Xã Long Hưng trước đây thuộc huyện Long Thành. Ngày 01 tháng 4 năm 2010, cùng với ba xã An Hoà, Phước Tân, Tam Phước, xã Long Hưng được bàn giao về cho thành phố Biên Hoà. Xã Long Hưng được thành lập năm 1976. Diện tích tự nhiên của xã Long Hưng 1134, 33 héc ta, dân số có 5.900 người. Chủ yếu là dân tộc Kinh. Vị trí địa lý xã Long Hưng được xác định: Phía Đông giáp xã Phước Tân (giới hạn bởi sông Buông), phía Tây giáp quận 9 – thành phố Hồ Chí Minh (giới hạn bởi sông Đồng Nai), phía Nam giáp xã Tam Phước, phía Bắc giáp xã An Hoà. Địa bàn xã Long Hưng trước đây là thôn An Xuân, tổng Long Vĩnh, huyện Phước Chánh, phủ Phước Long. Tư liệu Địa bạ Nam kỳ (1836) cho biết, An Xuân một trong 17 thôn, hộ của tổng Long Vĩnh Thượng, huyện Long Thành, tỉnh Biên Hoà. Cuối thế kỷ XIX, địa bàn Long Hưng chia thành các thôn An Xuân và Phước Hội (được ghi chú tên trên bản đồ Boulloux năm 1882). Tên gọi Long Hưng lần đầu tiên xuất hiện trong Địa chí tỉnh Biên Hoà năm 1901. Năm 1957, địa bàn xã Long Hưng hiện nay nằm trong địa phận của An Hoà Hưng thuộc tổng Long Vĩnh Thượng, quận Châu Thành, sau đổi thành quận Đức Tu (năm 1963). Từ khi được thành lập năm 1976, xã Long Hưng tồn tại cho đến năm 1987, chính quyền cách mạng sáp nhập với xã An Hoà thành xã Hoà Hưng. Năm 1994, xã An Hoà được điều chỉnh, tách thành hai xã, gồm Long Hưng và An Hoà. Do vị trí địa lý được bao bọc bởi những nhánh sông, nên có thể xem xã Long Hưng là một cù lao. Hiện nay, trên địa bàn xã có một số cơ sở tín ngưỡng tôn giáo như: Chùa Phật Bửu, chùa Long Bửu, chùa Thiên Phước và 01 niệm Phật đường. Hệ thống trường học trên địa bàn xã Long Hưng có: Mầm non Long Hưng, Tiểu học Long Hưng. Từ quốc lộ 51, có đường bộ qua xã An Hoà đề vào xã Long Hưng. Giao thông đường thuỷ đến xã Long Hưng khá thuận lợi. Xã Long Hưng chủ yếu phát triển kinh tế từ nông nghiệp. Trong quy hoạch phát triển, xã Long Hưng được xác định theo hương Khu đô thị kinh tế mở, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển sang dịch vụ, thương mại. |