Chiến khu Đ‎ > ‎

08. Chiến khu Đ bao hàm ý nghĩa của một vùng đất bất khuất. Vậy những phong trào đấu tranh ở đây đã ra đời như thế nào?

Như ta đã biết chiến khu là một điểm son của xứ sở Bến Nghé-Đồng Nai, tự thân đã có khi phách kiên cường. Vì thế ở đây cũng là nơi hội tự những trào lưu yêu nước.

Tính từ nửa cuối thế kỷ XIX, sau khi quân Pháp đổ bộ lên Đà Nẵng làm cuộc “thập tự chinh” xâm lược Việt Nam, trên vùng đất Chiến khu Đ đã hình thành một phong trào chống xâm lăng sâu rộng và liên tục đến nửa đầu thế kỷ XX.

Ngay sau khi thực dân Pháp đánh chiếm tỉnh Biên Hoà, nhân dân Tây Nguyên cùng lực lượng bán võ trang đã tập kích vào tỉnh lỵ, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Đó là trận đầu đánh Pháp của vùng đất mà về sau gọi là Chiến khu Đ.

Trong gần nửa thế kỷ sau, phong trào tiếp tục phát triển làm nên những sự kiên sôi động như: cuộc nổi dậy của hàng vạn nông dân Tân Uyên và dọc sông Thị Tính (một nhánh sông Sài Gòn) năm 1870, đốt phá nhiều công sở đồn bót và diệt nhiều binh lính địch; nhân dân và lực lượng nghĩa quân đồng loạt nổi dậy giết nhiều lính canh, đốt cháy trụ sở địch, chiếm đồn Kiểm Lâm…

Ở vùng đông bắc, đồng bào dân tộc đấu tranh quyết liệt chống lại bọn tư bản Pháp chiếm đất, đuổi dân, phá rừng lập các đồn điền cao su, bắt dân làm đường… suốt từ năm 1912 đến năm 1935. Mở đầu là cuộc khởi nghĩa của người anh hùng Mơtranlơn lãnh đạo 170 nghĩa quân tiến công tiêu diệt đồn Fus dưới chân núi Namly. Ở vùng đông bắc và tây bắc, cuộc đấu tranh diễn ra liên tục trong 15 năm (1914-1929).

Gần 80 năm cai trị, thực dân Pháp không khuất phục nổi đồng bào các dân tộc ít người và không làm chủ được vùng rừng núi rộng lớn của Chiến khu Đ.

Năm 1929, chi bộ Đảng cộng sản ra đời tại Phú Riềng. Ngày 3-2-1930, đúng ngày khai sinh Đảng cộng sản Việt Nam, 5.000 công nhân Phú Riềng đã tiến hành cuộc đấu tranh qui mô chưa từng có. Cờ đỏ búa liềm xuất hiện, Xích vệ đội ra đời. Đây là phát pháo hiệu mở đầu của phong trào công nhân trên vùng Chiến khu Đ và Nam Kỳ nói chung, dưới sự lãnh đạo của các chiến sĩ cộng sản. Sự kiện “Phú Riềng đỏ” có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ phong trào công nhân cả nước và trở thành truyền thống của công nhân cao su Việt Nam.
Comments