Chiến khu Đ‎ > ‎

54. Chiến dịch Đồng Xoài-Phước Long làm sụp đổ cụm quyết định của địch án ngự phía bắc Chiến khu Đ?

Trong giai đoạn cuối của “Chiến tranh đặc biệt”, chính quyền tay sai nguỵ Sài Gòn đã đứng bên bờ vực thất bại. Tinh thần của nguỵ quân, nguỵ quyền trên đà suy sụp. Cách mạng miền Nam đang tiến dần đến thắng lợi trong tầm tay với.

Thực hiện sự chỉ đạo của trên “quyết tâm đánh những đòn tiêu diệt lớn, thúc đẩy nhanh quá trình tan rã của bọn tay sai đế quốc Mỹ”; căn cứ vào tương quan so sánh lực lượng và vị trí chiến lược của miền Đông, Quân uỷ và Bộ Tư lệnh Miền quyết định mở chiến dịch Đồng Xoài-Phước Long vào mùa mưa năm 1965, nhằm mục đích tiêu diệt cụm quân sự phía bắc Chiến khu Đ nằm trong phạm vi 2 tỉnh Phước Long-Bình Long và trên trục đường giao thông chiến lược Sài Gòn-Tây Nguyên (quốc lộ 13 và quốc lộ 14).

Hướng phối hợp chiến lược là Biên Hoà, Bà Rịa, Long Khánh, Lâm Đồng nhằm cắt đứt các đường 20, đường 15 và đường xe lửa (dọc theo quốc lộ 1) hỗ trợ cho hướng chính hoàn thành nhiệm vụ chiến dịch. Đây là những mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ vòng ngoài bảo vệ hướng bắc và đông bắc Sài Gòn; là những bàn đạp xuất phát các cuộc hành quân càn quét, chia cắt, bao vây căn cứ, ngăn chặn đường tiếp tế chiến lược của ta từ hậu phương lớn miền Bắc vào Nam Bộ.

Chiến dịch Đồng Xoài-Phước Long diễn ra từ tháng 5 đến tháng 7-1965 với lực lượng tham gia gồm 3 trung đoàn chủ lực Miền, bộ đội tập trung, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Chiến dịch kéo dài 64 ngày đêm đã diệt 4.500 tên địch, gồm 4 tiểu đoàn bộ binh, 6 chi độ cơ giới, 24 đại đội, 3 trung đội pháo binh, 1 trung đội công binh; thu 1.652 súng các loại, bắn rơi 34 máy bay, phá huỷ 60 xe vận tải, 20 xe bọc thép, 5 xe tăng, 6 đầu máy, 72 toa xe lửa, 390 súng và 20 cầu cống. Nhiều cố vẫn Mỹ và sĩ quan chỉ huy quân nguỵ bị diệt. Sư đoàn 5 được coi là mạnh nhất trong tổng số 10 sư đoàn nguỵ bị đánh thiệt nặng nặng.

Trên các hướng phối hợp, lực lượng vũ trang và nhân dân phá tan hàng chục ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng. Riêng ở Phước Long, ta giải phóng 56.000 trong tổng số 67.000 dân. Tuyến hành lang chiến lược của ta từ Tây Nguyên vào chiến trường Nam Bộ được khai thông; vùng căn cứ ở nam bắc đường 14 được nối liền, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng và hoàn chỉnh căn cứ địa miền Đông.

Như vậy, từ năm 1961 đến giữa năm 1965, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Khu uỷ và Quân khu uỷ, các lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn Chiến khu Đ đã liên tục tiến công đánh bại các âm mưu của địch nhằm bao vây chia cắt, tiêu diệt lực lượng cách mạng và triệt phá căn cứ. Chiến khu Đ ngày càng mở rộng trở thành hậu phương trực tiếp vững mạnh cho các lực lượng vũ trang cách mạng ở miền Đông. Không những thế, Chiến khu Đ còn làm bàn đạp xuất phát cho nhiều cuộc tiến công, nhiều chiến dịch lớn tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ nguỵ, góp phần vào thắng lợi quan trọng của miền Nam trong giai đoạn đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải chuyển giai đoạn sa lầy sâu vào một cuộc chiến tranh không lối thoát.
Comments