Đầu tháng 3-1975, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương họp tại Hà Nội khẳng định: Thời cơ chiến lược mới đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm nhiệm vụ giải phóng miền Nam. Trung ương Cục cũng đề ra nhiệm vụ khẩn cấp: tập trung mọi nỗ lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của 3 mũi giáp công, 3 thứ quân, 3 vùng nhanh chóng đánh sụp toàn bộ nguỵ quyền, nguỵ quân, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân… Thực hiện quyết tâm của Trung ương Cục, Sư đoàn 7 của Miền cùng với bộ đội địa phương Bình Long tiếp tục tiến công quận lỵ Chơn Thành, đánh tan rã bọn địch cố thủ ở chi khu, giải phóng toàn huyện Chơn Thành. Tuyến phòng thủ của địch ở phía bắc Sài Gòn hoàn toàn tan vỡ. Tháng 3 đến giữa tháng 4, chiến thắng giải phóng Tây Nguyên, Trị Thiên - Huế, Đà Nẵng và dọc ven biển miền Trung làm nức lòng quân và dân Chiến khu Đ. Bọn nguỵ quyền, nguỵ quân còn lại ở vùng căn cứ và vùng ven vô cùng hoang mang. Để kịp thời chỉ đạo phong trào, Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Quân khu miền Đông chuyển căn cứ về khu vực Vĩnh An sát bờ sông Đồng Nai. Đồng chí Trần Văn Trà thay mặt Bộ Tư lệnh Miền xuống căn cứ Khu uỷ miền Đông triển khai nhiệm vụ mới cho Khu. Trong cuộc họp có hầu hết các đồng chí lãnh đạo của Khu uỷ và Quân khu, đã quyết định mở chiến dịch Xuân Lộc giải phóng thị xã Long Khánh-tuyến phòng thu mạnh sau cùng của địch ngăn chặn quân ta tiến về Sài Gòn từ hướng đông. Lúc này từ phía bắc Sài Gòn trở ra, địch mất gần hết các cứ điểm, các nút chặn quan trọng. Vì thế Xuân Lộc trở thành trận địa tử thủ sống chết của nguỵ quyền Sài Gòn. Vị trí này nằm trên quốc lộ 1, chỉ cách Sài Gòn 80 km, do sư đoàn 18 nguỵ, một trong những sư đoàn sừng sở nhất ở miền Đông đảm nhiệm. Mỹ-nguỵ đặt huy vọng rất nhiều vào “nút chặn” Long Khánh có thể kéo dài được ngày tàn của chúng để tìm kiếm một giải pháp cho chính quyền Sài Gòn tồn tại. Nguyễn Văn Thiệu còn hung hăng tuyên bố: Cộng sản muốn vào Sài Gòn phải xuyên thủng được “cánh cửa thép” Xuân Lộc. Theo chỉ đạo của Khu uỷ, Tỉnh uỷ Thủ Dầu Một, huyện Tân Uyên, Phú Giáo, Vĩnh Cửu nhanh chóng tăng cường các cấp uỷ về cơ sở, củng cố bộ đội địa phương cùng du kích và cơ sở mật tiến hành các mặt công tác chuẩn bị đón lực lượng chủ lực và nổi dậy giành chính quyền làm chủ xã ấp. Các đoàn hậu cần của Miền và Quân khu nhanh chóng vận chuyển lương thực, khí tài từ nam Tây Nguyên về Chiến khu Đ. Từ chiến khu, các đoàn ô tô vận tải, xe thồ, các bến phà hoạt động liên tục, chuyển nhanh những nhu cầu thiết yếu về hậu cần cho các chiến trường phía đông đánh trận then chốt Xuân Lộc và trận quyết chiến chiến lược tiến công thủ phủ nguỵ quyền Sài Gòn. 5 giờ 30 phút 9-4-1975, ta nổ súng công kích căn cứ Xuân Lộc. Quân đoàn 4, Quân khu 7 cùng bộ đội địa phương Long Khánh-Bà Rịa tiến công mãnh liệt vào thị xã Long Khánh. Hỗ trợ cho chiến dịch, trận địa pháo 130 ly của Miền đặt tại Hiếu Liêm (Chiến khu Đ) nã đạn vào db Biên Hoà chế ngự không quân địch ứng viện cho Xuân Lộc. Xuân Lộc trở thành trận chiến ác liệt nhất trước cửa ngõ Sài Gòn. Ta và địch giành nhà từng ngôi nhà, con đường… Bom đạn như mưa bão làm đổ nát phần lớn thị xã. Trước nguy cơ bị đối phương tràn ngập, thiệu đem cả lực lượng tổng trù bị đổ vào Xuân Lộc. Đến mức địch tập trung 50% lực lượng chủ lực, 60% lực lượng pháo binh, gần hết số xe tăng của quân đoàn 3, đồng thời đánh bom dữ dội vào những khu vực ta đã chiếm. Chúng còn dùng cả bom CBU huỷ diệt, gây thương vong lớn cho ta; bằng mọi giá cố giữ cho được Xuân Lộc như chúng đã xác định “mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”, một thắng lợi tâm lý và chính trị ở thời điểm nguy cấp này. Báo chí Sài Gòn và phương tây làm rùm beng lên về “khả năng chiến đấu của quân ngụy đã phục hồi”, rằng “quân nguỵ vẫn còn dư sức mạnh để giữ chế độ”… Trận tiến công phòng tuyến Xuân Lộc gặp khó khăn. Đến lúc này, tại Xuân Lộc, lực lượng ta đã hi sinh tới 1.500 chiến sĩ, cán bộ. Trước tình hình đó, đồng chí Trần Văn Trà Phó Tư lệnh chiến dịch xuống mặt trận Xuân Lộc để chỉ đạo chuyển cách đánh. Đêm 13 rạng ngày 14-4, Sư đoàn 6 của Quân khu 7 đã diệt gọn 1 tiểu đoàn của sư đoàn 18 và chi đoàn thiết giáp nguỵ, giải phóng Dầu Giây (ngã 3 quốc lộ 1 và đường 20); ngày hôm sau đơn vị diệt nốt trung đoàn 52 và phòng ngự đánh diệt quân địch từ Trảng Bom liên tục đến phản kích. Không chiếm lại được Dầu Giây, mất toàn bộ đường 20, Xuân Lộc bị cô lập hoàn toàn. Ngày 21-4, tàn quân địch bí mật tháo chạy khỏi Xuân Lộc về Biên Hoà. Giải phóng Xuân Lộc và một vùng rộng lớn trên đường 20 và đường số 1, ta đã mở toàn cửa ngõ tiến về Sài Gòn. Mất Xuân Lộc coi như hồi chuông báo tử cho Sài Gòn đã rung lên. Nguyễn Văn Thiệu tối 22-4, lên vô tuyến truyền hình và đài phát thanh đọc bài diễn văn từ chức tổng thống “Việt Nam cộng hoà” rồi khăn gói chuồn ra nước ngoài, trút lại hậu quả to lớn lên đầu Phó tổng thống Trần Văn Hương trong tình thế chế độ Sài Gòn sắp tới giờ cáo chung. |
Chiến khu Đ >