Khi còn
sống đã có không ít giai thoại ly kỳ về bản thân, về gia đình và về ngôi
nhà rất đặc biệt của mình; khi mất, chú Hỏa lại gây tò mò bởi những bí
ẩn tiếp nối về nơi mình được chôn cất. Vì sao?
Những chiếc lá tìm về cội
Tháng
7-2006, vài thành viên trong dòng họ Hui Bon Hoa từ Pháp trở về, mục
đích thăm lại cảnh trí cũ, mồ mả cha ông và tìm hiểu lịch sử gia đình.
Họ ngụ tại khách sạn Majestic, “Nơi ông cố của chúng tôi đã xây dựng từ
thập niên 20 của thế kỷ trước, với sự giúp sức của một kiến trúc sư
người Pháp và hoàn tất vào năm 1925. Hiện trang web của khách sạn, ở
phần lịch sử cũng có ghi, tuy sai một chút ở tên ông tôi” - một thành
viên trong đoàn tên Eddie Hui-Bon-Hoa - cho biết.
Tháng
4-1975, Eddie theo gia đình sang Pháp khi còn trong bụng mẹ. Những thành
viên trong dòng họ Hui Bon Hoa ghé thăm ngôi nhà lừng lẫy của dòng họ
và tỏ ý hài lòng thấy nơi đây giờ trở thành một bảo tàng lớn của thành
phố. “Có lẽ đây là thay đổi tốt nhất đối với ngôi nhà bởi chúng tôi luôn
có thể vào tham quan và chí ít chúng tôi cũng có thể biết được tình
trạng bảo quản nó” - Eddie chia sẻ. Có thể điều duy nhất khiến họ không
hài lòng là nhìn thấy một sân chơi cầu lông thô sơ ngay giữa khoảng sân
đẹp nhất của ngôi nhà, ít nhiều phá đi màu sắc và không gian tổng thể,
đồng thời làm vơi đi vẻ cổ kính và mỹ quan của một bảo tàng.
Bà
Nguyễn Thị Đức, Giám đốc bảo tàng đã tiếp đón các thành viên gia đình
Hui Bon Hoa một cách thân tình và cử người tháp tùng đoàn trong các
chuyến tham quan. “Các thành viên đều thuộc đời cháu của chú Hỏa, họ lại
sống ở nước ngoài khá lâu nên ký ức về gia đình trước đây không còn
nhiều, dù chúng tôi có ý tìm hiểu” - bà Đức cho biết.
Bí ẩn bao trùm
Rất
nhiều người cao tuổi vẫn còn nhớ, khi mất chú Hỏa đã được gia đình an
táng ở khu vực gần núi Chiêu Thái (nay là núi Châu Thới). Họ nói chú Hỏa
đã xem phong thủy rất kỹ mới chọn khu vực này, vì đó là nơi có long
mạch hiếm thấy, thích hợp làm nơi an nghỉ, đồng thời con cháu nhiều đời
sau nhờ đấy mà làm ăn thịnh vượng.
Nơi đây có 2 ngọn núi thấp
(Bửu Long và Long Ẩn), là nơi “rồng ngủ”. Nếu quan sát từ trên cao sẽ
thấy ngôi Bửu Long cổ tự kết hợp cùng các gò đống lồi lõm uốn quanh, cấu
thành hình một con rồng khổng lồ, nằm vắt ngang qua lưu vực sông Phước
Long (ấp Tân Lại, xã Tân Thành). Địa danh Bửu Long và Long Ẩn ra đời từ
đây và cũng không phải ngẫu nhiên mà tên gọi các địa danh quanh đây đều
có chữ “Long” như Phước Long, Long Phước, Long Khánh, Long Tân, Bình
Long, Long Hưng, Long Bình… Theo đó, núi Long Ẩn là đầu rồng, chuỗi gò
đống nối dài kể trên là mình rồng uốn khúc và núi Châu Thới phía Nam là
đuôi rồng vểnh cao. Đầu rồng quay về hướng Bắc, ngậm “trái châu” là khu
vực Bình Điện.
Cũng theo những người cao tuổi, tâm nguyện của chú Hỏa là được quay đầu về phương Bắc cố quốc.
Hài cốt chú Hỏa nằm ở đâu trong những ngôi cổ mộ này?
Từ
những thông tin rất sơ sài trên, chúng tôi đi tìm lại ngôi mộ của chú
Hỏa. Từ chân lên đến tận đỉnh núi Châu Thới có một số ngôi mộ cổ, đơn sơ
lẫn hoành tráng nhưng được biết trong đó không có mộ của chú Hỏa.
“Ngược trở lại khoảng 1 cây số về hướng Bình Dương, nơi có một con dốc
mang tên chú Hỏa, quẹo tay phải, vào chừng vài trăm mét, tiếp tục hỏi
thăm những người dân nơi đó là ra” - một người chạy xe ôm cho biết.
Dốc
chú Hỏa thuộc quốc lộ 1K (đường Kha Vạn Cân cũ), xã Bình An, huyện Dĩ
An, tỉnh Bình Dương. Quẹo vào một con đường đất hẹp, bên cạnh lò thiêu
xác công nghệ cao khá quy mô là một nghĩa trang cũ của người Hoa với bạt
ngàn mồ mả rất đặc trưng. Mộ chú Hỏa không nằm trong khu vực ấy. Một
nhân viên khu lò thiêu chỉ dẫn: “Vào nhà dân mà hỏi, vì hình như người
ta đã… xây nhà lên mộ của ông ta” (!).
Hỏi thăm vài người dân quanh
đấy, lạ sao ai cũng cho biết “mộ chú Hỏa nằm đâu đó trong khu vực dân cư
này” - họ nói - nhưng hầu như chẳng ai biết nơi chính xác.
Tại
khu nhà khá lụp xụp, có vẻ như là khu dân cư mới với nhiều ngôi nhà vừa
cất mới toanh, đường đất, rào thưa trồng râm bụt, một người đàn ông
trung niên hỏi lại chúng tôi: “Lăng và mộ chú Hỏa nhiều lắm, bốn năm
cái, muốn tìm cái nào?” (?!). Những người khác góp chuyện: “Không hiểu
sao nhiều người đi tìm mộ chú Hỏa thế nhưng hình như chưa ai biết đích
xác nó ở đâu”. Một người khác chỉ “Ở đây”; người khác nữa nói “Ở kia”;
thêm vài người chêm vào: “Đó chỉ là mộ giả, mộ rỗng thôi. Mộ thật không
ai biết hết”.
Hài cốt chú Hỏa vẫn còn tại VN?
Cuối
cùng, chúng tôi cũng tìm ra ngôi nhà của một người cháu chú Hỏa, tên
Lương, đang ngụ tại chính khu vực này, ở phía tận cùng của một con hẻm
nhỏ, vắng. Ngôi nhà trệt to, gần như to nhất xóm và đẹp, xung quanh có
vườn rộng trồng nhiều cây trái và nuôi nhiều chó dữ. “Ông Lương không có
nhà” - vợ và con ông nói với qua cổng rào. Bà còn cho biết ông Lương
lãng tai, rất khó tính và không thích tiếp khách, do trước đây có nhiều
người nhận là con cháu xa, lân la hỏi thăm mộ chú Hỏa. Thế nhưng khi ông
Lương truy nguồn gốc, lai lịch thì họ đều ấm ớ. Bà cho biết mộ chú Hỏa
đang ở tận bên… Tàu. Chúng tôi hỏi, vậy con cháu chú Hỏa vừa từ Pháp về
thăm mộ ai? Bà Lương lại nói họ đã bốc hài cốt chú Hỏa và mang theo về
Pháp rồi (!). Và bà nói những cái mộ nằm lẫn trong nhà dân là mộ của các
chú Mười Một, Mười Hai… (con thứ 11, 12 của chú Hỏa - PV).
Chú
Hỏa và gia đình ông cố tình tạo nhiều ngôi mộ giả nhằm đánh lạc hướng dư
luận? Thực chất có thể chú Hỏa vẫn nằm lại Việt Nam, đầu hướng về cố
quốc, như tâm nguyện trước lúc vĩnh viễn ra đi, mang theo mình những bí
ẩn và huyền thoại chưa bao giờ ngớt xôn xao.
Một nhà nghiên cứu
lịch sử thành phố cho biết, sở dĩ cho đến nay hầu như không ai biết thực
chất chú Hỏa hiện đang “nằm” ở đâu, rất có thể bởi 2 lý do sau: 1. Do
phong tục, người Hoa thường táng theo người chết nhiều đồ quý giá. Người
lừng lẫy như chú Hỏa không thể không chôn theo nhiều báu vật. Nếu suy
luận này đúng sẽ không ít kẻ chực chờ để đào trộm mồ mả chú, mong vớ bở.
2. Nơi chôn cất chú Hỏa nếu được xem như “long mạch” theo địa lý, phong
thủy thì con cháu rất sợ để người ngoài biết, long mạch bị chạm sẽ gây
bất ổn cho gia đạo.
SONG PHẠM
(SGGP Online)