Thời kỳ 1945 - 1954, địa giới hành chính Biên Hòa lại thay đổi vì mục đích quân sự. Năm 1951, quận Bà Rá đổi thành quận Sông Bé và nhập về tỉnh Thủ Dầu Một; trong khi đó chính quyền cách mạng nhập hai tỉnh Biên Hòa và Thủ Dầu Một thành tỉnh Thủ Biên; Bà Rịa và Chợ Lớn thành tỉnh Bà Chợ (trong đó có huyện Long Thành thuộc tỉnh Biên Hòa) để tiện cho hoạt động kháng chiến. Từ năm 1957, chính quyền Mỹ-Diệm chia Biên Hòa thành 2 tỉnh: Biên Hòa và Long Khánh; lúc đó tỉnh Biên Hòa gồm 4 quận (Châu Thành, Dĩ An, Long Thành, Tân Uyên); năm 1959, chính quyền Sài Gòn lập tỉnh Phước Thành gồm 3 quận: Hiếu Liêm, Tân Uyên, Phú Giáo đến tháng 7 năm 1965 thì giải thể; năm 1960, đặt quận Nhơn Trạch tách từ quận Long Thành và 1963 tách 1 phần quận Châu Thành lập quận Công Thanh; tỉnh Long Khánh có 2 quận (Xuân Lộc và Định Quán); đến năm 1967, tỉnh Long Khánh có thêm quận Kiệm Tân. Về phía cách mạng, tháng 5 năm 1955, tỉnh Thủ Biên tách thành 2 tỉnh: Biên Hòa và Thủ Dầu Một; sau đó (Tháng 10 năm 1960 đến tháng 3 năm 1963) tỉnh Biên Hòa lại tách thành 2 tỉnh: Biên Hòa và Long Khánh. Tháng 9 năm 1960 lập lại tỉnh Thủ Biên gồm Biên Hòa và Thủ Dầu Một; đến tháng 7 năm 1961 tách Thủ Biên thành 3 tỉnh: Biên Hòa, Thủ Dầu Một và Phước Thành. Từ tháng 3 đến tháng 12 năm 1963, 3 tỉnh Biên Hòa, Long Khánh, Bà Rịa nhập thành tỉnh Bà Biên. Tháng 12 năm 1963 đến tháng 10 năm 1966, tỉnh Bà Biên tách trở lại thành 3 tỉnh: Biên Hòa, Bà Rịa, Long Khánh; tháng 10 năm 1967, Bà Rịa và Long Khánh hợp thành tỉnh Bà Rịa - Long Khánh. Từ tháng 1 năm 1965, thị xã Biên Hòa thành đơn vị U1 trực thuộc Trung ương Cục miền Nam. Tháng 5 năm 1971, U1 nhập với Phân khu 5 thành Phân khu Thủ Biên; đến tháng 10 năm 1972, lập lại tỉnh Biên Hòa và tỉnh Bà Rịa - Long Khánh cho đến ngày giải phóng. Từ tháng 10 năm 1973, có thêm tỉnh Tân Phú do Trung ương cục thành lập. Đến năm 1976, tỉnh Đồng Nai được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 tỉnh: Biên Hòa, Bà Rịa - Long Khánh, Tân Phú. Từ năm 1978 đến nay thêm nhiều lần điều chỉnh đơn vị hành chính cấp huyện: Sát nhập huyện Duyên Hải (Cần Giờ) vào thành phố Hồ Chí Minh (1978), thành lập Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo gồm: Thị xã Vũng Tàu, xã Long Sơn và huyện Côn Đảo (1979), lập huyện Trường Sa trước thuộc huyện Long Đất, sau thuộc Khánh Hòa (1982) rồi Nha Trang (1994); thành lập thị xã Vĩnh An (1985) rồi trở lại huyện Vĩnh Cửu (1994); chia huyện Xuân Lộc thành hai huyện: Long Khánh và Xuân Lộc (1991); chia huyện Tân Phú thành hai huyện mới: Tân Phú và Định Quán (1992), 3 huyện Châu Thành, Long Đất, Xuyên Mộc nhập với Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo thành tỉnh mới Bà Rịa -Vũng Tàu (1991); chia huyện Long Thành thành hai huyện: Long Thành và Nhơn Trạch (1994). Hiện nay, tỉnh Đồng Nai gồm thành phố Biên Hòa (đô thị loại II) và 8 huyện: Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Long Khánh, Long Thành, Nhơn Trạch với diện tích 5.866,4 km2. Theo Niên giám thống kê (xuất bản năm 1997), thời điểm 1/1/1996, dân số Đồng Nai có 1.905.638 người, trong đó: 937.574 nam, 968.064 nữ; 552.063 người sống ở khu vực thành thị, 1.353.575 người sống ở khu vực nông thôn; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 2,45% năm 1990 giảm còn 2,00% năm 1995 ([1][1]). ([1][1]) Kết quả điều tra dân số ngày 1/4/1999; Đồng Nai có 408.385 hộ với 1.989.541 khẩu; trong đó 993.039 nam, 996.502 nữ; 1.382.413 người sống ở khu vực nông thôn chiếm 69,5%. Mười năm qua, kể từ ngày 1/4/1989, dân số Đồng Nai tăng 27,26%, bình quân hàng năm tăng 2,72%; tỉ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 1,80% năm 1998. Theo Địa chí Đồng Nai Ghi chú: các huyện ở Đồng Nai như nêu trên được ghi tại thời điểm 1999. Thông tin mới cập nhật về hành chính tỉnh Đồng Nai xin xem tại đây. |
Địa lý & Dân cư >