Nguồn
gốc của địa danh “Đồng Nai” vẫn chưa
rõ. Dân gian quen giải thích do cánh đồng
có nhiều nai (cùng cấu trúc gọi tên các địa danh: Hố Nai, Đồng Hươu, Rạch Nai, Bàu Nai, Mũi Nai...). Cũng có ý kiến
cho rằng Đồng trong Đồng Nai là cách gọi biến âm từ chữ Đờng trong Đạ Đờng (Sông Cái) của người Mạ; bởi vì còn có rất nhiều tên gọi
khác bắt nguồn từ chữ Đồng (Đờng?) mà không phải là cánh Đồng: Đồng Tranh, Đồng Môn, Đồng Tràm, Đồng Trường...
TS Lê
Trung Hoa cho rằng địa danh Đồng Nai xuất hiện lần đầu tiên bằng chữ quốc ngữ
năm 1747 trong một báo cáo về giáo
dân Nam bộ của Launay gởi cho giáo hội Công giáo; lúc đó âm “Ông” được ký hiệu là “ou” hoặc “oũ”. Theo tài liệu của Trương Bá Cần,
trong một bản tường trình của thừa sai Gouge viết năm 1701, thân sinh của linh
mục Laurent cùng với một số người trong gia đình đã đến vùng Dou-Nai (Đồng Nai)
khai phá, cày cấy từ 29 năm trước. Thư của giám mục phó Labbé gởi Ban giám đốc
Chủng viện Truyền giáo nước ngoài đề ngày 24.7.1710, có đoạn: “Có một miền gọi là Dou-Nai (Đồng Nai) ở giữa
Cao Miên và Chiêm Thành đây là một vùng đồng bằng, đất tốt, khá rộng và dài,
rừng rậm, cây to, nơi mà người Đàng Trong đến lập nghiệp từ 35 hay 40 năm nay”. Như vậy, từ đầu thế
kỷ XVIII, địa danh Đồng Nai đã được các nhà truyền giáo ghi chép từ tên gọi dân
gian đã phổ biến trước đó nhiều chục năm. Về sau, địa danh Đồng Nai được khẳng định vừa bằng chữ Nôm, vừa bằng chữ quốc ngữ
trong tự điển Ditionarium Anamitico -
Latium (Tự điển An Nam - La tinh)
của Pigneau de Béhaine ấn hành năm 1772. Tên gọi Đồng Nai trong tác phẩm của các tác giả Lê Quí Đôn (Phủ biên tạp lục, 1776) Trịnh Hoài Đức (Gia Định thành thông chí, 1820); Huỳnh
Tịnh Của (Đại Nam Quốc âm tự vị, 1895 -
1896)... được ký hiệu bằng chữ Nôm hoặc Hán làm xuất hiện nhiều tên gọi
khác: Lộc Dã, Lộc Động, Nông Nại. Lộc Dã
(cánh đồng có nhiều Nai) là cách phiên nghĩa sang chữ Hán. Lộc Động có lẽ vừa phiên nghĩa, vừa chú âm (Lộc dịch chữ Nai; Động chú âm chữ Đồng). Nông Nại chắc là
trại âm từ Đồng Nai mà theo Trịnh Hoài Đức khi đi sứ sang Thanh quốc thấy người
Hoa dùng chữ Nông Nại Đại Phố để gọi
Cù Lao Phố.
Trong
dân gian, không rõ tự bao giờ tên gọi Đồng
Nai đã được dùng để chỉ vùng đất khai phá trù phú, rộng lớn, không phân
định rõ địa giới, gắn liền với con sông cùng tên gọi ở phương Nam. Khi nói về
sản vật, Trịnh Hoài Đức đã sử dụng phương ngôn dân gian trong Gia Định Thành thông chí: Cơm Nai Rịa; Cá Rí Rang (cơm gạo thì ở
Đồng Nai, Bà Rịa; cá ngon thì ở Phan Rí, Phan Rang). Người địa phương tự hào: Gạo Cần Đước nước Đồng Nai; Nhất Đồng Nai
nhì Hai huyện. Khi nói đến sự lịch lãm, từng trải:
Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân cũng trải Đồng Nai
cũng từng
Khi thề
nguyền, người ta dẫn ra những biểu tượng bền vững:
Bao giờ cạn nước Đồng Nai
Nát chùa Thiên Mụ mới phai lời
nguyền.
Vùng
đất Đồng Nai mênh mông, trù phú này, có hấp lực thú vị đối với người phương xa:
Nhà Bè nước chảy phân hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì
về.
Đồng Nai gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn
về.
Đồng Nai gạo trắng như cò
Trốn cha trốn mẹ xuống đò theo
anh.
Lại có
những câu hát vui:
Đồn rằng con gái Phú Yên
Đồng Nai đi cưới một thiên cá
mòi
Chẳng tin giở quả ra coi
Rau răm ở dưới cá mòi ở trên
Nồi đồng thì úp vung đồng
Con gái Xứ Bắc lấy chồng Đồng
Nai.
Chị Hươu đi chợ Đồng Nai
Bước qua Bến Nghé còn nhai thịt bò.
Cứ theo
tâm thức dân gian và miêu tả của Lê Quí Đôn, Đồng Nai là xứ sở trước đây bao
gồm cả Nam bộ, từ Cửa Đại, cửa Tiểu, Soài Rạp đến thượng nguồn sông Băng Bột
(thuộc Tây Ninh ngày nay).
Đến năm
1976, khi thống nhất đất nước, Đồng Nai được đặt tên cho đơn vị hành chính cấp
tỉnh: Tỉnh Đồng Nai; sau nhiều lần thay đổi địa giới hành chính còn là tỉnh
Đồng Nai hiện nay.