đăng 05:06 20 thg 2, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
Chính thức trở thành địa danh hành chính từ năm 1698, Đồng Nai - với tên gọi là Trấn Biên, trong 320 năm hình thành và phát triển trải qua nhiều lần thay đổi địa giới cũng như địa danh hành chính, vẫn còn khá nhiều địa danh hành chính các cấp được lưu giữ đến ngày nay.
Trung tâm TP.Biên Hòa đầu thế kỷ 20. Ở TP.Biên Hòa hiện nay có một số địa danh hành chính như: phường Tân Phong, phường Tân Mai, phường Bửu Long, phường Tân Hòa, xã Tân Hạnh… ít ai biết rằng những địa danh này đã có từ hàng trăm năm nay. Bên cạnh đó, một số địa phương có tên gọi trùng lặp một cách thú vị.* Bảo tồn và “lên đời” Một trong số địa danh xuất hiện khá sớm và còn lưu giữ đến nay là Tân Hạnh. Thôn Tân Hạnh ra đời từ triều Gia Long (trị vì năm 1802-1820), thuộc tổng Chánh Mỹ, huyện Phước Chánh, phủ Phước Long. Hiện nay Tân Hạnh là đơn vị hành chính cấp xã, là một trong 6 đơn vị vừa được HĐND tỉnh thông qua nghị quyết nâng lên cấp phường. Tương tự, Bình Đa là tên một làng thành lập từ thời Minh Mạng (trị vì từ năm 1820-1841), thuộc tổng Phước Vĩnh Thượng, huyện Phước Chánh, ngày nay Bình Đa là tên của một phường của TP.Biên Hòa.4 thôn, làng xưa khác của huyện Phước Chánh giờ còn giữ địa danh hành chính cấp phường gồm: Tân Hòa, Tân Mai, Bửu Long, Tân Phong. Trong đó, thôn Tân Hòa thuộc tổng Chánh Mỹ, thành lập từ thời Gia Long; thôn Tân Mai thuộc tổng Phước Vĩnh, thành lập từ thời Gia Long; thôn Tân Phong thuộc tổng Phước Vĩnh, cũng thành lập dưới triều Gia Long; còn làng Bửu Long ra đời từ việc sáp nhập 2 làng Bình Điện và Bạch Khôi (năm 1897), thuộc tổng Phước Vĩnh Trung. Về địa danh Bình Điện, ca dao ở Đồng Nai có câu “Ngó lên Bình Điện, thấy miệng em cười/ Tơ duyên muốn kết, sợ người đà có đôi”.Không riêng TP.Biên Hòa, các địa phương khác trong tỉnh cũng còn giữ được tên gọi của thôn làng xưa. Như thôn Cam Đường thuộc tổng An Viễn, huyện Long Khánh, phủ Phước Tuy, thành lập dưới triều Thiệu Trị (trị vì năm 1841-1847), người dân còn gọi là Cẩm Đường. Hiện nay Đồng Nai có xã Cẩm Đường, thuộc huyện Long Thành. Thuộc địa giới hành chính của huyện Định Quán có thôn Gia Canh cũng được thành lập từ thời Thiệu Trị, ngày nay là xã Gia Canh.Đặc biệt, một số địa danh cấp cơ sở (thôn, làng) xưa hiện nay “lên đời” thành địa danh cấp huyện. Dưới thời Minh Mạng thứ 5 (năm 1824), Định Quán là tên của một thủ người dân tộc thiểu số. Đến năm 1838 thủ Định Quán nhập với 2 thủ Bình Lợi và Phước Vĩnh, chia làm 4 tổng: Phước Thành, Bình Sơn, Bình Tuy, Bình Cách. Thôn Định Quán thuộc tổng Bình Tuy, huyện Phước Bình, phủ Phước Long. Đến năm 1957, quận Định Quán ra đời thuộc tỉnh Long Khánh. Ngày nay, Định Quán là địa danh hành chính cấp huyện, đồng thời có thị trấn Định Quán.Tương tự, xã Cam Mỹ được thành lập từ đời Thiệu Trị (thuộc tổng Bình Lâm Thượng), người dân còn gọi là Cẩm Mỹ. Và tên gọi này đã được đặt cho địa danh hành chính cấp huyện thành lập năm 2003, đó là huyện Cẩm Mỹ ngày nay. Vĩnh Cửu dưới thời Thiệu Trị là tên của một thôn thuộc tổng Phước Vĩnh Thượng, huyện Phước Chánh; ngày nay Vĩnh Cửu là tên của một huyện.* Trùng lặp thú vị An Bình là tên một phường của TP. Biên Hòa, thành lập từ tháng 1-1976. Trong thực tế, tên gọi này xuất phát từ việc sáp nhập 2 thôn An Hảo và Bình Đa từ năm 1897, ghép tên lại thành làng Bình An, và khi thành lập phường thì trở thành An Bình. Thôn An Hảo được thành lập cùng lúc với Bình Đa, tên gọi An Hảo hiện nay không còn là địa danh hành chính nhưng được đặt cho cây cầu nối liền xã Hiệp Hòa với phường An Bình, ngoài ra còn có một tên gọi là bến đò An Hảo.
Đoạn đường trước Thành Biên Hòa đầu thế kỷ 20, nay là đường Phan Đình Phùng (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) Thế nhưng, An Bình còn là tên gọi của một thôn thuộc tổng Bình Cách, huyện Phước Bình, phủ Phước Long, thành lập dưới triều Minh Mạng. Thôn An Bình này hiện nay thuộc huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Phước. Cũng dưới triều Minh Mạng, tỉnh Biên Hòa còn có tổng An Bình (thuộc huyện Bình An, phủ Phước Long, nay thuộc quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) thành lập năm 1837.An Hòa cũng là một thôn thành lập khá sớm, từ triều Gia Long (thuộc tổng Long Vĩnh, huyện Long Thành, phủ Phước Long). Hiện nay An Hòa là xã thuộc TP.Biên Hòa. Dưới triều Minh Mạng cũng có thành lập một xã An Hòa, thuộc tổng Bình Chánh Tây, huyện Bình An, phủ Phước Long, nay thuộc khu vực TP.Thủ Dầu Một.Tương tự, ngày nay ai cũng biết xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) là tên gọi của Cù lao Phố trước đây. Đầu năm 1928, làng Hiệp Hòa ra đời trên cơ sở sáp nhập 3 làng cổ có từ thời Gia Long là: Nhứt Hòa, Nhị Hòa và Tam Hòa (thuộc tổng An Thủy, huyện Bình An, phủ Phước Long, nay là 3 ấp của xã Hiệp Hòa), và từ năm 1976 được đổi thành xã. Tuy nhiên, tỉnh Biên Hòa dưới thời Minh Mạng cũng có thôn Hiệp Hòa thuộc tổng Phước Hưng Hạ, huyện Phước An, phủ Phước Tuy. Thôn Hiệp Hòa này hiện thuộc huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.Cũng như vậy, nhắc đến cái tên Long Bình, nhiều người sẽ nhớ đến Tổng kho Long Bình (trước năm 1975), Khu công nghiệp Long Bình và phường Long Bình đông dân nhất TP.Biên Hòa. Thực tế, tỉnh Biên Hòa có địa danh này từ khá sớm, đó là làng Long Bình thuộc tổng Long Vĩnh Thượng. Thế nhưng, thời Thiệu Trị tỉnh Biên Hòa cũng có thôn Long Bình thuộc tổng Bình Long, huyện Bình An, phủ Phước Long, ngày nay khu vực này thuộc địa bàn TP.Thủ Dầu Một.Tỉnh Biên Hòa cũng có 2 địa danh Long Hưng: thôn Long Hưng thuộc tổng Thành Tuy, huyện Long Thành, phủ Phước Long, thành lập từ thời Gia Long, ngày nay là xã Long Hưng thuộc TP.Biên Hòa; một thôn Long Hưng khác thuộc tổng Phước Hưng, huyện Phước An, phủ Phước Long, cũng thành lập từ triều Gia Long, ngày nay nằm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tương tự, có một xã Long Tân nằm trên địa bàn huyện Nhơn Trạch ngày nay và một xã Long Tân nằm trên địa bàn huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.Ngoài ra cũng có đến 2 địa danh Xuân Lộc. Đó là thôn Xuân Lộc thuộc tổng Thành Tuy Thượng, huyện Long Thành, phủ Phước Long, thành lập dưới triều Minh Mạng. Thôn này trải qua nhiều lần thay đổi, sáp nhập, nay thuộc khu vực thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc. Ngoài ra còn có làng Xuân Lộc thuộc tổng Phước Vĩnh Hạ, năm 1928 sáp nhập với làng Bình Lợi thành làng Bình Quới, nay thuộc tỉnh Bình Dương.Ước mong nơi quê mới Thời mở cõi, phần lớn lưu dân vào Đồng Nai là người nghèo, đánh liều tìm đến vùng đất mới với hy vọng đổi đời, có cuộc sống thịnh vượng, trù phú hơn. Mong mỏi ấy được thể hiện qua việc đặt tên thôn, làng nơi quê mới. Buổi đầu, khá nhiều thôn, làng ở Đồng Nai được bắt đầu với từ “Long”, như: Long An (xã Long An ở huyện Long Thành), Long Bình, Long Tân, Long Điền, Long Đức, Long Phước, Long Giao, Long Hưng, Long Khánh, Long Thành, Long Thọ… Theo PGS-TS.Huỳnh Văn Tới, từ “long” ở đây không có nghĩa là “rồng” như nhiều người vẫn nghĩ, mà trong tiếng Hán có nghĩa là hưng thịnh. Cũng với mong ước tương tự, nhiều địa danh đã được bắt đầu với từ “Phú”, nghĩa là giàu có như: Phú An, Phú Bình, Phú Cường, Phú Điền, Phú Hòa, Phú Hội, Phú Hưng, Phú Hữu, Phú Lạc, Phú Lập, Phú Lợi, Phú Mỹ, Phú Ngọc, Phú Thạnh… Đồng Nai hiện có 2 địa danh Hố Nai, là phường Hố Nai (TP.Biên Hòa) và xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom). Trong thực tế, đã từng có đến 4 địa danh Hố Nai. Đó là xã Hố Nai thuộc tổng Phước Vĩnh Thượng, quận Châu Thành (sau thuộc quận Đức Tu), thành lập năm 1956. Đến năm 1976 tách thành 2 xã: Hố Nai 1 (nay là phường Hố Nai); Hố Nai 2 (ngày nay là 2 phường Tân Hòa, Tân Biên của TP.Biên Hòa). Còn xã Hố Nai 3 cũng thành lập từ năm 1976 trên cơ sở tách ra từ xã Hố Nai và nhập thêm ấp Quảng Biên (lúc đó thuộc xã Trảng Bom 1). Ngoài ra còn có xã Hố Nai 4 (thuộc huyện Thống Nhất cũ), đến năm 1994 nhập thêm một phần ấp Quảng Biên để thành lập thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom). |
Hà Lam |
đăng 20:47 24 thg 6, 2016 bởi Pham Hoai Nhan
Nam kỳ Lục tỉnh là chuyện thời nhà Nguyễn. Khi Pháp cai trị Nam kỳ, họ chia thành 20 tỉnh. Hồi đó không biết ai đã đặt ra một bài nửa giống thơ nửa giống vè để dễ nhớ tên các tỉnh. Bài thơ đó như sau:
Gia Châu Hà Rạch Trà Sa Bến Long Tân Sóc Thủ Tây Biên Mỹ Bà Chợ Vĩnh Gò Cần Bạc.
Mỗi chữ trong bài thơ là chữ đầu của tên tỉnh. Cụ thể như sau: 1. Gia Định 2. Châu Đốc 3. Hà Tiên 4. Rạch Giá 5. Trà Vinh 6. Sa Đéc; 7. Bến Tre; 8. Long Xuyên; 9. Tân An 10. Sóc Trăng 11. Thủ Dầu Một 12. Tây Ninh 13. Biên Hòa 14. Mỹ Tho 15. Bà Rịa 16. Chợ Lớn 17. Vĩnh Long 18. Gò Công 19. Cần Thơ 20. Bạc Liêu. Đã là từ 1 tới 20 thì tất nhiên trong đó có con số xui là số 13. Các bạn hãy coi thử tỉnh nào mang số xui 13 vậy? 
Xung quanh con số 13 của Biên Hòa này có 2 chuyện ngộ ngộ. Chuyện thứ nhất là trong lễ tống phong - còn gọi là tống ôn - tức là lễ tống ba cái thứ ôn dịch, tà ma quỷ quái ra khỏi làng được tổ chức ở đền thờ Đoàn văn Cự (Tam Hiệp) vào ngày mồng 4 và 5 tháng 5 âm lịch hàng năm. Tại lễ này, người ta làm một chiếc thuyền nan bằng giấy, trên đó có lễ vật, mang ra sông Đồng Nai và cử hành nghi thức tống nó đi cho trôi tuốt về hạ nguồn sông, coi như tống ôn dịch. Điều đáng nói là trên mũi thuyền có vẽ số 13! Các bô lão giải thích rằng 13 chính là số thứ tự của Biên Hòa trong bài thơ trên! Chuyện thứ hai là vầy. Hồi đó người Pháp tính xây dựng một nhà thương điên ở Nam kỳ nhưng hổng nơi nào chịu xây ở tỉnh mình hết, vì... sợ xui. Người ta bèn chọn bằng cách coi trong bài thơ trên thằng nào mang số 13 tức là nó xui sẵn rồi, ịn cho nó thêm cái Nhà thương điên cũng hổng xui hơn bao nhiêu. Kết quả là ta có Nhà thương điên Biên Hòa. Chuyện này chắc bịa, nhưng mà vui! |
đăng 16:51 6 thg 5, 2016 bởi Pham Hoai Nhan
Có 2 địa danh mà có lẽ hầu hết người dân Long Khánh đều biết, mặc dù không hề là địa danh hành chánh chính thức, đó là Cua Heo và Đèo Mẹ Bồng Con.

Đèo Mẹ Bồng Con. Ảnh: Phạm Tường Nhân, 2011
Cua Heo là khúc cua trên quốc lộ 1 quẹo vô thị xã Long Khánh. Cua là khúc cua thì hiểu rồi, vậy còn Heo là gì? Tự điển Địa danh học của Lê Trung Hoa ghi:
CUA HEO
Ngã ba ở thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
Cua Heo gốc nửa Pháp (courbe) nửa tiếng Việt, là khúc quẹo mà các lái buôn chở heo từ miền Trung, miền Bắc vào, ghé lại tắm cho heo trước khi chuyển đi nơi khác. Thế nhưng những người lớn tuổi ở Long Khánh lại có lời giải thích khác! Theo đó, tên Cua Heo có nguyên do như sau: Hồi xưa (khoảng 194x, 195x), tại khúc cua này có một chiếc xe chở heo khi quẹo cua thì bị lật, đàn heo xổng ra chạy tứ tung, do đó người dân gọi là cua Heo! 
Ngã Ba Cua Heo 1967/1968. Ảnh: Dave DeMilner trên Flickr Còn đèo Mẹ Bồng Con? Nếu ai đó nghe tên này và tưởng tượng nơi đây có một tượng đá mẹ ôm con trên sườn núi cheo leo thì ắt sẽ thất vọng. Bởi vì không có tượng mẹ bồng con, thậm chí không có cả... đèo. Đây thực chất là một đoạn dốc khá cao trên quốc lộ 1, ở vị trí khoảng 7 km trên đường tới thị xã Long Khánh.(Dù không phải đèo, nhưng cảnh quan nơi đây cũng hấp dẫn lắm!). Tự điển Địa danh học của Lê Trung Hoa ghi: MẸ BỒNG CON
Dốc ở gần ngã ba Dầu Giây, h. Long Khánh, t. Đồng Nai.
Mẹ Bồng Con vì có hai dốc liên tiếp, dốc lớn tượng trưng cho mẹ, dốc nhỏ tượmg trưng cho con. Và cũng theo những người lớn tuổi ở Long Khánh lại có lời giải thích khác! Theo đó, tên Mẹ Bồng Con có nguyên do như sau: Hồi xưa (không rõ lúc nào), tại dốc này có một chiếc xe chở khách bị tai nạn thảm khốc. Trong số những hành khách tử vong có một người phụ nữ khi chết vẫn còn bồng đứa con trên tay rất thương tâm. Từ đó người ta gọi nơi đây là dốc Mẹ Bồng Con hoặc đèo Mẹ Bồng Con. Tui đọc khá nhiều tư liệu do TS Lê Trung Hoa biên soạn và rất trân trọng các công trình nghiên cứu của ông, riêng với 2 địa danh này thì tui... tin những người già ở Long Khánh (trong đó có ba tui) hơn. Dù sao, tui cũng ghi lại cả 2 nguồn để mọi người tham khảo. Chắc là còn những cách giải thích khác nữa, ai biết thì bổ sung dùm nhé! Ghi chú thêm: Theo sách Địa danh Hành chính - Văn hóa - Lịch sử Đồng Nai do Hội Khoa học Lịch sử Đồng Nai biên soạn thì 2 địa danh Cua Heo và Mẹ Bồng Con không có trong phần Địa danh Hành chính và Văn hóa. Trong phần Địa danh Lịch sử thì ghi như sau: Ngã ba Cua Heo giao lộ giữa QL 1 và đường Hùng Vương, TX Long Khánh. Cửa ngõ vào trung tâm nội ô TX Long Khánh. Đây là nơi diễn ra những trận chiến đấu quyết liệt của các lực lượng vũ trang cách mạng với Sư 18 quân đội Sài Gòn trong chiến dịch Xuân Lộc giải phóng TX Long Khánh từ 9/4 đến 21/4/1975. Đèo Mẹ Bồng Con, nằm trên QL 1 thuộc TX Long Khánh. Trong chiến dịch Xuân Lộc giải phóng TX Long Khánh từ 9/4 đến 21/4/1975, Sư đoàn 6 (Quân đoàn 4) đã đánh diệt chiến đoàn 52 sư 18 ngụy Sài Gòn (15/4/75), chiếm đèo Mẹ Bồng Con, cắt QL 1, chặn đường viện quân của địch từ Biên Hòa lên, góp phần buộc địch phải rút chạy khỏi TX Long Khánh (đêm 20 rạng sáng 21/4/75). |
đăng 18:29 18 thg 4, 2016 bởi Pham Hoai Nhan
Nhiều người nói, kể cả trên mặt báo, rằng con đường đẹp nhất Biên Hòa là con đường Nguyễn Ái Quốc, tức quốc lộ 1K đoạn đi qua TP Biên Hòa. Tui sống ở một chung cư cao tầng trên đường này nên thường xuyên có dịp ngắm con đường từ trên cao. Công nhận rằng đẹp thì có đẹp thiệt, nhưng đó là cái đẹp của sự hoành tráng, sang trọng chớ không phải cái đẹp lãng mạn, nên thơ. Ừ, nếu muốn cho con đường Nguyễn Ái Quốc cái nhất thì có cái nhất đo được đây: đây là con đường dài nhất Biên Hòa (8.533 met) và cũng là con đường rộng nhất (rộng 44 met, lộ giới 55 met). Đẹp lãng mạn, nên thơ nhất ở Biên Hòa, theo tui phải kể đến đường Nguyễn văn Trị - con đường dọc theo công viên bờ sông. Thế nhưng đẹp là một nhận định cảm tính, không đo bằng con số, thay đổi theo từng người, do vậy chắc hẳn nhiều người có những ý kiến khác.
Vậy mà có một con đường ở Biên Hòa ngày xưa (trước 1975) được hầu như tất cả mọi người thời đó công nhận là con đường đẹp nhất. Đường nào vậy? Bây giờ còn không?
Đó là con đường ngày xưa mang tên Lê văn Duyệt. Hãy đọc những dòng cảm xúc sau đây của tác giả Nghiêm Hải trên trang web trường Ngô Quyền: "Ai cũng thế cả! Cái gì thuộc về mình thì luôn luôn đẹp nhất dù nhiều khi, nếu so sánh thật sự thì chưa chắc! Nhưng, Tôi có thể nói chắc như đinh đóng cột là: chỉ có con đường của cái xóm Bắc dốc Tòa của chúng tôi là đẹp nhất tỉnh Biên Hòa ngày đó mà thôi! Nó sống mãi trong tâm hồn ấu thơ, thời kỳ 1959-1965 và lụi tàn dần vì chặt bỏ do sợ bão lớn gây đổ chết người ... Đó là hai hàng cây sao cổ thụ dọc hai bên đường, đã sống từ rất lâu đời, khi chúng tôi di cư vào Nam và chúng đã hiện hữu! Cứ cách khoảng nhau từ 10 m đến 15 m lại có một cây, xanh mát quanh năm và là nơi tuổi thơ của xóm đã gắn liền vào gốc rễ!"
Hình ảnh con đường Lê văn Duyệt thời ấy (cũng trên trang web trường Ngô Quyền) đây:

Nhà của cô Duyên, nhân vật "cô Bắc kỳ" trong nhiều bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên ở trên đường này. Cuối đường là bờ sông, xưa Nguyễn Tất Nhiên đã cùng Duyên đi học về, đưa Duyên từ bờ sông về nhà, để rồi sau đó ông sáng tác nên Khúc tình buồn (mà Phạm Duy đã phổ nhạc thành Thà như giọt mưa): (Về chi tiết này, xin xem bài Người từ trăm năm - Về qua sông rộng) Trên trang web Ngô Quyền, cô Duyên (không ghi rõ, nhưng tôi đoán chắc là cô Duyên bạn học của Nguyễn Tất Nhiên ngày xưa) nhớ lại:
" ... hình ảnh con đường Lê Văn Duyệt đẹp cổ kính với những cây cổ thụ to cao... cuối con đường là bờ sông Đồng Nai nhẹ nhàng uốn qua thành phố, của một thời mới lớn... " Hàng cổ thụ đã bị đốn từ lâu. Sau 1975, đường Lê văn Duyệt đổi tên thành Bùi văn Hòa, rồi từ 2013 đổi thành Hoàng Minh Châu cho đến bây giờ. Đường Hoàng Minh Châu bây giờ dài 320 met, rộng 9 met, lộ giới 19 met. Đường đặt theo tên Hoàng Minh Châu, chủ tịch tỉnh Biên Hòa đầu tiên sau 1945. Con đường ngắn, bình thường, không đẹp, không xấu. Còn chút nên thơ là cuối đường hướng ra bờ sông. 
Đường Hoàng Minh Châu, hướng từ bờ sông nhìn ra

Đường Hoàng Minh Châu, hướng từ đường Cách mạng Tháng 8 nhìn về bờ sông Những hình ảnh ngày xưa đã phai nhạt mất rồi, nhưng người xưa nếu có về lại Biên Hòa ắt sẽ đi lại con đường này để nghe lòng xao xuyến, nhớ thuở nào... |
đăng 22:33 11 thg 4, 2016 bởi Pham Hoai Nhan
Dạo ấy tui ra Hà Nội, đi tìm đến con phố ngắn nhất Hà Nội (tức là con đường ấy mà), đó là phố Hồ Hoàn Kiếm, dài 45 met (xem bài này). Rồi lại thấy có người lò dò tìm ra con đường ngắn nhất Sài Gòn, đó là đường Đỗ văn Sửu, cũng dài 45 met (xem bài này). Tui tự nghĩ, mình ở Biên Hòa mà không chỉ ra được con đường ngắn nhất Biên Hòa, chỉ biết ở Hà Nội và Sài Gòn thì coi sao được! Vậy nên tui vừa đọc tư liệu, vừa đi thử, kết quả là đã xác định được. Con đường ngắn nhất Biên Hòa là đường Cô Giang, ở khu vực chợ Biên Hòa. Đường Cô Giang là một con đường không những ngắn mà còn hẹp, đường dài 60 met, rộng 5 met, một đầu giáp với đường Cách mạng Tháng Tám, đầu kia giáp với đường Nguyễn thị Hiền.

Đường Cô Giang nhìn từ hướng Cách mạng Tháng 8, từ đầu đường này thấy ngay đầu đường kia. Ngoài đặc điểm là con đường ngắn nhất, đường Cô Giang không có gì đặc biệt. Là một con đường trong chợ, hai bên đường san sát các cửa hiệu: tiệm vàng, tiệm đàn, tạp hóa...

Tui chỉ biết nói vậy thôi, không có gì hơn nữa. À, cũng sẵn tiện xin nhắc là cách đây ít lâu trên báo Pháp luật TPHCM online có một tác giả người Biên Hòa viết rằng con đường ngắn nhất Biên Hòa là đường Nguyễn Thái Học, dài 130 met, rộng 9 met. Có lẽ người viết sơ xuất hoặc có ý tứ gì đó, chứ đường Nguyễn Thái Học có chiều dài lẫn chiều rộng đều xấp xỉ gấp đôi con đường mang tên... vợ ông (Cô Giang). Thêm nữa, là từ 2013 theo quyết định đặt tên và đổi tên đường mới thì tên đường Nguyễn Thái Học đã không tồn tại nữa, mà đoạn đường đó đã thành Nguyễn văn Trị nối dài.
|
đăng 07:12 2 thg 3, 2015 bởi Pham Hoai Nhan
[
đã cập nhật 07:13 2 thg 3, 2015
]
Cù lao Tân Triều, huyện Vĩnh Cửu , Biên Hòa tên gọi này đã từng bị hiểu lầm là “triều đình mới”, “kinh đô mới” do Nguyễn Ánh thiết lập ở Trấn Biên, Biên Hòa để đối đầu với nhà Tây Sơn chẳng hạn như tác giả Mathilde Tuyết Trần qua bài viết Đi tìm dấu vết Bá Đa Lộc (Mgr Pigneau de Béhaine)… 
Trong làng bưởi Tân Triều. Ảnh: PHN
Không phải sự hiểu lầm chỉ có ở các tác giả Việt Nam nhưng thật ra ngay từ năm 1863 Aubaret dịch giả sách Gia Định thành thông chí ra tiếng Pháp, có lẽ là người đầu tiên lầm lẫn khi cho Tân Triều là “lâu đài, triều đình mới”. Nguyên nhân lầm lẫn này có 2 lý do: 1/ Giám mục P. Béhaine chạy chốn Tây Sơn đã về vùng cù lao Tân Triều để lập chủng viện và sau đó Nguyễn Ánh đã từng tới lui trao đổi, bàn quốc sự với Giám mục ở Tân Triều, do đó người ta lầm tưởng Tân Triều là triều đình mới. Linh mục Louvet, người viết tiểu sử Đức giám mục Pigneau, cho biết rằng: “những lúc không bận hành quân xa, Nguyễn Phúc Ánh có nhiều cuộc gặp gỡ với ĐGM Pigneau. Lúc thì ông mời ngài tới nơi mình ở tại Biên Hòa, lúc thì ông với 2 hay 3 vị quan tới thăm ngài ở Tân Triều...” 2/ Do tên gọi âm Hán Việt và chữ viết La tinh là “Tân triều”: Tân 新 nghĩa Hán là mới và triều có 2 nghĩa: a/ Triều 朝: Nơi vua tôi bàn chính sự (ngày xưa). Như: triều đình 朝廷 và b/ 潮 triều: Con nước, thủy triều. Vì “triều” là đồng âm khác nghĩa nên dễ ngộ nhận là “triều đình”. Thực ra trong thư tịch chữ Hán đã viết cù lao Tân Triều là 新潮, triều 潮 (có bộ thủy) chứ không phải là 朝 như Trịnh Hoài Đức chép trong Gia Định thành thông chí: “… năm Giáp Tý (1744), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 4 vì có lũ lớn, bị xói lở chia làm 2, phía đông thành cù lao Ngô phía tây thành cù lao Tân Triều, ở giữa có một sông nhỏ vừa cạn vừa hẹp chia ranh giới”Như vậy, chính xác tên gọi Tân Triều chỉ hình thành sau năm 1744 do trận lũ lụt chứ không phải là ra đời sau khi Nguyễn Ánh có mặt ở Tân Triều cùng với Bá Đa Lộc. Danh xưng “tân triều (tân trào)” chỉ triều đình, kinh đô mới của Nguyễn Ánh thực ra là ở Sài Gòn, thành Gia Định. Năm 1788, Nguyễn Ánh đánh chiếm được Sài Gòn, xây dựng thành quách để chống lại Tây Sơn. Tóm lại, địa danh cù lao Tân Triều không thể được hiểu là triều đình mới của Nguyễn Ánh như một số tác giả đã hiểu lầm nhưng chỉ là tên gọi chỉ một cù lao mới được tạo ra sau trận lụt lớn năm 1744 từ 1 cù lao ban đầu là cù lao Ngô. |
đăng 04:31 22 thg 9, 2014 bởi Pham Hoai Nhan
Tên gọi Biên Hùng thường được dùng để chỉ vùng đất Biên Hòa. Đi ngược dòng thời gian một chút tên Biên Hùng có vẻ còn được ưa chuộng hơn Biên Hòa nữa. Trong bộ sách nổi tiếng Biên Hòa sử lược toàn biên của mình, cụ Lương văn Lựu đã đặt tựa tập 2 là Biên Hùng oai dũng, còn nhà văn Thái Thụy Vi thì đã viết bộ sách về Biên Hòa mang tên Biên Hùng liệt sử. Vì sao lại có 2 cái tên mang ý nghĩa hơi ngược nhau như vậy nhỉ? (Hòa là hiền hòa, còn Hùng là hùng dũng)
Có 2 chi tiết đáng chú ý:
- Tên gọi Biên Hùng có trước tên gọi Biên Hòa
- Biên Hòa là một địa danh hành chính chính thức, còn Biên Hùng chỉ là một tên gọi tự xưng.
Thuở ban đầu vùng đất Biên Hòa ngày nay có tên Trấn Biên, được đặt từ thời chúa Nguyễn. Trấn nghĩa là gìn giữ, cũng là đơn vị hành chánh có tính quân sự cấp tỉnh. Biên là chỗ giáp giới bờ cõi. Đến năm 1808, vua Gia Long đổi tên dinh Trấn Biên thành Biên Hòa. Hòa là bình yên, hòa thuận, với mong muốn vùng đất nơi biên cương này được trấn giữ chắc chắn, thuận hoà. Biên Hùng là tên gọi không chính thức của Biên Hoà chỉ trong khoảng hơn 20 năm cuối thế kỷ XVIII. Tên gọi này xuất phát từ một nhân vật khá đặc biệt trong lịch sử Việt Nam, đó là Lý Tài.
Lý Tài là một thương nhân người Hoa (có tài liệu nói là hải tặc) cùng với Tập Đình đem quân tham gia hàng ngũ Tây Sơn và lập được nhiều công trạng. Nhưng rồi Lý Tài lại bỏ quân Tây Sơn để đi theo nhà Nguyễn. Sau đó lại bất hòa với tướng Đỗ Thành Nhân của nhà Nguyễn mà bỏ ra đi. Lý Tài kéo quân về núi Châu Thới, hùng cứ một phương, tự xưng là đại vương và truyền đổi tên Trấn Biên thành Biên Hùng Trấn, nhằm nêu bật sự oai hùng của mình.Sự kiện này xảy ra khoảng năm 1776.
Năm 1777, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đem quân vào Nam đánh thắng quân chúa Nguyễn, Lý Tài được cho rằng đã chạy về Ba Giồng (Tiền Giang ngày nay) và bị giết chết tại đây. Đông Định Vương Nguyễn Lữ đổi dinh Trấn Biên thành Biên Trấn. Khi Nguyễn Huệ rút về, Nguyễn Lữ không đủ khả năng giữ đất nên sau đó nơi này lại rơi vào tay quân Nguyễn. Từ đó đến khi có tên chính thức là Biên Hòa năm 1808, người dân Trấn Biên vẫn quen gọi tên vùng đất của mình là Biên Hùng theo tên Lý Tài đã đặt từ năm 1776.
Lý giải cho việc sử dụng tên Biên Hùng của mình, cụ Lương văn Lựu cho rằng tên Biên Hùng thể hiện được khí chất hào hùng của vùng đất và con người Biên Hòa - Đồng Nai. Nghe cũng phải, khi nào muốn hiền hòa ta sẽ xưng mình là dân Biên Hòa, còn khi nào cương lên thì ta sẽ xưng mình là dân Biên Hùng.
Dù sao đi nữa tên Biên Hùng cũng đã và đang được sử dụng khá nhiều ở Biên Hòa.
Trước năm 1975, có rạp hát Biên Hùng ở khu vực đường Hưng Đạo vương, Trịnh Hoài Đức và Quốc lộ I (bùng binh Biên Hùng)

Rạp Biên Hùng trước 1975
Sau 1975, rạp được đổi tên thành Nam Hà, và bây giờ là Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP Biên Hòa. (Từ khi đổi thành Hòa thì nó hết Hùng rồi và hoạt động yếu xìu!). Nội ô Biên Hoà có ngã năm Biên Hùng, đây là giao lộ có 5 hướng ra các con đường: Hà Huy Giáp, Hưng Đạo Vương, 30 tháng Tư.

Vòng xoay ngã Năm Biên Hùng trước 2010. Biểu tượng này bị chọc quê là giống một con rồng không ra rồng, rắn không ra rắn, bị trói và chúc đầu vô bình rượu để cắt tiết!

Năm 2010, biểu tượng con rắn bị trói đã được thay bằng tháp đồng hồ 4 mặt. Theo thiển ý của tui, biểu tượng này cũng chẳng có gì đặc sắc.
Sát Ngã Năm Biên Hùng là Công viên Biên Hùng. Trong công viên Biên Hùng có hồ nước lung linh rất đẹp được người dân địa phương gọi là Hồ Biên Hùng.

Hồ Biên Hùng rất đẹp, nhưng mặt nước lung linh này được xác nhận là nhiễm dioxin nặng! Bên hông công viên Biên Hùng, trên đường Trịnh Hoài Đức có chợ đêm được hình thành từ cuối năm 2005, được gọi là Chợ Đêm Biên Hùng.
|
đăng 08:29 10 thg 9, 2014 bởi Pham Hoai Nhan
Trong Nam, khi nhắc đến Hàm Rồng người ta thường nghĩ ngay đến núi Hàm Rồng ở Pleiku, Gia Lai. Có nhiều lý do khiến địa danh Hàm Rồng Pleiku trở nên quen thuộc: - Đại bản doanh của đội bóng đá Hoàng Anh - Gia Lai và học viện bóng đá của HAGL đặt tại Hàm Rồng. Do vậy những người không quan tâm du lịch, địa lý, chỉ quan tâm thể thao cũng biết tên Hàm Rồng.
- Hàm Rồng là ngọn núi lớn ở Pleiku, từ nhiều vị trí ở TP Pleiku đều có thể nhìn thấy ngọn núi này.
- Truyền thuyết rằng núi Hàm Rồng là phần dương của núi lửa, còn Biển Hồ Pleiku là phần âm, đem núi Hàm Rồng úp lên Biển Hồ sẽ... vừa khít!

Núi Hàm Rồng ở Gia Lai. Ảnh: Phạm Hoài Nhân Thế nhưng nếu ở ngoài Bắc, nhắc đến Hàm Rồng người ta lại nghĩ đến ngọn núi khác. Đó là núi Hàm Rồng thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, nằm sát thị trấn Sa Pa, Lào Cai. Như tên gọi, ngọn núi này có hình dáng giống hệt như hàm con rồng. Đây là một điểm du lịch nổi tiếng.

Núi Hàm Rồng ở Sa Pa. Ảnh: Wikipedia Không chỉ thế, Hàm Rồng còn là tên một ngọn núi ở Thanh Hóa. Nơi đây còn có cầu Hàm Rồng, một địa danh nổi tiếng trong thời kỳ chống Mỹ.
Và miền Trung, gần với Pleiku lại có một ngọn núi mang tên Hàm Rồng nữa. Đó là núi Hàm Rồng ở xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn.
Thấy nhiều nơi có Hàm Rồng quá, tui đâm ra GATO (ghen ăn tức ở), bèn xin hùng dũng giới thiệu rằng: Biên Hòa cũng có Hàm Rồng!
Điều khác so với những Hàm Rồng ở trên là: đây không phải ngọn núi, mà là tảng đá. Trên núi Bình Điện (phường Bửu Long, Biên Hòa) có ngôi chùa cổ Bửu Phong. Bên trái chùa Bửu Phong có tảng đá lớn gọi là Long Đầu Thạch (nghĩa là đá đầu rồng), hay còn gọi là Hàm Rồng.

Tảng đá chênh vênh nằm trên một khối đá to, giống như miệng con vật to lớn đang há ra, do đó gọi Hàm Rồng mô tả chính xác hơn là đầu rồng.
Không to lớn như những ngọn núi, nhưng chính vì thế ta có thể dễ dàng đến bên hàm rồng, thậm chí chui vào miệng rồng - chứ những ngọn núi to cao kia làm sao mà chụp được ảnh ta ở trong miệng rồng chứ!

Chui vào hàm rồng làm kẻ đội đá vá trời

...hay giả làm Tôn Ngộ Không bị đè dưới Ngũ Hành Sơn.
Vậy đó, Biên Hòa cũng có Hàm Rồng như ai chứ bộ! Ở Biên Hòa, lúc nào rãnh rỗi bạn cứ đi 15 phút là tới Hàm Rồng, khỏi phải đi xa tới Sa Pa hay Pleiku chi cho mệt nha bạn!
|
đăng 03:16 14 thg 8, 2014 bởi Pham Hoai Nhan
Người ta thường nói: đi chơi Bửu Long, leo núi Bửu Long, đi chùa Bửu Long... Ờ, thật ra nói như vậy nghĩa là sao nhỉ?
1. Bửu Long
Ở Biên Hòa chỉ có 1 địa danh Bửu Long, đó là phường Bửu Long. Xa hơn về trước, từ cuối thế kỷ 19, đây là làng Bửu Long. Dĩ nhiên khi nói đi chơi thì không phải là đi chơi phường Bửu Long rồi (hổng lẽ tới thăm UBND phường), mà chính xác là người ta nói đi đến khu du lịch Bửu Long (nằm trên địa bàn phường Bửu Long, Biên Hòa). Bản đồ khu du lịch Bửu Long được giới thiệu trong hình sau (click vào để phóng to).

Nói thêm một chút, về đường đi đến khu du lịch Bửu Long. Nếu đi từ hướng TPHCM theo quốc lộ 1K thì vừa qua cầu Hóa An bên tay trái đã là địa bàn phường Bửu Long. Rẽ trái đi theo đường Huỳnh văn Nghệ đúng 2 km là tới cổng chính khu du lịch Bửu Long bên tay phải (có 2 con rồng). Sở dĩ phải nói kỹ như vậy vì có nhiều tài liệu hướng dẫn là đi 6 km trên đường Huỳnh văn Nghệ mới tới Bửu Long (sai), hoặc từ trung tâm TP Biên Hòa đển Bửu Long là 6 km (không rõ ràng). 2. Núi ở Bửu Long
Người ta nói leo núi Bửu Long. Ở Bửu Long có 2 ngọn núi, một nằm trong khuôn viên khu du lịch Bửu Long, một nằm ở ngoài. Cụ thể là theo bản đồ trên, bạn đi theo đường Huỳnh văn Nghệ đến hết phạm vi khu du lịch Bửu Long và rẽ phải theo đường Võ Trường Toản (hướng đi tới văn miếu Trấn Biên) thì phía bên phải đường là một ngọn núi (trong khuôn viên khu du lịch), còn phía bên trái là một ngọn núi khác (ngoài khuôn viên khu du lịch).
Trong 2 núi ấy đâu là núi Bửu Long?
Núi trong khu du lịch tên là núi Long Ẩn. Nơi đây người ta phá đá nên tạo thành hồ gọi là hồ Long Ẩn.
Núi bên ngoài tên là núi Bình Điện.
Người xưa ví con sông Đồng Nai chảy qua Biên Hòa là con rồng (ẩn) mà đầu của nó là núi Long Ẩn và miệng rồng ngậm một hòn ngọc châu, đó là núi Bình Điện.
Tóm lại là không có núi Bửu Long. Có khi người ta thuận miệng gọi tên núi nằm trong khu du lịch Bửu Long là núi Bửu Long, nhưng thật ra vậy là không đúng tên.
3. Chùa ở Bửu Long
Người ta nói đi chùa Bửu Long. Ấy là nói tắt thôi, ý là nói đi chùa ở 2 ngọn núi khu vực Bửu Long. Mỗi ngọn núi này có một ngôi chùa nổi tiếng. Trên núi Bình Điện là Bửu Phong cổ tự, ngôi chùa cổ trên 300 năm. Trên núi Long Ẩn là chùa Long Sơn Thạch Động, còn gọi là chùa Hang.

Chùa Bửu Phong Lân cận 2 ngôi chùa lớn này còn có những ngôi chùa khác, như cạnh chùa Bửu Phong có Tịnh xá Bửu Pháp, cạnh chùa Long Sơn Thạch Động có chùa Long An, chùa Linh Sơn... Còn khi đi ngoạn cảnh trong khuôn viên khu du lịch người ta sẽ thấy một ngôi chùa nhỏ khá đẹp, đó là Tịnh thất Phổ Hạnh.
Dù trên núi có nhiều chùa như thế nhưng không có chùa Bửu Long ở khu du lịch Bửu Long. Trên một số bản đồ ghi chú chùa Bửu Long trong khu du lịch Bửu Long là sai, đó là vị trí chùa Long Sơn Thạch Động. Còn ngôi chùa lớn, mang tên chính thức là Bửu Long thì có, nhưng ở quận 9 TPHCM! Đây là ngôi chùa của Phật giáo nguyên thủy rất đẹp và uy nghi, và điều đáng nói là tên Bửu Long của ngôi chùa ấy có liên quan mật thiết với vùng đất Bửu Long của Biên Hòa, Đồng Nai (xem chi tiết tại đây).
4. Hồ ở Bửu Long
Ở khu du lịch Bửu Long có hồ Long Ẩn. Đúng, nhưng chưa đủ. Ở đây có đến 2 hồ: hồ Long Ẩn và hồ Long Vân, như bạn có thể thấy rõ trên bản đồ. Sở dĩ người ta chỉ biết và nhắc đến hồ Long Ẩn là vì nó to hơn, gần hơn khi ta đi từ cổng chính vào, và đã được xây dựng nhiều tiểu cảnh, các dịch vụ như đi ca nô, đạp thiên nga... cũng có ở hồ này.
Muốn đến hồ Long Vân bạn phải đi khá xa. Thế nhưng nếu ai yêu thích vẻ hoang sơ tự nhiên thì có lẽ đây sẽ là điểm đến lý thú hơn nhiều. Đáng nói nữa là như bạn thấy trên bản đồ, hồ Long Vân có vị trí khá gần với đường lộ quanh khu du lịch, vì thế bạn có thể không cần mua vé vào đây mà vẫn có thể chụp được những pô hình khá đẹp.

Hồ Long Ẩn. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Hồ Long Vân. Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Phạm Hoài Nhân |
đăng 21:58 2 thg 7, 2014 bởi Pham Hoai Nhan
Nhà Bè nước chảy chia hai Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về Câu ca dao này rất quen thuộc, và 2 địa danh Gia Định, Đồng Nai cũng rất quen thuộc với mọi người. Gia Định và Đồng Nai ở sát bên nhau như 2 người anh em.
Thế nhưng nếu tìm hiểu kỹ ta sẽ phát hiện một điều hết sức bất ngờ: Gia Định và Đồng Nai với tư cách là những tỉnh - thành chưa bao giờ tồn tại cùng một lúc! Có Gia Định thì không có Đồng Nai, có Đồng Nai thì không có Gia Định!
Thời nhà Nguyễn độc lập, miền Nam Việt Nam có 6 tỉnh và thường được gọi là Nam kỳ lục tỉnh. 6 tỉnh đó là: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.

Nam kỳ lục tỉnh, thời kỳ ổn định 1841-1862. Ảnh: Wikipedia Chú ý rằng thời kỳ này có tỉnh Gia Định, nhưng không có tỉnh Đồng Nai mà chỉ có tỉnh Biên Hòa thôi.
Thời kỳ người Pháp xâm chiếm nước ta, họ chia lại 6 tỉnh Nam kỳ thành 21 tỉnh. Tỉnh Gia Định được chia thành 5 tỉnh: Gia Định, Chơ Lớn, Tân An, Tây Ninh, Gò Công. (vẫn tồn tại địa danh Gia Định). Tỉnh Biên Hòa được chia thành 4 tỉnh: Biên Hòa, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Cap Saint Jacques (vẫn không hề có địa danh Đồng Nai).
Từ đó cho đến 1954, có một vài điều chỉnh nho nhỏ, nhưng vẫn luôn luôn tồn tại tỉnh Gia Định và không hề có tỉnh Đồng Nai.
Thời Việt Nam Cộng Hòa, Nam phần (Nam bộ) được chia thành 22 tỉnh và đô thành Sài Gòn theo sắc lệnh 143-NV ngày 22/10/1956 như sau:
- Phước Long
- Bình Long
- Biên Hòa
- Long Khánh
- Bình Dương
- Bình Tuy
- Phước Tuy
- Gia Định
- Long An
- Tây Ninh
- Định Tường
- Kiến Tường
- Kiến Phong
- Kiến Hòa
- Trà Vinh
- Vĩnh Long
- An Giang
- Phong Dinh
- Kiên Giang
- Ba Xuyên
- An Xuyên
- Côn Sơn
Như vậy vẫn còn tỉnh Gia Định và vẫn không hề có tỉnh Đồng Nai! Các thay đổi từ 1957 đến 1975 như sau: - Năm 1957, Trà Vinh đổi tên thành Vĩnh Bình.
- Phước Thành, thành lập năm 1959, bãi bỏ năm 1965
- Chương Thiện, thành lập năm 1961
- Gò Công - 1963
- Hậu Nghĩa - 1963
- Châu Đốc - 1964
- Bạc Liêu - 1964
- Sa Đéc - 1966
- Năm 1965, bỏ tỉnh Côn Sơn
Từ 1966 đến 1975, Nam bộ có 27 tỉnh và 1 biệt khu Thủ đô (tức Đô thành Sài Gòn). Vẫn có tỉnh Gia Định và vẫn không hề có tỉnh Đồng Nai! 
Bản đồ hành chính Nam Việt Nam năm 1967
Sau 1975, như chúng ta đã biết, Sài Gòn - Gia Định được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh với các quận, huyện, phường... Địa danh Gia Định hoàn toàn biến mất, và không được đặt cho bất kỳ đơn vị hành chính nào tại TPHCM! Cùng lúc đó, tỉnh Đồng Nai được thành lập trên cơ sở tỉnh Biên Hòa và Long Khánh cùng một phần tỉnh Phước Tuy. Từ 1975 đến nay về mặt địa giới hành chính có thay đổi nhưng tên gọi tỉnh Đồng Nai vẫn tồn tại mãi đến tận bây giờ. Như vậy, hễ có Đồng Nai thì sẽ không có Gia Định! Câu ca dao Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về nghe rất thân thương, nghe rằng Gia Định và Đồng Nai rất gần gũi. Mà gần gũi thật vì Đồng Nai và TPHCM ở cạnh bên nhau mà. Thế nhưng từ gần 200 năm nay kể từ thời nhà Nguyễn đặt tên cho Nam kỳ lục tỉnh chưa bao giờ tồn tại 2 cái tên Gia Định và Đồng Nai cùng một lúc. Có Gia Định thì không có Đồng Nai, và ngược lại. Gia Định và Đồng Nai như 2 kẻ không đội trời chung vậy! |
|