Chiến khu Đ‎ > ‎

07. Xin cho biết về con người và yếu tố đặc trưng văn hóa-xã hội ở Chiến khu Đ?

Qua các hiện vật khảo cổ khai quật được tại các di chỉ Vương Dũ, dốc Chùa, gò Đá, suối Linh, Hiếu Liêm, lòng hồ Trị An… các nhà khảo cổ đã xác định: Cách đây khoảng 2.500 đến 3.000 năm (thời đại đồng thau phát triển) trên địa bàn Chiến khu Đ đã có con người cư trú. Cùng với nghề trồng lúa nước của một nền nông nghiệp phát triển, cư dân ở đây đã biết những nghề thủ công như khai thác đá, đồ gốm, dệt vải, đúc đồng…

Cư dân bản địa sống trên vùng Chiến khu Đ là các dân tộc ít người, trong đó có dân tộc Stiêng và Chơro thuộc ngữ hệ Môn Khơme chiếm đa số. Những dân tộc ít người hơn có: Mơnông, Mạ, Tàmưng, Khơme.

Từ xã xưa, xã hội chưa phân hóa giai cấp, hình thái kinh tế của đồng bào ở đây phổ biến là du canh du cư, phong tục tập quán còn rất lạc hậu.

Từ khoảng giữa thế kỷ XVII về sau, đồng bào người Kinh từ miền Bắc, miền Trung di cư vào Nam lập nghiệp, đã đến định cư ở vùng chiến khu. Trước thế kỷ XIX, các đợt di cư ấy hầu hết là những nông dân cùng cực mong muốn thoát khỏi tai họa, đói khổ, tang tóc do cuộc chiến tranh Trịnh-Nguyễn gây ra. Từ đầu thế kỷ XX đến cách mạng tháng Tám 1945, thành phần chủ yếu trong các đợt di dân là các thế hệ nông dân bị bần cùng hóa, phải rời bỏ quê hương đi làm cho chủ Tây ở các đồn điền cao su.

Từ sau cách mạng Tháng 8-1945, trên vùng Chiến khu Đ đã khá đông đảo dân cư, chủ yếu vẫn là người Kinh sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau. Tuy nhiên, đời sống của đồng bào trong Chiến khu Đ thấp hơn đồng bào thành thị và đồng bằng rất nhiều; có 95% mù chữ, hàng năm chỉ đủ gạo ăn 6 thán, còn lại phải ăn rau, củ, trái rừng. Những người nông dân tha hương dám chấp nhận cuộc sống khắc nghiệt, trui luyện thành những con người kiên gan, với sức chịu đựng phi phàm. Họ chính là nơi gieo trồng những mầm cây cách mạng cho chiến khu.

Nhìn bao quát ta thấy vùng đất này có một nền văn minh lâu đời, trước khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai đã là nơi cư sống của hàng vạn người-một cộng đồng dân chúng chúng được kết cấu từ 3 thành phần cơ bản: đồng bào dân tộc ít người, nông dân và công nhân cao su.

Ngoài truyền thống chung của dân tộc, nhân dân ở vùng Chiến khu Đ còn có những truyền thống mang tính đặc thù của miền đất pha màu sơn cước: sẵn sàng xả thân cho lẽ phải, niềm tin; đề cao tình thần thượng võ, thích tự do, phóng khoáng, cư xử nghĩ hiệp và giàu lòng tương ái đùm bọc lẫn nhau; ham mê, kiên nhẫn và sáng tạo trong lao động, chịu đựng gian khổ, khắc phục hoàn cảnh để tồn tại và vươn lên không ngừng.
Comments