Đây là trận báo lụt được nhiều người nhắc tới trong mấy chục năm qua vì nó tàn phá hết sức dữ dội và rộng lớn, trong lúc cuộc kháng chiến của ta đang gặp muôn vàn khó khăn. Cơn bão xảy ra đầu tháng 10-1952 tràn ngập các tỉnh miền Đông. Lương thực, hoa màu sắp đến kỳ thu hoạch bị hư hại nặng. Các đơn vị, cơ quan và nhân dân trong chiến khu chưa kịp khắc phục hậu quả thì đêm 18-10, một cơn bão khác lại bất ngờ ập đến với mức độ tàn phá chưa từng thấy. Cây rừng đổ ngổn ngang. Nước sông Đồng Nai dâng lên đột ngột, chảy ào ạt cuốn phăng cây cối, nhà cửa hai bên bờ và cả những thú rừng lớn như voi, cọp… Vùng căn cứ dọc sông thành biển nước mênh mông, kéo dài trên nửa tháng mới rút dần, gây úng lụt nghiêm trọng. Vùng Chiến khu Đ bị tổn thất nặng nề. Một số ít người và tài sản bị cuốn trôi. Nhà cửa doanh trại bị đổ sập, tốc mái. Toàn bộ cây lương thực, thực phẩm, thuốc men, quân trang, sách báo… bị ẩm mốc, mục rữa. Vũ khí đạn dược bị sét rie, hư hỏng. Lợi dụng lúc ta bị khó khăn nghiêm trọng do thiên tai, giặc Pháp âm mưu triệt phá căn cứ. Chúng liên tục hành quân càn quét, bao vây, ngăn chặn các đường vận chuyển lương thực, tuyên truyền chiêu dụ cán bộ, chiến sĩ ta ra đầu hàng. Cuộc sống ở Chiến khu Đ gặp vô vàn gian khó. Mọi hoạt động sản xuất, huấn luyện bị gián đoạn. Hàng vạn cán bộ, bộ đội và nhân dân thiếu ăn hàng ngày. Đến nỗi không còn đủ gạo để nấu cháo cho thương bệnh binh ăn. Những ai khỏe mạnh phải đi đào củ mì đã thối do ngập nước lâu ngày, hoặc đào củ mài, củ chụp, tìm các loại rau rừng, măng tre để ăn trừ bữa. Nạn thiếu muối xảy ra thường xuyên. Bị đói, thiếu quần áo, thuốc men, phải liên tục dời cứ và chống càn nên số người đau bệnh tăng vọt, có đơn vị chiếm tới 60% quân số. Khá đông nông dân dù gắn bó với kháng chiến cũng phải tạm lánh về dùng địch. Nhiều gia đình phải gửi cha mẹ già và con nhỏ về thành phố để “bớt miệng ăn”. Một số phần tử không chịu đựng được gian khổ đã bỏ cách mạng ra đầu hàng giặc và trở thành những tên phản bội dẫn đường cho chúng trở lại ruồng bố căn cứ. Thiên tai địch họa đã làm cho phong trào cách mạng Chiến khu Đ đứng trước những thử thách to lớn, tưởng chừng khó có thể vượt qua. Danh từ Chiến khu Đ bị gọi đùa là “chiến khu đói”, “chiến khu đâu” có lẽ xuất phát từ giai đoạn này. Trước tình hình đó, Trung ương Cục miền Nam họp ra chỉ thị khắc phục khó khăn, phát động phong trào sản xuất cứu đói và kêu gọi đồng bào khắp nơi ủng hộ nhân dân vùng bão lụt. Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Cục, nhân dân và bộ đội các miền không bị bão lụt đã tổ chức “tuần lễ ủng hộ miền Đông” vận động quyên góp hàng triệu đồng tiền Đông Dương, hàng chục vạn tấn gạo và thực phẩm gửi cứu trợ miền Đông và Chiến khu Đ. Các gia đình vùng địch tạm chiếm cũng tìm cách gửi vào chiến khu nhiều tiền, gạo, thuốc men, vải vóc… Sự giúp đỡ đầy tình tương thân tương ái đã giải quyết được 50% nhu cầu về lương thực của quân và dân chiến khu trong 3 tháng sau bão lụt; biểu hiện sâu sắc, lòng tin yêu hướng về cách mạng của các tầng lớp nhân dân. Sau trận “đại hồng thuỷ” khủng khiếp, Chiến khu Đ nhanh chóng khắc phục hậu quả: xây dựng lại lán trại, đẩy mạnh sản xuất tự túc. Nước rút đến đâu, cây lương thực, hoa màu được trồng đến đó. Đến cuối năm, khắp chiến khu, nhất là dọc sông Đồng Nai, sông Bé, Mã Đà, bà Hào… các loại cây lương thực ngắn ngày đã lên xanh tốt. Đơn vị nào cũng có gà, vịt, heo để cải thiện bữa ăn. Cuộc sống khá dần lên. |
Chiến khu Đ >