14. Phường Bình Đa

Phường Bình Đa được thành lập năm 1988, trên cơ sở tách từ phường Tam Hòa. Vị trí địa lý của phường Bình Đa được xác định: Phía Đông giáp phường Long Bình, phía Tây giáp phường Tam Hiệp, phía Nam giáp phường An Bình, phía Bắc giáp phường Tam Hòa.

Toàn phường có 4 khu phố. Phường có  diện tích là 125,4 héc ta. Dân số có trên 19.000 người với 05 dân tộc cộng cư, gồm: Kinh, Hoa, Tày, Nùng, Mường; trong đó người Kinh chiếm số lượng đông đảo.

Sách Gia định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (1820) cho biết, Bình Đa là tên gọi của một làng thuộc tổng Phước Vinh, huyện Phước Chánh, phủ Phước Long. Sau này là đơn vị cấp thôn thuộc tổng Phước Vĩnh Thượng (năm 1836). Cuối thế kỷ XIX, Bình Đa là ấp của xã Bình An (do Bình Đa và An Hảo hợp thành). Trước năm 1975, về phía chính quyền Sài Gòn, Bình Đa thuộc xã Tam Hiệp của quận Châu Thành – sau là quận Đức Tu (năm 1963). Cùng với làng An Hảo, tên gọi Bình Đa gắn liền với một làng được khai phá sớm trên vùng đất Biên Hòa.

Trên địa bàn Bình Đa trước đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện  những dấu tích cư trú của con người cách đây hàng nghìn năm. Trong số những hiện vật phát hiện tại chi chỉ khảo cổ Bình Đa vào năm 1979, có 42 thanh đoạn đàn đá – một loại nhạc cụ cổ khá độc đáo (Địa điểm phát hiện đàn đá mang tên Bình Đa nay thuộc địa phận phường An Bình).

Trong kháng chiến chống ngoại xâm, Bình Đa là một căn cứ cách mạng quan trọng của quân dân Biên Hòa. Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, Uỷ ban cách mạng tỉnh Biên Hòa xây dựng Trại huấn luyện du kích ở Bình Đa. Năm 1947, địa bàn Bình Đa được giải phóng và xây dựng thành căn cứ du kích kháng chiến của Biên Hòa. Trong kháng chiến chống Mỹ, Bình Đa là nơi đứng chân của Chi bộ xã Tam Hiệp, Ban Công vận thị xã Biên Hòa.

Trên địa bàn phường Bình Đa một số cơ sở tín ngưỡng: Chùa Tịnh Nghiêm, Nhà thờ Giuse, Dòng tu Nữ tỳ Thánh thể, đền thờ Quốc tổ Hùng Vương. Về lĩnh vực giáo dục, phường Bình Đa một số trường học của tỉnh và địa phương như: Mầm non Bình Đa, Tiểu học Bình Đa, Tiểu học Trần Quốc Tuấn 1, Tiểu học Trần Quốc Tuấn 2, Trung học cơ sở Bình Đa, trường Chính trị Đồng Nai, Trường trung cấp Kinh Tế, trường trung cấp Kỹ thuật Công nghiệp.

Comments