Chiến khu Đ‎ > ‎

49. Địch đã thực hiện quốc sách “ấp chiến lược” để “tát nước bắt cá” như thế nào?

Nhằm thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ-Nguỵ tăng cường đẩy mạnh quốc sách “ấp chiến lược” thay thế “ấp dân sinh”, “ấp đời mới”, “khu dinh điền”, “khu trù mật” bị thất bại. Thực tế các “khu trù mật” này đều là những trại tập trung trá hình để tách lực lượng cách mạng ra khỏi dân chúng. Đây là một âm mưu rất thâm độc của địch nhằm giành lại địa bàn nông thôn, nắm dân; cô lập cách mạng và tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta.

Chiến khu A và các tỉnh ven chiến khu, vành đai Sài Gòn như Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Biên Hoà, Phước Tuy, Phước Thành là những vùng trọng điểm địch đánh phá để tiến hành bình định.

Từ giữa năm 1962, địch mở nhiều cuộc càn quét vào các vùng căn cứ của ta, hỗ trợ cho các đoàn bình định tiến hành gom dân, lập ấp chiến lược. Chiến khu Đ và vùng ven chiến khu là một trọng điểm của địch trong việc thực hiện quốc sách ấp chiến lược, quyết tâm đẩy lực lượng ta ra xa. Ở phía nam căn cứ, kết hợp với các cuộc càn, địch gom dân ở các xã Mỹ Lộc, Thường Lang, Tân Hoà, Tân Tịch vào các ấp chiến lược lớn, đồng thời xây dựng các ấp chiến lược Xóm Sình, Bà Đã, Ván Hương… để chia cắt vùng căn cứ của ta. Các xã Thái Hoà, Thạnh Hội, Bình Chánh… dân bị xúc vào các ấp chiến lược dọc sông Đồng Nai.

Phía tây căn cứ (huyện Phú Giáo), địch lập các ấp chiến lược liên hoàn Anh Linh, An Long, Phước Sang… để ngăn chặn ta bung ta. Riêng ở tỉnh lỵ Phước Vĩnh, địch lập một hệ thống ấp chiến lược dài hơn 10km, tập trung vào đây hơn 17 ngàn dân. Chúng thiết lập thêm sân bay Nước Vàng để tăng cường việc đánh phá căn cứ. Dọc các đường 8, 13, 14, 16, nhiều đồn bót mọc thêm để giữ cầu, giữ đường, bao vây căn cứ và cắt đứt giao thông của ta.

Ở phía bắc căn cứ, địch dồn đồng bào Kinh, Stiêng, Châuro vào các ấp chiến lược dọc đường 14, tách dân ra khỏi lực lượng ta.

Nhằm tăng cường thêm lực lượng cơ động để đánh phá cách mạng ở Phước Thành, địch điều trung đoàn 48 sư đoàn 10 về đây. Mỗi ấp chiến lược, chúng còn bố trí một đại đội bảo an, không kể lực lượng “thanh niên chiến đấu” thường xuyên canh giữ ấp.

Tuy nhiên không một âm mưu nào của địch thực hiện được suôn sẻ. Quốc sách ấp chiến lược bị chống trả quyết liệt tại Chiến khu Đ. Dưới sự lãnh đạo của Khu uỷ miền Đông và các cấp uỷ Đảng địa phương, cuộc đấu tranh chống địch dồn dân lập ấp liên tục diễn ra bằng nhiều hình thức phong phú, kết hợp phong trào 3 mũi giáp công: vũ trang, chính trị, binh vận. Nổi bật nhất là các xã Tân Khánh, Bình Mỹ, Phước Hoà, Rầy Gạch, Ván Hương…

Tại xã Tân Khánh, chi bộ xã lãnh đạo trên 700 đồng bào kéo lên đồn giặc đấu tranh chống bắn phá bừa bãi, đòi tự do đi lại làm ăn, bồi thường thiệt hại, chống gom dân vào ấp chiến lược. Tại xã Tân Bình, nhân dân đấu tranh kiên quyết không cho địch cướp lúa… Tháng 3-1962, giặc đốt hàng trăm nhà dân, đồng bào vẫn bám đất, không ra khu tập trung đồn bót. Không những thế, bà con còn cung cấp tình hình cho bộ đội đánh địch.

7 giờ 30 sáng 14-3, đoàn xe 11 chiếc của đại đội 5 tiểu đoàn 31 bảo an khu Phước Thành lọt vào trận địa phục kích của bộ đội Khu và bộ đội địa phương Phước Thành, trên đường 16 (đoàn từ Mỹ Đức đến bót suối Cầu). Mìn nổ khiến chiếc xe đi đầu lật nhào. Các đơn vị xung phong nổ súng mãnh liệt vào đội hình địch, làm chủ trận địa, diệt và bắt 33 tên (trong đó có tên đại uý quận trưởng Phú Giáo), thu 42 súng.

Tháng 9-1962, Trung đoàn mới thành lập tại Mã Đà, mang mật danh C58, đã tổ chức chống càn, bẻ gãy cuộc hành quân qui mô của sư đoàn 5 ngụy vào căn cứ Bàu Buông, diệt 50 tên. Sau đó, đơn vị tấn công diệt đồn Bù Đăng, mở rộng căn cứ về phía Bắc (đường 14).
Comments