KHOÁNG SẢN
Khoáng sản tỉnh Đồng Nai [4, 6,12, 18,
19, 20] tương đối phong phú về chủng loại và đa dạng về loại hình nguồn gốc.
Trong số đó, vật liệu xây dựng có tiềm năng nhất.
I. Than bùn:
Than bùn phân bố ở Phú Bình (nay là xã
Phú Sơn huyện Tân Phú), Hóa An, khu tổng kho Long Bình, Long Hưng, Tam Phước,
Tam An...
Chúng được thành tạo trong các trũng
thấp có nguồn gốc hồ - đầm lầy hoặc đầm lầy - sông tuổi hiện đại, diện tích 0,5
ha đến hàng chục ha. Than bùn nằm ngang, dạng thấu kính, lộ thiên hoặc bị phủ
dày 0,5 - 3 m ở phía trên. Bề dày thay đổi từ 0,5 - 2 m đến 2,5 - 3 m, có nơi
đến 5 m và tăng dần từ rìa trũng vào
trung tâm của trũng.
Than có màu xám đen, xám nâu, lẫn
nhiều sét, lượng hữu cơ thấp, độ xốp kém, độ tro cao, lượng chất bốc và nhiệt
lượng thấp, hàm lượng lưu huỳnh không ổn định. Trong số các điểm, mỏ than bùn,
hai điểm mỏ Phú Bình, Phú Sơn (huyện Tân Phú) và Hóa An (Biên Hòa) có trữ lượng
cấp C2 là 450.000 m3, mỏ Phú Bình và Phú Sơn có chất
lượng và triển vọng hơn, trữ lượng dự báo cấp P2 trên 300.000 tấn.
Trong khu vực, than bùn đã và đang được khai thác làm phân vi sinh.
II. Nhóm kim loại:
Cho đến nay đã phát hiện được 19 mỏ và
điểm quặng vàng, 2 mỏ laterit bauxit và nhiều biểu hiện khoáng hóa chì - kẽm,
vàng - bạc, caxiterit.
II.1. Vàng:
Khoáng hóa vàng khá phổ biến nhưng tập
trung chủ yếu ở phía Bắc của tỉnh, liên quan với nhiều thành tạo địa chất khác
nhau. Có 3 kiểu thành tạo chính [12].
II.1.1. Vàng nguồn gốc nhiệt dịch: liên quan với xâm nhập granodiorit phức hệ Định Quán và phức hệ Đèo Cả. Ở
Hiếu Liêm, vàng nằm trong đới nội và ngoại tiếp xúc với các đá xâm nhập phức hệ
Định Quán. Ở Vĩnh An chúng nằm cách xa khối xâm nhập 7 - 8 km. Vàng xâm tán
trong các mạch thạch anh, thạch anh sulphua, lấp đầy các khe nứt trong
granodiorit (nội tiếp xúc) và trong các đá bột kết, đá phiến sét (ngoại tiếp
xúc). Kích thước mạch thay đổi từ vài cm đến vài chục cm, tạo thành các hệ
mạch, có khi là các mạch lớn dày 1 - 2 m. Hàm lượng vàng không ổn định. Trong
các mạch thạch anh, thạch anh sulfua và trong đới nội tiếp xúc, xuống dưới sâu
vàng có hàm lượng lớn hơn. Cùng với các vành phân tán trọng sa vàng tự sinh,
chúng tạo nên các đới khoáng hóa rộng 1 - 3 km, phát triển dọc theo
đới tiếp xúc với các khối magma. Trữ lượng dự báo cấp P2 với mỏ vàng
Vĩnh An là trên 3.800 kg.
Vàng liên quan với xâm nhập phức hệ
Đèo Cả mới thấy ở Hang Nai, Long Thành. Vàng xâm tán trong các mạch thạch anh,
trong đá trầm tích phun trào hệ tầng Châu Thới. Hàm lượng vàng thấp, các mạch
chứa vàng phân bố hạn chế, kích thước bé.
II.1.2. Vàng nguồn gốc viễn nhiệt: chỉ gặp ở Hóa An, vàng liên quan đến phun trào trung tính hệ tầng Long
Bình. Vàng xâm tán trong đới biến đổi propilit hóa, phân bố trong các trung tâm
họng núi lửa cổ, thuộc đới khoáng hóa có phương Đông Bắc - Tây Nam, rộng 30 -
50 m, dài 300 - 400 m. Hàm lượng vàng thấp, hầu hết < 0,2g/T, ít khi 0,8 -
1,2 g/T. Kiểu khoáng hóa này không có giá trị công nghiệp.
II.1.3. Vàng sa khoáng: có 5 vành phân tán
trọng sa vàng ở Suối Ty, Suối Cao, Suối Linh, núi Trâu, suối Tam Bung. Chúng
đều liên quan với các khối xâm nhập phức hệ Định Quán. Hàm lượng thấp 1 - 25
hạt/10 dm3. Các hạt có kích thước bé (0,05 - 0,35 mm), dạng vảy. Khoáng vật đi kèm
thường có xinaba, caxiterit, inmenit, manhetit,corindon.
Vàng sa khoáng Suối Ty có trữ lượng dự
báo cấp P2 là 217kg, được coi là 1 điểm quặng có triển vọng.
II.2 Bauxit (quặng
nhôm):
Bauxit là quặng nhôm có nguồn gốc
phong hóa phát triển trên bazan hệ tầng Túc Trưng ở khu vực Nam Cát Tiên. Vỏ
phong hóa tạo quặng dày trên 10 m. Quặng lộ thiên hoặc bị phủ dày
0,5 - 2,5 m. Các khoáng vật chủ yếu là
gipxit, bomit, điaspo, gơtit, hydrogơtit. Thành phần hóa học của quặng
nguyên khai ở Daktapo: SiO2 = 12,77%, Fe2O3 =
16,49%, Al2O3 = 50,38%, TiO2 = 1,95%, CaO +
MgO = 0,9%. Trữ lượng dự báo cấp P2 của 2 mỏ Đa Ta Pok và lâm trường La Ngà là
22.025.000m3. Trữ lượng dự báo cấp P2 toàn khu vực Nam
Cát Tiên có thể đạt đến 450 triệu m3 [19].
II.3. Chì - kẽm:
Hiện nay có 2 điểm quặng chì - kẽm ở
Chứa Chan (Xuân Lộc) và Bửu Long (Biên Hòa) [12].
Ở Bửu Long quặng chì - kẽm tồn tại
dưới dạng mạch lấp đầy các khe nứt trong các tập đá của hệ tầng Châu Thới. Hàm
lượng quặng: Pb = 1,83%, Zn = 31,64%. Đây là một điểm quặng ít triển vọng.
Ở Chứa Chan, quặng chì - kẽm xâm tán
trong các mạch granit aplit xuyên cắt các đá xâm nhập phức hệ Cà Ná. Quặng có
hàm lượng nghèo và không có ý nghĩa thực tế.
II.4. Thiếc:
Được phát hiện qua các vành phân tán
trọng sa khoáng vật caxiterit ở vùng Bà Hào (Vĩnh An) và Chứa Chan (Xuân
Lộc)[12]. Vành phân tán caxiterit ở Bà Hào rộng 50 km2, hàm lượng
caxiterit 0,04 - 31 g/m3[12]. Ở khu vực thiếc gốc với hàm lượng Sn
= 0,2- 1% (theo kết quả phân tích quang phổ bán định lượng) đã được thấy trong
granit biotit dạng porphyr thuộc phức hệ Cà Ná (Ankroet), các vành phân tán
caxiterit phát triển trên diện 25 km2, hàm lượng caxiterit từ 4,6 -
84 g/m 3 [7] .
III. Nhóm phi kim
loại:
III.1. Phụ nhóm
nguyên liệu phi kim loại:
Khoáng sản thuộc nhóm phi kim loại khá
phong phú, có tiềm năng, trữ lượng lớn bao gồm: Kaolin, bột màu tự nhiên, đá
vôi, thạch anh mạch và vật liệu xây dựng.
III.1.1. Kaolin: Phân bố ở Tân Phú,
Bà Ba, Tân Phong, Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) Tây Nam ga Hố Nai, Đông Bắc ga Hố
Nai, Tam An, Phước Thọ, (huyện Long Thành), Phước Thiền, Hang Nai (huyện Nhơn
Trạch). Chúng có mặt trong các trầm tích Pleistocen ở khu vực Biên Hòa - Long
Thành, bị phủ dày một vài mét dưới các tầng sét màu vàng, cát bột sét bị phong
hóa laterit. Kaolin lẫn trong cát, độ thu hồi không ổn định, cấp hạt <0,1
mm, 25 - 40%, ít khi 80 - 90%. Lượng SiO2: 60 - 75%, sắt khá cao (Fe2O3:
1,5%), kaolin không đạt tiêu chuẩn nguyên liệu gốm sứ. Kaolin có thể dùng để
sản xuất đồ sành dân dụng. Trữ lượng cấp C2 của 2 mỏ Long Thọ và
Phước An (Nhơn Trạch) là 10,77 triệu tấn [19].
II.1.2. Bột màu tự nhiên: tồn tại dưới dạng
nguyên liệu sét màu đỏ son, đỏ sẫm đến vàng tươi. Bột màu đỏ thường được thấy
trong trong các vỏ phong hóa từ bazan vùng Long Khánh, Xuân Lộc. Bột màu vàng
là các lớp kẹp, thấu kính trong trầm tích sét bột loang lổ hệ tầng Bà Miêu ở Long
Bình Tân. Chúng có trữ lượng không lớn, có thể dùng làm chất trộn màu [12].
II.1.3. Đá vôi: mới phát hiện được hai điểm đá vôi
dạng kết vón vôi và cát kết chứa vôi ở Tân Phú và Suối Cát (Xuân Lộc). Chúng có
nguồn gốc thấm đọng, được hình thành do sự kết tủa carbonat canxi từ sản phẩm
hòa tan của các đá giàu cacbonat tạo thành lớp dày 0,5 - 4 m ở phần địa hình
thấp trũng. Thành phần chủ yếu là canxit dạng vi hạt, CaO: 43,4 - 50%. Trữ
lượng dự báo cấp P2 ở Tân Phú: 0,5 triệu tấn, ở Suối Cát: 0,08
triệu tấn [19].
III.1.4. Thạch anh: Thạch anh được sử
dụng cho luyện kim sản xuất ferosilic trong lò điện. Chúng phân bố rải rác dưới
dạng mạch ở Xuân Tâm, Suối Cao (Xuân Lộc), Phú Ngọc (Định Quán). Các mạch
thường cắm dốc 70 - 900, phương Tây Bắc - Đông Nam, bề dày thay đổi
từ 1 - 2 cm đến 5 - 6 m. Thạch anh thường bị nhiễm oxit sắt. Hàm lượng SiO2
= 92 - 97,6%, Al2O3 + Fe2O3 = 0,6 -
3% [12]. Mỏ Xuân Tâm (Xuân Lộc) có trữ lượng dự báo cấp P2 là 11.000
tấn [19].
III.2. Phụ nhóm vật
liệu xây dựng:
Khoáng sản vật liệu xây dựng là loại
khoáng sản có tiềm năng lớn nhất của tỉnh Đồng Nai. Trong số đó, đá xây dựng,
cát xây dựng, sét gạch ngói, puzơlan, laterit là chủ yếu:
III.2.1. Đá xây dựng: Phân bố ở nhiều
nơi với 37 mỏ lớn nhỏ khác nhau. Đá có nguồn gốc xâm nhập, phun trào và trầm
tích - phun trào.
Đá xây dựng có nguồn gốc xâm nhập liên
quan đến các thành tạo thuộc phức hệ Định Quán, Cà Ná, Đèo Cả. Trừ các đới dập
vỡ, các đá thường có cấu tạo khối, kiến trúc hạt vừa đến lớn, độ nguyên khối
trên 1 m3, độ kháng nén cao, độ mài mòn lớn.
Liên quan với phức hệ Định Quán có các
mỏ đá xây dựng Phú An (Tân Phú), Thanh Tùng (1), Thanh Tùng (2) thuộc huyện
Định Quán, Nam Đông Bắc (Định Quán), Xuân Hòa (1), Xuân Hòa (2) (thuộc huyện
Xuân Lộc). Ở các mỏ granit Thanh Tùng, đá bị nứt nẻ mạnh, độ nguyên
khối không cao, hệ số rỗng 0,52, tỉ trọng 2,31 kg/cm3, dung trọng
2,58 g/cm3, cường độ kháng nén 933 - 1550 kg/cm2, độ
mài mòn tay quay 2,4 - 7,2%. Đá được khai thác làm đá chẻ, đá hộc, đá dăm xây
dựng. Trữ lượng dự báo cấp P2 đối với các mỏ Thanh Tùng là 10 triệu
m3 [12], mỏ Phú An là 44 triệu m3. Trữ lượng cấp C1 của
mỏ Xuân Hòa (2) là 4 triệu m3 [19].
Liên quan với phức hệ Cà Ná có các mỏ
Chứa Chan, Núi Le, Đồi Mai (Xuân Lộc). Ở núi Le, đá có màu sắc đẹp có thể dùng
làm đá ốp lát. Trữ lượng cấp C1 của hai mỏ Núi Le và Đồi Mai là
10,075 triệu m3. Trữ lượng dự báo cấp P2 của mỏ Chứa Chan
là 140 triệu m3 [19].
Đá xây dựng nguồn gốc phun trào thành
phần trung tính liên quan với các thành tạo của
hệ tầng Long Bình, thành phần andesit, andesitobazan và tuf của chúng.
Đá có cấu tạo dòng chảy, dạng mảnh vụn, kiến trúc porphyr, cường độ
kháng nén cao nhưng bị nứt nẻ mạnh, độ nguyên khối thấp. Chúng được khai thác
làm đá hộc, đá dăm để rải đường và dùng trong xây dựng. Trữ lượng cấp C1
với hai mỏ Hóa An và Tân Hạnh (Biên Hòa) là 11 triệu m3. Trữ lượng
cấp B + C của mỏ Bình Hóa (Biên Hòa) là 9.412.670 m3. Trữ lượng dự
báo cấp P2 với mỏ Bình Hòa (Vĩnh Cửu), Long Bình Tân (Biên Hòa) là
11,4 triệu m3 [19].
Đá xây dựng nguồn gốc phun trào thành
phần bazơ liên quan với các thành tạo bazan hệ tầng Xuân Lộc, Sóc Lu, Phước
Tân. Các đá bazan của hệ tầng Túc Trưng và hệ tầng Xuân Lộc có diện phân bố
rộng lớn nhưng thường bị phong hóa mạnh tạo lớp phủ dày 1 vài mét đến vài chục
mét, lộ ra không nhiều trên địa hình. Tuy vậy, các mỏ đá bazan vẫn được thấy và
được khai thác ở nhiều nơi. Thành phần: bazan olivin, andesitobazan cấu tạo đặc
xit xen lỗ rỗng, kiến trúc forphyr, nền gian phiến. Đá rắn chắc, cường độ kháng
nén trung bình đến cao. Chúng được khai thác làm đá dăm, đá hộc trải đường và
dùng trong xây dựng. Liên quan đến bazan hệ tầng Xuân Lộc có các mỏ Xuân Bắc,
Xuân Trường, Xuân Thành (Xuân Lộc) trữ lượng dự báo là 1,5 triệu m3.
Liên quan với hệ tầng Sóc Lu là các đá có cấu tạo khối, rắn chắc, nứt nẻ mạnh,
thể trọng 2,65 g/cm2, tỷ trọng 2,89 g/cm3, hệ số rỗng
0,091, độ hút nước 1,14%, cường độ kháng nén 1090 - 1210 kg/cm2, độ
mài mòn tay quay là 19,8%; trữ lượng cấp B + C của 5 mỏ đạt 71 triệu m3.
Liên quan đến bazan hệ tầng Phước Tân có 10 mỏ, trữ lượng cấp B + C đối với hai mỏ Cây Gáo (3) (Vĩnh Cửu) và Long
An (Long Thành) là 10 triệu m3;
cấp C1 với mỏ Trảng Bom (1) (Thống Nhất), Suối Trầu (1), Suối Trầu
(2) (Long Thành) là 4,2 triệu m3; cấp P2 với các mỏ còn
lại là 7,4 triệu m3 [12, 19].
Đá xây dựng nguồn gốc trầm tích - phun
trào liên quan với các thành tạo của hệ tầng Châu Thới gồm cát kết tuf, sạn kết
tuf, cát kết arkos, cuội kết đa khoáng. Đá có cấu tạo phân lớp, dạng khối, kiến
trúc mảnh vụn trên nền ẩn tinh hoặc thủy tinh, rắn chắc, nứt nẻ mạnh, cường độ
khoáng nén cao, chất lượng tốt. Đá đã được khai thác làm đá hộc, đá dăm, đá
khối tạc tượng, bia mộ. Trữ lượng dự báo
cấp C1 của mỏ Tân Hạnh (Biên
Hòa) là 6 triệu m3; cấp B + C
của mỏ Tân Bản (Biên Hòa) là 5,5 triệu m3 [12,19].
III.2.2 Cuội sỏi: Tập trung trong
các tầng trầm tích Đệ Tứ (chủ yếu trong hệ tầng Trảng Bom), được thấy ở khu vực
Biên Hòa - Long Thành. Chúng nằm dưới lớp phủ 3 - 5 m, bề dày thay đổi 0,5 - 2
m, trung bình 1 m. Cuội thường chiếm 40 - 45% trong tập hợp cuộc sỏi cát bột sét.
Thành phần cuội hầu hết là thạch anh màu trắng đục. Kích thước cuội 0,3 - 1,5
cm, ưu thế 0,3 - 0,7 cm. Cuội sỏi có thể được sử dụng để đúc bê tông, vật liệu
trang trí ốp lát, làm đá rửa granito, lọc nước. Tổng các trữ lượng dự báo cấp P2
của 6 điểm mỏ là 2.387.000 m3, riêng với mỏ Hố Nai 4 (Thống Nhất) và
Bình Sơn (Long Thành) là 1,282 triệu m3.
III.2.3. Cát xây dựng: phân bố trong các
lòng sông suối hiện đại. Dọc theo sông Đồng Nai, cát tập trung thành 21 bãi lớn
nhỏ khác nhau trên chiều dài 30km từ Tân Uyên đến Cát Lái. Tuy nhiên, trữ lượng và chất lượng cát, ý nghĩa sử dụng
của chúng tại các đoạn sông khác nhau cũng khác nhau.
Đoạn Tân Uyên - Bình Hòa, cát có thành phần thạch anh hạt trung - thô là
chủ yếu, dày 5 - 20 m, màu vàng thích hợp
cho việc xây và đúc bê tông. Trữ lượng cấp C1 + C2
của 10 bãi là 5.776.000 m 3
[6,19].
Đoạn dưới cầu Đồng Nai đến Long Hưng
chủ yếu là cát trung - mịn, dày 15 -
25 m, dùng để xây và tô trát, trữ
lượng cấp C1 + C2 của 2 bãi là 3.351.000 m3 [6,19].
Đoạn từ Long Hưng đến cửa sông Sài
Gòn, cát bị nhiễm mặn nhẹ hiện nay
đang được khai thác dùng làm vật liệu san
lấp. Trữ lượng cấp C1 + C2 của 12 bãi là 54.704.000 m3
[6,19], cấp P2 của 2 bãi là 21.300.000 m3 [6,19].
Cát còn phân bố dọc theo sông La Ngà,
các sông suối nhỏ bắt nguồn từ các khu vực phát triển các đá xâm nhập và trầm
tích Jura ở Xuân Tân, Xuân Hải, Xuân Trường (Xuân Lộc), ở Phú An, Phú Bình (Tân
Phú), ở lâm trường Mã Đà, La Ngà. Đây cũng là một nguồn trữ lượng cát xây dựng
đáng kể.
Nếu kể đến nguồn cát có thể được làm
sạch từ các tập trầm tích cát bột thuộc các thành tạo trầm tích bở rời thuộc
hệ tầng Trảng Bom, Thủ Đức, Củ Chi, nguồn cát thường xuyên bổ cập vào hồ Trị An
thì nguồn cát xây dựng của tỉnh Đồng Nai là vô cùng to lớn.
III.2.4. Sét gạch ngói: phân bố khá rộng
rãi liên quan với nhiều thành tạo địa chất khác nhau. Đến nay, đã phát hiện
được 27 mỏ và điểm quặng, trong đó nhiều mỏ đang được khai thác và sử dụng. Sét
được thành tạo có 2 nguồn
gốc: phong hóa và trầm tích. Trữ lượng và chất lượng sét phụ thuộc ít nhiều vào
nguồn gốc thành tạo của chúng.
III.2.4.1. Sét gạch ngói có nguồn gốc phong hóa: thành tạo trên các đá trầm tích hệ tầng Draylinh và hệ
tầng La Ngà. Trên các đá trầm tích hệ tầng Draylinh có 2 mỏ sét Thiện Tân và Hố
Nai. Sét hạt mịn, màu loang lổ, cường độ kháng nén của sản phẩm sau khi nung từ
73 - 201 kg/cm2, trung bình đến cao, độ hút nước lớn. Sét lộ thiên
hoặc bị phủ dày 1 - 6 m. Bề dày tầng sét thay đổi 2 - 10 m, trung bình 4,5 m.
Trữ lượng cấp C2 của mỏ Hố Nai (Thống Nhất) là 18,9 triệu m3,
cấp B + C của mỏ Thiện Tân (Vĩnh Cửu) là 3,19 triệu m3 [12,19].
Trên các đá trầm tích hệ tầng La Ngà
hiện nay đã phát hiện được 7 mỏ: Hà Lầm, lâm trường Đoàn 600 (Tân Phú), Phú Túc
(Định Quán), Gia Kiệm (Thống Nhất) và Thọ Vực, Sông Ngạn (Xuân Lộc), tổng kho
Long Bình (Biên Hòa). Địa hình tạo vỏ phong hóa chứa sét là các đồi thoải. Sét
có chiều dày không ổn định, chất lượng trung bình, hàm lượng Al2O3
khá cao (25 - 35%), do đó nhiệt độ nung cao. Trữ lượng dự báo cấp P2 của 7 mỏ là 6,275 triệu m3.
III.2.4.2. Sét nguồn gốc trầm tích: Liên quan
tới các trầm tích thuộc hệ tầng Bà Miêu, hệ tầng Củ Chi và trầm tích sông tuổi
Holocen.
Liên quan với các trầm tích của hệ
tầng Bà Miêu, đã phát hiện được 5 mỏ sét ở Hóa An, Long Bình Tân (Biên Hòa),
Núi Đất, Phước Tân, An Lợi (Long Thành). Sét có màu loang lổ đến vàng nâu, phân
lớp ngang. Sét có chất lượng khá tốt. Các chỉ tiêu đều đạt tiêu chuẩn sản xuất
gạch ngói. Các thân sét có quy mô khá lớn, chiều dày 5 - 10 m nhưng thường bị
phủ dày. Trữ lượng cấp C1 + C2 của 4 mỏ là 26,57 triệu m3,
cấp P2 của mỏ Long Bình Tân là 1 triệu m3 [12,19].
Liên quan với các trầm tích của hệ tầng Củ Chi, đã phát
hiện được 3 mỏ. Các mỏ này có diện phân bố hạn chế, chiều dày lớp phủ lớn (1,5
- 6,5 m). Sét có màu xám, vàng nhạt loang lổ, dày thay đổi 1,9 - 16 m trung
bình 6 m.. Trữ lượng tính riêng đối với mỏ Long An (Long Thành) cấp
P2 là 16,5 triệu m3 [12,19].
Trong các trầm tích sông suối tuổi
Holocen đã phát hiện được 4 mỏ: Tà Lài, Phú Sơn (Tân Phú), Suối Cát (Xuân Lộc),
Suối Sâu (Vĩnh Cửu). Sét thường lộ trên mặt hoặc bị phủ mỏng, điều kiện khai
thác dễ dàng, dày 1 - 4 m. Sản phẩm sau
khi nung có màu sắc đẹp, chất lượng tốt, cường độ kháng nén cao. Trữ lượng cấp
P2 của 3 mỏ Tà Lài, Phú Bình và Suối Sâu là 5,750 triệu m3,
cấp B + C của mỏ Suối Cát là 4,5 triệu m3 [12,19].
III.2.5. Nguyên liệu keramzit: Keramzit là
sản phẩm nhân tạo dạng dăm, sỏi, cát hoặc khối xốp nhẹ rắn chắc được sản xuất
bằng phương pháp nung nhanh từ loại sét dễ chảy. Đặc điểm: nhẹ, chịu lực cao,
cách âm, cách nhiệt tốt, thuộc loại vật liệu xây dựng cao cấp.
Đá phiến sét vôi trong hệ tầng
Draylinh chính là nguồn nguyên liệu keramzit. Đá dùng làm nguyên liệu keramzit
có màu xám đen, rắn chắc, dễ sủi bọt với axit clohydric 10%, nứt nẻ mạnh, phân
lớp dày, hệ số nở phồng 1,5 - 3. Các đặc điểm hóa học, khoáng vật đạt tiêu
chuẩn vật liệu kezamzit. Hiện nay, đã phát hiện được 2 mỏ nguyên liệu keramzit
Đại An và Trị An. Trữ lượng dự báo cấp P2 cho hai mỏ là 8 triệu m3
[12,19].
III.2.6. Vật liệu san lấp: Nguồn vật liệu san
lấp rất phong phú và có tiềm năng lớn. Thành tạo trầm tích bở rời gồm cát pha
bột sét của hệ tầng Trảng Bom và Thủ Đức có diện phân bố rộng hàng
trăm km2, bề dày 10 - 30 m, là nguồn vật liệu san lấp tiềm tàng. Chỉ
tính riêng mỏ Ông Tước xã Phước An (Long Thành) trữ lượng cấp P2 đã
đạt tới 12 triệu m3 [12,19].
Cát mịn nhiễm mặn nhẹ lòng sông Đồng
Nai (đoạn sông Tắc - Cát Lái), tính ở 4 bãi lớn, trữ lượng dự báo
cấp P2 trên 54 triệu m3.
Dưới tác động của dòng chảy, trên đoạn sông này, cát thường xuyên được bổ sung
trữ lượng.
Ngoài ra, được tính vào vật liệu san
lấp là các phần đất thải và đất phủ trên các mỏ đá, mỏ sét và các mỏ laterit
không đạt tiêu chuẩn làm phụ gia ximăng. Riêng về khía cạnh này trữ lượng vật
liệu san lấp cũng rất lớn.
IV. Nguyên liệu phụ
gia, bột màu, luyện kim:
IV.1. Nguyên liệu
phụ gia ximăng: gồm có
puzơlan và laterit:
Puzơlan liên quan với phun trào bazan
phân bố rộng rãi trên địa bàn của tỉnh. Đến nay đã phát hiện được 23 mỏ, trong
đó có 4 mỏ lớn, 9 mỏ vừa và 10 mỏ nhỏ, tập trung ở các huyện Định Quán, Long
Khánh, Tân Phú, Cây Gáo (Thống Nhất), Vĩnh Tân (Vĩnh Cửu).
Bazan được sử dụng làm phụ gia ximăng
(puzơlan) là bazan olivin cấu tạo bọt hoặc lỗ rỗng có độ hút vôi cao. Các oxit
hoạt tính SiO2 = 8 - 10%, Al2O3 = 8 - 11%. Độ
hút vôi thay đổi từ 50 - 103 mg CaO/g, phổ biến 70 - 80 mg CaO/g. Chúng thường
liên quan với các miệng núi lửa dương và thành tạo bazan hệ tầng Phước Tân,
điều kiện khai thác dễ dàng. Bề dày thay đổi từ 1 vài mét đến 50 m. Trữ lượng
dự báo cấp P2 của 19 mỏ là
411.299.894 tấn; cấp A + B + C1 của các mỏ Bến Tắm (Vĩnh Cửu) là
55.123.106 m3 [12,19].
Laterit khá phổ biến. Chúng phát triển
trên các đá trầm tích hệ tầng Draylinh, hệ tầng La Ngà và trên các đá phun trào
bazan hệ tầng Xuân Lộc, các trầm tích Đệ tứ tuổi Pleistocen. Cho đến nay, đã
phát hiện được 4 mỏ vừa, 5 mỏ nhỏ, và 3 điểm quặng laterit.
Laterit được thành tạo do phong hóa
các đá trầm tích thường phân bố ở độ cao 50 - 90 m đến 100 - 120 m trên địa hình đồi lượn sóng
thoải. Chúng thường bị phủ bởi cát bột sét dày 0 - 3 m. Đặc điểm: laterit màu
vàng kết cấu khối rắn chắc, cấu tạo khung tổ ong với các lỗ hổng đôi khi lấp
đầy bởi bột sét. Thành phần chủ yếu là hydroxit sắt Fe2O3
= 35 - 54,5%, tỷ lệ Fe2O3 /Al2O3
> 3 đạt yêu cầu phụ gia xi măng. Bề dày thay đổi 1 - 5 m, trung
bình 2,5 m. Trữ lượng dự báo cấp P2 đối với các mỏ Bà Hào, Mã Đà, Trị An, Giang Tới (Vĩnh
Cửu) là 38,7 triệu tấn, cấp B + C của mỏ Tân An (Vĩnh Cửu) là 3.234.000 tấn
[12,19].
Laterit được thành tạo do phong
hóa từ các trầm tích thuộc hệ tầng Trảng
Bom, Thủ Đức, Củ Chi, phân bố rải rác ở
Biên Hòa, Long Thành trên địa hình đồi bằng, sườn thoải, cao10 - 60 m. Chúng
kéo dài và uốn lượn theo địa hình. Đặc điểm: laterit màu vàng nâu, nâu đỏ dạng
kết vón rời rạc đến kết khối rắn chắc bị phủ dày 0 - 2,5 m, bề dày thay đổi 2 -
4 m. Chất lượng nhìn chung đạt yêu cầu công nghiệp. Trữ lượng dự báo cấp P2
của các mỏ tổng kho Long Bình (Biên Hòa), Bà Miêu, An Lợi và Lộc An (Long
Thành) là 3.406.000
tấn [12,19].
Laterit ngoài công dụng làm phụ gia xi
măng còn được làm gạch không nung (đá ong), làm đất trải đường và san nền.
V. Đá quý và bán
quí:
Đá quý và bán quý phân bố khá rộng
rãi, liên quan với nhiều thành tạo địa chất khác nhau. Đến nay đã phát hiện
được 23 điểm đá quý. Chúng tập trung thành một dải từ núi Tràn qua Võ Dõng đến
Xuân Tân - nơi tập trung các họng núi lửa và dọc sông La Ngà. Zircon, saphir đã
được tìm thấy ở cầu La Ngà, Võ Dõng, đồi 396, suối Hộp, suối Kaya, khu Sáu Lé.
Pyrop được tìm thấy ở Gia Kiệm, đồi 396 và đồi Thiếu Tá [12, 19].
Tuy nhiên, các điểm đá quí được biết
hiện nay đều có qui mô nhỏ, hàm lượng nghèo và chất lượng thấp, kích thước hạt
nhỏ (từ 2 mm - 1 cm) chứa nhiều tạp chất và có độ nứt nẻ cao .
Các đá bán quí cũng ít gặp, qui mô
nhỏ. Opan được tìm thấy ở Chứa Chan. Tectit được thấy ở Thiện Tân và Trảng Bom.
VI. Nước khoáng -
nóng, nước ngầm:
VI.1. Nước khoáng -
nóng:
Cho đến nay, đã có 5 điểm nước khoáng
- nóng được phát hiện. Chúng thuộc loại nước khoáng - nóng bicabonat (điểm Phú
Lộc, Kaya), magiê bicabonat (điểm Suối Nho) hoặc nước tinh khiết (điểm Tam
Phước, Nhơn Trạch). Điểm nước khoáng - nóng Suối Nho có nhiệt độ 600 C,
hàm lượng tổng khoáng hóa 0,8 - 4,2 g/l, trữ lượng 10.000 m3/ngày.
Các điểm còn lại chưa được điều tra đánh giá [19].
Ngoài các điểm nước khoáng - nóng trên
còn có các điểm nước khoáng sắt, nước clorua natri ở Nam Thành Tuy Hạ, biểu
hiện nước khoáng silic ở Phương Lâm
VI.2. Nước ngầm:
Liên quan với các thành tạo địa chất
có 5 tầng chứa nước ngầm [18].
VI.2.1. Tầng chứa nước Holocen: phân bố ở
phía Tây và Tây Nam của tỉnh, dọc theo thung lũng Đồng Nai, La Ngà, tổng diện
tích 440 km2. Chiều dày tầng chứa nước thay đổi từ 1 - 2 m đến 10 -
20 m. Lưu lượng trung bình nhỏ hơn 1 m3/giờ.Chúng có quan hệ trực
tiếp với tầng nước mặt và nước mưa, nên dễ bị nhiễm mặn và nhiễm bẩn. Ở Nhơn
Trạch, chúng bị nhiễm mặn gần hoàn toàn là nước clorua natri với tổng độ khoáng hóa 1 - 2 g/l. Dọc
quốc lộ 51 và Biên Hòa nước thuộc loại siêu nhạt với nồng độ khoáng hóa 0,07 -
0,1 g/l [19].
Tầng nước này có trữ lượng hạn chế,
chỉ phù hợp cho việc sử dụng nước của các hộ gia đình.
VI.2.2. Tầng chứa nước Pleistocen: phân bố trong các trầm tích hệ tầng Trảng Bom, Thủ Đức và Củ Chi thuộc dải
Biên Hòa - Long Thành, diện tích trên 800 km2, chiều dày tầng chứa 5
-10 m đến 20 - 45 m. Khả năng chứa nước tương đối phong phú, có thể khai thác
từ trung bình đến lớn. Trữ lượng trung bình đạt 471.250 m3/ngày.
Tổng trữ lượng 710.000 m3/ngày. Lưu lượng nước xuất lộ ở Long Thành
20 l/s. Ở vùng Nhơn Trạch, do chịu ảnh hưởng của biển, chúng đã bị nhiễm mặn,
thuộc loại clorua natri, pH: 5-7.
VI.2.3. Tầng chứa nước Pliocen: phân bố
trong các trầm tích hệ tầng Bà Miêu chủ yếu ở Vĩnh Cửu, Long Bình, Long Thành,
Nhơn Trạch, diện tích ³ 780 km2. Bề dày tầng chứa
nước thay đổi từ 10 - 15 m - 35 - 50 m. Đây là tầng chứa nước phong phú, có
triển vọng khai thác rộng lớn. Trữ lượng đạt 788.800 m3/ngày, tổng
trữ lượng là 1.090.000 m3/ngày. Nước chất lượng tốt, tổng lượng
khoáng hóa 0,07 - 0,6 g/l, thuộc loại nước nhạt có bicacbonat natri, hàm lượng
sắt 1 - 10 g/l. Riêng ở phía Nam Nhơn Trạch tầng này bị nhiễm mặn, tổng độ
khoáng hóa 1 - 13 g/l [18,19].
VI.2.4. Tầng chứa nước trong các thành tạo phun trào bazan: phân bố trong các đá bazan ở Tân Phú - Định Quán, Long
Khánh, Xuân Lộc, Đông Bắc huyện Thống Nhất, diện tích phân bố 1960 km2.
Tầng chứa thường gặp ở độ sâu từ 30 - 40 m với độ dày tầng 50 - 60 m và ở độ
sâu 90 - 100 m với bề dày tầng chứa nước 30 - 40 m. Lưu lượng thay đổi từ 0,5 -
15 m3/h đến 78 m3/h, trung bình 10 - 35 m3/h.
Trữ lượng tĩnh 588.000 m3/ngày. Tổng trữ lượng 1.265.000 m3/ngày.
Tổng độ khoáng hóa 0,1 - 0,6 g/l thuộc dạng bicacbonat canxi siêu nhạt đến
nhạt, pH = 5,5 - 6,5 [18,19].
VI.2.5. Phức hệ chứa nước trong các đá Mezozoi: phân bố trong các đá trầm tích, trầm tích - phun trào có tuổi Mezozoi ở
khu vực Bắc, Đông Bắc của tỉnh. Nước tồn tại trong các khe nứt, lưu lượng 1 -
3l/s. Trữ lượng tĩnh 93.000 m3/ngày. Tổng trữ lượng 254.000 m3/ngày.
Tầng chứa nước này không có triển vọng khai thác công nghiệp [18,19].
Địa phận tỉnh Đồng Nai đã trải qua các
thời kỳ sụt lún và hoạt hóa magma kiến tạo Paleozoi - Mezozoi sớm, sụt lún
trong Jura sớm - giữa; xâm nhập tạo núi uốn nếp trong Jura muộn - Kreta; nâng
hạ, bóc mòn và tích tụ, phun trào trong Neogen - Đệ tứ. Các quá trình này đã
tạo nên nhiều thể địa chất có thành phần, cấu trúc và ý nghĩa khác nhau.
Các đá phun trào thành phần bazơ thuộc
hệ tầng Túc Trưng, Xuân Lộc và Phước Tân
là phổ biến nhất. Chúng là nguồn cung cấp vô cùng to lớn về đá xây dựng,
nguyên liệu phụ gia xi măng và nguyên liệu sản xuất sợi thủy tinh tổng hợp
trong tương lai. Đây cũng là thành tạo có khả năng chứa nước ngầm phong phú,
nhiều nơi có chứa đá quí. Sản phẩm phong hóa từ đá bazan còn tạo ra các mỏ
laterit bauxit, các mỏ laterit sắt dùng làm vật liệu trải đường và các vùng đất
đỏ màu mỡ.
Các đá trầm tích của hệ tầng Draylinh
và La Ngà là các thành tạo nguồn gốc biển lộ nhiều ở phía Bắc và Đông Bắc của
tỉnh. Trong chúng có đá phiến sét vôi có thể dùng để sản xuất keramzit. Đây
cũng là môi trường thuận lợi để tạo ra các khu vực khoáng hóa vàng ở Hiếu Liêm,
Vĩnh An, Suối Nho v.v... Sản phẩm phong hóa của chúng là sét gạch ngói, laterit
làm phụ gia xi măng và vật liệu san lấp.
Các đá xâm nhập có diện phân bố không
lớn nhưng lại là đối tượng cho nhiều mỏ đá xây dựng.
Các trầm tích Pliocen - Đệ tứ với
thành phần đa dạng và chiều dày đáng kể là nguồn cung cấp sét gạch ngói, cát
xây dựng chủ yếu của tỉnh hiện nay. Ngoài ra, chúng còn có thể cung cấp cuội
sỏi, kaolin, vật liệu san lấp. Đây cũng chính là các tầng chứa nước chính ở khu
vực Biên Hòa - Long Thành - khu vực rất thuận lợi cho việc qui hoạch phát triển
mở rộng các khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ.