32. Phường Thanh Bình

Phường Thanh Bình được thành lập năm 1976, là phường nội ô trung tâm thành phố Biên Hòa. Tổng diện tích tự nhiên 36,2628 héc ta, dân số gồm 5.360 người. Có 04 thành phần dân tộc sinh sống, gồm: Kinh, Hoa, Khơ me, Mường. Trong đó người Kinh chiếm số lượng nhiều nhất.

Vị trí địa lý phường Thanh Bình được xác định: Phía Đông Nam giáp phường Quyết Thắng (giới hạn bởi đường 30/4 và Nguyễn Văn Trị), phía Tây Bắc giáp phường Hòa Bình và phường Quang Vinh (giới hạn bởi đường Phan Chu Trinh và đường Phan Đình Phùng), phía Tây Nam giáp xã Hóa An (giới hạn bởi sông Đồng Nai), phía Bắc giáp phường Trung Dũng (giới hạn bởi đường Hưng Đạo Vương). Toàn phường chia thành 03 khu phố: Khu phố 1, Khu phố 2, Khu phố 3.

Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (biên soạn năm 1820), cho thấy địa bàn phường Thanh Bình trước đây là một phần của thôn Bàn Lân (sau này đổi thành Tân Lân). Thôn Tân Lân trước tổng Phước Vinh, huyện Phước Chánh, phủ Phước Long. Sau này, Tân Lân thuộc tổng Phước Vinh Thượng của huyện Phước Chánh, tỉnh Biên Hoà. Sau này thôn Tân Lân thuộc địa bàn của làng Bình Trước. Tên gọi Bình Trước gắn liền với địa danh hành chánh cho đến năm 1975. Bình Trước thuộc quận Châu Thành Biên Hoà (đến năm 1963, quận Châu Thành đổi  thành quận Đức Tu).

Trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954), làng Bình Trước thuộc quận Châu Thành, từ năm 1948 thuộc thị xã Biên Hòa. Năm 1976, làng Bình Trước tách ra làm nhiều phường trong đó có phường Thanh Bình. Phường Thanh Bình nằm ở vị trí trung tâm của thành phố Biên Hoà nên có nhiều công sở của chính quyền qua các thời kỳ lịch sử.

Đặc biệt, công sở cấp tỉnh Biên Hoà trước đây, tỉnh Đồng Nai sau này cũng toạ lạc trên địa bàn phường Thanh Bình. Vì vậy, có nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trong cách mạng tháng Tám (năm 1945), xuân Đại thắng 1975 của vùng đất Biên Hoà - Đồng Nai nay xảy ra trên địa bàn phường Thanh Bình. Trên địa bàn phường Thanh Bình có 03 di tích lịch sử gồm Toà bố Biên Hoà (di tích cấp tỉnh, xếp hạng năm 1979), Nhà hội Bình Trước và Quảng trường Sông Phố (di tích cấp quốc gia - xếp hạng năm 1991). Hệ thống trường học có: Mầm non Thanh Bình, Mẫu giáo Thanh Bình, Trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Comments