Xã An Hoà trước năm 2010 thuộc huyện Long Thành. Ngày 01 tháng 4 năm 2010, cùng với các xã Tam Phước, Phước Tân, Long Hưng, xã An Hoà được chuyển giao, trở thành đơn vị hành chánh cấp xã trực thuộc thành phố Biên Hoà. Dân số có 18.337 người với 06 dân tộc sinh sống. Trong đó, dân tộc Kinh chiếm số lượng đông đảo (18.118 người), kế đến là Hoa (57 người), Thái (28 người), Tày (17 người), Khơ me (11 người), Mường (06 người). Vị trí địa lý xã An Hoà được xác định: Phía Đông giáp xã Phước Tân, phía Tây giáp phường Long Bình Tân, phía Nam giáp xã Long Hưng, phía Bắc giáp phường Long Bình Tân. Toàn xã An Hoà có diện tích 886,03 héc ta. Toàn xã chia làm 04 ấp. Xã An Hoà trải qua nhiều lần thay đổi địa giới do sáp nhập. Địa bàn xã An Hoà trước đây thuộc làng Bến Gỗ - một vùng được khai phá sớm của vùng đất Biên Hoà – Đồng Nai. Sách Gia định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (đầu thế kỷ XX) có ghi tên thôn An Hoà thuộc tổng Long Vĩnh, huyện Long Thành, phủ Phước Long. Tư liệu Địa bạ Nam Kỳ (1836) có ghi tên An Hoà là một trong 17 thôn, hộ của tổng Long Vĩnh Thượng, huyện Long Thành, tỉnh Biên Hoà. Hộ Thiết Tượng được ghi trong địa bạ này cũng thuộc địa bàn xã An Hoà ngày nay. Năm 1939, An Hoà thuộc quận Long Thành, tỉnh Biên Hoà. Năm 1957, xã An Hoà Hưng được chính quyền Sài Gòn thành lập – bao gồm cả địa bàn xã Long Hưng ngày nay, thuộc tổng Long Vĩnh Thượng, quận Châu Thành, sau đổi thành quận Đức Tu (năm 1963). Năm 1976, chính quyền cách mạng thành lập xã An Hoà, tách xã Long Hưng riêng. Năm 1987, xã An Hoà và xã Long Hưng được sáp nhập thành xã Hoà Hưng. Năm 1994, xã Hoà Hưng tách ra như trước thành hai xã An Hoà và xã Long Hưng. Trên địa bàn xã An Hoà có nhiều cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo: Chùa Bửu An, Thánh thất Cao Đài, nhà thờ Tin Lành Bến Gỗ, đình An Hoà iến Bà Mụ Cọp. Đình An Hoà là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia được xếp hạng năm 1989. Xã An Hoà là địa bàn có còn bảo lưu những sinh hoạt văn hoá truyền thống văn hoá khá rõ nét. Xã có 01 đoàn hát bội dân lập, 04 đội đua thuyền, 02 đội Lân sư rồng, 01 câu lạc bộ Đờn ca tài tử. Các đội đua thuyền của xã An Hoà đạt nhiều giải cao trong các cuộc đua tài của tỉnh và khu vực miền Đông Nam Bộ. Về lĩnh vực giáo dục, xã An Hoà có: Mầm non Hoà Hưng, Tiểu học An Hoà, Tiểu học Kim Đồng, Trung học cơ sở Hoà Hưng và 03 nhà trẻ ngoài công lập. Cơ cấu kinh tế của xã An Hoà phát triển theo hướng thương mại - dịch vụ - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp. Tiểu thủ công nghiệp phát triển mạnh với nghề sản xuất gạch. Xã An Hoà có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường trong kháng chiến chống ngoại xâm. Năm 2000, xã An Hoà được Nhà nước phong tặng Danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. |