Trần Văn Trà là một vị tướng rất đặc biệt về tài năng quân sự. Ông “khắc tinh” với quân địch ở vùng Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, là nỗi ám ảnh của chúng khi phải đối đầu với ông trên chiến trường. Cuộc đời gian khổ và vinh quang của ông gắn liền với những vùng đất và những trận đánh vang lừng suốt chiều dài lịch sử của mảnh đát “miền Đông gian lao mà anh dũng”. Thượng tướng Trần Văn Trà (tức Nguyễn Chấn) sinh năm 1919 trong một gia đình nông dân lao động ở xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ông tham gia cách mạng năm 1936 khi còn học ở trường kỹ nghệ huế. Tháng 8-1938 ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm đó, ông bị địch bắt tại Sài Gòn và sau 5 tháng giam giữ, được trả tự do, nhưng bị quản thúc vô thời hạn ở quê. Tháng 3-1941, ông trốn lên Đà Lạt rồi về Nha Trang, sau đó trở lại Sài Gòn bắt liên lạc với cách mạng. Tháng 11-1944, ông bị địch bắt lần thứ hai, giam tại Khám Lớn Sài Gòn. Cách mạng Tháng 8-1945 thành công. Ông là uỷ viên Kỳ bộ Việt Nam và lần lượt giữ các chức vụ: Uỷ viên chính trị liên quận Hóc Môn-Bà Điểm; Khu trưởng Khu 8; Xứ uỷ viên-Phó tư lệnh Nam Bộ kiêm Tư lệnh và Chính uỷ Khu Sài Gòn-Chợ Lớn; Khu uỷ viên-Tư lệnh Phân liên khu miền Đông Nam Bộ… Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, với những cương vị khác nhau, ông đã góp phần lãnh đạo quân và dân miền Đông Nam Bộ xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, xây dựng căn cứ kháng chiến mở các chiến dịch để phối hợp với chiến trường toàn quốc, giành nhiều thắng lợi trong các trận đánh lớn… Sau ngày kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp (7-1954), ông tập kết ra Bắc và được bổ nhiệm chức Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, kiêm giám đốc Học viện Chính trị và Toà án Quân sự Trung ương. Năm 1959 ông được đề bạt cấp Trung tướng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam ngày càng mở rộng, năm 1963, ông được Trung ương cử về Nam đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, là Uỷ viên Trung ương Cục và Phó bí thư Quân uỷ Miền. Với tài thao lược quân sự, ông đã góp phần chỉ đạo chỉ huy làm nên những trận thắng vang dội như Đất Cuốc, Đồng Xoài, Phước Long, chiến dịch Bình Giã, Mậu Thân, Nguyễn Huệ… Năm 1973, Hiệp định Paris vê Việt Nam được ký kết, Trung tướng Trần Văn Trà được cử làm trưởng đoàn đại diện Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, kiểm soát thi hành hiệp địn do 4 bên tham chiến. Năm 1974, ông được đề bạt quân hàm thượng tướng. Bước vào mùa Xuân 1975, quân ta thắng lớn trên các mặt trận, dồn quân địch về phía nam trong thế chống đỡ tuyệt vọng. Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn-Gia Định và cả miền Nam. Với cương vị Phó Tư lệnh chiến dịch, ông đã góp phần lãnh đạo cuộc tiến công nổi dậy ở B2, hoàn thành thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc rực rỡ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài 21 năm. Sau ngày giải phóng miền Nam, Thượng tướng Trần Văn Trà được cử làm Chủ tịch Uỷ ban quân quản thành phố Sài Gòn-Gia Định, sau đó giữ chức Tư lệnh kiêm Chính uỷ Quân khu 7. năm 1978, được bổ nhiệm chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, uỷ viên thường vụ Quân uỷ Trung ương. Ông đã từng được bầu vào Uỷ ban Trung ương Đảng và đại biểu Quốc hội. Năm 1982, Thượng tướng nghỉ hưu tại thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù vậy, ông vẫn được tín nhiệm bầu là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam năm 1992 và kiêm Chủ tịch hội cựu chiến binh thành phố Hồ Chí Minh. Trong một lần đi công tác ở nước ngoài, Thượng tướng Trần Văn Trà đột ngột từ trần ngày 20-4-1996, để lại biết bao niềm tiếc thương cho đồng chí và đồng bào. Cũng như nhiều chiến sĩ anh hùng, các nhà lãnh đạo kiệt xuất, các danh nhân… cái tên Trần Văn Trà đã đi vào bất tử. Cuộc đời chiến đấu hào hùng của ông đã để lại cho các thế hệ sau một tấm gương soi: “Ra đi hai bàn tay trắng Trở về, một dải giang san Trăng xưa, hạc cũ, dòng sông lặng Mây nước yên bình, thiên mã thăng” -Trần Văn Trà |
Chiến khu Đ >