Địa điểm thác Bến Cự nay trong địa phận của vườn quốc gia Cát Tiên, là một trong những điểm du lịch trong hệ thống các tuyến. Thác Bến Cự không rộng, mùa khô, nước cạn để lộ những dãy đá liên hoàn nối nhau. Hai bên cây cối xanh tươi. Trong kho tàng chuyện kể của người Mạ, thác Bến Cự gắn liền với chuyện tích giữa chàng K’Du và nàng Ka Mài – giữa một bên là con người trần và một bên là của thế giới thần tiên hết sức lãng mạn và cảm động. Chàng K’Du là người dân làng Mạ, mồ côi cha mẹ. Tiên nữ Ka Mài thầm yêu nên trốn thượng giới xuống yêu con trai loài người. Họ dến với nhau, kết nghĩa vợ chồng. Họ đã có những thời gian sống với nhau hạnh phúc nhưng không trọn vẹn. Vì phạm vào luật trời nên nàng tiên nữ Ka Mài bị bắt về trời. Chàng trai con loài người là K’Du nhớ thương vợ đến chết. Trên thượng giới, tiên nữ Ka Mài thấy cảnh xót thương và xin chết để hoá kiếp làm loài hoa để vợ chồng được bên nhau. Qua bao thử thách và sự hy sinh, cuối cùng tình yêu đã giúp họ đến với nhau dù rằng khi đó họ không còn trong hình dáng của con người. Chàng K’Du là gốc cây rừng còn nàng Ka Mài hóa kiến thành bụi lan đuôi chồn gắn kết với nhau. Chuyện kể còn cho biết tại thác Bến Cự trước đây có hòn cù lao do nhà trời đặt để ngăn cách tình yêu giữa nàng Ka Mài và chàng K’Du. Thế nhưng, trong những trận đụng độ giữa người Chăm và người Mạ, hòn cù lao này bị phá đi. Thác Bến Cự trở thành địa điểm linh thiêng đối với người Mạ. Khi gặp những lúc thất thế khi tranh chiến, người Mạ chạy về Thác Bến Cự để ẩn nấp an toàn. Các nhóm quân từ nơi khác đến nếu vượt qua đều bị thác dìm chết. Người Mạ tin rằng, vợ chồng K’Du Ka Mai che chở cho dân làng. Thác Bến Cự vẫn còn đó. Cảnh quan trong chuyện kể với thác hiện tại có nhiều khác biệt. Thế nhưng những chi tiết trong chuyện tình của trai làng Mạ với tiên nữ nhà trời đã làm thác thêm sống động hơn với cách nhìn nhận, lý giải về một địa danh gắn liền với cộng đồng nơi vùng sơn cước Cát Tiên. |