Chiến khu Đ‎ > ‎

46. Có phải Chiến khu Đ là nơi thành lập Trung ương Cục - Trung tâm chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam?

Sau đồng khởi, cách mạng miền Nam bước sang một giai đoạn mới, buộc địch phải bỏ chiến tranh đơn phương chuyển sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Tháng 1-1961, Bộ Chính trị ra nghị quyết về nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là: “Ra sức xây dựng mau chóng lực lượng ta về cả hai mặt chính trị và quân sự… đấu tranh chính trị mãnh mẽ… tích cực tiêu diệt sinh lực địch… tạo điều kiện và nắm thời cơ thuận lợi để đánh đuổi chính quyền Mỹ-Dim, giải phóng miền Nam”.

Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo cách mạng miền Nam, Bộ Chính trị quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ uỷ Nam Bộ cũ. Lễ thành lập Trung ương Cục được tổ chức long trọng tại Mã Đà. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được cử làm Bí thư Trung ương Cục. Căn cứ Trung ương Cục đóng tại suối Nhung. Cùng với suối Linh, suối Nhung ngày tháng âm thầm chảy dưới đại ngàn, nay bỗng trở thành những địa danh lịch sử. Từ đây những chủ trương đường lối của Trung ương, Bộ Chính trị cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam được toả đi khắp nơi. Các chủ trương xây dựng phong trào, mệnh lệnh tác chiến cũng từ vị trí lịch sử này phát ra.

Thời gian đầu, Trung ương Cục miền Nam được Trung ương giao nhiệm vụ lãnh đạo phát triển cách mạng từ khu 5 trở vào, do đó Trung ương Cục chọn Chiến khu Đ mở rộng (khu A)-căn cứ nối liền nam Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ làm nơi đặt cơ quan lãnh đạo của Trung ương Cục.

Tháng 3-1961, Trung ương Cục giao cho T1 (Khu miền Đông) nhiệm vụ xây dựng khu A (gồm Chiến khu Đ cũ mở rộng đến đông đường 13, mang phiên hiệu C150). Đảng uỷ khu A chỉ đạo:

  • Xây dựng khu A trở thành một căn cứ địa hoàn chỉnh.
  • Mở rộng diện tích sản xuất trong căn cứ, dự trữ vật chất để đón cán bộ, chiến sĩ từ Trung ương vào miền Nam chiến đấu.
  • Xây dựng lực lượng vũ trang tập trung cơ động từ 1 đến 2 tiểu đoàn.
  • Tổ chức đường dây liên lạc, nối liền Trường Sơn với các tỉnh…

Từ đây Chiến khu Đ ngày càng phát triển nối liền hậu phương lớn miền Bắc qua đường Trường Sơn, cùng với căn cứ các tỉnh phía đông tạo thành thế liên hoàn, là hậu phương chiến lược ở miền Đông Nam Bộ.
Comments