65. Núi lửa ở Đồng Nai

Hoạt động của núi lửa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai xảy ra trong kỷ Neogen- Đệ Tứ, tạo lớp phủ rộng gần 1/3 diện tích của tỉnh. Tuy đã bị chia cắt, phá huỷ ít nhiều nhưng vẫn có thể nhận rõ 3 dạng địa hình độc đáo do chúng tạo ra là cao nguyên núi lửa, đồng bằng núi lửa và nón núi lửa.

Cao nguyên núi lửa phân bố ở Nam Cát Tiên, cao 200 -> 300m, diện tích 230km2. Chúng được tạo thành do phun trào bazan với những lớp dày 28 -> 100m, trung bình 50 -> 60m.

Các đồng bằng núi lửa phân bố rộng rãi ở Túc Trưng, Xuân Lộc, Cẩm Liêm, Tà Lài, Định Quán, Gia Ray. Chúng được tạo thành do phun trào các dung nham thành phần bazơ có độ nhớt thấp phủ rộng trên các bề mặt san bằng có trước.

Các nón núi lửa được tạo thành trong điều kiện dung nham có độ nhớt cao hoặc trong các đợt phun nổ. Các nón núi lửa tập trung thành các cụm ở Cẩm Tiên (43 nón), Gia Kiệm- Xuân Lộc (23 nón), Phú Hoà (6 nón), Định Quán (3 nón). Các nón núi lửa độc lập được thấy ở đông bắc núi Giang Cu (Định Quán), núi Tràn, núi Đất, núi Quy (Túc Trưng), Võ Dõng, Sóc Lu, nam và bắc núi Chứa Chan, núi Be Bác… Núi lửa lớn nhất ở Sóc Lu có dạng nón, đường kính 5,5km, chân núi cao 100m, đỉnh núi cao 418m, sườn có dạng lõm, phần dưới thoải, phần trên dốc.

Comments