Chiến khu Đ‎ > ‎

45. Sau đồng khởi ở miền Nam, đường mòn Hồ Chí Minh được nối vào miền Đông và Chiến khu Đ ở trở thành “trạm trung chuyển”?

Đường Trường Sơn còn gọi là đường mòn Hồ Chí Minh là “huyết mạch” vô cùng quan trọng đối với miền Nam, đặc biệt là chiến trường Nam Bộ. Bộ Chính trị và Trung ương Đảng quyết định mở tuyến đường xuyên Trường Sơn vào Nam vào tháng 5-1959, nên còn gọi là “Đường dây 559”.

Để nhanh chóng chi viện sức người sức của cho miền Nam đánh Mỹ, ngoài việc tổ chức mở đường từ phía Bắc vào, Trung ương Đảng đã lần lượt cử các đoàn cán bộ gồm các đồng chí miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954, nay”xoi đường” trở về Nam để liên lạc với Xứ uỷ Nam Bộ. Đoàn cán bộ làm nhiệm vụ xoi đường đầu tiên gồm 25 người, do đồng chí Phạm Lạc làm trưởng đoàn, đồng chí Phùng Đình Ấm (Thiếu tướng-nhà văn Phùng Đình Cung) làm phó đoàn, đồng chí Nguyễn Văn Phước bí thư chi bộ. Tháng 7-1960, khi vào đến Đắc Lắc, đoàn chia làm 2 đoàn nhỏ tiếp tục cắt rừng dò đường về miền Đông.

Nhận được điện của Trung ương, Xứ uỷ và Khu miền Đông đã cử 2 đại đội vũ trang từ Chiến khu Đ cắt rừng theo hai hướng bắc và đông bắc để đón các đồng chí xoi đường từ miền Bắc vào, đồng chí thời nối thông hành lang từ Chiến khu Đ ra nam Tây Nguyên. Đoàn mở đường ở hướng bắc do đồng chí Lâm Quốc Đăng và Phạm Văn Thuận chỉ huy, từ Mã Đà lên Bãi Bằng, Phước Sang, vượt đường 14 lên Phú Riềng, qua các sở cao su… lên Đa Kia, Bù Đốp. Một cánh khác của đoàn này mở đường lên sóc Bombo qua Bù Gia Mập, Bù Gia Phúc đến Bù Đăng. Vừa hành quân, đơn vị vừa làm tuyên truyền giáo dục, xây dựng cơ sở trong đồng bào dân tộc để tổ chức các trạm liên lạc vận chuyển sau này.

Ở hướng đông bắc, đoàn mở đường gồm có 18 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Nguyễn Hồng Sơn chỉ huy, Nguyễn Trọng Tâm uỷ viên. Trong đoàn có 1 tổ điện đài 2 người, 1 đồng chí cơ yếu (dịch mật mã điện) và 1 y sĩ. Đoàn xuất phát từ suối Nhung, đi cặp theo sông Đồng Nai thượng đến Bù Ta Go ra hướng Lâm Đồng. Đường đi vất vả gian nan, phải cắt rừng để bảo đảm bí mật, 2 tháng mới đến điểm hẹn, trong khi lương thực mang theo chỉ đủ 15 ngày ăn. Vì thế gạo để đành nấu cháo cho người bệnh, muối phải chia ra từng hạt cho mỗi người. Phải bẻ măng tre, kiếm rau rừng, đào củ… ăn thay cơm.

Cuối tháng 8-1960, đoàn tới được ngã ba vàm suối Đatơri nhưng không gặp đoàn xoi đường từ miền Bắc vào. Theo điện của Trung ương từ đài căn cứ chuyển đến, anh em biết đoàn xoi đường đã đến điểm hẹn, nhưng không gặp người đón, lại hết lương thực nên quay trở ra. Xứ uỷ chỉ đạo phải ở lại chờ đoàn vào. Và thật may mắn, lúc 16 giờ ngày 30-10, qua ám hiệu (được điện báo từ trước), hai đoàn cán bộ từ Trung ương và khu miền Đông đã gặp nhau tại vàm suối Đatơri (ngang với địa điểm Sania).

Trong lúc đó, vào tháng 12-1960, ở hướng bắc đội vũ trang tuyên truyền của Xứ uỷ đã bắt được liên lạc với đoàn xoi đường của Trung ương tại Km 5 đường 14B.

Con đường chiến lược Trung uơng-Nam Bộ từ Trường Sơn vào miền Đông Nam Bộ đã được khai thông. Chiến khu Đ trở thành “trạm trung chuyển” đón nhận cán bộ, bộ đội, vũ khí, trang bị, lương thực, thực phẩm… của hậu phương lớn miền Bắc gửi vào chiến trường Nam Bộ.
Comments