đăng 06:00 11 thg 10, 2019 bởi Pham Hoai Nhan
Có sông nước, có rừng ngập mặn, có nhiều địa danh gắn với các chiến công trong lịch sử và đặc biệt có nhiều món ăn ngon, thức uống nổi tiếng..., Nhơn Trạch là nơi hội tụ nhiều tiềm năng phát triển du lịch.

Khách du lịch trải nghiệm các trò chơi ở Khu du lịch sinh thái Bò Cạp Vàng (xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch). Ảnh: H.Lộc
Lợi thế du lịch sông nước
Là nơi hội tụ của nhiều dòng chảy như: sông Đồng Nai, sông Soài Rạp, sông Thị Vải, sông Lòng Tàu, sông Cái, sông Đồng Tranh... trong đó lớn nhất là sông Đồng Nai, đã tạo cho Nhơn Trạch những vùng có cảnh quan thiên nhiên đẹp, cây cối xanh mát, không khí trong lành, thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái sông nước.
Làng du lịch sinh thái Tre Việt (xã Phú Hữu) là điểm dừng chân không thể thiếu của du khách khi đến Nhơn Trạch. Bao quanh Làng du lịch sinh thái Tre Việt là sông nước, những rặng dừa cao vút chạy dài với lối kiến trúc xây dựng hoàn toàn bằng tre gần gũi và mộc mạc.
Ngoài việc tận hưởng không khí trong lành, phong cảnh đẹp, đến đây, du khách còn được trải nghiệm các trò chơi sông nước mà rất ít khu du lịch khác có được như: chèo thuyền thúng trên sông, đi xe đạp nước, các trò chơi trên cát... Điểm đặc biệt của ẩm thực Làng Tre Việt chính là món ăn thường ưu tiên sử dụng những nguyên liệu “cây nhà lá vườn” như: bánh xèo, bánh cuốn tôm thịt, các món súp, rau rừng luộc ăn với cơm trắng và cá kho tộ, gà nướng, cá lăng nướng...
Bà Nguyễn Thị Diễm Trang, Phòng Kinh doanh Khu du lịch Làng Tre Việt cho biết: “Tre Việt khai thác du lịch từ lợi thế thiên nhiên, do đó, không gian bài trí, cung cách phục vụ của nhân viên đều hướng đến sự gần gũi với thiên nhiên và thoải mái nhất cho du khách".
Một điểm đến nổi tiếng khác ở Nhơn Trạch là Khu du lịch sinh thái Bò Cạp Vàng (xã Phước Khánh). Đây là khu du lịch do một nhà giáo về hưu đầu tư và đưa vào khai thác từ năm 2009. Khu du lịch có quy hoạch gần 20 hécta, với nhiều hạng mục công trình đang và sắp triển khai. Trung bình mỗi năm, khu du lịch đón khoảng 150 ngàn lượt du khách trong và ngoài tỉnh.
Ngoài các trò chơi mang đậm dấu ấn sông nước như: chèo thuyền, bơi sông, máng trượt, nhảy cầu, ở Bò Cạp Vàng còn có nhiều trò chơi cảm giác mạnh như: leo núi trên sông, đua xe địa hình... Về ẩm thực, các món miệt vườn: cá lóc nướng trui, gà nướng thố, sườn quay lu, bạch tuộc nướng muối ớt là những món ngon nổi tiếng ở khu du lịch này. Điều đặc biệt ở Bò Cạp Vàng là giá vé khá rẻ, du khách sẽ được miễn phí nhiều dịch vụ, một số dịch vụ có thu tiền nhưng rất thấp.
Cũng giống với Tre Việt, Khu du lịch sinh thái Bò Cạp Vàng thiên về yếu tố tự nhiên. Ông Nguyễn Việt Tiến, Giám đốc Công ty TNHH du lịch sinh thái Bò Cạp Vàng cho biết, trong tương lai, khu du lịch sẽ có các nhà đầu tư nước ngoài tham gia, có thêm dịch vụ lưu trú và nghỉ dưỡng trung và cao cấp tại chỗ. Tuy nhiên, yếu tố thuần túy thiên nhiên vẫn được coi trọng và giữ gìn để tạo bản sắc riêng cho khu du lịch và phù hợp với không gian sông nước xung quanh.
Ngoài các điểm du lịch đang khai thác, đến Nhơn Trạch, du khách còn có thể đi tour rừng ngập mặn ở Phước An. Với tour này, du khách thuê xuồng để trải nghiệm cảm giác đi giữa hai hàng đước xanh mát, tham quan các bè nuôi trồng thủy sản. Từ đây, du khách cũng có thể đến tham quan Chiến khu Rừng Sác - một địa danh lịch sử gắn liền với chiến công lừng lẫy của bộ đội đặc công miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tham quan nhà truyền thống và tìm hiểu về lịch sử.
Khai thác tốt tiềm năng
Sự phong phú về ẩm thực cũng là lợi thế để Nhơn Trạch khai thác, phát triển du lịch. Huyện Nhơn Trạch nổi tiếng với các món ăn hấp dẫn như: bánh hỏi, bánh bèo ở xã Phú Hội, hạt sen ở xã Long Tân. Ngoài ra còn có các món ăn đặc sản nước lợ như: cá nâu nướng, chem chép hấp, bạch tuộc nhúng mẻ, rau chạy xào tỏi hoặc nấu cháo lươn, tôm chua Phước An, trà Phú Hội...

Du khách đi thuyền thăm quan khu nuôi trồng thủy sản Phước An. Ảnh: H.Lộc Lợi thế về thiên nhiên, ẩm thực và đặc biệt là giao thông là điều kiện quan trọng để Nhơn Trạch phát triển ngành “công nghiệp không khói” này. Các dự án giao thông kết nối Nhơn Trạch với TP.Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang được triển khai. Trong tương lai, cầu Cát Lái hoàn thành sẽ rút ngắn quãng đường và tạo thuận lợi lớn cho du khách đến với Nhơn Trạch. Đây là yếu tố quan trọng để Nhơn Trạch khai thác và mời gọi các nhà đầu tư làm du lịch tại địa phương.
Theo ông Lương Hữu Ích, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, du lịch ở Nhơn Trạch hiện chủ yếu là du lịch sinh thái như: Bò Cạp Vàng (xã Phước Khánh), Bằng Lăng Tím, Hương Đồng (xã Vĩnh Thanh), Tre Việt (xã Phú Hữu)..., làng bè Phước An cũng đang phát triển nuôi trồng thủy sản kết hợp với du lịch tại chỗ.
Bên cạnh đó, có các khu di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia: Địa đạo Nhơn Trạch (xã Long Thọ), Địa đạo Giồng Sắn (xã Phú Đông), Sở Chỉ huy đặc công Rừng Sác (xã Phước An) cũng đang thu hút lượng khách tham quan nhất định. Ngoài ra còn có 3 di tích cấp tỉnh: đình Phú Mỹ (xã Phú Hội), đình Phước Thiền (xã Phước Thiền), địa điểm diễn ra trận đánh Lữ đoàn Mãng Xà Vương Thái Lan (xã Long Thọ) và hơn 120 di tích lịch sử phổ thông, đền chùa, miếu cổ.
Cũng theo ông Ích, trong tương lai, các dự án giao thông kết nối hoàn thiện, trên địa bàn huyện sẽ hình thành các khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp như Khu đô thị du lịch sinh thái xã Đại Phước, Khu đô thị nghỉ dưỡng tại xã Phú Đông, các khu dân cư có dịch vụ vui chơi giải trí đi kèm. Hiện Nhơn Trạch có hơn 60 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú với 450 phòng.
Để khai thác tiềm năng du lịch của “thành phố mới”, huyện Nhơn Trạch đang đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch; đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, đặc biệt du lịch đường sông; kêu gọi và khuyến khích các nhà đầu tư làm du lịch theo quy hoạch. Tuy nhiên, huyện không phát triển "nóng" du lịch mà ưu tiên bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa. Cùng với đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác du lịch, phục vụ các khu du lịch.
Ông Lương Hữu Ích, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch cho rằng, huyện có nhiều tiềm năng, nếu được đầu tư bài bản, ngành công nghiệp không khói của địa phương sẽ phát triển mạnh, thu hút nhiều hơn du khách đến với Nhơn Trạch. Về định hướng phát triển, Phó chủ tịch UBND huyện cho rằng, tương lai du lịch sẽ trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế các xã ven sông, tăng nguồn thu cho địa phương. |
Hoàng Lộc |
đăng 01:00 25 thg 1, 2019 bởi Pham Hoai Nhan
Núi Chứa Chan thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, là ngọn núi cao thứ 2 khu vực Nam Bộ, với độ cao 837m so với mực nước biển. Đây là điểm đến thú vị cho những bạn yêu thích trekking, tôi luyện sức khỏe.
Núi Chứa Chan còn có nhiều tên gọi khác như núi Gia Ray, Gia Lào. Cách TP.HCM khoảng 110km, mất 3 giờ chạy xe máy, đây là sự lựa chọn thích hợp cho chuyến đi cuối tuần, địa điểm lý tưởng cho những bạn thích cắm trại qua đêm để ngắm bình minh vào sáng hôm sau.

Để leo núi Núi Chứa Chan có 2 đường chính: đường Chùa và đường cột điện. Bọn mình quyết định sẽ kết hợp cả 2 cung đường trong cùng một chuyến đi theo cách "lên Chùa - xuống cột" - nghĩa là leo lên theo đường Chùa và xuống bằng đường cột điện.
Lưu ý: Nếu leo bằng đường cột điện, các bạn gửi xe rồi đi men theo con đường nhỏ bên cạnh quán nước để lên núi, bắt đầu đếm cột điện đầu tiên là cột số 20 nhé (không phải số 01). Có tổng cộng 145 cột điện. Kinh nghiệm của mình là cứ men theo đường cột điện để tránh bị lạc.
1. Chuẩn bị
- Nước uống: khoảng 2 lít nếu đi trong ngày, và từ 3 - 4 lít nếu ngủ qua đêm.
- Đồ ăn nhẹ: cam, quýt, bánh kẹo…
- Đồ ăn chính: xúc xích, xôi, bánh tét hoặc các bạn cũng có thể mang theo đồ nướng BBQ, nấu cơm, cháo tùy thích.
- Đồ dùng y tế: thuốc đau bụng, hạ sốt, nhức đầu, bông băng, thuốc đỏ, dầu gió...
- Trang phục: mặc đồ thoáng mát, nhẹ nhàng và co giãn tốt.
- Mang thêm lều, bạt, áo lạnh nếu có dự định ngủ qua đêm trên núi. Ban đêm trên núi rất lạnh.
- Một số thứ cần thiết như: khăn quàng cổ, nón (mũ), găng tay, bao ống tay, giầy leo núi, đèn pin, sạc dự phòng, bật lửa, dao đi rừng, áo mưa...
- Đặc biệt cần có một người dẫn đường có kinh nghiệm để tránh bị lạc đường.
2. Di chuyển

Để đến núi Chứa Chan bạn có thể chọn một trong hai phương tiện là xe khách hoặc xe máy.
- Xe khách: Từ bến xe Miền Đông (TP.HCM), các bạn mua vé xe đi Đức Linh, Bình Thuận. Xuống xe ở cổng chào núi Chứa Chan, bắt xe ôm để đi thêm 3km vào chân núi.
- Xe máy: Nếu xuất phát từ TP.HCM, các bạn đi theo hướng về Suối Tiên, tiếp tục đi thẳng về hướng cầu Đồng Nai. Vừa qua cầu Đồng Nai và trạm thu phí, bạn rẽ tay phải để vào đường Võ Nguyên Giáp, đi đường này sẽ ngắn hơn so với đường qua TP.Biên Hòa. Cuối đường Võ Nguyên Giáp, bạn rẽ phải để vào lại QL1A. Từ đây bạn chạy thẳng một mạch qua huyện Trảng Bom, qua ngã tư Dầu Giây, đi qua thị xã Long Khánh khoảng 25km tới ngã ba Ông Đồn thì rẽ tay trái vào đường Hùng Vương (DT766). Chạy thêm một đoạn nữa bạn sẽ thấy biển hướng dẫn vào khu du lịch núi Chứa Chan, cứ đi theo đường này sẽ đến chân núi.
3. Chinh phục

Xuất phát từ chân núi, leo đường Chùa bạn chỉ việc đi theo bậc thang, có một số đoạn dốc cao, nhưng đa phần là dễ đi.
Trên đường có rất nhiều hàng quán, bày bán đủ các loại đặc sản. Nhiều nhất có lẽ là món chuối ngào đường và bánh xèo.

Đến Chùa Đức Vân, bạn nên tranh thủ nghỉ ngơi và mua thêm nước nếu cần vì qua khỏi chùa sẽ không còn hàng quán nào nữa.
Tiếp tục men theo đường mòn, đi một đoạn bạn sẽ gặp con suối nhỏ, người ta gọi đây là Suối Tôm. Sau khi băng qua vườn điều của người dân, đã thấm mệt, nên dừng lại nghỉ ngơi dưới bóng mát. Những chai nước ướp lạnh lúc này thật sự quý báu.
Dưới cái nắng oi bức, bọn mình tranh thủ nghỉ ngơi ăn trưa tại một gốc đa đại thụ.


Những ngọn cỏ lau bắt đầu xuất hiện, đỉnh núi dần dần hiện ra trước mắt.




Đỉnh núi đây rồi! Thỏa mãn với cảm giác vượt qua giới hạn của bản thân. Mặc dù thấm mệt vì nắng nóng nhưng anh em cũng rất hăng say tạo dáng "sống ảo". Sau khi đã chụp ảnh và nghỉ ngơi, nhóm mình quyết định xuống núi theo đường cột điện. Lúc đầu đường đi khá bằng phẳng, qua những cánh rừng tre trúc um tùm, xanh mướt.
Càng xuống, đoạn đường càng dốc hơn, có những đoạn dốc khoảng 45 độ, có lúc phải dùng cả tứ chi để di chuyển trên đá.

Lưu trúMuốn nghỉ đêm ở khu vực chân núi, bạn có thể tìm nhà nghỉ rất dễ dàng ở trung tâm huyện Xuân Lộc. Khu cổng chính lên chùa của khu du lịch núi Chứa Chan có rất nhiều chỗ nghỉ bình dân cho khách hành hương.Nếu muốn ở lại qua đêm trên núi, bạn có thể cắm trại trên đỉnh. Có khá nhiều khu vực bằng phẳng thích hợp để dựng lều trại.Chuối ngào đường, sương sáo và bánh xèo được bày bán rất nhiều trên đường từ chân núi đến Chùa. Ngoài ra, sau khi hoàn thành chuyến leo núi, bạn có thể thưởng thức các món lẩu và nướng từ thịt dê - đặc sản ở vùng núi Gia Lào, các món giá trung bình khoảng 100.000 đồng một món.- Núi Chứa Chan (Đồng Nai) nhìn chung dễ đi hơn, cảnh đẹp hơn núi Bà Đen (Tây Ninh).
- Đường cột điện có những đoạn khá dốc, nhưng bù lại được bao phủ bởi nhiều cây nên khá mát mẻ.
- Thông thường bạn sẽ mất khoảng 3-4 giờ để lên tới đỉnh và khoảng 1 giờ 30 phút -2 giờ 30 phút để đi xuống.
- Núi Chứa Chan là điểm đến lý tưởng vào cuối tuần, phù hợp cho những bạn có sở thích khám phá núi rừng và hòa mình cùng thiên nhiên.
- Nên chọn những ngày nắng đẹp để thực hiện chuyến leo núi, nếu mắc mưa trên núi sẽ rất vất vả.
- Đừng quên thu dọn rác sau khi sinh hoạt xong các bạn nhé.
Chúc các bạn có chuyến đi an toàn và vui vẻ khi leo núi Chứa Chan!
TÔ HÙNG KHÁNH |
đăng 05:45 23 thg 11, 2018 bởi Pham Hoai Nhan
Trải
qua 320 tuổi, vùng đất Đồng Nai đã để lại nhiều di tích lịch sử gắn
liền với sự phát triển của Nam Bộ nơi đây có phù sa màu mỡ do sông Đồng
Nai bồi đắp cho cây trái tươi tốt quanh năm. Đồng Nai cũng nổi tiếng với
hồ Trị An, diện tích rộng lớn nhiều tôm cá. Về Đồng Nai để thăm chiến
khu Đ nơi ghi dấu những chiến tích hào hùng của dân tộc trong hai cuộc
chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Cách
thành phố Hồ Chí Minh chỉ 30 km. Giờ đây Đồng Nai là điểm đến quen
thuộc của dân phượt thành phố yêu thiên nhiên, thích khám phá những điều
mới lạ để rời xa thành phố ồn ào náo nhiệt, thả hồn vào thiên nhiên với
sông nước mênh mông mây trời lộng gió.

Đến
hồ Trị An bạn sẽ choáng ngợp bởi sự mênh mông của nó. Hồ được hình
thành do việc chặn thượng nguồn sông Đồng Nai phục vụ cho thủy điện Trị
An. Thuộc địa giới của 4 huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất, Định
Quán, rộng hơn 32.400 ha, với 72 hòn đảo lớn nhỏ tạo nên một phong cảnh
hấp dẫn và lãng mạn cho du khách tham quan du thuyền. Đây là nơi lý
tưởng để du khách tham gia các môn thể thao như dù kéo, cano trượt nước;
nghỉ dưỡng trên các hòn đảo giữa hồ; tham quan các làng nuôi cá bè, câu
cá giải trí...

Không
chỉ có vậy, du khách còn có thể du ngoạn trên hồ Trị An vào mùa nước
nổi, ghé qua làng cá bè La Ngà, Suối Tượng để tìm hiểu các mô hình nuôi
cá bè của ngư dân. Thú vị hơn khi du khách được cùng ngư dân khai thác
thủy sản trên hồ và tự chế biến những món ăn dân giã như cá nướng, cá
nấu canh chua…

Ngoài
ra, du khách có thể nghỉ lại qua đêm hoặc tổ chức hội trại trên Đảo Ó -
Đồng Trường - hồ Trị An. Bên cạnh đó, du khách có thể trải nghiệm đạp
xe đạp vào Khu di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia - địa danh lịch sử
quan trọng trong suốt hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ để
dâng hương viếng các anh hùng - liệt sĩ, tham quan Nhà truyền thống, Đền
thờ liệt sĩ nghĩa trang Mã Đà, nơi làm việc của các Ban: Giao bưu,
Thông tấn xã, Đài phát thanh giải phóng, Sư đoàn 9…

Rời
Khu di tích Khu ủy miền Đông du khách sẽ tham quan Nhà Dài dân tộc Chơ
ro. Nơi đây trưng bày hơn 100 hình ảnh tư liệu và 50 hiện vật phản ánh
các hoạt động về phong tục, tập quán, tín ngưỡng của người dân tộc Chơ
ro.
Thiên nhiên – Văn
hóa từ vùng đất Mã Đà Sơn Cước phong phú, đậm chất lịch sử, văn hóa. Hãy
ghé thăm để cảm nhận, khám phá và trải nghiệm bạn nhé.
MRĐ |
đăng 05:15 23 thg 7, 2018 bởi Pham Hoai Nhan
Nhắc đến việc di chuyển bằng tàu hỏa (xe lửa), chắc chắn đại đa số người dân sẽ nghĩ đây là phương tiện di chuyển phù hợp cho các chuyến đi xa ra các tỉnh miền Trung hoặc miền Bắc hoặc chí ít là Phan Thiết. Thực tế chúng ta vẫn có thể chọn phương tiện này cho các chặng ngắn (trên dưới 30 km) từ Biên Hòa đi Bình Dương (ga Dĩ An), thành phố Hồ Chí Minh (ga Sài Gòn ) thậm chí là thị xã Long Khánh (ga Long Khánh) và ngược lại.

Với các tiện ích như Mua vé tàu online bạn có thể đặt vé tàu mọi lúc mọi nơi ngoài ra các thông tin về Hành trình, Kiểm tra vé, Giờ tàu – Giá vé, Chương trình Khuyến mãi,... tất cả thông tin dễ dàng được tìm kiếm một cách nhanh chóng trên website của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Tác giả cũng đã thử trải nghiệm một chuyến hành trình ngắn bằng tàu hỏa đi từ ga Biên Hòa đến ga Long Khánh, với giá vé là 33.000 đồng, thời gian khởi hành và thời gian đến dự kiến chỉ xê dịch vài phút và cảm thấy rất hài lòng về phương tiện vận chuyển này. Với đội ngũ phục vụ tàu chuyên nghiệp và thân thiện, không gian ngồi thoải mái, bạn có thể tranh thủ sạc pin điện thoại, đọc sách, lướt web hoặc ngắm cảnh 2 bên đường tàu để cảm nhận từng chặng đường đi qua. Ngoài ra bạn còn được cung cấp nước khoáng, khăn lạnh miễn phí. Trên tàu cũng có phục vụ đồ ăn và thức uống ngoài ra còn cung cấp miễn phí nước nóng nếu như bạn chỉ cần 1 ly mì để lót dạ.

Một số thông tin cần thiết để bạn có thể tìm hiểu thêm về việc di chuyển bằng tàu hỏa:
- Website của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: https://dsvn.vn
- Địa chỉ ga Biên Hòa: đường Hưng Đạo Vương, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai.
- Địa chỉ ga Long Khánh: đường Hồng Thập Tự, phường Xuân An, thị xã Long Khánh, Đồng Nai.
Như vậy, bạn có thể bắt đầu cuộc hành trình đến với Long Khánh từ rất nhiều vị trí khác nhau như Biên Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương … Đây cũng là một trải nghiệm mới, mang đến nhiều thú vị cho du khách, những chặng du lịch ngắn sẽ tiện lợi hơn, an toàn hơn, thêm nhiều kỷ niệm ý nghĩa hơn cho chuyến du lịch của mình, bạn bè và người thân…
Thu Trang |
đăng 01:21 18 thg 7, 2018 bởi Pham Hoai Nhan
[
đã cập nhật 16:51 28 thg 1, 2020
]
Dầu Giây là thị trấn thuộc huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai ngày nay. Một địa danh gắn với thời kỳ lịch sử hào hùng, ghi dấu mốc của sự chiến thắng vẻ vang, là điểm gút giao thông trong sự phát triển của khu vực Đông Nam bộ.

Ngã ba Dầu Giây – Địa danh một thời oanh liệt, một thời vàng son Ngược dòng thời gian…
Trong chiến dịch Xuân Lộc, Dầu Giây là điểm trọng yếu nối Xuân Lộc với Biên Hòa. Quyết định ngừng tiến công các vị trí địch đang cố thủ trong thị xã, chuyển hoá thế trận, dùng “thế” để giải phóng Xuân Lộc, đánh chiếm Dầu Giây và Núi Thị là quyết định mang tính chiến thuật của Bộ chỉ huy chiến dịch Xuân Lộc.
Xuất phát từ nhận định: đối với toàn tuyến phòng thủ Sài Gòn của địch, Xuân Lộc chỉ có giá trị khi được nối liền với Biên Hòa, nên Bộ chỉ huy Chiến dịch và Quân đoàn 4 chủ trương lập thế trận mới, cô lập và cắt rời Xuân Lộc ra khỏi Biên Hòa bằng cách đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, cắt đường số 1, chặn quân địch từ Biên Hòa, Trảng Bom lên phản kích và đánh chiếm Tân Phong; cắt đường số 2 đi Bà Rịa…
Rạng sáng 15/4/1975, pháo 130 ly của ta bắt đầu bắn phá sân bay Biên Hòa, chặn khả năng địch tiếp ứng bằng không lực. Cùng lúc đó, bằng 5 trận vận động tập kích, Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95B đã tiêu diệt sinh lực của Chiến đoàn 52 ngụy, thu 12 khẩu pháo và toàn bộ xe tăng của Chi đoàn 3 thiết giáp, tại sở chỉ huy dã chiến của Chiến đoàn 52. Đường số 1 từ Xuân Lộc tới Bàu Cá bị cắt. Đoạn đường 20 cuối cùng từ Túc Trưng đến ngã ba Dầu Giây do ta làm chủ…
Cuộc tiến công Xuân Lộc được coi là một chuỗi các trận đánh ác liệt nhất, trong đó có trận chiến Dầu Giây. Chiếm được Dầu Giây, coi như quân ta đã phá được “ Bản lề” của “ Cánh cửa thép” Xuân Lộc. Từ đây, cửa ngõ đã được mở, quân giải phóng đã nhanh chóng tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Nhộn nhịp trong thời nay….
Ngày nay, địa danh Dầu Giây cũng được giới hướng dẫn viên du lịch lý giải khá thú vị. Có người cho rằng sỡ dĩ khu vực này có tên là "Dầu Giây" vì trước kia ở đây có nhiều cây Dầu, trên thân của nó có nhiều dây leo chằng chịt, rồi do phát âm sai nên "Dây" đọc thành "Giây". Một cách lý giải khác về địa danh này là vào năm 1954 một số giáo dân theo hai giáo phận Bùi Chu và Phát Diệm di cư vào khu vực miền Nam, đã an cư lạc nghiệp ở nơi này, họ đem theo mình những tập tục, thói quen trồng cây trầu tại khu mình sống. Vì thế ở đây xuất hiện rất nhiều cây trầu dây nhưng người Hà Nam Ninh phát âm "tr" thành "d, gi", do vậy trầu dây đọc thành Dầu Giây.
Với vị trí đắc địa, Dầu Giây đang hòa cùng với tốc độ phát triển đô thị hóa nhanh. Đồng thời đây cũng là nút giao thông tạo đà phát triển kinh tế, dịch vụ trong khu vực. Trên địa bàn thị trấn có 2 tuyến quốc lộ huyết mạch đi qua, đó là Quốc lộ 1A và Quốc lộ 20. Quốc lộ 20 có điểm khởi đầu tại ngã tư Dầu Giây. Tỉnh lộ DT769 cũng có điểm khởi đầu tại ngã tư Dầu Giây. Ngoài ra, có tuyến đường sắt Bắc Nam đi qua.

Tỉnh lộ 769, tỉnh Đồng Nai
Đồng thời, với những đường cao tốc đã đi vào hoạt động và đang trong giai đoạn triển khai xây dựng như: Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây là đường cao tốc nối Thành phố Hồ Chí Minh với Đồng Nai, có điểm đầu tuyến là nút giao thông An Phú, thuộc Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh và điểm cuối là nút giao thông Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Đoạn Long Thành – Dầu Giây thuộc hệ thống đường bộ cao tốc Bắc – Nam.

Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây Đường cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt là dự án đường cao tốc kết nối vùng Đông Nam Bộ với vùng Nam Tây Nguyên Việt Nam. Toàn bộ tuyến đường cao tốc dài khoảng 220 km, bắt đầu tại nút giao Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Đường cao tốc bao gồm đoạn Liên Khương – Prenn đã xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2008 và đoạn Dầu Giây – Liên Khương đang chuẩn bị xây dựng. Đường cao tốc thuộc quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Khi hoàn thành, đường cao tốc sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh Tây Nguyên.
Đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây là dự án đường cao tốc sắp khởi công thuộc tuyến đường cao tốc Bắc – Nam Việt Nam. Đường cao tốc này nối Đồng Nai với Bình Thuận, có điểm đầu tuyến tại Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận và điểm cuối là nút giao thông Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Đường cao tốc sẽ khởi công vào đầu năm 2017 và dự kiến hoàn thành vào năm 2021. Khi hoàn thành, đường cao tốc sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ…
Rồi dự án Cầu vượt Dầu Giây, hay Chợ đầu mối nông sản Dầu Giây, Khu công nghiệp Dầu Giây…Tất cả tạo nên sự nhộn nhịp, phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ của một vùng đất oanh liệt xưa kia.
Trong du lịch bằng đường bộ, khu vực Đông Nam bộ, địa danh này cũng được nhắc tới khá nhiều. Bởi đây là điểm gút, nơi giao của những nút giao thông trọng yếu. Nhiểu trạm dừng chân, điểm ăn uống được ưu tiên đầu tư tại khu vực này.
Với tiềm năng và động lực phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ, trong tương lai gần, nơi đây không chỉ là nút giao thông trọng điểm, quan trọng mà còn là điểm dừng chân đón du khách không thể thiếu của ngành du lịch các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bà Rịa Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh…
Mai Phương |
đăng 02:30 30 thg 6, 2018 bởi Pham Hoai Nhan
Nhà cổ Trần Ngọc Du là công trình có giá trị về mặt lịch sử và nghệ thuật kiến trúc. Nếu không có biện pháp bảo tồn, quản lý một cách bài bản, di tích này có nguy cơ bị quên lãng Chúng tôi đến thăm ngôi nhà cổ Trần Ngọc Du (phường Tân Vạn, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) vào một ngày đầu tháng 6. Ngôi nhà hơn trăm năm tuổi từng được UNESCO trao “Giải thưởng công trạng kiến trúc nhà Việt cổ” (năm 2004) và UBND tỉnh Đồng Nai xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh (năm 2005). Thế nhưng, di tích này đang rơi vào tình trạng “cửa đóng then cài” và có dấu hiệu xuống cấp.
Được kiến trúc sư Nhật trùng tu tỉ mỉ
Ngôi nhà do cụ Trần Ngọc Du (1862-1932), vốn là tri huyện Phước Chánh, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa (cũ) xây dựng từ năm 1900 trên mảnh đất hương hỏa của dòng tộc họ Trần, có tổng diện tích sử dụng khoảng 1.200 m2, mặt tiền hướng ra sông Đồng Nai, mặt hậu dựa lưng vào núi Sảnh, thuận theo thuyết bền vững của phong thủy. Nhà được xây dựng theo dạng nhà rọi, có 3 gian, 2 chái; mái lợp ngói âm dương, nền lót gạch tàu do cụ Trần Ngọc Du trực tiếp chỉ đạo toán thợ mộc Thủ Dầu Một và Biên Hòa vào rừng tuyển gần 200 cây gỗ quý các loại làm cột, xuyên, đòn tay, rui và xẻ ván để trang trí nội thất. Toàn bộ số gạch lát nền và ngói âm dương được đặt mua ở các lò gốm vùng Tân Vạn, đá tảng dùng kê chân cột được khai thác từ núi Sảnh. Riêng việc chạm trổ các họa tiết nơi cánh én, khuôn bông, đầu các vì kèo, cửa buồng, khánh thờ, bàn thờ theo các mô típ dân gian, như: tùng - lộc, cúc - bướm, trúc - mai... được làm rất cẩn trọng, tỉ mỉ trong suốt 2 năm.

Di tích nhà cổ Trần Ngọc Du

Bên trong nhà cổ Trải qua thăng trầm của thời gian, do tác động của tự nhiên, xã hội, từ năm 1965, khu nhà dưới bị sập hoàn toàn. Ngôi nhà cổ hiện nay chỉ là nhà trên. Năm 2002, Tổ chức Văn hóa và Phục hồi văn hóa của Nhật Bản (JICA) cùng Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa Nhật Bản (Showa Women’s University) tài trợ 800 triệu đồng để trùng tu và sửa chữa ngôi nhà cổ Trần Ngọc Du. Trong suốt 2 năm, ngôi nhà được kiến trúc sư Akiyoshi Ejima cùng các chuyên gia Nhật Bản trực tiếp trùng tu.
Theo bà Võ Ánh Tuyết (60 tuổi, vợ ông Trần Ngọc Bửu Hiệp, cháu gọi ông Trần Ngọc Du bằng cố nội, nay đã mất), người đang trông giữ nhà cổ, các chuyên gia Nhật Bản làm việc rất kỹ lưỡng, nghiêm túc. Họ lấy từng mẫu gỗ đưa về Nhật thử nghiệm. Đặc biệt các cột nhà, kèo, mái hiên… được phục chế hoàn toàn không “pha chế”, thậm chí không được đánh bóng bằng vécni. Những cây cột hư bọng có thể vá được thì đục khoét rồi dùng vật liệu cùng loại, cùng tuổi lắp vào để sau này khi chỗ vá xuống màu sẽ tiệp với màu cột cũ; cột nào quá nát mới phải thay cột mới. Phần nền được làm lại bằng lớp bê tông dày và lát lại gạch cũ đúng kiểu xưa. Phần vách được cấu ghép bằng những móc sắt, tráng xi măng và đổ bê tông trên phần đầu tường để giữ các đầu kèo. Riêng cửa trước đã bị mất, ông Akiyoshi Ejima cho làm cửa khung song vách phên tre, có thể tháo lắp dựa theo khuôn mẫu của nhà xưa ở các làng quê Nam Bộ.
Cửa đóng then cài
Bà Tuyết cho biết từ khi ngôi nhà cổ được công nhận là di tích thì chỉ “ồn ào” một thời gian ngắn, nhiều đoàn khách tò mò ghé tham quan nhưng đến một lần rồi thôi. Gần đây, hiếm hoi lắm mới có khách đến tham quan.
Được biết, năm 2007, thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động bảo tồn nhà cổ Trần Ngọc Du, cháu chắt cụ Trần Ngọc Du đã cải tạo khoảng sân trước của nhà cổ thành quán cà phê sân vườn nhằm phục vụ du khách tham quan. Kinh doanh cà phê không hiệu quả, họ chuyển sang bán quán nhậu. Tuy việc kinh doanh trong khuôn viên nhà cổ chỉ diễn ra thời gian ngắn nhưng cũng góp phần phá vỡ cảnh quan, biến khuôn viên thành một “bãi chiến trường” nhếch nhác. Hơn nữa, hậu duệ cụ Trần Ngọc Du hiện sống và sinh hoạt ngay trong ngôi nhà cổ nên du khách khi đến viếng thăm có cảm giác không thoải mái.
“Từ khi ngôi nhà được công nhận là di tích, gia đình phải tiếp nhiều đoàn khách du lịch, các nhóm khách đi lẻ đến tham quan nhưng không nhận được bất cứ nguồn kinh phí hỗ trợ nào từ phía nhà nước để có chi phí tu bổ ngôi nhà. Thậm chí, tấm bảng hiệu đặt ngoài đầu đường chỉ dẫn đường vào khu nhà cổ bị gãy đổ gần 1 năm nay cũng không có tiền dựng lại tấm bảng mới. Một số chân ghế, mặt bàn bị mối mọt đục thủng, gãy rụng, tôi cũng không biết kêu ai, báo ai để “xin” tiền sửa chữa...” - bà Tuyết trình bày. |
đăng 21:12 3 thg 6, 2018 bởi Pham Hoai Nhan
Quan niệm câu cá phải im lặng, tránh ồn ào trở nên quá sai lầm nếu như buông cần câu cá hoàng đế, loài cá ngoại lai, hung dữ, ăn tạp đang tung hoành ở hồ thủy điện Trị An gần 20 năm qua.

Cá hoàng đế nhìn có vẻ hung tợn như miệng rộng và khỏe, vây trên sống lưng to cứng. Lê Lâm Mặt trời lặn dần xuống phía chân cầu Mã Đà (xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai), cũng là lúc nhiều cần thủ từ phương xa đến hồ Trị An chọn làm bãi đáp, rồi... cởi đồ, lao xuống nước câu cá hoàng đế.
Cứ vào chiều chủ nhật, anh Trương Quốc Hùng (28 tuổi, ngụ Đồng Nai) có thói quen chạy xe máy vượt khoảng 50 km từ TP.Biên Hòa đến hồ Trị An câu cá hoàng đế. Vừa đến nơi, Hùng cởi đồ nhét lên xe, rồi cầm 2 chiếc cần câu tay (mỗi cần dài hơn 5 m), trầm mình xuống nước. Khi đi ra xa bờ cả chục mét, nước ngập đến ngực thì Hùng dừng lại, bắt đầu lấy cần móc mồi vào thả câu. Cần còn lại, Hùng đập mạnh liên hồi xuống mặt hồ khiến nước bắn tung tóe. Sau đó, Hùng liên tục lôi lên những con cá hoàng đế hung tợn bỏ vào giỏ, rồi tiếp tục đập nước.
Thấy tôi ngạc nhiên hỏi về cách ngâm mình dưới lòng hồ quẫy nước để câu cá, Hùng nửa đùa nửa thật: “Tại trời nóng quá nên mình xuống dưới này câu cho mát”. Rồi sau đó bật mí: “Để dụ cá hoàng đế tới đó mà. Loài này ăn động, mình đập như vậy nhằm tạo sự ồn ào thu hút nó bơi lại đớp mồi. Câu cá này sướng lắm, đớp một phát là lút phao luôn chứ không có nhấp nhấp như những loại cá khác. Còn thịt thì thơm, ngon, không có xương nhỏ, ăn rất béo”.
Theo nhiều "cao thủ" câu cá hoàng đế lâu năm trên lòng hồ Trị An, tuyệt chiêu đập cần xuống nước để dụ cá không biết xuất phát từ bao giờ và do "cao nhân" nào sáng tạo, nhưng xem ra rất có hiệu quả mà lại đơn giản nên lan truyền nhanh chóng.
Ông Lê Duy Phong (50 tuổi, ngụ xã Mã Đà) truyền bí kíp: "Hễ câu cá hoàng đế là phải đập cần, quẫy xuống nước thật mạnh, thậm chí nhảy xuống tắm cũng chả sao. Ai tắm cứ tắm, mọi người ở trên bờ vẫn thản nhiên buông cần và cá vẫn cắn câu. Nhưng anh phải rành kỹ thuật móc mồi à nghe. Mồi dùng câu cá hoàng đế là tép sống, người câu phải khéo léo móc lưỡi câu vào đuôi con tép ở khoảng đốt thứ 2 và 3 (tính từ đuôi lên) để tép còn sống. Có vậy khi thả xuống nước tép vẫn bơi, kích thích cá hoàng đế lao lại đớp, nếu tép chết thì cơ hội cá ăn không cao".

Anh Trương Quốc Hùng ngâm mình dưới nước để câu cá hoàng đế
Chèo ghe ra cồn mới 'cao thủ' Trong những ngày lang thang trên lòng hồ, chúng tôi may mắn gặp được 2 "cao thủ" câu cá hoàng đế chuyên nghiệp, kiếm sống bằng nghề này, đó là anh Quách Duy Nam (31 tuổi) và ông Nguyễn Duy Phương (45 tuổi, cùng ngụ xã Mã Đà). Bằng kinh nghiệm mười mấy năm câu cá hoàng đế của mình, 2 người này nói rằng mùa này (mùa khô - PV) là thời điểm câu cá hoàng đế sướng nhất, bởi vì nước rút cá thường tập trung lại.
Rồi anh Nam ghé sát tôi, bật mí như sợ nhiều người nghe thấy: “Nhưng quan trọng phải biết cái điểm, nơi cá tập trung để mà ra đó câu. Chỗ đó thường gần những cái cồn, mực nước sâu khoảng 2 m, muốn ra đó phải đi ghe”.
Trông thấy vài người băng qua quán nước xuống bến gần đó để câu, anh Nam quay qua cười nhạt: “Tôi nói thiệt, câu cá hoàng đế mà không đi ghe, ngồi trên bờ câu thì chẳng được bao nhiêu con, xem như câu giải trí thôi. Ở đây, người Sài Gòn về thuê ghe (từ 200.000 - 800.000 đồng/chiếc/ngày; tùy loại lớn nhỏ) đi câu quá trời luôn, như vậy mới thú”. Lúc này, ông Phương ngồi bên liền chen vào: “Nhưng ra đó cũng phải biết cách câu, cách đập cần xuống nước sao cho tránh được va chạm với thân ghe. Nếu đụng vô ghe thì đó là đuổi cá đi chứ không còn là dụ nữa, vì cá hoàng đế dị ứng với âm thanh cộp cộp đó”.
Thấy tôi ngóng câu chuyện về công nghệ câu cá hoàng đế một cách say sưa, ông Phương bổ sung thêm: "Thường thì cá hoàng đế ăn theo khung giờ, sáng từ 6 - 10 giờ, chiều từ 14 - 16 giờ. Ngoài giờ đó nó cũng ăn nhưng rất chậm. Cá hoàng đế thường đi theo đàn nên khi đã ăn rồi thì người câu giật mỏi tay, cứ quăng cần xuống là giật cá lên. Thời gian một đàn cá tập trung ăn khoảng 20 phút, sau đó nó bỏ đi, người câu lại chờ đàn cá khác đến". Theo ông Phương, nếu hai người đi câu chung cần phải kết hợp tác chiến một cách nhuần nhuyễn. Một người móc mồi một người câu, làm vậy sẽ câu được nhiều cá hơn.
Về thu nhập, hai người cho biết ngày nào ít thì 5 kg, bán cũng được vài ba trăm ngàn. Ngày nào gặp cả đàn, có khi câu được đến cả 50 kg, kiếm tiền triệu. “Dù thu nhập không ổn định nhưng vẫn đủ sống. Với lại đi câu vậy nó khỏe re, sáng làm một chập, chiều làm thêm chập nữa, còn thời gian rảnh thì tranh thủ làm việc nhà, chứ đi làm thuê cực lắm lại chiếm hết thời gian”, anh Nam cười nói.

Cá hoàng đế nướng, chấm muối tiêu trở thành đặc sản hiện nay. Ảnh: Lê Lâm Cá ngoại lai, giờ trở thành 'lai việt'
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên và hợp tác (thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai - đơn vị quản lý lòng hồ Trị An), cho hay cá hoàng đế có nguồn gốc ở Nam Mỹ (tên khoa học là Cichla ocellaris). Vào khoảng năm 2000, vài hộ dân địa phương đã nhập về, làm bè nuôi trên lòng hồ để bán cá kiểng. Trong quá trình đó có vài con thoát ra tự nhiên. "Có lẽ do điều kiện sống phù hợp, nhiều thức ăn nên giống cá này nhanh chóng phát triển, sinh sôi nảy nở rất nhanh", ông Hiệp cho hay. Cũng theo ông Hiệp, đặc tính của loài này là hung dữ, ăn tạp nên thời gian đầu có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại cá hoàng đế sẽ tiêu diệt cá bản địa, gây mất cân bằng sinh thái. Tuy nhiên điều này đã không xảy ra, ngược lại cá hoàng đế lại đang nằm trong tốp đầu những loài cá được đánh bắt nhiều và mang lại thu nhập cao cho ngư dân. Hiện tại cá hoàng đế được bán với giá khá cao, con to từ 60.000 - 70.000 đồng/kg, nhỏ thì 25.000 - 30.000 đồng/kg. Trên lòng hồ Trị An, đã có người bắt được con cá hoàng đế nặng đến 3 kg. Rồi ông Hiệp ví von: “Nói là ngoại lai nhưng nó sống ở lòng hồ gần 20 năm nay, chắc lai Việt luôn rồi. Và hình như chỉ có ở hồ Trị An thôi, chứ tôi chưa thấy xuất hiện nơi nào khác ở VN”.
Ban đầu không dám ăn, giờ trở thành đặc sản
Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, do ban đầu thấy giống cá lạ, khi đánh bắt được nhiều người không dám ăn, mà đập chết hoặc thả lại xuống hồ. Nhưng sau đó, người dân tình cờ phát hiện ra thịt con cá này rất ngon, ăn béo, ngọt nước, lại không có xương nhỏ, từ đó bắt đầu khai thác bán ra thị trường và rất đắt hàng.
Còn ông Nguyễn Hữu Phước, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, cho hay nhìn bên ngoài cá hoàng đế có vẻ hung tợn như miệng rộng và khỏe, vây trên sống lưng to cứng, lớp da bên ngoài rất dày, nhám. Màu sắc chủ đạo của nó là vàng xen lẫn chấm đen nên người dân gọi là cá hoàng đế, riết rồi thành quen.
|
Lê Lâm |
đăng 06:01 31 thg 10, 2017 bởi Pham Hoai Nhan
Vì Chứa Chan là cung ngắn, có thể đi về trong ngày mà nhiều người đã bỏ qua rất nhiều trải nghiệm tuyệt vời tại đây. Cựa mình, thấy người đau ê ẩm, 2 chân mỏi rã rời, mắt nhắm mắt mở quơ tay tìm chiếc điện thoại tôi bỗng giật mình vì chạm phải thứ gì đó mát lạnh.
Ngồi bật giậy, vội vã kéo roẹt một đường khóa thật dài trên tấm lều, một cơn gió buốt lạnh phả vào mặt, một đám sương trắng xóa cũng ùa theo sau. Thì ra cả đêm qua, chúng vởn quanh chiếc lều làm ướt đẫm cả bề mặt chỉ chực chờ chúng tôi thức giấc và đón lấy.

Đêm trên đỉnh Chứa Chan. Sau khoảng 3 giờ đồng hồ lặn lội trong bóng tối, dầm mình dưới cơn mưa phùn và len lỏi qua những bụi lau, rừng trúc rậm rạp, đúng khoảng 12h đêm nhóm chúng tôi cũng đặt chân lên đến đỉnh của ngọn núi cao thứ 2 Đông Nam Bộ - núi Chứa Chan hay còn gọi là núi Gia Lào, thuộc địa phận huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.
Chứa Chan là ngọn núi không còn mấy xa lạ đối với dân “phượt”, dân leo núi. Tuy nhiên chính vì nó là cung ngắn, có thể đi về trong ngày mà nhiều người đã bỏ qua rất nhiều những trải nghiệm tuyệt vời tại đây.
Thay vì leo ban ngày, nhóm chúng tôi bắt đầu hành trình của mình vào khoảng 21h, vừa lúc trời mát, có chút mưa và đặc biệt trên những chặng dừng chân, có thể ngắm thị trấn lung linh ánh đèn như một bầu trời sao dưới mặt đất.
Bữa tiệc đêm trên đỉnh núi
Lần theo đường cột điện chúng tôi có mặt trên đỉnh núi vào đúng khoảng 12h đêm. Mệt rã rời, đói quay quắt, nhưng ai cũng vui mừng hớn hở vì đã chinh phục được đích đến.

Gà nướng thơm phức bên bếp than đỏ hồng Người phát quang, tìm chỗ trống để dựng lều, người nhóm bếp, chuẩn bị đồ ăn, chẳng mấy chốc mà một bữa tiệc đêm “thịnh soạn” trên đỉnh núi với gà nướng, rượu vang, vài cây xúc xích, quả trứng gà... đã sẵn sàng.
Tiếng than nổ lép bép, ấm áp, mùi gà nướng thơm lừng, ngụm rượu vang nồng nàn. Chúng tôi quên đi những mệt mỏi ban ngày, quên đi phút giây nhộn nhịp thường ngày ở phố xá mà “say” với bạn bè, với thiên nhiên trong lành, tuyệt diệu.
Thức dậy ở nơi xa
Không gì tuyệt vời bằng cảm giác buổi sáng được thức giấc ở một nơi thật xa. Đứng ở đỉnh núi với độ cao 840 m, hơn 7h rồi mà vẫn chưa thấy mặt trời.
Thế nhưng những màn sương dày đặc, trắng muốt cứ thoắt ẩn thoắt hiện, mơn man trên những đám cỏ lau xanh biếc, thi thoảng lại có cơn gió thu lạnh, rùng mình lướt qua mà khoan khoái thấy lạ.

Cây cỏ xanh tốt, sương mù giăng kín lối.

Xa xa phia dưới là khu dân cư huyện Xuân Lộc – Đồng Nai
Cũng do đêm qua lên núi trễ mà cả nhóm phải leo lên vị trí cao nhất mới có chỗ để dựng lều, cuối tuần nên có nhiều nhóm leo núi khá đông, kết quả là sáng mai mở mắt, cả một khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời hiện ra trước mặt.
Giờ đang là mùa mưa, cỏ cây vì thế cũng tốt tươi và xanh mướt hơn, sương giăng giày hơn, gió lạnh hơn và cảm giác cũng thích thú hơn...
Tìm đến một tảng tá thật to, len giữa những đám cỏ bông lau rậm rạp, chúng tôi tranh thủ ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời nhất nơi đây.
Ăn sáng ở nơi thật cao và trong lành
Đêm qua còn ít than sót lại sau khi nướng gà, nhóm dồn cẩn thận vào góc đá, thêm vài nắm gạo, chai nước lọc mang theo, “chị nuôi” của nhóm đã chuẩn bị một nồi cháo gà nóng hổi được hầm nguyên đêm cho bữa sáng.

Món trứng ốp la được chế biến trên núi.

Bữa sáng “sang chảnh” trên đỉnh núi.
Để tạo không khí “sang chảnh’, chúng tôi bày biện một chiếc bàn ăn bằng đá, đặt lên đó ly rượu vang, trái táo, rồi bữa sáng còn có thêm cả bánh mì và trứng ốp la ngon lành.
Người dùng chén nhựa, người dùng nắp xoong hay chiếc chảo nhỏ để ăn, vừa ăn vừa tám chuyện, cười khúc khích, đó là một trong số những bữa ăn đặc biệt của chúng tôi, bữa ăn đáng nhớ của tuổi trẻ ở một nơi thật cao và thật xa...
Ăn sáng xong cả nhóm thu gom đồ đạc, lều võng gấp gọn gàng, rác, túi nilon, chai nhựa đều được chúng tôi gom lại và quảy mang theo trên hành trình xuống núi.
Dân leo núi Chứa Chan có câu quen thuộc: “Lên cột, xuống chùa”, chỉ việc lúc leo lên thì đi đường cột điện, còn khi xuống sẽ men theo con đường cỏ lau rậm rạp rồi ngang qua chùa Bửu Quang, theo các bậc thang đi xuống Lâm Sơn Cổ Tự, nơi có cây đa 3 gốc 1 ngọn cổ thụ linh liêng.

Hành trình xuống núi theo đường chùa.

Bậc thang lối xuống Lâm Sơn Cổ Tự.
Xuống đến chùa cũng vừa đến chân núi. Do vừa đi vừa nghỉ ngơi, thưởng ngoạn nên lúc này trời cũng đã nhá nhem, chúng tôi vội vã trở về điểm gửi xe, chuyến đi kết thúc tốt đẹp hơn cả mong đợi.

Bên cây đa 3 gốc cổ thụ.
Cả nhóm chào tạm biệt nhau và không quên hứa hẹn cho những hành trình mới, dài hơn ở phía trước.
Thanh Sơn Thủy |
đăng 04:25 22 thg 10, 2017 bởi Pham Hoai Nhan
Trekking kiểu nhẹ nhàng ngang qua đồng lúa vàng rực hay con đường quanh co ở bìa rừng Nam Cát Tiên là một trải nghiệm thú vị. Cách Sài Gòn khoảng 160 km về phía đông, để khám phá hết rừng Nam Cát Tiên với diện tích hơn 720 km² thuộc địa phận ba tỉnh Đồng Nai - Bình Phước - Lâm Đồng, bạn phải đi theo kiểm lâm và tốn đến vài ngày vào sâu trong rừng. Tuy nhiên, nếu thời gian eo hẹp thì chỉ cần một hoặc hai ngày cuối tuần, bạn cũng có những trải nghiệm khó quên.

Phương tiện di chuyển từ Sài Gòn:
- Các tuyến xe du lịch chất lượng cao đi Đà Lạt từ trung tâm thành phố có dừng ở ngã ba Tà Lài - ngã ba vào rừng với giá 170.000 đồng/người/chiều.
- Mua vé xe đến thẳng cổng vườn quốc gia Nam Cát Tiên tại bến xe miền Đông với giá khoảng 80.000 - 100.000 đồng/người/chiều.
- Đi xe máy hướng lên Đà Lạt, men theo đường quốc lộ 1A, rẽ trái vào quốc lộ 20 tại ngã ba Dầu Giây để đến ngã ba Tà Lài. Tuy nhiên bạn không thể mang xe máy vào vườn quốc gia.
Lưu ý với những người đi xe khách, dừng tại ngã ba Tà Lài phải bắt xe đi tiếp vào vườn quốc gia:
- Nếu đi nhóm đông thì nên thuê xe 7 chỗ, giá khoảng 400.000 đồng/xe/chiều. Liên hệ tại quán cà phê đầu ngã ba.
- Xe ôm giá 100.000 đồng/người/chiều.
- Nếu có sức thì đi bộ, đoạn đường khoảng 10 km.

Vé vào cổng đối với người lớn là 60.000 đồng. Học sinh, sinh viên chỉ phải trả 20.000 đồng. Trekking trong rừng rất thú vị. Không quá tốn sức như những chặng đường rừng khác, ở bìa rừng đường đổ bê tông bằng phẳng, vài đoạn nhỏ, hẹp, cây cối um tùm thì nên cẩn thận tránh bị côn trùng cắn. Vô càng sâu càng mát vì nhiều cây lớn. May mắn có thể gặp các loại động vật quý hiếm như voọc bạc, voọc chà vá chân đen, cu li, vượn đen...
Khoảng thời gian lý tưởng để đi rừng là từ tháng 12 đến tháng 5 vì đây là mùa khô, đặc biệt vào tháng 3 mùa lúa chín vàng. Những tháng còn lại trong năm thì phải để ý thời tiết thật kỹ trước khi lên đường, tránh trời mưa ẩm ướt, nhiều vắt. Trong rừng có đoạn đi bộ qua ruộng lúa, đồng bắp khá đẹp. Tuy hơi nắng, nóng nhưng lại là địa điểm chụp ảnh không thể chê được. Hầu như không có quán ăn dọc đường, chỉ có một quán nước nhỏ cạnh bờ sông, vài quầy trái cây ven đường ngay cổng vào. Vì thế bạn nên chuẩn bị sẵn đồ ăn và nước uống mang theo. Nếu bạn không có sức để trekking thì thuê xe đạp với giá 30.000 đồng/giờ. Thuê xe jeep (giá khứ hồi khoảng 500.000 đồng/xe, chở được 5 - 7 người) để đến khu Bàu Sấu - địa điểm không thể bỏ qua khi thăm Nam Cát Tiên (giá vé vào Bàu Sấu: 140.000 đồng/người).

Ngoài ra, cắm trại qua đêm ở Nam Cát Tiên là một thử thách đáng trải nghiệm. Chọn một địa điểm bằng phẳng, an toàn rồi nhóm lửa dựng lều. Đừng quên mang theo đèn pin để tự khám phá khu vực xung quanh vào ban đêm hoặc đăng ký tour xem thú đêm bằng xe jeep. Giá cả tùy vào số lượng người trong đoàn.
Một số lưu ý nhỏ khi đi rừng:
- Đem theo bình xịt côn trùng vì khá nhiều vắt và muỗi.
- Kem chống nắng là vật bất ly thân.
- Nên mặc áo dài tay và quần dài.
- Đạp xe mùa nắng rất vất vả, tốn sức dù có đoạn đường nhiều cây to. Cần chuẩn bị đủ nước uống.
Vi Yến - Ảnh: Nguyễn Thế Bảo |
đăng 08:08 20 thg 6, 2017 bởi Pham Hoai Nhan
Anh bạn tôi người thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai kể một câu chuyện như giai thoại với đầy vẻ tự hào. Một buổi tối, anh và mấy người bạn ngồi uống cà phê, đang vui chuyện thì một anh bạn có việc phải lên TPHCM gấp, anh Hùng một người trong nhóm, tận tình lấy xe hơi chở anh bạn đi cho nhanh. Loáng một cái đã thấy anh Hùng quay lại, cữ cà phê chưa vãn… Giao thông vận tải là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của một địa phương. Và điều đáng mừng, Long Khánh có lợi thế ấy.
Xe khách đến tận nhà, container vào tận rẫy Kể từ khi khánh thành đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây vào ngày 8-2-2015 (vốn đầu tư 20.630 tỷ đồng), việc đi lại từ các địa phương về Long Khánh rất thuận tiện. Tôi đặt xe khách của hãng Kim Mạnh Hùng từ ngã tư Hàng Xanh (TPHCM) về Long Khánh, hỏi nhân viên của hãng xem đi mất bao nhiêu thời gian, cô ấy cười tươi tắn trả lời: “Có 50 - 55 phút thôi anh”. Ngồi xe ghế êm, máy lạnh mát rượi, đi vèo một cái đã về tới thị xã Long Khánh, xe đỗ tận cửa nhà. Ông Phạm Văn Hoàng, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Long Khánh, cho biết: “Long Khánh nổi tiếng với dịch vụ xe khách chất lượng cao. Các nhà xe Kim Mạnh Hùng, Cúc Phương, Cường Thủy có gần 200 đầu xe, chạy đan xen nhau với mật độ 10 phút/chuyến, từ 4 giờ sáng đến 6 giờ chiều, đưa đón khách tận nhà ở khu vực thị xã Long Khánh, huyện Xuân Lộc, huyện Cẩm Mỹ… Không chỉ vận chuyển khách, các nhà xe còn giúp người dân giao thương hàng hóa rất thuận tiện. Muốn mua gì, chỉ cần gọi điện, nhắn tin báo chủng loại, số lượng, địa chỉ… là nhà xe giao tận nơi. Sắp tới, khi đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết hoàn thành, giao thông vận tải từ Long Khánh đi, về càng thuận tiện hơn”. 
Một góc thị xã Long Khánh Ảnh: BẰNG VÂN
Về Long Khánh, tôi ngỡ ngàng khi thấy xe máy, ô tô bon bon trên những tuyến đường trải nhựa, đổ bê tông vào đến tận ấp, rẫy. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân đóng góp gần 75% trên tổng giá trị đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng. Bà con tự nguyện đóng góp đất đai, tiền mặt để cùng chính quyền lo việc lớn. Đại đức Thích Hạnh Tín, trụ trì chùa Huyền Trang (ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang) là tấm gương tiêu biểu trong số ấy. Thầy đã hỗ trợ và vận động phật tử được 1,25 tỷ đồng làm đường bê tông dài 1,5km ở tổ 9, ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang và hàng chục triệu đồng cho quỹ chung tay xây dựng nông thôn mới tại địa phương, ủng hộ 500 bao xi măng để xây dựng 5 tuyến đường bê tông trên địa bàn thị xã. Từ năm 2009 đến 2014, toàn bộ các tuyến đường của 9 xã nông thôn (dài 194km) đã được đầu tư nâng cấp, tu sửa toàn diện.
Nhờ giao thông thuận tiện, xe container có thể vào tận xưởng trong rẫy để chở hàng nên các nhà đầu tư nô nức đổ về làm ăn tại Long Khánh. Hiện tại, hai khu công nghiệp trên địa bàn thị xã là Long Khánh và Suối Tre với diện tích 450ha đã được các nhà đầu tư đăng ký lấp đầy, trong đó 26 nhà đầu tư đã xây dựng nhà xưởng trên diện tích 81,46ha và đi vào sản xuất kinh doanh hiệu quả. Ngoài hai khu công nghiệp trên, thị xã cũng tiếp tục đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Bàu Trâm để đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Công ty TNHH Thiện Minh (xã Suối Tre, thị xã Long Khánh) chuyên chế biến hạt điều với hai nhà máy đặt tại xã Suối Tre và xã Bảo Quang đã tạo việc làm cho gần 500 lao động tại khu vực nông thôn, trong đó có gần 40% người dân tộc thiểu số.
Thu nhập tăng 9,2 lần
Thị xã Long Khánh có 15 đơn vị hành chính, diện tích tự nhiên 195km2, dân số 143.650 người. Thị xã có 6 phường, 9 xã, dân số khu vực nông thôn chiếm 60% với 16.465ha đất nông nghiệp, chiếm 85% diện tích tự nhiên. Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, thị xã đã tập trung mọi nguồn lực phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất, sản lượng, giá trị sản phẩm.
Giá trị sản xuất nông nghiệp của thị xã Long Khánh tăng bình quân 6,1%/năm, tỷ trọng chăn nuôi chiếm 35% giá trị sản xuất nông nghiệp. Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất nông nghiệp bình quân 150 triệu đồng, tăng 2 lần so với năm 2009; lợi nhuận bình quân trên 1ha 105 triệu đồng, tăng 2,1 lần so với năm 2009; cá biệt, nhiều vùng bà con trồng tiêu, sầu riêng thu được 250 - 350 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận 150 - 250 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn của Long Khánh đạt 38,6 triệu đồng/năm. Trước đây, thu nhập của nông dân ở mức từ 50 - 60 triệu đồng/năm thì nay vươn lên 200 - 300 triệu đồng/năm với nhiều mô hình trồng cây đặc sản như ca cao, chôm chôm Thái, sầu riêng, ổi… đạt chuẩn VietGAP.
Nói về ca cao ở Đồng Nai, không thể không nhắc đến ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và phát triển nông nghiệp Nguyên Lộc ở xã Hàng Gòn, thị xã Long Khánh. Ông Lộc năm nay 68 tuổi, là người đầu tiên mang cây ca cao về trồng trên đất Long Khánh. Năm 2003, khảo sát thấy thổ nhưỡng, khí hậu ở đây thích hợp với việc trồng cây ca cao, ông đã thành lập công ty và mang cây giống ca cao về trồng. Ca cao trồng phải có cây che bóng mát mới phát triển tốt nên ông Lộc trồng xen với các loại cây điều, chôm chôm, mít, vừa tận dụng được diện tích vừa tăng thu nhập. Không phải chăm sóc gì đặc biệt, sau 3 năm cây ca cao cho thu hoạch. 
Công nhân của Công ty TNHH đầu tư và phát triển nông nghiệp Nguyên Lộc đang tách hạt ca cao Trái tươi cắt về để 5 ngày cho lên men rồi công nhân chặt cùi, tách lấy hạt phơi khô, sơ chế… sau đó bán cho Công ty TNHH Puratos của Tập đoàn Grand-Place để họ chế biến thành sôcôla. Phần cùi, ông Lộc ủ men làm nước giải khát, rượu. Khi đã tạo được đầu ra ổn định cho sản phẩm, ông Lộc mời gọi và ký hợp đồng với hơn 200 hộ nông dân ở 5 huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, 2 huyện ở tỉnh Bình Thuận. Các hộ gia đình được công ty cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Tính đến nay, công ty đã có vùng nguyên liệu rộng hơn 300ha, sản lượng bình quân 150 tấn hạt khô/năm. Ông Lộc cho biết: “So với các loại cây công nghiệp như cà phê, cao su thì giá ca cao ổn định nhất. Hiện nay, mỗi hộ dân ký hợp đồng với chúng tôi đều thu hoạch trung bình từ 2 tấn trái/năm nên có công ăn việc làm và thu nhập ổn định”. Cũng theo ông, hiện tại nguồn nguyên liệu ca cao tại tỉnh Đồng Nai chỉ mới đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu thị trường nội địa. Chỉ tính riêng khách hàng chính của Nguyên Lộc là tập đoàn Grand-Place, công ty đã không đủ hàng để cung cấp. Ngoài ra, nhiều tập đoàn nước ngoài cũng tìm đến đặt vấn đề thu mua ca cao với sản lượng lớn vì thị trường thế giới cũng cung không đủ cầu.
Long Khánh có vị trí địa lý thuận lợi, giao thông thuận tiện, đất đai phì nhiêu, khí hậu mát mẻ quanh năm. Điều kiện ấy đã hun đúc nên những thế hệ dân cư hiền hòa, chăm chỉ và rất năng động trong sản xuất kinh doanh. Đến như cọng rơm là thứ mà hầu như nông dân trên khắp cả nước thường chỉ biết đốt hoặc làm thức ăn cho gia súc thì nông dân Long Khánh đã biết đầu tư máy móc để cuốn rơm thành từng cuộn để xuất khẩu sang Nhật Bản.
Ông Hồ Văn Nam, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Long Khánh, cho biết: “Về thành tựu, không gì chứng minh rõ nét cho bằng thị xã Long Khánh là đơn vị đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2014. Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm trên địa bàn là 15%; cơ cấu kinh tế dịch chuyển đúng định hướng, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp; thu nhập bình quân đầu người/năm tăng từ 8,4 triệu đồng năm 2004 lên 77,5 triệu đồng năm 2015, tăng 9,2 lần”.
Đến Long Khánh hôm nay, mọi người sẽ không khỏi ngỡ ngàng vì kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn luôn được gắn kết, đường làng ngõ xóm phong quang, sáng - xanh - sạch - đẹp, hướng đến một đô thị xanh, văn minh và hiện đại, trở thành đô thị hạt nhân của tỉnh Đồng Nai.
|
|