Dân tộc Mạ được gọi bằng nhiều tên khác nhau: Chau Mạ (Chau: người; Mạ: tên tộc người), Chê Mạ, Mạ Ngan (Ngan: chính dòng), Mạ Xôp (xôp: đá phiến; Mạ Xôp: người Mạ ở vùng đá phiến, người Pháp phiên âm Cop), Mạ Tô (Tô: vùng thượng nguồn sông Đồng Nai), Mạ Krung (Krung: vùng đồng bằng), Mạ Xrê (Xrê: ruộng; Mạ Xrê: người Mạ làm ruộng), Mạ Hoang (Hoang: người Pháp xưa kia không kiểm soát được). Một số sách báo trước đây chia các nhóm tộc người Jiroo (gọi đúng là Jro), Nôp, Lạt, Cơ - ho, Chéttô… vào dân tộc Mạ, thực ra các nhóm này thuộc tộc người Jro (Chơro), Cơho. Theo Danh mục thành phần dân tộc Việt Nam do Chính phủ ban hành ngày 2-3-1979, người Mạ được gọi bằng tên chính thức: dân tộc Mạ, thuộc dòng Nam Á, nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer, xưa kia chưa có chữ viết. Tiếng nói của người Mạ và người Cơ ho khá giống nhau. Người Mạ là một trong các cư dân bản địa. Theo một số tư liệu trước đây cho biết, người Mạ từng có Nggar Chau Mạ (vùng lãnh thổ người Mạ). Địa bàn này có ranh giới được ước định về phía nam là sông La Ngà, phía bắc là vùng Đức Trọng (Lâm Đồng), phía đông giáp Bình Thuận, phía tây giáp Bình Phước. Vùng địa bàn người Mạ sinh sống khá tập turng phần lớn trên cao nguyên Di Linh- Bảo Lộc, nửa phía bắc huyện Định Quán và huyện Tân Phú. Năm 1994, ngành khảo cổ khám phá thánh địa Cát Tiên nằm ở hai bờ sông Đồng Nai, thuộc phạm vi hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai. Những dữ liệu này cho thấy sự tồn tại của một địa bàn cư trú của người Mạ. Đó là vùng trái độn giữa vương quốc Chămpa với xứ sở người Xtiêng, từng tồn tại khá lâu trên địa bàn miền Đông Nam Bộ. Cũng có nhà nghiên cứu cho rằng tiểu quốc Mạ chỉ là sự liên minh của nhiều bộ lạc, thị tộc. Cuối thế kỷ 17, vùng người Mạ được định ranh này biến mất chưa rõ vì nguyên nhân nào. Trước tháng 8/1945, người Mạ sống tập trung ở địa điểm nay là thị trấn Định Quán, các làng Thanh Tùng, Cao Cang, Gia Canh và Tà Lài. Năm 1947, bị người Pháp dời về Trảng Bom (huyện Thống Nhất nay), nhằm bắt thanh niên Mạ đi lính (lính Thổ) nhưng họ đã phản kháng bỏ về quê cũ. Số lượng người Mạ trên địa bàn tỉnh hiện là 1.848 người (1996), đứng hàng thứ 10 về số lượng, tập trung đông nhất tại ấp Hiếu Nghĩa (thị trấn Định Quán, huyện Định Quán), xã Tà Lài và rải rác ở một số xã khác như Phú Bình, Phú Sơn (huyện Tân Phú). |