Phường Bửu Hòa được thành lập năm 1976, có diện tích khoảng 418,25 héc ta. Dân số có 19.372 người, gồm 05 dân tộc công cư: Kinh, Hoa, Khơme, Mường, Tày. Vị trí địa lý của phường Bửu Hoà được xác định: phía Đông giáp sông Đồng Nai ( đối diện bên kia sông là sông là thành phố Biên Hòa và xã Hiệp Hòa), phía Tây giáp xã Bình An (huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương), phía Nam giáp phường Tân Vạn, phía Bắc giáp xã Hóa An. Toàn phường có 5 khu phố. Địa bàn phường Bửu Hòa trước kia thuộc làng Mỹ Khánh và Tân Bản thuộc tổng Chánh Mỹ Thượng tỉnh Biên Hòa. Đến năm 1939, hai làng Mỹ Khánh và Tân Bản hợp nhất thành làng Bửu Hòa. Làng Mỹ Khánh là quê hương của bà Nguyễn Thị Tồn – phu nhân của Bùi Hữu Nghĩa. Bà nổi tiêng với hành động đánh trống kêu oan cho chồng tại kinh thành Huế, được Thái hậu Từ Dũ phong tặng danh hiệu "Liệt phụ khả gia". Trên địa bàn phường có chùa Long Thiền, đình Mỹ Khánh – còn gọi là đền thờ Nguyễn Tri Phương là hai di tích lịch sử được nhà nước xếp hạng di tích cấp quốc gia. Địa bàn Bửu Hòa có nhiều lần thay đổi hành chánh. Về phía chính quyền Sài Gòn, Bửu Hoà từng thuộc quận Đức Tu (từ năm 1963). Về phía chính quyền cách mạng, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, từ năm (1948 đến 1951) địa bàn Bửu Hòa thuộc huyện Tân Uyên tỉnh Biên Hòa. Năm 1951-1954, Bửu Hòa nhập với Hóa An thành xã Hóa An. Cuối năm 1951, Bửu Hòa cắt về thị xã Biên Hòa. Năm 1954, Bửu Hòa thuộc quận Châu Thành. Năm 1955, địa bàn Bửu Hòa thuộc huyện Vĩnh Cửu. Từ năm 1960 đến 1967, Bửu Hòa thuộc huyện Lái Thiêu (Thủ Dầu Một). Từ năm 1968 đến 1975 thuộc tỉnh Biên Hòa (U1) và thị xã Biên Hòa. Bửu Hòa có phong trào đấu tranh cách mạng kiên cường, là một cơ sở quan trọng cung ứng hậu cần và thông tin cho thị xã Biên Hoà trong các thời kỳ kháng chiến. Trên địa bàn phường Bửu Hoà có một số cơ sở tín ngưỡng tôn giáo tiêu biểu: Đình Mỹ Khánh, Bình Long, đình Tân Phú, đình Tân Bản, miếu Bà, miếu Năm Ông, chùa Bửu Linh, chùa Long Thiền, chùa Long Tân, chùa Tân Sơn, chùa Thanh Lương, Quan Âm tu viện, nhà thờ Bửu Hoà. Trong đó, 02 di tích là: Chùa Long Thiền được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1991. Đình Mỹ Khánh còn gọi là đền thờ Nguyễn Tri Phương là di tích lịch sử cấp quốc gia được xếp hạng năm 1992. Hệ thống trường học trên địa bàn phường có: Mần non Bửu Hoà, Tiểu học Trần Văn Ơn, Trung học cơ sở Ngô Gia Tự, Trung tâm nuôi dạy trẻ Khuyết tật. |