Phường Tân Vạn nằm ở hữu ngạn sông Đồng Nai, hướng Nam của thành phố Biên Hòa. Tổng diện tích tự nhiên là 443,6 héc ta. Dân số khoảng 14.086 người với 03 dân tộc cộng cư. Trong đó, dân tộc Kinh chiếm số lượng nhiều nhất, kế đến là người Hoa, Khơ me. Vị trí địa lý phường Tân Vạn được xác định: Phía Bắc giáp phường Bửu Hòa, phía Đông giáp sông Đồng Nai, phía Tây và Nam giáp xã Bình Thắng, huyện Dĩ An tỉnh Bình Dương. Toàn phường Tân Vạn chia ra 4 khu phố. Trong sách Gia đình thành thông chí của Trịnh Hòai Đức năm 1820 cho thấy Tân Vạn là một trong 39 thôn của tổng Chánh Mỹ, huyện Phước Chánh, phủ Phước Long. Tư liệu Địa bạ Nam Kỳ (năm 1836) cho biết, Tân Vạn và Thôn Đắc Phước (bao gồm thôn Tân Phước và Tân Phước Đông) thuộc tổng Chánh Mỹ Thượng, huyện Phước Chánh, tỉnh Biên Hoà. Trên bản đồ Boilloux (năm 1882) thể hiện địa bàn phường Tân Vạn do hai thôn Tân Vạn và Đắc Phước hợp thành. Về phía chính quyền Sài Gòn, trước năm 1975, xã Tân Vạn thuộc quận Châu Thành – sau thuộc quận Đức Tu (năm 1963). Về phía chính quyền cách mạng, trong kháng chiến chống Pháp, địa bàn Tân Vạn thuộc huyện Vĩnh Cửu, sau đó thuộc quận Châu Thành, tỉnh Biên Hòa. Từ năm 1965 đến năm 1975, Tân Vạn thuộc về thị xã Biên Hòa. Trong thời kỳ kháng chiến chống xâm lược, Tân Vạn là bàn đạp quan trọng của lực lượng cách mạng triển khai công tác vào thị xã Biên Hòa. Cánh đồng Do Dưa, khu Gò Đá là những địa điểm liên lạc, đóng quân của lực lượng du kích địa phương trong hai thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ. Sau ngày miền Nam hòan toàn giải phóng đến năm 1984, Tân Vạn là đơn vị cấp xã thuộc thành phố Biên Hòa. Năm 1984, phường Tân Vạn được thành lập theo Quyết định số 12 – HĐBT ngày 17 tháng 01 năm 1984 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) trên cơ sở xã Tân Vạn. Địa bàn Tân Vạn có truyền thống phát triển về nghề làm gốm, lu hũ, gạch, ngói nổi tiếng ở Đồng Nai. Nghề gốm Tân Vạn được hình thành khá sớm do những lớp cư dân buổi đầu, trong đó có cộng đồng người Hoa tạo dựng. Hiện nay, trên địa bàn Tân Vạn có nhiều số cơ sở tín ngưỡng. Có ba ngôi chùa: chùa Sắc Tứ (Hộ quốc quan tự), chùa Vạn Linh (chùa Ông Sảnh), chùa Giác Minh; trong đó chùa Sắc Tứ là một trong những ngôi chùa được khai xây dựng khá sớm. Về tín ngưỡng dân gian có đình Tân Vạn và miếu Đắc Phước, miếu Bà Đồng Nai. Miếu Đắc Phước gắn liền với chuyện tích ông Đá khá kỳ thú. Đặc biệt, ngôi nhà có lối kiến trúc độc đáo của ông Trần Ngọc Du được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 2005. Về lĩnh vực giáo dục, phường Tân Vạn có các trường học: Mầm non Tân Vạn, Tiểu học Kim Đồng, Trung học ncơ sở Nguyễn Văn Trỗi. |