Chiến khu Đ‎ > ‎

52. Có phải từ Chiến khu Đ quân giải phóng đã trút bão lửa xuống sân bay Biên Hoà?

Việc mở rộng Chiến khu Đ trong những năm cuối của cuộc “Chiến tranh đặc biệt” đã tạo ra một khả năng rất lớn để quân chủ lực đánh lớn trong lòng địch, làm rung động tận sào huyệt của chúng.

Trên cơ sở thế trận đang nghiêng về phía cách mạng, địch đang lún sâu vào thất bại, Bộ chỉ huy Miền quyết định tổ chức một trận tập kích bằng hoả lực vào sân bay Biên Hoà, vào lúc Mỹ mở rộng và kiện toàn thành một căn cứ không quân chiến lược ở miền Nam. Đây cũng là trận đánh mở đầu mùa khô 1964-1965 của Miền, góp phần bẻ gãy âm mưu tiến công miền Bắc bằng không quân và trả thù cho 500 đồng bào ta bị địch ném bom giết chết ở Ông Kèo, xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, Biên Hoà ngày 27-9-1964.

Ngày 3-10, Ban chỉ huy đoàn pháo binh đã họp bàn phương án tác chiến và chuẩn bị chiến trường. Cơ sở mật của Thị uỷ Biên Hoà bên trong sân bay đã cung cấp bản đồ sân bay cho đơn vị. Đội biệt động thị xã cũng giúp cán bộ tham mưu và trinh sát hoàn thành tốt công tác điều nghiên mục tiêu để đơn vị lên sa bàn trận đánh.

Sân bay Biên Hoà cách Sài Gòn 30 km về hướng đông bắc, sát thị xã và ở phía nam Chiến khu Đ. Sân bay có 2 đường băng, 1 đường dài 3.600m và 1 đường dài 1.000m, bảo đảm lên xuống cho các loại máy bay vận tải hạng nặng và máy chiến đấu trong mọ thời tiết. Ngoài ra còn có các kho chứa bom đạn xăng dầu và trang thiết bị sửa chữa. Sân bay Biên Hoà được trang bị hệ thống kỹ thuật ra đa và thông tin tối tân nhất; là căn cứ xuất phát của máy bay Mỹ để đánh phá miền Nam, miền Bắc, Lào, Campuchia, vừa là nơi huấn luyện đào tạo phi công cho không quân nguỵ ở miền Nam. Do vị trí quan trọng như vậy nên sân bay được tổ chức bố phòng nghiêm ngặt với 15 hàng rào dây thép gai, nhiều chướng ngại vật, cạm bẫy, hệ thống đèn pha chiếu sáng… Tại đây thường xuyên có 2.500 sĩ quan, phi công, nhân viên kỹ thuật và lính gác vòng trong. Lực lượng bảo vệ cơ động vòng ngoài có từ 1 đến 2 tiểu đoàn lính dù, 1 đại đội pháo và 1 đại đội xe tăng. Mỹ, nguỵ cho rằng sân bay Biên Hoà là căn cứ “bất khả xâm phạm”.

Sau khi hoàn tất công tác chuẩn bị, trận pháo kích sân bay được ấn định vào ngày 31-10-1964. Chỉ huy toàn bộ trận đánh là đồng chí Lương Văn Nho (sau này là Thiếu tướng Phó Tư lệnh Quân khu 7), đoàn U80.

Ngày 28-10, Đoàn pháo binh của Miền gồm Z35, Z41 và đại đội pháo mang vác của Quân khu miền Đông hành quân về tập kết ở tỉnh đội Phước Thành (trong Chiến khu Đ). Tỉnh đã huy động nhân dân góp 15 chiếc ghe để đưa các đơn vị pháo qua sông. 23 giờ ngày 31-10, toàn bộ lực lượng chiến đấu vào chiếm lĩnh trận địa phía nam đồi Tân Phong và tây nam núi Bùng Binh. Vào lúc 23 giờ 20 phút, trên cả hai hướng, trận địa pháo đồng loạt bắn cấp tập vào sân bay. Đạn rơi chính xác. Tiếng nổ dữ dội làm chấn độn cả thị xã Biên Hoà. Lửa bốc cháy sáng rực một góc trời. Sau 20 phút, bắn hết các cơ số đạn, các đơn vị rời khỏi trận địa. Lúc này địch mới phản ứng cho trực thăng và Dakota từ sân bay Tân Sơn Nhất lên thả pháo sáng và bắn dọc theo tuyến đường ra sông Đồng Nai, nhưng hoàn toàn vô vọng.

Trận tập kích hoả lực nhanh gọn giành thắng lớn: phá huỷ và hỏng 59 máy bay các loại, trong đó có 21 máy bay ném bom B57; 1 kho đạn 105 ly, 1 kho xăng, 1 đài ra đa, 18 căn nhà lính bị thiêu huỷ, phá sập; hàng trăm sĩ quan, phi công và nhân viên kỹ thuật bị thương vong.

Trận đánh đã mở ra khả năng tác chiến độc lập, cơ động xa và đánh gần của lực lượng pháo binh Miền. “Pháo binh Biên Hoà“ trở thành tên truyền thống của lực lượng pháo binh miền Đông Nam Bộ.

Ca ngợi chiến thắng Biên Hoà trên báo Nhân dân số ra ngày 12-11-1964, Hồ Chủ tịch đã viết bài bình luận, kết thúc bằng 4 câu thơ:

“Uy danh lừng lẫy khắp năm châu
Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu
Thành đồng chiến thắng lay lầu trắng
Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu”

(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội 1989, trang 804)
Comments