Củ chụp là một dang củ được hình thành do rễ dây leo, cho một lượng tinh bột lớn có trong rừng miền Đông Nam Bộ. Các dân tộc bản địa sinh sống trong vùng rừng miền Đông Nam Bộ như X’Tiêng, Chơro, Mạ…thường đào củ chụp để làm lương thực sử dụng trong những thời kỳ mùa màng thất bát. Dây leo cho củ chụp có nhiều ở các vùng đồi, mọc xen kẻ với các loại cây rừng. Trong vùng rừng Chiến khu Đ, vùng Đồi Cả Chạng có nhiều loại dây này. Người dân tộc xem đây là kho lương thực dự trữ để cộng đồng khai thác khi cần đến. Vùng rừng này có nhiều cây Bằng lăng, nên cũng được gọi là Đồi Bằng Lăng. Trong thời kỳ kháng chiến, có nhiều tổ chức, đơn vị đóng trên địa bàn Chiến khu Đ. Những năm Chiến khu Đ bị địch đánh phá mạnh, đường tiếp tế từ ngoài vào căn cứ bị phong tỏa, trong khi sản xuất không thu được kết quả đã dẫn đến tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Việc thiếu hụt lương thực đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống, hoạt động của cán bộ, chiến sĩ. Trước tình hình đó, đồng bào dân tộc Mạ, Chơro đã quyết định “giao” đồi Cả Chạng cho các đơn vị cách mạng và chỉ cách khai thác. Nhiều đơn vị cách mạng đã được đồng bào giúp đỡ, đào được lượng củ chụp lớn, dùng thay cho lương thực trong thời kỳ khó khăn. Củ chụp hình thành từ bộ phận rễ của dây leo ăn sâu dưới lòng đất. Muốn đào được loại củ này phải dùng loại tre hoặc cây dài, một đầu chẻ các tua như hình cái rọ đào theo gốc của dây leo. Dùng sức người để tăng lực cho mỗi lần đầu cái chụp ấn xuống để lấy đất lên. Chính cách thức làm cây đào đất hình cái rọ, cách đào bằng chụp xuống lôi đất lên, rồi củ theo cái chụp lấy lên mà người dân tộc quen gọi là củ chụp. Do có nhiều củ chụp được khai thác mà đồi Cả Chạng theo cách người dân tộc gọi ban đầu, đến tên gọi đồi Bằng Lăng do có nhiều loại cây này đã trở thành tên gọi đồi Củ Chụp. Đồi Củ Chụp hiện nay thuộc vùng rừng núi của Đồng Nai, gắn liền với những hoạt động của các đơn vị, quân giải phóng trong những ngày kháng chiến đầy gian khổ nhưng thắm tình đoàn kết giữa các dân tộc trong căn cứ cách mạng Chiến khu Đ. |