát triển nhiều mặt. Các lực lượng vũ trang ở đây đã dũng cảm chiến đấu tiêu diệt và đẩy lùi quân địch. Chiến khu Đ đã hình thành trong điều kiện áp lực nặng nề của quân Pháp và đứng trước những thử thách mới của một cuộc chiến đấu lâu dài gian khổ. |
Chiến khu Đ >