Sông La Ngà là phụ lưu lớn nhất bên tả ngạn sông Đồng Nai, bắt nguồn từ cao nguyên Di Linh (Bảo Lộc - Lâm Đồng), nơi hợp lưu của ba con suối nhỏ có tên Rơ Nha, Đac Toren và Đac No ở độ cao trung bình hơn 1.000m, nơi cao nhất tới 1.460m. Lưu vực của sông gồm phần lớn diện tích huyện Bảo Lộc (Lâm Đồng), Tánh Linh (Bình Thuận), Tân Phú, Định Quán (Đồng Nai). Chiều dài của sông từ thượng nguồn về đến nơi hợp lưu với sông Đồng Nai khoảng 210km, cách Trị An khoảng 38km về phía thượng lưu, lưu vực rộng 4.100km2. Do địa hình chi phối cao, hướng chảy của sông La Ngà rất phức tạp. Khoảng 100km kể từ nguồn, lưu vực có dạng lá cây, dòng chính chảy theo hướng gần như từ bắc xuống nam, kế tới Tà Pao dài 30km chảy theo hướng tây nam, 25km tiếp chảy theo hướng tây bắc, (đoạn từ ranh giới giữa Đồng Nai và Bình Thuận), về tới suối Gia Huynh dài khoảng 30km sông chảy theo hướng từ bắc xuống nam. Từ đây về tới chỗ nhập lưu với sông Đồng Nai còn khoảng 20km, hướng chảy là tây bắc có đoạn gần như từ nam đến bắc. Đặc biệt, đoạn từ ranh giới giữa hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận về tới Đồng Hiệp, sông chảy uốn khúc quanh co. Sông La Ngà có nhiều chi lưu, tính riêng trên đất Đồng Nai đã có gần 20 suối lớn nhỏ, không kể một số suối cạn về mùa khô. Tính từ thượng lưu, phía bờ phải có 8 suối, các suối này đều có nguồn gốc từ cao nguyên Bình Lộc, An Lộc, nơi có độ cao trung bình 200m, trong đó đáng kể nhất là suối Tam Bung có chiều dài 23km. Các chi lưu của sông La Ngà đều ngắn, độ dốc lớn, thời gian tập trung nước vào mùa lũ nhanh, thường hay xảy ra lũ quét gây nhiều thiệt hại cho sản xuất và đời sống của nhân dân địa phương. Sông La Ngà là một trong những phụ lưu quan trọng của sông Đồng Nai. Đây là con sông dồi dào về nguồn nước, phong phú về cảnh đẹp, lưu vực của nó là vùng kinh tế nông lâm nghiệp phát triển, có nhiều loại cây công nghiệp ngắn ngày như: mía, thuốc lá… và các loại cây lương thực như: bắp, đậu các loại…vv. |