Xã Hoá An nằm ven sông Đồng Nai, là vùng ngoại ô của thành phố Biên Hoà. Diện tích toàn xã Hoá An là 684,94 héc ta, dân số 28.968 người. Toàn xã có 05 thành phần dân tộc sinh sống, gồm: Kinh (28.899 người), Hoa (54 người), Nùng (08 người), Mường (03 người), người Mạ (03 người), người Chơ ro (01 người). Vị trí địa lý của xã Hoá An được xác định: Phía Đông giáp phường Bửu Hoà, phía Tây giáp xã Tân Hạnh (thành phố Biên Hoà) và xã Tân Bình (huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương), phía Nam giáp xã Tân Đông Hiệp (huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương), phía Bắc giáp sông Đồng Nai. Toàn xã Hóa An chia làm 04 ấp; gồm: ấp Đồng Nai, ấp Bình Hóa, ấp An Hòa, ấp Cầu Hang. Trên bản đồ Boilloux năm 1882, địa bàn Hoá An hiện nay được ghi chú là thôn Tân An, Tân Hoá. Có lẽ địa danh Hoá An sau này do hai thôn này hợp thành. Địa chí tỉnh Biên Hoà năm 1901 cho biết, địa bàn Hoá An thuộc tổng Chánh Mỹ Thượng, huyện Phước Chánh, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hoà. Địa bàn xã Hoá An những năm đầu thế kỷ XX chưa được khai phá nhiều, còn rừng rậm, nối liền vùng rừng với miệt Tân Hạnh lên Tân Uyên (trước thuộc Biên Hoà, sau thuộc tỉnh Bình Dương). Năm 1939, Hoá An thuộc quận Châu Thành, tỉnh Biên Hoà. Về phía chính quyền Sài Gòn, trước năm 1975, xã Hoá An thuộc tổng Chánh Mỹ Thượng, quận Dĩ An, tỉnh Biên Hoà. Về phía chính quyền cách mạng, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, xã Hoá An thuộc huyện Vĩnh Cửu Trên địa bàn xã Hoá An có một số cơ sở tín ngưỡng tôn giáo tiêu biểu như: chùa Hiển Lâm sơn tự (còn gọi là chùa Hóc Ông Che), chùa Tân Quang, đình Hoá An, đình Bình Trị. Chùa Hóc Ông Che là một trong những cơ sở tín ngưỡng gắn liền với những câu chuyện thời khai khẩn vùng đất Hoá An đầu thế kỷ XX. Trong đó có câu chuyện về những thầy dạy võ giúp dân làng diệt nạn cọp dữ hoành hành trong vùng rừng núi địa phương. Đình Hoá An được xem là cơ sở tín ngưỡng được xây dựng khá sớm, có sắc phong thời vua Tự Đức (1852). Xã Hoá An có tuyến đường sông dài 02 km của đoạn sông Đồng Nai chảy qua địa phận Biên Hoà. Trên tuyến sông này, trong khi khai thác cát, đã phát hiện được một số cổ vật bằng chất liệu gốm, đá khá độc đáo. Đ85c biệt, có hai bức tượng cổ bằng đá thể hiện những vị nam thần của tôn giáo cổ xưa trên vùng đất Biên Hoà, hiện đang lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai. Hệ thống trường học trên địa bàn Hoá An có: Mầm non Hoá An, Mầm non dân lập Ngọc Ân, Mầm non dân lập Tuổi Hoa, Mầm non dân lập Tuổi Ngọc, Mầm non dân lập An Hoà 2, Mầm non dân lập Thỏ Ngoan, Tiểu học Hoá An, Trung học cơ sở Tân An. Địa bàn Hoá An hiện nay có 68 đơn vị doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; trong đó nổi bật các ngành nghề sản xuất gốm, khai thác đá xây dựng; đặc biệt có 06 công ty nước ngoài – trong đó có công ty Hưng nghiệp cổ phần Pouchen Việt Nam với 100% vốn nước ngoài, thu hút trên 20.000 ngàn công nhân lao động. |