Chiến khu Đ‎ > ‎

75. Xin cho biết về địa danh Bà Rá và những đổi thay hôm nay?

Bà Rá là một vùng đất đã đi vào huyền thoại của người dân Bình Phước. Đây là một đỉnh cao cuối cùng của dãy Trường Sơn hùng vĩ, là cái “rốn sốt rét” trong 2 cuộc kháng chiến chống xâm lược đã cướp đi hàng ngàn sinh mạng cán bộ, chiến sĩ.

Truyền thuyết kể rằng vị tổ của người Stiêng có hai người em gái; ông đắp núi Bà Đen cho cô em gái đầu và đắp núi Bà Rá cho người em gái thứ hai để trấn giữ đất đai của người Stiêng.

Thực dân Pháp đến đây lập trại tù Bà Rá để giam giữ các chiến sĩ cách mạng. Trại tù này có 3 khu: trại A sát chân núi giam giữ tù thường phạm, trại B giam giữ nữ tù nhân thường phạm hoặc chính trị phạm đặt tại trung tâm trại Bà Rá, trại C lập vào đầu năm 1941 để giam giữ số tù nhân chính trị ở Tà Lài chuyển về; đây còn là nơi giam hàng trăm tù chính trị bị treo án và khổ sai từ các nhà tù khác chuyển về, phần lớn là những người yêu nước tham gia hoạt động cách mạng. Nỗi thống khổ của những tù nhân Bà Rá không sao kể xiết, đau ốm không có thuốc men lại còn bị đánh đập dã man và lao động khổ sai. Nỗi uất hận của tù nhân ở đây đã nhóm lên ngọn lửa đấu tranh. Trại tù Bà Rá đã thành lập được một chi bộ cộng sản để lãnh đạo phong trào và tổ chức nhiều cuộc vượt ngục. Cách mạng Tháng 8-1945 thành công, tù nhân trại Bà Rá đã nổi dậy đập tan xiềng xích, trở về chiến khu, trở vè quê hương góp phần giải phóng đất nước.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bà Rá, Thác Mơ trở thành căn cứ địa cách mạng. Những cái tên Bà Rá, Hang Dơi, Nửa Lon, Bù Gia Mập, Sóc Bom Bo… đã đi vào sử sách và gắn liền với những chiến thắng vang dội Phước Long, Đồng Xoài…

Bà Rá-Thác Mơ trở thành di tích lịch sử-văn hóa của Bình Phước. Trên đỉnh Bà rá có trạm tiếp vận truyền thanh, truyền hình phục vụ đồng bào Chiến khu Đ và toả sóng khắp cả miền Đông Nam Bộ. Dưới chân núi, ngày xưa là trại tù khét tiếng, giờ đây là những khu dân cư trù phú, ruộng rẫy tươi xanh, trường học, trạm xá… phục vụ bà con dân tộc ít người. Cuộc sống mới đang từng ngày vươn lên khoả lấp những quá khứ đau thương và làm đẹp thêm truyền thống hào hùng của Chiến khu Đ.
Comments