Cuộc tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 đã làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Ý chí của bọn xâm lược bị lung lay, chúng phải “xuống thang chiến tranh”, tới Hội nghị Paris bàn việc chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, với bản chất hiếu chiến, Mỹ chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” thay màu da cho xác chết, hi vọng tìm kiếm một giải pháp có lợi cho chúng. Từ “tìm diệt”, địch chuyển sang “quét-giữ”, đi đôi với thực hiện chương trình bình định một cách ráo riết hơn. Đầu năm 1969, Mỹ điều sư đoàn kỵ binh không vận số 1 và lữ đoàn 1 sư đoàn dù 101 từ Trị Thiên vào miền Đông Nam Bộ, kết hợp với lực lượng tại chỗ lập phòng tuyến từ xa để bảo vệ Sài Gòn. Mỹ cho rằng Chiến khu Đ sẽ uy hiếp nơi quân Mỹ tập trung “xuống thang” để rút quân về nước, nên chúng lập tức thực hiện kế hoạch bao vây chia cắt vùng căn cứ quan trọng này. Quân Mỹ lập nhiều cụm chốt trên các đường 13, 14, 16, 20, trong đó có nhiều chốt cấp tiểu đoàn. Trong năm “con gà”, Mỹ có ý định bới tung các căn cứ, đánh trốc lực lượng ta ra xa, càng xa càng tốt, nhằm trấn an chính quyền Thiệu, để chúng có thể rút chân ra khỏi “vũng lầy” miền Nam một cách “danh dự”. Từ căn cứ Lai Khê, Phước Vĩnh, quân Mỹ phối hợp với quân nguỵ từ chi khu Phú Giáo, Tân Uyên, có máy bay, xe tăng, pháo binh hỗ trợ đắc lực, liên tục đánh phá dọc theo các đường 13, 14, 16; càn quét vào các vùng căn cứ Rầy Gạch, Bàu Gốc, Suối Ổi, Bến Tràng, Rang Rang, Bà Hào, Bà Đã, Vĩnh An… khống chế các đường liên lạc, vận chuyển của ta dọc sông Bé và sông Đồng Nai. Đi liền với càn quét đánh phá địch, địch dùng máy bay phun chất độc hóa học và bom xăng huỷ diệt nhiều cánh rừng chiến khu; thả máy ghi tiếng động và các toán biệt kích luồn sâu vào cùng căn cứ để phát hiện nơi đóng quân, các hành lang vận chuyển, các kho tàng hậu cần của ta. Trên các vùng ven phụ cận chiến khu, quân nguỵ liên tiếp mở các cuộc hành quân càn bố gom dân, củng cố các ấp chiến lược, đồng thời tung bọn tình báo, “Phượng Hoàng”, ”Thiên Nga” (bọn nửa gián điệp, mật vụ) trà trộn vào dân chúng để theo dõi cơ sở cách mạng. Ngoài ra là các chiến dịch “B52 trải thảm”, “biệt kích tràn ngập lãnh thổ” nhằm tiêu diệt, phong toả lực lượng ta trong và ngoài căn cứ. Ở các vùng địch kiểm soát tiếp giáp với vùng căn cứ, địch dựng thêm hàng trăm đồn bót, củng cố bộ máy hạ tầng cơ sở, cưỡng ép thanh niên vào lực lượng phòng vệ dân sự để bảo vệ ấp chiến lược; đi đôi với vơ vét thóc gạo, ngăn chặn, cắt đứt đường dây tiếp tế, cô lập lực lượng ta. Với những thủ đoạn tàn bạo, địch dần dần chiếm lại được một số vùng giải phóng và vùng tranh chấp ở Phú Giáo, Tân Uyên. Lực lượng của ta ở Chiến khu Đ sau những đợt chiến đấu, hoạt động liên tục, bị nhiều tổn thất chưa kịp củng cố bổ sung… đang đứng trước những thử thách nghiêm trọng do địch đánh phá, phong toả liên miên. Đây là thời kỳ các lực lượng bám trụ Chiến khu Đ phải chịu đựng nhiều khó khăn, ác liệt, hi sinh trong thế địch phản kích mạnh mẽ, quyết liệt. |
Chiến khu Đ >