Chiến khu Đ là vùng rừng thiêng nước độc, nhất là các vùng phía bắc ắn sâu vào biên giới. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở đây không ai được “miễn trừ” sốt rét là con bệnh hoành hành dữ dội nhất. Do cuộc sống kham khổ, ăn uống thiếu chất bổ dưỡng, thuốc men lại rất thiếu nên dịch bệnh có cơ hội lan truyền. Mặc dù như vậy, tinh thần tự lực tự cường đã khắc phục và đẩy lùi bệnh đau. Vấn đề phòng bệnh, chữa bệnh đặt ra song song với các mặt bảo đảm hậu cần của chiến khu. Đến năm 1952, hệ thống quân dân y được sát nhập từ cấp xã lên đến cấp tỉnh, Phân liên khu. Các cơ sở bào chế thuốc và quân y xã học tập áp dụng kinh nghiệm y học tiến bộ, đồng thời thực hiện phương châm “địa phương hóa tây y, khoa học hóa đông y”. Phong trào tận dụng nguyên liệu rừng để sản xuất thuốc nam bào chế thành thuốc viên hay thuốc ống theo hình thức tây y, đã giải quyết được một phần nhu cầu điều trị bệnh trong căn cứ; đặc biệt là các loại thuốc chữa bệnh sốt rét, kiết lỵ, ho, đau bao tử (dạ dày)… Các cuốn sách “Tánh dược đông y”, “Tủ thuốc nhân dân” hướng dẫn cách sử dụng các vị thuốc thông thường có sẵn trong vùng căn cứ được in ấn lưu hành rộng rãi và tái bản nhiều lần. Bộ đội và nhân dân khắp nơi tích cực sưu tầm gửi hàng ngàn toa thuốc gia truyền về Ban nghiên cứu đông y Nam Bộ. Khẩu hiệu ngành y dược được mọi người hưởng ứng nhiệt liệt lúc này là “Dùng thuốc nam là yêu nước, là đấu tranh kinh tế với địch”. Về tây y, các bác sĩ đã áp dụng có hiệu quả phương pháp cấy Filatop trong điều trị, gây thêm niềm tin, phấn khởi trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong và ngoài chiến khu. Đặc biệt, có cả gia đình nguỵ binh ở vùng địch tạm chiếm móc nối vào chiến khu xin được trị bệnh bằng phương pháp này. Với nhiều biện pháp tích cực của ngành quân y trong chiến khu, bệnh đau bị đẩy lùi một bước. Sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ tăng dần, đảm bảo quân số chiến đấu, công tác ngày càng cao; nhất là các dịch bệnh được ngăn chặn kịp thời. |
Chiến khu Đ >