Mail cho vài người bạn xem những tấm ảnh chụp trên đường có hàng cây đang thay lá đủ màu vàng, nâu, đỏ…; dưới mặt đường là những thảm lá khô hay từng mảng hoa dại, ai cũng hỏi tôi: “Mới đi nước nào về vậy?” Ý nghĩ từ lâu trong tôi rằng “Đồng Nai có gì mà du lịch!” đã thay đổi. Tôi khoái chí khoe bạn: “Mình vừa du ngoạn thác Mai về!” Giữa rừng ngắm cây thay lá ![]() Nhóm bạn liệt kê những nơi hoang sơ mà dân du lịch “bụi” hay đến ở Định Quán, Đồng Nai. Nghe địa danh thác Mai – bàu Nước Sôi khá lạ, tôi đề nghị đi thử. Đến lúc này, anh Bình – một tay chuyên thiết kế du lịch “bụi” mới tiết lộ anh đã đến thác Mai vài lần. Anh kể, mai rừng mọc nhiều ở khu vực gần thác, có lẽ vậy mà có tên thác Mai. Chỉ hơn hai tiếng đi ôtô từ TP.HCM theo quốc lộ 20 hướng về Đà Lạt, đến ngã ba Thanh Tùng, chúng tôi đã thấy tấm bảng hướng dẫn đường vào thác Mai – bàu Nước Sôi. Để khai thác du lịch, địa phương đang mở rộng lối mòn cũ thành con đường vừa hai ôtô lớn chạy ngược chiều nhau. Chỉ mất 30 phút cho 22km, nhưng đi chừng 10km đã hiện ra những hàng cây rừng hai bên đường đang thay lá với màu vàng, nâu, đỏ, xanh non chen lẫn nhau tuyệt đẹp. Trên mặt đường chưa rải nhựa, hoa dại vươn lên khoe sắc thành từng thảm bên cạnh những mảng lá khô. Bấm tấm ảnh đầu tiên, mọi người buột miệng: “Tìm đâu xa nơi có mùa cây thay lá!”. Ông Giang Văn Thuận, trưởng phòng tổ chức hành chính Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Phú cho biết: mùa cây thay lá từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau, cũng là mùa khí hậu ở đây mát mẻ nhất. Chúng tôi thả bộ chụp ảnh, vào bàu Nước Sôi cảnh vật đã níu chân người. Cánh rừng dày ôm quanh bàu đang thay lá, đổ bóng xuống mặt nước phẳng lặng, trong như gương. Nghe suối nhạc giữa rừng nguyên sinh Đôi lần thấy mấy chú gà rừng chạy ra đứng giữa đường ngơ ngác và nghe tiếng rì rào của thác nước. Thác Mai là một trong những thắng cảnh được tạo thành khi dòng sông La Ngà lượn qua những ghềnh, bãi đá mênh mông, rồi xuyên rừng đổ ra sông lớn Đồng Nai. Ông Thuận cho biết, ban quản lý rừng phòng hộ Tân Phú đang quản lý 14.000ha rừng ở đây. Trong đó chiều dài sông La Ngà chảy qua địa phận lâm trường tới 40km, đi đến đâu sông hợp với rừng, với ghềnh, bãi đá tạo cảnh quan đẹp đến đó. Khu vực thác Mai đã được đầu tư cho khách tham quan là 12ha, bàu Nước Sôi 7ha. Thác Mai trải dài cứ đoạn nước lững lờ như hồ, rồi lại đến đoạn nước chen lấn đổ ào; xoáy vào những tảng đá tung bọt trắng xoá. Một quần thể đá được dòng nước gọt giũa qua thời gian tạo thành những hình thù kỳ thú nối dài, trải rộng hai bên bờ hoặc kết nối ở giữa dòng. Vừa chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của thác Mai, nhóm chúng tôi nghỉ chân trên tảng đá rộng như chiếc giường đá giữa một bên là nước chảy róc rách êm tai với một bên nước chảy xiết đổ thành thác. Những cung bậc thanh âm của nước trong cảnh hoang sơ rừng nguyên sinh khiến mọi người ngây ngất... Nhiều cây cổ thụ có rễ dây dài, to xoắn lại, các bạn trẻ bám vào rễ đong đưa thích thú. Ông Thuận cho biết, hết mùa cây rừng thay lá, sang tháng tư đến tháng sáu sẽ là mùa hoa rừng nở, thác Mai – bàu Nước Sôi lại đẹp ở một góc nhìn khác. Mấy năm nay, thác Mai đã trở thành nơi các đôi nam nữ chọn chụp ảnh cưới. Cả trong ngày Tình nhân, những đôi bạn trẻ cũng tìm cảm xúc tình yêu ở chốn hoang sơ, lãng mạn này. |
Ký sự & Suy ngẫm >