36. Xã Hiệp Hòa

Xã Hiệp Hòa là một xã cù lao, được bao bọc bởi sông Đồng Nai, nằm về hướng Đông Bắc của thành phố Biên Hòa. Vị trí địa lý xã Hiệp Hòa được xác định: Phía Đông giáp phường Bình Đa, phường An Bình và phường Tam Hiệp, phía Tây và Tây Nam giáp phường Tân Vạn, phường Bửu Hòa, phía Bắc giáp phường Tân Mai, phường Thống Nhất, phường Quyết Thắng.

Hình thể nhìn từ trên cao, xã Hiệp Hòa là cù lao hình chiếc chuông  năm giữa hai nhánh sông Đồng Nai. Tổng diện tích tự nhiên của xã Hiệp Hòa là 697 héc ta. Dân số có 12.433 người. Trong đó, Kinh có 12.326 người, Hoa có 67 người, Khơ me có 19 người, Nùng có 01 người.

Toàn xã Hiệp Hòa được chia thành 3 ấp; gồm: ấp Nhật Hòa, ấp Nhị Hòa và ấp Tam Hòa. Từ trung tâm thành phố Biên Hòa, muốn đến xã Hiệp Hòa đi theo con đường Cách mạng tháng Tám, qua cầu Rạch Cát. Đi từ phía Tân Vạn hay Bửu Hòa phải qua cầu Ghềnh (Cầu Gành).

Xã Hiệp Hòa trước đây còn có tên gọi là Cù Lao Phố, Nông Nại Đại Phố và là một thương cảng nổi tiếng ở vùng đất Nam Bộ từ thế kỷ XVII, XVIII. Có một số thay đội về hành chánh của vùng đất cù lao Hiệp Hòa này như sau: Năm 1928 trên cơ sở hợp nhất 03 làng Nhất Hòa, Nhị Hòa, Tam Hòa (với 11 thôn cũ) thành xã Hiệp Hòa thuộc quận Châu Thành, tỉnh Biên Hòa. Năm 1948 đến 1964, xã Hiệp Hòa thuộc huyện Vĩnh Cửu. Từ năm 1965 đến 1975, xã Hiệp Hòa thuộc thị xã Biên Hòa. Năm 1976 đến nay, xã Hiệp Hòa trực thuộc thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Xã Hiệp Hòa là địa bàn có nhiều cơ sở tín ngưỡng; trong đó có có 11 ngôi đình, 09 chùa và 02 tịnh xá. Đặc biệt, đây cũng là địa bàn có 04 di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Chùa Đại Giác - một trong ba ngôi chùa cổ được khai phá sớm ở Đồng Nai – gắn liền với những chuyện tích dân gian, được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1990.  Di tích đình Bình Kính - nơi thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh - người có công hành chánh hóa vùng đất Nam Bộ vào lãnh thổ nước Việt năm 1698 được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1991. Chùa Ông (còn gọi là Thất phủ cổ miếu) – nơi thờ Quan Thánh, một trong những ngôi chùa cổ của cộng đồng người Hòa trên đất Nam Bộ được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2001. Đình Bình Quan – di tích kiến trúc, gắn liền với phong trào đấu tranh cách mạng của quân dân Biên Hòa, xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2004.

Hệ thống trường học trên địa bàn xã Hiệp Hoà có: Mầm non Hiệp Hoà, Tiểu học Hiệp Hoà, Trung học cơ sở Hiệp Hoà, Trung học phổ thông Nam Hà.

Xã Hiệp Hoà là cái nôi của phong trào cách mạng tỉnh Biên Hoà trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Với thành tích trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, năm 1994, xã Hiệp Hoà được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Comments