Chiến khu Đ‎ > ‎

39. Xin cho biết tình hình sau khi lực lượng ta rời khỏi Chiến khu Đ, tập kết ra Bắc theo Hiệp định Geneva?

Có thể nói sau ngày 2-9-1954, Chiến khu Đ trở nên vắng lặng, gần như trả lại cho thiên nhiên miền sơn cước. Một cuộc chia tay không tiền khoáng hậu.

Tại Chiến khu Đ, không còn lực lượng vũ trang cách mạng, không còn chính quyền và đoàn thể quần chúng. Số còn lại đa số là cán bộ dân, chính, đảng được bố trí ở lại đều bám vào dân, sống “hợp pháp” để xây dựng cơ sở và hoạt động. Hình ảnh những ngày sống và chiến đấu gian khổ, đậm đà tình đồng chí, tình quân dân thắm thiết in sâu và ký ức của những người dân vùng căn cứ.

Với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa, đế quốc Mỹ dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm và bắt đầu đánh phá phong trào cách mạng miền Nam.

Ngay từ khi thay chân thực dân Pháp, giặc Mỹ đã nhận thức Chiến khu Đ là một căn cứ cách mạng nguy hiểm uy hiếp trực tiếp các cơ quan đầu não của chúng ở Sài Gòn và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Do vậy, một trong những mục tiêu hàng đầu của Mỹ-Nguỵ là triệt phá, chia cắt Chiến khu Đ và các căn cứ quan trọng khác của ta ở miền Đông.

Sau khi lực lượng ta vừa rút khỏi căn cứ, tập kết về Ham Tân, Xuyên Mộc chuẩn bị xuống tàu ra Bắc, địch lập tức tràn vào Chiến khu Đ. Chúng nhanh chóng xây dựng bộ máy tề nguỵ, xây dựng đồn bót, tổ chức các đội bảo an, dân vệ để khống chế, kềm kẹp nhân dân trong vùng.

Trong 2 năm 1954-1955, Mỹ-Nguỵ đã cưỡng bức hơn 150 ngàn đồng bào theo đạo Thiên Chúa bị chúng lừa gạt dụ dỗ từ miền Bắc vào, bố trí định cư dọc quốc lộ 1, đường 15, 20-cửa ngõ Sài Gòn và ngoại vi Chiến khu Đ. Ngay trong vùng căn cứ, chính quyền Diệm bố trí gần 1 vạn đồng bào Thiên Chúa giáo di cư (vốn là dân 2 tỉnh Thái Bình và Hưng Yên), thành lập xã Thái Hưng (thuộc xã Lạc An, huyện Tân Uyên-vùng ruột Chiến khu Đ). Hàng loạt dinh điền được địch lập lên ở Khánh Vân, Xóm Sình, Bà Đã, Ván Hương, bàu Cá Trê, Nước Vàng… Ở phía nam Chiến khu Đ, địch cho bọn tư sản và công chức cao cấp lập nhiều trại Be (xe be chở gỗ) để khai thác lâm sản, nhưng mục đích chính là phá rừng, ủi mở đường. Nhiều lộ ủi mang tên Trần Lệ Xuân (vợ của Ngô Đình Nhu, em tổng thống bù nhìn Ngô Đình Diệm) cắt ngang xẻ dọc chiến khu nhằm phục vụ việc kiểm soát lực lượng của ta và phá huỷ vùng căn cứ kháng chiến.

Tháng 9-1959, địch thành lập tỉnh Phước Thành gồm 3 quận: Phú Giáo, Hiếu Liêm, Tân Uyên. Phước Thành cùng các chi khu, tiểu khu Châu Thành, Bình Long, Phước Long, Đồng Xoài, Lộc Ninh… tạo thành một hệ thống căn cứ quân sự liên hoàn bao vây, chia cắt Chiến khu Đ với nam Tây Nguyên, đồng thời tạo thành tuyến phòng thủ ở hướng đông và đông bắc cho “thủ đô” Sài Gòn của chúng. Đây cũng là nơi xuất phát các cuộc hành quân để đánh phá Chiến khu Đ.

Nhìn chung hình thái Chiến khu Đ sau Hiệp đinh Geneva: ta chấp hành nghiêm chỉnh các điều khoản hiệp định với thiện chí đi đến thống nhất Tổ quốc, còn địch thì ra sức phá hoại hiệp định với âm mưu đen tối là chia cắt đất nước Việt Nam; do đó ngay từ đầu thực thi hiệp định chúng đã công khai việc đánh phá Chiến khu Đ nhằm trừ “hậu họa” cho chúng sau này. Quả đối thủ của ta rất gian manh, tàn bạo, mưu lược, chứ không tầm thường, báo hiệu một cuộc chiến khốc liệt gấp nhiều lần sẽ xảy ra ở Chiến khu Đ.
Comments