Chiến khu Đ‎ > ‎

41. Chiến khu Đ có ý nghĩa thế nào đối với việc tái xây dựng lực lượng vũ trang?

Trong hoàn cảnh hết sức bức xúc, tháng 12-1956, căn cứ vào “Đề cương cách mạng miền Nam” do đồng chí Lê Duẩn soạn thảo, Xứ uỷ Nam Bộ họp đánh giá tình hình cách mạng miền Nam, trong một chừng mực nào đó cần phải có lực lượng tự vệ võ trang tuyên truyền hỗ trợ cho đấu tranh chính trị và tiến tới sau này dùng lực lượng vũ trang đó để làm cách mạng đánh đổ Mỹ-Diệm… Xứ uỷ quyết định: “… Tích cực xây dựng lực lượng võ trang tuyên truyền, lập các đơn vị vũ trang bí mật, xây dựng căn cứ miền núi…”. Đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến được Xứ uỷ cử về miền Đông để thực hiện nhiệm vụ thống nhất các lực lượng vũ trang. Hai đồng chí Lê Thanh và Lâm Quốc Đăng phụ trách việc xây dựng căn cứ trên địa bàn miền Đông Nam Bộ.

Đến năm 1957, miền Đông Nam Bộ đã hình thành 2 vùng căn cứ lớn: căn cứ đông bắc gần Chiến khu Đ cũ được mở rộng lên giáp biên giới Việt Nam-Campuchia, sau gọi là Chiến khu A. Vùng căn cứ tây bắc gồm căn cứ Dương Minh Châu và vùng rừng núi Tây Ninh, sau gọi là Khu B. Khu căn cứ Thị Tính, Long Nguyên (Bến Cát) goi là khu C. Các căn cứ núi Mây Tàu, Hắc Dịch, Rừng Sác, Lạc An Ngà là khu E. Từ Chiến khu Đ (khu A), liên lạc đường bộ được nối thông với các căn cứ.

Để bảo đảm đời sống, lực lượng Bình Xuyên ly khai khoảng 200 quân đóng ở Mã Đà, Bàu Phụng (hợp tác với ta chống Diệm), ngay những ngày đầu được cán bộ, chiến sĩ ta hướng dẫn đã thực hiện nhiều biện pháp như săn bắn thú rừng, khai thác lâm sản đổi lương thực… Trong năm 1956, lực lượng ta triển khai được 4 khu vực sản xuất ở vùng suối Linh và nhiều lần tổ chức tiến công một số mục tiêu của địch để giải quyết vấn đề tài chính, lương thực, vũ khí là những thứ rất bức thiết lúc này.

Mang danh nghĩa “bộ đội Bình Xuyên”, ngày 20-10-1956, lực lượng ta đánh sân bay Bến Củi, thu được 5 xe vận tải gạo, gần 2 triệu đồng (tiền nguỵ) và nhiều vũ khí…

Đầu năm 1957, Đảng uỷ trong lực lượng Bình Xuyên được thành lập. Đồng chí Phạm Văn Thhuận (nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Biên Hoà) được cử làm bí thư Đảng uỷ, đồng chí Lâm Quốc Đăng phó bí thư Đảng uỷ phụ trách quân sự. Lực lượng Bình Xuyên biên chế thành 3 đại đội, được trang bị khá mạnh gồm 2 đại liên Mácxim, 8 trung liên, 70 tiểu liên, 10 súng trường, 1 khẩu moócchê và 2 khẩu ĐKZ.

Đảng uỷ đơn vị đã liên lạc với các cấp uỷ địa phương tỉnh Biên Hoà và Thủ Dầu Một để vận động lương thực nuôi lực lượng, đồng thời tiến hành công tác giáo dục chính trị tư tưởng để từng bước chuyển hóa lực lượng này thành lực lượng vũ trang cách mạng. Bên cạnh đó, Đảng uỷ đã bí mật tổ chức một lực lượng vũ trang thành phần gồm những đảng viên, cốt cán cách mạng làm nòng cốt cho việc xây dựng lực lượng vũ trang ở căn cứ Đông Bắc.

Cũng trong thời gian này, một số cán bộ, đảng viên ở Biên Hoà bị địch khủng bố đã về Chiến khu Đ phối hợp với lực lượng vũ trang của đồng chí Chín Quỳ hình thành đội vũ trang lấy phiên hiệu C250. Đây là một trong những đơn vị tiền thân quan trọng của lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ sau này. Đội vũ trang C250 do đồng chí ba Viên làm đội trưởng, đồng chí Năm Hoà làm đội phó, đồng chí Nguyễn Văn Luông (Sáu Phát) Tỉnh uỷ viên Biên Hoà làm chính trị viên.

Đến giữa năm 1957, Tỉnh uỷ Thủ Dầu Một phối hợp với Đảng uỷ lực lượng vũ trang Bình Xuyên của các đồng chí Chín Quỳ, Năm Thành, Sáu Chắc, ba Tiền vào Vĩnh Lợi (phía tây Chiến khu Đ) thu phục được đảng cướp “Rừng Xanh” do Tám Liễu và Út Bời chỉ huy. Nhiều người trong đảng cướp này sau đó trở thành các chiến sĩ cách mạng.

Sự chỉ đạo của Đảng uỷ và thắng lợi của lực lượng vũ trang tấn công địch ở đồn điền cao su trại Be… đánh dấu một bước phát triển của lực lượng vũ trang cách mạng trên địa bàn chiến khu, bước đầu phá vỡ âm mưu của địch nhằm bao vây, chia cắt Chiến khu Đ, góp phần giải quyết một phần khó khăn lương thực cho lực lượng tại đây.

Tháng 10-1957, Xứ uỷ cử đồng chí Lê Thành Công tập hợp những đồng chí cốt cán kết hợp với lực lượng địa phương Tây Ninh thành lập đại đội vũ trang ở Bàu Rã, lấy phiên hiệu C60. Đây là một trong những đơn vị đầu tiên của lực lượng vũ trang miền Đông; lấy thành phần nòng cốt để xây dựng phát triển nhiều đơn vị sau này như C50, C80…

Cùng với việc tái lập và phát triển lực lượng vũ trang, Chiến khu Đ bước đầu được khôi phục, là địa bàn xs lực lượng vũ trang của Xứ, nơi đứng chân của nhiều đơn vị vũ trang tập trung như: C50, C70, C80, C250…
Comments