Cảnh quan Đồng Nai rất phong phú với nhiều kiểu thực bì gồm nhiều loài thực vật nhiệt đới điển hình của cây trồng lẫn cây hoang dại. Rừng Đồng Nai được xếp trong hệ sinh thái rừng ẩm nhiệt đới gió mùa. Đến nay, đất rừng chỉ còn chiếm khoảng 29,2%. Diện tích rừng nguyên sinh còn không nhiều, nằm rải rác ở Vĩnh An, Tân Phú, Định Quán… Lớp thực vật chủ yếu có các loại cây thuộc họ dầu, họ bàng, họ tử vi, họ thung, họ đậu như: bằng lăng, tếch, săng lẻ, trắc, cẩm lai, gõ, căm xe… Dọc theo thung lũng sông có rừng tre, nứa, song mây. Diện tích rừng trồng khá nhiều và phát triển từ rất sớm so với các tỉnh khác, hầu như nơi nào cũng có gồm: rừng công nghiệp cao su, rừng cây nguyên liệu giấy có tràm, bạch đàn; rừng cây nước mặn có đước, mắm… Hệ thực vật Đồng Nai tiêu biểu là rừng Nam Cát Tiên có khoảng 1850 loài với 151 họ của 73 bộ trong 5 ngành thực vật bậc cao. Số loài thực vật đã biết bằng 8,8% tổng số loài cả Việt Nam, 11,8% miền Nam, 17,8% Tây Nguyên, bằng 37% của hệ thực vật rừng Cúc Phương (Ninh Bình) và 68% của đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Hệ thực vật có 13 họ nhiều loài (chiếm 10,1%), mỗi họ có khoảng 76 loài và tổng số loài của 13 họ này là 317 bằng 51,2% số loài ở Nam Cát Tiên. Cụ thể gồm có: họ lan (76 loài), họ đậu (49 loài), họ thầu dầu (38 loài), họ cà phê (34 loài), họ dâu tằm (18 loài), họ ráy (15 loài), họ trôm (14 loài), họ dầu (14 loài), họ lúa (14 loài), họ cỏ roi ngựa (12 loài), họ thiên lý (12 loài), họ cói (10 loài), họ long não (12 loài). Hệ thực vật Đồng Nai có 26 loài thực vật quý hiếm và đang có nguy cơ bị tiêu diệt. Ngoài yếu tố có nguồn gốc tại chỗ (bản địa), tiêu biểu cho hệ thực vật Nam Bộ, hệ thực vật Đồng Nai chủ yếu là nhóm các yếu tố di cư tiêu biểu cho hệ thực vật rừng ẩm nhiệt đới, hiện diện một số họ trong các họ thực vật đặc trưng cho hệ thực vật cổ nhiệt đới. Các nhà nghiên cứu đã thống kê được các nhóm đặc sản: - Nhóm cây lấy gỗ: khoảng 120 loài (19,3% số loài), gồm: dầu rái, gõ đỏ, căm xe, sao đen, chai, chên vên, cẩm lai, bằng lăng… - Nhóm cây cho các lâm sản khác: 40 loài, gồm: tre, lá, song mây… - Nhóm cây làm thuốc: khoảng 240 loài (38,7% số loài), gồm: sa nhân, mã tiền, hà thủ ô, vàng đắng, cốt toái bổ, thiên niên kiện… - Nhóm cây cảnh: 40 loài (6,4% số loài). - Nhóm cây phong lan: 71 loài (11,1% số loài), gồm: quế lan hương, kiều đan thanh, ngọc điểm, hoàng thảo tím… - Nhóm cây cho dầu nhựa: 15 loài (2,4%), đáng chú ý là các loài thuộc họ dầu cho dầu rái và chai cục. - Nhóm cây dầu béo: 29 loài (4,7%), gồm: trôm, chùm bao, cầy… - Nhóm cây chứa tanin: 79 loài (13%). - Nhóm cây cho thực phẩm: 21 loài (3,4%). - Các cây cho quả: dâu da xoan, trám đen, sấu, ươi, sổ, bứa, mít nài, thanh trà, xoài rừng… - Các cây cho thực phẩm khác: củ mài, trái gùi, bột cây buông và các loài rau rừng, măng tre, nấm hương, mộc nhĩ… - Tài nguyên về tảo: rất đa dạng và phong phú, có 438 loài thuộc khu hệ tảo Nam Cát Tiên. |