05. Người Hoa ở Đồng Nai

Người Hoa ở Đồng Nai gồm nhiều nhóm cư dân từ Trung Hoa đến sinh sống vào những thời điểm khác nhau. Nhóm người Hoa do Trần Thượng Xuyên và Trần An Bình xin tị nạn chính trị, được chúa Nguyễn Phúc Tần cho lập nghiệp ở Cù lao Phố vào năm 1679 là nhóm đến sớm nhất. Còn các đợt sau thì vào nhiều thời điểm khác nhau, họ dần dần hoà nhập với cộng đồng các dân tộc khác khá nhanh. Đến nay, phần lớn số thanh niên người Hoa cư ngụ ở Đồng Nai không còn nói được tiếng mẹ đẻ, ngoại trừ một số người lớn tuổi.

Tổng số người Hoa ở Đồng Nai năm 1996 là 103.540 người, đứng vị trí thứ hai sau cộng đồng người Kinh. Trong đó, các huyện đông người Hoa nhất là huyện Định Quán, huyện Thống Nhất, huyện Xuân Lộc, thị xã Long Khánh.

Trước đây, người Hoa Quảng Đông thường mở quán ăn, tiệm chạp phô. Người Triều Châu buôn bán vặt, chế biến trà, gánh nhuộm rong, bán xe đẩy, trồng rau… thường cư ngụ nơi thị trấn, thị tứ, nơi tiêu thụ nhiều thực phẩm trong đó có rau xanh. Người  Hải Châu và Phúc Kiến buôn đồ sắt, trồng răng… Người Hẹ bán thuốc bắc, làm nghề đục đá ở Bửu Long, mở lò gạch, lò gốm ở Tân Vạn, Hoá An… Trước đây, trên địa bàn phường Bửu Long có nhiều gia đình người Hoa làm nghề đục, chạm khắc đá. Hiện nay, do nhiều điều kiện tác động, chỉ còn duy trì một số hộ tiếp tục làm nghề, chủ yếu tạc tượng, làm cột đèn trang trí, cối, bia đá…

Nhóm người Hoa từ miền Bắc di cư vào đây sau hiệp định Genève (1954) phần đông chuyên nghề ruộng rẫy vì họ vốn là nông dân. Khi đến Biên Hoà và Long Khánh, họ chuyển qua làm nương rẫy, chuyên trồng đậu tương và thuốc lá, hai loại cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế cao.
Comments