đăng 08:30 28 thg 5, 2013 bởi Pham Hoai Nhan
[
đã cập nhật 17:32 28 thg 5, 2013
]
Vừa
tự hào vừa hơi lo, tôi dẫn người bạn Pháp Andre về thăm vùng quê nghèo
Đồng Nai để giải đáp câu hỏi mà Andre không trả lời nổi: “Trái gì mà hạt
lủng lẳng giữa trời?”. 
Tôi
đưa Andre tới xứ điều bằng chuyến phà đi Cát Lái vào sáng sớm tinh mơ,
khi đôi bờ sông Sài Gòn mới tỉnh giấc, lấp lánh ánh bình minh hồng rực
phản chiếu muôn màu lộng lẫy.
Xế trưa, chúng tôi tới Đồng Nai và
câu giải đáp cho Andre hiện ra ngay trước mắt: điều bạt ngàn muôn khu
rừng bất tận, hàng loạt vườn điều lốm đốm trái đỏ vàng rực như hải đăng
chấp chới giữa lùm lá xanh um.
Chúng tôi ghé vô nhà người quen,
rồi đi dạo dưới các tán điều cổ thụ trái chi chít, giơ tay hái liền cả
chùm chín mọng, cắn miếng nhỏ thôi nước tươm ào ào mát rượi. Quả là trái
duy nhất hạt bên ngoài treo tòong teng giữa trời, hạt ra đời trước trái
mới ngộ! Lũ bìm bịp, sáo đen, sáo nâu tranh nhau mổ điều trên cành loạn
xạ um xùm. 
Bàu Sấu
Chủ
nhân mời chúng tôi điểm tâm một món cây nhà lá vườn ngon tuyệt trần là
bún điều non nấu chem chép. Điều non xanh đọt chuối bằng ngón tay được
nấu chung những con chem chép mập ú, trắng bóc, chất chát của điều thành
ra ngọt lịm hòa quyện cùng thanh tao của thịt chem chép dai dai, giòn
giòn. Người
nấu phải thực sự tinh tế khi biết rằng điều non phải nấu ngay khi lìa
cành mới tinh khôi, còn để quá chừng giờ đồng hồ là lạt nhách.
Tiếp
tục hành trình trên xứ đất đỏ mù mịt bụi, xuyên qua cả chục cây số rừng
cao su mới tới thác Xuân Sơn nằm trên huyện Châu Mộc (*). Xem thác thường
giữa mùa mưa trở đi mới đẹp, nhưng Xuân Sơn đúng nghĩa “núi của mùa
Xuân”, đã qua mùa mưa gần mấy tháng mà thác nước vẫn chảy róc rách trong
veo.

Thích
nhất là được lội bộ ngang dọc lòng thác, nước ngập tới đầu gối, đá xếp
chồng chất gập ghềnh. Nước mát lạnh thấy rõ cả đáy lẫn những con cá trốn
chạy quanh các hốc đá.
Thác
có nhiều tầng, tầng cao nhất trên thượng nguồn bao quát cả vùng, xa xa
dòng sông Ray êm đềm lượn lờ giữa bãi ngô, đồng cỏ hệt một bức tranh
thủy mạc hiền hòa. Du khách ngồi trên mỏm đá nhâm nhi múi mít Tố nữ thơm
phưng phức, gió mát lồng lồng, ngắm bức tranh đá lăn tăn hình thù ngộ
nghỉnh quanh thác sảng khoái vô cùng!
Chúng
tôi men theo quốc lộ 20 để tới rừng Nam Cát Tiên. Qua phà, chúng tôi
mướn hai chiếc xe đạp rồi thủng thẳng tới Vườn quốc gia, đặt phòng ngủ
qua đêm trong rừng rồi tà tà thám hiểm khu rừng rộng lớn. 
Bướm
không hiểu sao mà nhiều quá, bay rợp trời, quấn quít quanh hai chiếc xe
của chúng tôi, đủ màu sắc rực rỡ, cứ chấp chới xanh, trắng, vàng, nâu,
tím, như những đám mây hồ điệp tưng bừng. Không gian im lắng chỉ có
tiếng chim hót, vượn hú và muôn vàn tiếng thú rừng lạ lẫm, cổ thụ cao to
vút không thấy ngọn.
Bắt đầu băng đường mòn nên chúng tôi phải
đi bộ, lâu lâu dây leo ngoằn nghèo hệt bầy rắn đan thành lưới nhìn hơi
ghê ghê. May mắn chuẩn bị đầy đủ vớ dày và thuốc chống vắt nên an toàn
tha hồ ngắm nghía các bác cổ thụ to cả chục người ôm không xuể.
Lâu
lâu đám voọc đu bay ào ào, có con núp trên cao thò ngược đầu xuống tò
mò nhìn hai du khách lạ, mắt tròn xoe hệt đứa con nít trong khi lông râu
trắng xóa giống ông già.
Bàu Sấu với bèo, cỏ lát quyến rũ khách
phương xa ngay với phong cảnh liêu trai huyền ảo, chèo xuồng quanh bàu
mặt nước phẳng lặng, mây trôi in bóng xuống bàu mà cứ tưởng sương khói
lãng đãng quanh mình. Tụi le le líu chíu bơi lặn kiếm cá từng đàn tỉnh
bơ không hề sợ sấu bắt. 
Cổ thụ trong Vườn Quốc Gia
Mà
cũng lạ, chúng tôi chẳng thấy dáng con cá sấu nào cả, toàn chim là
chim. Chim trĩ đỏm đáng khoe bộ lông hung đỏ, đuôi dài thòng, cò trắng,
cò xanh, vạc... lớp lững thững trên mấy vạt cỏ ven nước, lớp bay đập
cánh phành phạch.
Chiều dần buông tấm thảm hồng rực
khắp bầu trời, ánh mỹ miều ấy càng làm lung linh thêm sóng nước quanh
bàu các rặng núi xa xa như ẩn như hiện, xuồng trôi bập bềnh giửa muôn ảo
ảnh nên thơ lãng mạn.
Nam Cát Tiên dạo chơi cả tuần chưa hết
thắng cảnh đẹp, thác, suối, trảng cỏ, đồi... nhiều lúc không gian sực
nức hương thơm của các loại gổ quý hay dây leo bông màu hồng, tím,
trăng...
Theo lời khuyên của ông kiểm lâm, sau khi từ giã Nam Cát
Tiên, chúng tôi tới thăm Mộ cự thạch Hàng Gòn (còn gọi là mộ Ông Đá) ở
xã Xuân Tân - Long Khánh, đã được xếp hạng Di tích quốc gia và là một
trong mười di tích quan trọng ở Nam Bộ. 
Mộ cự thạch Hàng Gòn
Mộ
được phát hiện vào năm 1927, ngôi mộ có kết cấu hình hộp chữ nhật, dài
4,2m, ngang 2,7m, cao 1,6m được ghép bởi 6 tấm đá hoa cương. Kỳ lạ nhất
là đá hoa cương không thể nào tìm thấy trên đất Đồng Nai và với trọng
lượng kinh hoàng cả ngàn người mới khiêng nổi.
Các
trụ đá dài, khoảng 30-40 tấn, ngay cả đền Angkor (Campuchia) cũng không
thấy những tảng đá nặng như thế. Ai là chủ nhân đích thực của ngôi mộ
này? Những bí ẩn về ngôi mộ Hàng Gòn vẫn còn đó như một thách thức cho
nghiên cứu khoa học.
Đây
là điều bí ẩn mà các nhà khoa học khắp nơi trên thế giới chưa thể giải
thích nổi. Nghe nói dưới mộ có một con kênh ngầm thông ra sông Đồng Nai
vì mùa mưa xung quanh ngập chứ người dân quanh vùng chưa bao giờ thấy
ngôi mộ ngập úng bao giờ.
Dù đã trả
lời được câu hỏi khó nhưng Andre vẫn tiếc nuối khi chia tay xứ điều đất
đỏ và vẫn còn đó một câu hỏi bí ẩn khác mà anh hẹn lần sau sẽ trở lại để
khám phá...
Doanh nhân SG online - 18/04/2012
(*) Tác giả nhầm, thác Xuân Sơn hay còn gọi là thác Hòa Bình hay thác Sông Ray không thuộc Đồng Nai mà thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu. Cũng không có huyện Châu Mộc, thác Xuân Sơn nằm trên địa phận huyện Châu Đức, ở vị trí tiếp giáp huyện Xuyên Mộc (cả 2 huyện này đều thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu). (Chú thích: Phạm Hoài Nhân)
|
|