Chiến khu Đ‎ > ‎

26. Bước sang giai đoạn cầm cự với giặc Pháp, Chiến khu Đ được phát triển mở rộng phạm vu, qui mô mới?

Đầu năm 1951, quân Pháp cố gắng giành lại quyền chủ động trên chiến trường Nam Bộ, mở các cuộc hành quân nhắm vào mục tiêu tiêu diệt lực lượng ta ở Đồng Tháp Mười và dọc theo sông Cửu Long, kiểm soát chặt chẽ Khu 8, cắt đứt Nam bộ ra vùng đông và tây.

Để phù hợp với chiến trường và tình hình chung, tháng 5-1951, Trung ương Cục miền Nam quyết định bố trí lại chiến trường, lấy sông Tiền làm ranh giới phân chia Nam Bộ thành 2 Phân liên khu miền Đông và miền Tây. Căn cứ vào tình hình cụ thể ở Nam Bộ, Trung ương Cục chủ trương đẩy mạnh công tác xây dựng căn cứ địa cho từng chiến trường và cả Nam Bộ.

Thực hiện chủ trương này, Ban căn cứ địa Nam Bộ được thành lập. Tại Chiến khu Đ, ban căn cứ địa hội nghị đề ra nội dung phương hướng xây dựng căn cứ trong tình hình mới và xác định những căn cứ địa chính của toàn Nam Bộ là Chiến khu Đ, Chiến khu Dương Minh Châu, Chiến khu Đồng Tháp Mười và Chiến khu U Minh.

Ban căn cứ địa Nam Bộ và Ban căn cứ tỉnh Thủ Biên (Thủ Dầu Một-Biên Hoà) dã xúc tiến việc xây dựng mở rộng và phát triển Chiến khu Đ từ căn cứ của Biên Hoà và Khu 7 lên thành một trong những căn cứ chính của miền Đông Nam Bộ; đồng thời xác định căn cứ không chỉ đơn thuần bảo đảm địa bàn đứng chân cho cơ quan cấp trên mà phải có chiều sâu và toàn diện, đảm bảo vị thế chiến lược và liên hoàn trong phạm vi toàn miền.

Tháng 7-1951, huyện căn cứ Đồng Nai thuộc tỉnh Thủ Biên được thành lập trên cơ sở sát nhập một số xã căn cứ của huyện Tân Uyên với huyện Hớn Quản. Phạm vi Chiến khu Đ được nới rộng, với diện tích khoảng 3.700km vuông, dân số độ 10.000 người. Sự thành lập huyện căn cứ và sắp xếp lại các xã đã góp phần định lại căn cứ về mặt hành chính, tạo điều kiện thuận lợi trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ đặc biệt của vùng căn cứ địa quan trọng này.

Đi đối với việc mở rộng và nâng cao chất lượng căn cứ, công tác bố phòng bảo vệ, trinh sát, thông tin, quân báo nắm địch cũng được tổ chức chặt chẽ. Các đội bảo vệ các tuyến giao thông từ Chiến khu Đ đi Bến Cát, Thủ Đức, Thuận An Hoà, Bà Rịa hoạt động khá tốt. Công tác tăng gian sản xuất lương thực thực phẩm, vũ khí trang bị cũng có những bước tiến mới đáp ứng với tình hình phát triển căn cứ.

Giờ đây Chiến khu Đ đã mang một tầm vóc mới như một căn cứ địa cơ bản của miền Đông và cả Nam Bộ, đóng một vai trò hết sức quan trọng trong cuộc chiến đấu của quân và dân miền Nam và cả nước.
Comments