Chiến khu Đ‎ > ‎

40. Có phải khi địch ra tay, Chiến khu Đ một lần nữa trở thành nơi hội tụ lực lượng cách mạng?

Ở miền Nam, tháng 7-1956, thực hiện những âm mưu đen tối, chính quyền Diệm mở chiến dịch Trương Tấn Bửu nhằm tiêu diệt các chiến sĩ cộng sản, những người yêu nước và kháng chiến trở về. Lúc này do ta tin tưởng vào Hiệp định Geneva, công khai hợp pháp trong dân nên bị địch khủng bố dã man mà không được chống lại do chưa có lệnh của trên. Hàng loạt cán bộ, đảng viên, quần chúng yêu nước bị địch bắt và giết hại khắp nơi. Ở miền Đông Nam Bộ, số cán bộ, đảng viên được giao ở lại và những người yêu nước đã thoát ly gia đình thoát khỏi sự truy lùng của chiến dịch diệt cộng chạy bào chiến khu, dựa vào rừng núi để hoạt động. Ở Chiến khu Đ, nhiều đảng viên phải lánh vào các phum sóc của đồng bào dân tộc Stiêng, Châuro, Mạ… ở Lý Lịch, Bù Cháp, Boxompo tạo địa bàn hoạt động. Đồng chí Chín Quỳ, một cán bộ đảng viên được bố trí ở lại miền Nam, hiểu rành địa bàn rừng núi chiến khu, trước sự khủng bố trắng trợn của địch, đã quy tụ một số anh em kháng chiến cũ vào rừng chiến khu tổ chức sản xuất và tìm cách cướp súng địch, tái vũ trang, bí mật diệt ác ôn. Đồng chí Lê Thanh (sau này là Trung tướng Phó tư lệnh bộ đội Biên phòng) và đồng chí Lâm quốc Đăng (sau này là đại tá Phó tư lệnh Phân khu 1) cũng vận động được một số thanh niên trốn lính vào rừng núi sản xuất, lánh né địch, manh nha xây dựng cơ sở cho lực lượng vũ trang cách mạng sau này.

Ngày 2-12-1956, đồng chí Bảy Tâm bí thư Đảng uỷ nhà lao Tân Hiệp (Biên Hoà) sau khi bắt được liên lạc với Tỉnh uỷ, đã lãnh đạo các chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước bị đích giam giữ, nổi dậy cướp súng, vượt ngục. Trong cuộc đào thoát dũng cảm này, 21 người đã hi sinh trước cửa trại giam. Khi đến rừng Tân Định (nay thuộc huyện Vĩnh Cửu), Đảng uỷ quyết định phân tán đoàn, mỗi tỉnh sẽ lập một chi bộ 8 đồng chí ai về địa phương nấy, tiếp tục hoạt đông. Tỉnh uỷ Biên Hoà đã kịp thời cử nhiều cán bộ đón các đoàn dọc theo tả ngạn sông về Chiến khu Đ an toàn. Số cán bộ này được tăng cường cho các tổ chức Đảng và lực lượng vũ trang cách mạng đang nhen nhóm trở lại ở Chiến khu Đ.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Chiến khu Đ là một trong những cái nôi của cách mạng miền Đông Nam Bộ; bước sang thời chống Mỹ, với địa hình lý tưởng rừng rậm điệp trùng và chỉ cách sào huyệt kẻ thù ở Sài Gòn 30km, Chiến khu Đ sẽ là nơi phát triển lực lượng cách mạng và là một bàn đạp tiến công ở các đô thị miền Đông, nhất là vị trí trung tâm đầu nào Sài Gòn.
Comments